Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (9)

Vẫn còn trong tình huống đời sống thực vật, lúc tỉnh, khi mê, Đại Vệ
có cảm tưởng như vừa trồi lên khỏi mặt một lượng hải triều của giấc
ngủ triền miên, làm cho nó phải ngụp lặn mê man. Nó cảm nhận được sự
hiện diện của hai tay, hai chưn, cái đầu nặng trĩu mà mẹ nó vừa chêm
lên bằng một cái gối và cả ống nước biển chuyền tiếp mạch sống cho
nó. Nó cảm thấy được thân xác của nó còn nguyên vẹn, nằm thừ ra đó,
ép sát vào chiếc giường. Nó nghe văng vẳng tiếng nói của mẹ nó, như
từ trên không trung ập xuống, oang oang:
- Đại Vệ! Mày có nghe gì không? Mẹ đây... Trời! Mí mắt nó nhấp nháy!
Nó đã cử động được rồi! Thật là may mắn, không uổng công, mấy mũi
thuốc đã có hiệu quả. Mày sống trở lại rồi Đại Vệ ơi! Dẫu sao đi
nữa, tao cũng ráng tìm cách cho mày ra khỏi đất nước này.
Mẹ nó khe khẻ ru cho nó bài hát mà bà thường đu đưa cho nó nghe,
thuở nó còn nằm nôi:
"Cầm lấy bút lông như múa kiếm
"Đảng ta là cha, là mẹ
"Ai mà chỉ trích Đảng
"Sẽ sa vào ngục tối âm u.
Lúc đó cứ nghe tiếng hát là nó im tiếng khóc, nhưng bây giờ thì làm
sao mà nó yêu thích bài hát này. Cũng chả cần, miễn là nó nghe được
tiếng nói của mẹ nó...
* * *
Hôm nay là ngày 23 tháng Tư năm 1990. Đại Vệ đã ra khỏi nhà thương
được vài ba tháng rồi. Bác sĩ có cho biết là những người bị hôn mê
như nó thường chỉ sống được năm sáu tháng. Nhưng, nay nó vẫn còn
sống. Mẹ nó đã bảo là đừng có đi biểu tình mà nó vẫn không chịu
nghe. Thôi, nó cứ hôn mê cũng được, vì công an đã cho biết là khi nó
hết hôn mê thì họ sẽ bắt nó đi để điều tra.
Tiếng than khóc và tiếng thở dài của mẹ nó cũng lọt được vào não bộ
của nó nhưng chẳng tác động được gì. Rồi thì những hình ảnh xưa cũ
và những mẩu chuyện trò xa xưa, đã in vào tâm trí nó, giờ lại hiện
ra. Hình ảnh của tên lãnh tụ sanh viên cầm đầu cuộc xuống đường mà
chết nhát, chém vè... Hình ảnh của A Mỹ trong tấm gương nhìn nó trân
trân... Tiếng nói của tên công an cho biết là đã bắt mấy tên côn đồ
và đánh đập dã man... Trong bỗng chốc, tất cả lại lùi đi, xa lần, xa
hồi trong mịt mù...
* * *
Viên đạn ghim vào đầu Đại Vệ. Nó còn nhớ một hàng lính cầm súng dàn
hàng ngang và A Mỹ tiến lên phía quân lính. Khi súng nổ, A Mỹ quỳ
gối xuống, đầu Đại Vệ nổ tung. Nó chỉ còn nhớ có vậy mà thôi. Sau đó
tất cả là một bức màn đen.
Vậy thì A Mỹ còn sống không? Có phải đúng là A Mỹ mà nó vừa thấy
không? Thiên Nghi có đến thăm nó ở nhà thương, đêm nó bị bắn không?
Hình như là có, da thịt nó còn nhớ bàn tay của Thiên Nghi thoa nhẹ
lên cánh tay nó. Nhưng, chuyện gì xảy ra trước khi súng nổ? Bạn bè
thân thích cùng đi biểu tình với nó nay ra sao rồi? Hình như đứa thì
bị đánh té nhào, đứa thì nằm chết trên vũng máu đào.
Những hình ảnh ghê rợn đập vào tiềm thức bịnh hoạn của nó. Nó thấy
người bạn, tay bịt con mắt đỏ máu, mở tung cánh cửa ký túc xá, miệng
hô to: "Tớ phải làm cái bích chương to để tưởng niệm Tổng Bí Thơ Hồ
Diệu Bang!" Cái chết của Hồ Diệu Bang là một thiệt thòi to lớn cho
phong trào dân chủ Trung Quốc. Người ta vừa hay tin Hồ Diệu Bang tạ
thế qua đài VOA.
Có anh bạn nào đó lấy phấn viết trên tường:"NGƯỜI KHÔNG ĐÁNG CHẾT
THÌ ĐÃ CHẾT! NGƯỜI PHẢI CHẾT THÌ CỨ SỐNG NHĂN RĂNG!" Rồi anh ta cắn
tay cho máu chảy ra để viết bức huyết thơ: NHƠN DÂN... nhưng không
đủ máu để viết. Dư luận trách cứ cho rằng vì sanh viên đã xuống
đường hồi năm 1987 nên Hồ Diệu Bang phải bị hạ từng công tác, và nay
thì con người được cảm tình đó đã vĩnh viễn ra đi.
Hồ Diệu Bang ra đi là
dấu hiệu của một phong trào sanh viên đang âm thầm dấy động. Dư luận
sanh viên của đại học Bắc Kinh bắt đầu rục rịch. Một vài bích chương
đã bắt đầu lén lút xuất hiện ca ngợi và biểu dương thành tích người
quá cố. Bích chương thay phiên nhau xuất hiện và bị gỡ xuống. Nghĩ
tới chuyện cũ, Đại Vệ thấy hối tiếc về cuộc phản kháng hồi 1987.
Chẳng làm được gì hết, ngoại trừ đưa đẩy những thành phần cấp tiến
như Hồ Diệu Bang đến chỗ mất chức, mất việc.
Điện thoại của Đại Nho từ Tứ Xuyên cho hay là đại học Khoa Học và Kỹ
Thuật Tứ Xuyên đã có bích chương ca ngợi Hồ Diệu Bang và thành viên
của Liên Đoàn Sanh Viên cũng nhảy vào vòng chiến. Đại Vệ cho em nó
biết là Đại Học Bắc Kinh cũng có phong trào ca ngợi Hồ Diệu Bang,
nhưng chỉ giới hạn trong vòng rào của trường thôi. Hình như sanh
viên Đại Học Thanh Hoa và Đại Học Chánh Trị và Luật cũng đã bắt đầu
xuống đường tưởng niệm qua phố phường Bắc Kinh. Đại Nho hỏi Đại Vệ
xem phong trào sanh viên có thể đứng lên trở lại không. Đại Vệ
khuyên em nó nên cẩn thận.
Trước khi nói tiếp, Đại Vệ nhìn ngó xung quanh vì, với tình hình mới
này, phong trào "ăng-ten chỉ điểm" phát triển rất mạnh. Bọn làm
nhiệm vụ "chó săn" chỉ nghĩ tới quyền lợi cá nhơn vì có báo cáo với
chánh quyền những sinh hoạt bất lợi cho nhà nước thì sẽ được hứa hẹn
công ăn việc làm tốt ở ngay thủ đô, sau khi tốt nghiệp.
Theo Đại Nho thì ở Tứ Xuyên, con em của những người hữu khuynh rất
hăng say viết bích chương ca ngợi Hồ Diệu Bang. Một số bạn học khác
của nó tung giấy trắng ra cửa sổ để nói lên tinh thần chịu tang
người chết, nhưng họ không có gan để viết lên bất cứ điều gì trên
đó. Đại Vệ cho em nó biết là viết lách để ca ngợi Hồ Diệu Bang thì
còn được chớ tham gia vào những tổ chức này nọ thì hãy cẩn thận.
* * *
Ở đại học Bắc Kinh, sanh viên bắt đầu xôn xao bàn tính chuyện đấu
tranh, nhơn cái chết của Hồ Diệu Bang. Có luận điệu cho rằng thời
điểm 1989 rất thuận lợi vì trùng hợp với kỷ niệm hai trăm năm Cách
Mạng 1798 của Pháp và bảy mươi năm Ngũ Tứ Vận Động (4.5.1919), một
phong trào yêu nước, phản đế, bài phong của nhơn dân Trung Quốc.
Những sanh viên, con của các phần tử hữu khuynh, đã từng bị chế độ
coi như là "hậu duệ của những con chó tư bản", rất nhớ ơn Hồ Diệu
Bang, vì mười năm về trước, ông đã phục hồi hàng triệu người bị liệt
vào thành phần hữu khuynh. Thế nhưng, họ cũng đề cao cảnh giác. Tiếc
thương một nhà lãnh đạo ân nhơn là một chuyện, nhưng mượn cái chết
của ông để phát động một đợt đấu tranh mới lại là một chuyện khác.
Không khéo lại rơi vào cái bẫy của nhà nước vì cấp chỉ huy của đại
học đã được báo động.
Toán sanh viên bạn bè của Đại Vệ đặt vòng hoa tưởng niệm Hồ Diệu
Bang ở quảng trường xong trở về loan tin là phong trào đấu tranh của
sanh viên đã bắt đầu. Hàng ngàn vòng hoa đã được đặt tại quảng
trường Thiên An Môn, liên đoàn sanh viên Mỹ Nghệ Trung Ương đã treo
một bức chân dung khổng lồ của Tổng Bí Thơ Hồ Diệu Bang trên tượng
đài Anh Hùng Nhơn Dân. Hàng ngàn sanh viên đại học Sư Phạm Bắc Kinh
đã kéo tới làm lễ truy điệu Hồ Diệu Bang, thậm chí có cả hàng ngũ
lãnh đạo của liên đoàn sanh viên nhà nước tham dự.
Từ giai đoạn dự tính đến thực hiện cụ thể cũng còn lâu vì phe nào
cũng ngần ngại, cứ đùn qua, đưa lại. Sau một lần làm kiểm điểm với
công an, qua cuộc biểu tình hồi đầu năm 1987, Đại Vệ đã bị vào sổ
bìa đen, nên mẹ nó hết sức canh chừng nó. Trong khi đó, các khoa của
trường đại học Bắc Kinh bắt đầu tập họp sanh viên của từng khoa,
trước khi kéo ra quảng trường. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, các
khoa đã hàng ngũ chỉnh tề, bắt đầu kéo ra khỏi vòng rào nhà trường
thì cổng trường đã bị khóa kín, với khoảng hai mươi nhơn viên an
ninh của trường dàn hàng ngang trước cổng. Sau một hồi thương lượng,
cổng trường được mở toan và sanh viên tràn ra như nước.
Đoàn sanh viên của đại học Bắc Kinh đêm đó cũng phải lên đến con số
hai ngàn. Những người trách nhiệm biết rõ bổn phận của mình nên đoàn
biểu tình diễn tiến trong trật tự. Đoàn biểu tình bắt đầu di chuyển
thì giáo sư Trần của khoa Giáo Dục đứng chặn trước đoàn người và nói
to: "Nhiệt tình yêu nước của các em thật đáng khen, nhưng nếu các em
kéo nhau xuống đường như vầy thì nhà nước có suy nghĩ khác." Không
một ai muốn nghe lời giáo sư Trần vì sanh viên của hàng trăm trường
khác đã có mặt tại quảng trường.
Giáo sư Trần buồn rầu, phân trần: "Các em không nên gây rối nữa. Tôi
xin các em! Nếu các em kéo ra quảng trường thì sự nghiệp của tân
Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương, một con người cởi mở, lại sẽ tiêu tan.
Có tiếng la to "Đã đảo giáo sư Trần" rồi một vài sanh viên lực lưỡng
đến lôi ông qua một bên. Có thể giáo sư Trần có lý, vì mũi tên đã
bắn đi thì làm sao mà lấy lại được. Theo giáo sư Trần thì cải cách
đang đến giai đoạn tế nhị. Đừng đấu tranh, biểu tình gì nữa, hãy để
cho xã hội diễn tiến một cách ôn hòa.
Thế nhưng, sanh viên lại nghĩ khác, vì theo như những khẩu hiệu được
hô hào thì: "Đại học Bắc Kinh có hậu thuẫn của nhơn dân! Vì nhơn
dân, chúng tôi sẵn sàng hy sanh mạng sống." Như vậy là được kích
thích, đoàn biểu tình cứ thế tiến lên.
Con đường hoang vu
trong bóng đêm như kéo dài vô tận. Thỉnh thoảng, một vài người tan
ca làm trễ muộn trong đêm, lủi thủi về nhà, đứng lại bên đường nhìn
đoàn người lạ mắt. Ở một ngã tư đường, hai chiếc xe công an đậu chờ
lạnh lùng và đe dọa. Đại Vệ cảm thấy lo âu. Nó hiểu rằng, nếu bị
công an hốt lần nữa, chắc là mẹ nó không tha thứ. Lần nó bị bắt năm
1987 đã làm cho mẹ nó bị mất cơ hội trình diễn trong lễ hội hàng năm
của đoàn văn nghệ Opéra. Nhưng, những tiếng reo hò làm nó nức lòng,
máu nóng nổi lên. Vậy là nó hăng hái tiến lên cùng với bạn bè hô
hào: "Chống đối viên chức trục lợi! Đả đảo tham nhũng!"
Đoàn biểu tình xông tới, hùng hổ như một con tàu phăng phăng lao tới
trước, qua ngang hai xe công an. Công an đứng đầy bên ngoài, nhưng
không ngăn cản gì đám sanh viên. Khi qua ngang cổng đại học Nhơn
Dân, đoàn sanh viên Bắc Kinh kêu gọi sanh viên bên trong trường tham
gia cuộc tuần hành. Nhưng đoàn đại học Bắc Kinh không thể ngừng lại
để chờ, cứ tiếp tục đi cho đến quảng trường Thiên An Môn, đoàn của
đại học Nhơn Dân sẽ đến sau.
Một vài liên lạc viên, chạy tới chạy lui lăng xăng, báo cáo là có
một số người đã bỏ trốn trở về ký túc xá. Qua khỏi ngả tư đường phía
trước, khoảng một trăm công an và mười chiếc xe công an chận đoàn
biểu tình lại. Từ xa, trông như một bức tường màu đen. Ánh sáng lờ
mờ của đèn đường phản chiếu kiếng xe và mủ sắt của công an. Đoàn
biểu tình dừng lại, cấp lãnh đạo hội ý bàn tán để tiến hành bước sắp
tới.
Được biết là công an không có trang bị súng, mà cũng chẳng có dùi
cui. Một vài ý kiến nhát gan bắt đầu bàn ra, muốn cho lịnh quay lại,
trở về trường. Nhớ lại lần bị bắt trước kia, Đại Vệ thấy hơi nao
núng, nhưng bầu không khí đấu tranh lại xui giục nó cứ tiến lên. Nó
bảo cứ liên hệ với công an yêu cầu cho đoàn di chuyển, bằng không
thì chọc thủng tuyến ngăn ngang. Đoàn tiến lên, cách công an vài ba
bước thì ngừng lại.
Công an không nói, chẳng rằng gì hết. Có vẻ như họ không có kế hoạch
bắt giữ sanh viên. Một nữ sanh viên bước tới trước nói: "Các bác,
các chú công an, chúng tôi là những công dân hành động đúng theo
Hiến Pháp..." Nhưng một nam sanh viên đứng ra cướp lời, hô to: "Đồng
chí công an! Đồng bào thân mến! Đêm nay, nhơn danh toàn thể sanh
viên đại học Bắc Kinh, chúng tôi tuần hành đến quảng trường Thiên An
Môn để đặt vòng hoa tưởng nhớ đồng chí Hồ Diệu Bang ở tượng đài Anh
Hùng Nhơn Dân. Chắc là các đồng chí cũng hiểu là chúng tôi đau buồn
trước sự mất mát đó. Chúng tôi thành thật mong các đồng chí hiểu cho
và để cho chúng tôi tiến hành tốt đẹp."
Công an vẫn im lặng, nhìn anh bạn sanh viên đăm đăm. Sanh viên cũng
âm thầm nhìn công an, như hai con chó đá nhìn nhau, và ca hát những
bài hát đấu tranh để lấy tinh thần. Dân cư xung quanh, bị phá giấc
ngủ, đổ ra đường để quan sát chuyện lạ. Một tiếng đồng hồ trôi qua,
hai bên cứ căng thẳng, không bên nào nói với bên nào, công an cứ
đứng im, sanh viên cứ ca hát.
Anh sanh viên lại ra trước công an và lên tiếng: "Các đồng chí cũng
công dân Trung Quốc như chúng tôi. Chúng tôi tưởng nhớ đồng chí Hồ
Diệu Bang thì hãy để cho chúng tôi tiến hành." Đám đông sanh viên
hoan hô và vỗ tay. Một vài phút yên lặng, sau đó có tiếng nói qua
loa phóng thanh: "Chúng tôi được lịnh bố trí tại đây. Chúng tôi chỉ
thi hành lịnh."
Đám đông biết rõ ý đồ của công an nên đồng loạt tiến lên, với tiếng
hô: "Công an nhơn dân thương mến nhơn dân!" Đại Vệ không nghĩ là
công an bây giờ khoan hồng nhơn đạo hơn công an cách nay hai năm. Nó
nghĩ là họ đang giăng bẫy gì đây. Một nữ sinh khá đẹp đứng lên
hô hào: "Sanh viên Bắc Kinh can đảm lên!" Ban lãnh đạo biểu tình
không biết phải làm gì sau khi đặt vòng hoa. Một ý kiến đưa ra là
phải phát biểu cảm tưởng và có kiến nghị. Phải đòi hỏi đánh giá đúng
đắn sự nghiệp của đồng chí Hồ Diệu Bang và diệt tham nhũng trong
chánh quyền.
* * *
Đến đây, Đại Vệ lại rơi vào cơn hôn mê. Những gì thoáng qua là những
biến cố đã xảy ra, dẫn tới chuyện viên đạn bắn vào đầu nó, đưa nó
vào cõi mờ mịt của đời sống thực vật hôm nay...
(Còn tiếp)
Phan Quân
|