.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (11)
 

Tiềm thức hôn mê của Đại Vệ mơ màng cho nó hay rằng có thể cơn mưa ngoài trời đã tạnh. Cảnh vật và không gian im phăng phắc, không một âm thanh, chẳng một cử động. Tiếng sột soạt của lốp xe đạp chạy trên đường, từ xa lớn lần để rồi sau đó tan biến vào hư không. Quá khứ, mới đó mà đã xa xôi diệu vợi, lại trở về cùng óc não đời thực vật của nó...

 

*  *  *

 

Mới năm giờ sáng thôi, nó bị những tiếng ồn ào đánh thức, bàng hoàng. Nó chạy ra hành lang tìm hiểu, thì ra sanh viên từ dưới chưn cầu thang vừa chạy lên vừa la bài hải:"Bọn tớ đang biểu tình ngồi ở Tân Hoa Môn (Trung Nam Hải), bị công an đánh đập tàn nhẫn. Chúng nó tấn công bọn tớ bằng dùi cui điện. Nhiều sanh viên phải đưa đi nhà thương!"

Nó mặc vội quần áo rồi chạy theo bạn bè để biết thêm chuyện gì đã xảy ra. Nhiều sanh viên thuật lại biến động vừa rồi, khan cả tiếng. Hàng trăm công an đàn áp biểu tình không nương tay, dẫu là biểu tình ôn hòa. Họ lùa sanh viên lên "xe cây", ai cự lại bị đánh đập tàn nhẫn. Con gái, chậm chưn, không chạy kịp, cũng bị đấm đá tơi bời.

Có chỗ mười tên công an trấn một sanh viên vào tường, nện bằng roi da, máu me ra tùm lum! Một con mắt của người sanh viên ăn một quả đấm, đổ máu, trông dễ sợ. Vậy mà anh sanh viên kia còn gào to:"Cùng nhau ta bãi khóa! Cứu lấy đất nước chúng ta! Đả đảo bọn tàn ác!" Chỗ khác, đám đông la to:"Sanh viên có tội tình gì? Yêu nước đâu phải là một cái tội!

Cả ký túc xá đều thức dậy, kéo nhau xuống sân, tập họp lại ở địa điểm dán bích chương và bản thông tin. Số người tề tựu lên đến hàng trăm. Có tiếng nói:"Chúng ta phải kéo nhau diễn hành tập thể để nói cho công chúng biết chuyện gì đã xảy ra." Mặc dầu các sanh viên trưởng ban tổ chức không có mặt, nhưng tình hình cấp bách nên những người có mặt quyết định là cứ tiến hành. Đại Vệ thảo nhanh một mớ bích chương đả đảo sự bạo hành của công an và kêu gọi bãi khóa, rồi cùng với một người bạn đem dán trên bảng thông tin, trên cổng trường và ở trạm xe buýt.

Một sanh viên từ địa điểm biểu tình hối hả chạy về, vừa thở hổn hển vừa nói:"Công an chìm đã xâm nhập hàng ngũ biểu tình. Họ có máy vô tuyến liên lạc hai chiều. Họ lấy trộm giày dép sanh viên rồi ném bừa bải ở cổng Trung Nam Hải để cho công an có cớ mà tấn công đám biểu tình. Đả đảo bọn công an kích động, cùng nhau bãi khóa!"

Như vậy là chẳng còn ai tiếp tục ngủ trở lại được sau những biến chuyển của tình hình và tất cả cùng nhau tiếp tay tổ chức biểu tình. Giờ thì phong trào tranh đấu của sanh viên đã khởi sự, ai cũng cảm thấy có phần trọng trách của mình. Thế là kẻ đi mua giấy mực, viết bích chương, người đi mua vải đỏ làm biểu ngữ, mấy người con gái thì đi quyên tiền ủng hộ.

Hàng ngàn sanh viên tụ tập ở bãi thông tin, sẵn sàng khởi động cuộc tuần hành, nhưng dường như trong ban tổ chức có khuynh hướng muốn thay đổi hình thức tranh đấu. Có dư luận cho rằng không cần biểu tình tuần hành nữa, mà nên tập trung vào việc hình thành dân chủ trong nội bộ trường đại học cái đã. 

Ban tổ chức gồm chín người, mà hiện giờ chỉ có bảy người hiện diện. Qua cuộc biểu quyết bỏ túi, chỉ có hai người đồng ý ngưng biểu tình, năm người còn lại đồng lòng tiến tới. Đại Vệ lưỡng lự muốn đứng về phía hoãn biểu tình, nhưng tiếc rẻ mấy cái bích chương và biểu ngữ vừa thực hiện. Phía thiểu số lập luận:

- Phải có dân chủ trong nội bộ cái đã. Cần gì khích động phong trào quần chúng.

- Muốn có dân chủ thì phải tranh đấu chớ. Cần gì tranh luận khơi khơi cho mất thì giờ.

- Từ năm 1949 cho đến nay, người dân Trung Quốc đã phải quỳ gối quá lâu rồi. Đã đến lúc họ phải đứng lên để thư giãn gân cốt.

- Các bạn cần gì bài bác ý kiến của tớ. Lê-nin có nói là đôi khi chân lý xuất phát từ thiểu số.

- Chúng ta đã đưa ra bao nhiêu là thông cáo về chuyện biểu tình, sanh viên đang chờ dấu hiệu để xuất phát. Bây giờ thì không thể đình lại được nữa rồi. Nếu ai không muốn đi thì cứ ở nhà.

- Như vậy thì tớ xin rút lui khỏi ban tổ chức.

Chưa chi mà đã có bất đồng ý kiến. Thành viên ban tổ chức vừa rút lui, trao cho Đại Vệ một mảnh giấy nhỏ, dặn rằng nếu đông thì hãy đi biểu tình, nếu ít thì hoãn lại. Đại Vệ, với tư cách ủy viên an ninh của ban tổ chức, toàn quyền quyết định. Sau hồi lủng củng ban đầu, rồi đoàn biểu tình cũng kéo đi, nhập bọn với các đoàn của những trường khác.

Bầu không khí rộn rịp cùng với bích chương biểu ngữ rợp trời làm cho tuổi trẻ hứng chí, lại thêm điệu nhạc của Quốc Tế Ca càng thôi thúc hơn nữa. Dân chúng bên đường vỗ tay hoan hô và xe cộ bị nghẽn cũng bóp kèn ủng hộ, cổ võ. Khách qua đường thắc mắc nhìn chăm chú biểu ngữ viết bằng tiếng Anh:"TỰ DO HAY LÀ CHẾT".

Thế nhưng, thời tiết không ủng hộ phe biểu tình, khi đoàn tới cổng trường đại học Thanh Hoa thì mưa tuông xối xả. Đoàn biểu tình, một mớ đụt mưa, một tốp đội mưa mà đi. Đại Vệ ướt sũng và lạnh, đành bỏ cuộc, quày về trường.

 

*  *  *

 

Sáng hôm sau, một người bạn đánh thức Đại Vệ dậy và kiểm điểm với nó những diễn biến đêm qua. Nào là cải tổ ban điều hành vì có người từ chức, có kẻ nhảy lên kế vị,... Người bạn này nhìn quanh, rồi nói nhỏ với Đại Vệ:

- Đêm qua chi bộ Đảng nhà trường đã quay phim cuộc họp của các bạn bằng máy hồng ngoại tuyến. Tớ có mặt lúc đó. Họ có kêu tớ đến để nhận diện những người dự phiên họp. Mậu Sâm chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ cho người theo dõi nó hằng ngày. Họ nghi ngờ nó là thành viên của hội Bàn Tay Đen, một hội kín. Họ đã gởi cuộn băng thu hình lên Bộ An Ninh. Tớ nhắc cho cậu nhớ rằng Đảng coi những vụ biểu tình của sanh viên là một hình thức "mâu thuẫn trong quần chúng", còn việc thành lập những tổ chức độc lập như là một "mâu thuẫn giữa nhơn dân với kẻ thù", một tình huống còn nặng nề hơn. Tớ khuyên cậu nên giải tán ngay cái ủy ban của cậu đi.

- Này, tớ chưa bao giờ nghĩ rằng cậu là tên nằm vùng.

- Tớ cho một mình cậu biết vì tớ nghĩ rằng cậu sẽ không tiết lộ hành tung của tớ. Tớ không muốn một ai trong bọn bị rắc rối. Suốt đêm qua tớ đâu có ngủ. Nếu cậu giải tán ngay ủy ban của cậu thì rất tốt.

Nói xong, người bạn kia xếp mền lại thẳng thớm, để ngay ngắn trên đầu giường, nắm lấy cái túi xách rồi đứng dậy ra đi.

Nghe người bạn tiết lộ như vậy, Đại Vệ điếng cả người. Gương mặt người tử tội, mà nó đã mổ xẻ xác trước kia ở trường đại học miền Nam, lại thoáng qua trong tâm trí nó. Nó nhớ lại chỗ da xây xước, dơ dáy bên trên con mắt còn lại. Đương sự lãnh án tử hình vì đứng ra lập nhóm "Những Người Mác-xít Trẻ". Trong quá khứ, nó và bạn bè đâu có dám thành lập nhóm hay hội đoàn gì, nay thì đã đi quá xa.

Nó ló đầu ra khỏi cửa sổ, nhìn xuống phía dưới. Nó hửi thấy mùi bùn đất bám trên xe chạy qua con đường từ quê ra tỉnh, và mùi vỏ trứng bị cán. Mọi chuyện trông như những ngày trước đây. Cái khác là hôm nay có hai xe đậu bên ngoài ký túc xá.

Một người bạn vừa thức dậy. Đại Vệ cho biết là có lẽ công an đến bắt bọn nó. Người bạn nói đâu có lẽ, họ chỉ theo dõi xem sanh viên có tiếp xúc với phóng viên ngoại quốc hoặc thành phần đối kháng hay không. Rít vài ba hơi thuốc lá lấy lại tinh thần, nó nhớ lại công an đã đối xử rất ôn hòa qua cuộc biểu tình của sanh viên trong dịp Tết 1987-1988. Nhưng lần này, nhờ có số đông nên nó cảm thấy yên lòng hơn. Người bạn cùng phòng ngủ căn dặn Đại Vệ:

- Nhớ là đừng có đi đâu một mình. Họ khó bắt mình nếu di chuyển tập thể.

Đại Vệ tìm cách báo cho Mậu Sâm biết là đương sự đang bị công an theo dõi, như người bạn kia vừa đưa tin cho nó. Ba Mậu Sâm và ba Đại Vệ đều bị xếp vào diện "khuynh hữu". Mỗi khi nhắc đến hồ sơ lý lịch của hai ông bố thì Mậu Sâm và nó cảm thấy mất hết tinh thần. Nó tìm lời an ủi và trấn an Mậu Sâm, vì theo nó hiểu thì nhà nước không có hành động gì trước đám tang Hồ Diệu Bang. Và không chừng vào lúc đó thì những vụ đối kháng sẽ dịu bớt.

Đại Vệ đi tới thơ viện, gặp một thằng bạn đang nghiên cứu Hiến Pháp Huê Kỳ. Thói thường thì thơ viện lúc nào cũng đầy người, nhưng hôm nay thì còn khoảng một nửa ghế trống. Nó ngồi xuống thủ thỉ với người bạn:

- Đêm qua chi bộ Đảng của nhà trường quây phim cuộc họp của chúng mình. Cuộn băng hình đã được gởi lên Bộ An Ninh. Đừng thắc mắc tại sao tớ biết.

Hai đứa âm thầm bàn luận xem có nên tiếp tục tranh đấu hay không. Cũng chẳng có gì phải lo sợ. Dẫu sao, lo sợ quá thì còn làm được gì? Lãnh tụ chỉ nổi lên trong thời buổi loạn lạc, những ai hung hăng thì được quần chúng hậu thuẫn. Như vậy, bây giờ vấn đề là có nên củng cố thêm Ban Tổ Chức không, hay là cho phong trào đi vào bóng tối? Người bạn nó cho biết:

- Bây giờ thì không còn hoạt động kín được nữa rồi. Từ khi một sanh viên bị ám sát hồi năm ngoái, bạn bè rủ tớ gia nhập hội kín. Thế nhưng, tớ khuyên chúng nó là nên hoạt động công khai thì hơn. Ban an ninh nhà trường có lập hồ sơ của tớ và điều tra cả mẹ của tớ. Làm gì thì phải làm công khai.

- Đêm nay, cậu có đi quảng trường Thiên An Môn không? Nhà chức trách cho biết là ngày mai sẽ cô lập quảng trường để làm lễ quốc táng cho Hồ Diệu Bang. Nhưng sanh viên nào muốn chiêm bái ông ấy lần cuối thì phải dựng lều ngủ tại đó trước giờ giới nghiêm.

Người ta dự đoán sẽ có lối một trăm ngàn sanh viên đến dự. Cờ xí, bích chương, biểu ngữ trong cửa hàng đều bán sạch. Nếu ai đến được quảng trường trước giờ giới nghiêm thì tốt, nếu đến sau thì chắc sẽ gặp khó khăn. Có tin cho rằng Quân Đoàn 38 sẽ được huy động về thủ đô, nhưng tin đồn cho biết là đơn vị đó không muốn thi hành lịnh thượng cấp. Dường như bên trong quân đội cũng có lủng củng.

Trước giờ ra quân, nội bộ ban tổ chức của Đại Vệ bắt đầu gặp khó khăn vì có người chết nhát. Có người miệng hùm gan sứa, nói thì hay lắm nhưng chưa chi thì đã co vòi. Nghe Đại Vệ cho biết là có kẻ nằm vùng báo động là an ninh nhà trường theo dõi thì đã bắt đầu run lên như cầy sấy.

Câu chuyện mít tin dự lễ quốc táng Hồ Diệu Bang đến với tiềm thức của Đại Vệ tới đây cũng chìm luôn với nỗi lo sợ của một vài phần tử... rồi nhảy qua giai đoạn khác. Đời sống thực vật của một con người qua cơn hôn mê có nhiều cái phức tạp, khó hiểu.

 

*  *  *

 

Một cánh tuyết lạnh rơi vào mặt Đại Vệ, vì mẹ nó quên đóng cửa lại. Hai con gà lửng thửng đi vào, mổ đất kiếm miếng ăn.

Đêm qua, khi mọi người trong cư xá đã yên giấc, hai người bạn của Đại Vệ lấy cáng khiêng nó ra xe taxi, rồi đưa mẹ nó và nó đến căn lều nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh. Trước kia, nó không mấy để ý đến hai người bạn này, nay nó ngạc nhiên tại sao trong số bạn bè chỉ có hai người này quan tâm đến nó.

Một người cho mẹ nó biết là mọi chuyện đã dàn xếp xong, sáng mai mẹ nó có thể đưa nó vào... Hai người đuổi mấy con gà đi, rồi đẩy cái giường của nó đến gần cửa sổ. Nó thấy có mùi dâm bào và mùi lá cải thối trong góc phòng. Mẹ nó hỏi hai người bạn:

- Hai cháu có nói chuyện với bác sĩ Lương lần nữa chưa?

- Xong rồi bác. Bác sĩ hỏi từ trước đến giờ Đại Vệ đã được xử lý bằng dưỡng khí chưa? Cháu phải nói đại là có rồi, nếu không thì phải có chữ ký của giám đốc bịnh viện. Lúc này, kiểm soát rất gắt gao. Bác sĩ nào bị bắt gặp chữa trị cho những nạn nhơn của vụ đàn áp Thiên An Môn là bị sa thảy ngay.

Anh bạn khác của Đại Vệ tiếp lời:

- Tụi cháu đã đóng trước hai tuần cho Đại Vệ. Chỉ tốn có ba trăm nhơn dân tệ. Chữa trị bằng dưỡng khí sức ép cao, một kỷ thuật hiện đại nhứt. Người ta sẽ đưa Đại Vệ vào một cái máy, rồi dùng làn sóng điện từ và làn sóng kích thích để thúc đẩy tế bào não và cải tiến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể.

Đây là lần đầu tiên, từ đêm qua đến giờ, nó nghe người bạn này lên tiếng. Từ trước đến giờ, qua thái độ ít nói của đương sự, bạn bè trong ký túc xá cứ tưởng anh ta là gián điệp nằm vùng.

- Cháu nghe nói là nếu được chữa như vậy, sau một tuần lễ là những người bại xụi có thể đi được.

Mẹ Đại Vệ lên tiếng, với một giọng điệu đầy ơn nghĩa. Bà đưa ra một bao thuốc lá, mời hai cậu bạn của Đại Vệ hút. Theo thói quen trong xã hội cộng sản Trung Quốc, lúc nào bà cũng có thuốc điếu trong người để mời những ai giúp đỡ bà, như là một cách mang ơn.

- Tụi cháu thuê túp lều này của một nông dân. Nếu ai có đến hỏi, thì bác cứ nói là người của Quận Phương Sơn. Đây là giấy tờ chứng minh rằng bác ủng hộ thái độ của nhà nước ở Thiên An Môn. Nếu không có thì không bịnh viện nào chịu chữa trị.

- Đêm qua, tụi cháu không có tắt đèn ở nhà bác, sau khi đóng cửa lại. Như vậy cho chòm xóm khỏi thắc mắc.

- Cả tháng nay, công an không có tới nhà. Bác nghĩ là thời tiết mùa đông lạnh nên họ không tới.

- Ở đây cách xa cổng phía Bắc của nhà thương chừng một cây số. Tụi cháu có trả thêm cho chủ căn lều này ba nhơn dân tệ, để mướn chiếc xe cải tiến cho bác. Bác có thể đẩy để đưa Đại Vệ tới nhà thương mà không sợ nhiều người thấy.

- Bác có đủ tiền và tem phiếu lương thực không? Tháng rồi cửa hàng bán sỉ có bán gạo với giá rẻ mạt. Có lẽ rồi đây sẽ không còn cần tới tem phiếu lương thực nữa.

- Chuyến xe trở lại Bắc Kinh sắp chạy rồi. Thôi hai cháu nên chuẩn bị trở về, kẻo mất buổi học ngày mai.

- Cần quái gì bác ơi. Đậu cao, đậu thấp gì tụi cháu cũng đi nông thôn thôi. Cháu định năm tới sẽ đi Thẩm Quyến tìm việc làm ở một hãng tư nhơn. Đây là thẻ bịnh viện cho Đại Vệ. Bác tới nhà gạch mà tụi cháu đã đưa bác đến hồi sáng và hỏi khoa giải phẩu thần kinh. Phiên hẹn cho Đại Vệ là năm giờ mỗi buổi chiều. Cháu ghi Đại Vệ dưới tên của cháu, như vậy người ta sẽ gọi Đại Vệ là Mao Đại Vệ. Xong rồi bác hả, tụi cháu đi đây. Vài ngày nữa tụi cháu sẽ trở lại thăm. Đại Vệ, tỉnh dậy nhanh lên. Phải cho chúng nó thấy là mình chưa thua cuộc.

Khi Đại Vệ được đưa tới phòng dưỡng khí cao áp, nó mới thấy người ấm lại. Có tiếng đàn ông nói:"Phải xem có đồ vật kim loại trên người bịnh nhơn không cái đã". Mẹ nó cho biết là bà đã kiểm và bỏ đi hết rồi. Theo đúng thủ tục "xã giao", bà mời mấy người của nhà thương vài ba điếu thuốc.

Người y tá từ chối, vì không hút thuốc, bật đủ thứ nút điện và chỉnh dụng cụ. Sau đó vừa đưa Đại Vệ vào bên trong cái máy vừa nói:

- Áp xuất lên cao, lỗ tai anh ấy có thể bị ù và sẽ cảm thấy nhiệt độ tăng.

- Tôi có biết điều đó. Đừng sợ nó bị đau. Dẫu sao nó cũng ở trong tình trạng đời sống thực vật rồi.

Đại Vệ có biết sơ qua cái máy này rồi. Nó làm cho mức độ dưỡng khí trong não tăng lên và như vậy không cho vi khuẩn bành trướng ra. Trước kia, khi đọc tài liệu liên hệ, nó đâu có ngờ rằng một ngày nào đó nó sẽ được đưa vào cái máy như vậy. Nếu như sức ép hoặc nhiệt độ tăng quá mức thì nó không có cách nào báo cho ai hết. Lỡ như màng nhĩ lủng rồi sao há?

Cửa của chiếc máy y khoa đã đóng chặt. Hai lỗ tai nó đau kinh khủng, vết thương trên đầu nó dường như bốc cháy. Nhiệt độ lên cao, nó cảm thấy toàn thân nó đi vào cõi vô thức minh mông...

(Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.