Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (32)

Hai lỗ tai tôi như là
ống thông hơi, cái gì cũng chui vào được, tôi không tài nào cho phép
âm thanh nào lọt vào mà cũng chẳng cấm cửa được âm thanh nào hết.
Điều khiến tôi bực mình hơn cả là giờ đây nước tiểu của tôi đã nổi
tiếng, báo chí và những phương tiện truyền thông đều quan tâm đặc
biệt chuyện này. Trong vòng năm sáu ngày qua, ký giả lũ lượt kéo
nhau đến căn hộ của chúng tôi để phỏng vấn mẹ tôi và chụp hình tôi.
Cũng là một cung cách nổi tiếng cho một kẻ liệt giường, liệt chiếu
như tôi!
Hôm qua, có mấy người đến quan sát tôi rồi phát biểu ý kiến:
- Coi kìa, da cậu ấy trong ngần, như vậy đủ thấy rằng mấy năm nhịn
ăn đã đưa cậu ấy lên cấp cao hơn.
- Trông mặt cậu ấy thì đúng là cậu ấy sẽ sống lâu dài.
- Cậu ấy giống sư phụ khí công, Khổng Hải, một con người có nước
tiểu huyền diệu nhứt trong số những bực thầy của Đạo Lão.
- Sư phụ Khổng Hải không ăn và không ngủ trong mười ba năm.
- Đúng rồi, nước tiểu của Thầy Khổng Hải được công nhận là bảo vật
quốc gia. Chỉ có thủ tướng phu nhơn mới được phép uống mà thôi.
Làm sao mà mấy người kỳ lạ này lại có thể nghĩ rằng nước tiểu của
tôi có được phép lạ thần thông như vậy kìa? Một thân xác bịnh hoạn
như tôi làm thế nào mà sản xuất ra được thứ gì bổ dưỡng như vậy? Mẹ
tôi ngồi đánh mạt chược với mấy bà khác. Mỗi khi mấy bà xoa bài, mấy
con bài bằng nhựa cứ khua rào rào làm cho tôi nhức cả óc! Trong lúc
rảnh rỗi, không phải bận tâm đến đỏ đen, bà Phạm Kinh tiết lộ:
- Hội vừa phát hiện thêm hai nạn nhơn của cuộc thảm sát nữa, nâng số
người thiệt mạng ở Thiên An Môn hồi 1989 lên một trăm năm mươi lăm.
Bà điểm qua những nạn nhơn mới nhứt của cuộc sát hại cùng với thân
nhơn của họ:"Tôi có biết bà Trương Lệ này. Chồng bả bị quân lính đập
chết trên đường dẫn tới Quảng Trường hôm Sáu tháng Sáu năm ấy. Sau
đó, bà bị mất việc làm ở cơ quan nhà nước. Bà lâm vào tình thế cơ
cực. Tất cả tài sản còn lại chỉ là một cái giường và một cái ghế!
Tình trạng tâm thần của bà rất là xáo trộn. Bà ta không thích ở
trong nhà khi trời sụp tối nên suốt đêm bà lang thang ngoài đường."
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Vẫn còn có người bị giết chết trên Quảng Trường Thiên An Môn ngày
Sáu tháng Sáu nữa sao?
- Đúng như vậy, cuộc tàn sát xảy ra trên đường Phục Hưng Môn được
cho là vụ "Bốn tháng Sáu cỏn con". Xe tăng chạy trên đường và bắn
loạn xị vào đám đông. Bà giáo Đinh Tử Lâm có cho biết chi tiết liên
quan đến ba người bị giết ở đó. Một cậu bé mới mười ba tuổi nằm giữa
đường, ruột lòi ra ngoài, vậy mà quân lính không cho ai cứu chữa
hết.
- Còn vụ này nữa. Chính tôi đã tìm ra trường hợp của anh này. Vợ anh
hiện sống trong một cái chòi bé tí tẹo ở ngoại ô. Một mình chị ấy mà
canh tác hai mươi mẫu đất. Chẳng một ai đến thăm chỉ, ngoại trừ công
an, năm nào đến dịp giáp năm ngày thảm sát, cũng đến nhắc nhở chỉ
không được nói gì với nhà báo.
- Hôm nào mình phải mời bà đó đến gặp mình. Ở một mình mãi chắc là
bà ấy buồn chán lắm.
Mấy bà này ăn nói như là một nhóm người hoạt động bí mật, vừa nói
chuyện vừa đánh mạt chược. Hết chuyện này, đến chuyện khác, cứ nói
khơi khơi vậy thôi, chẳng giải quyết được gì. Câu chuyện những nạn
nhơn Quảng Trường chưa ngã ngũ ra sao hết thì đã sang qua chuyện
nước tiểu:
- Thiệt là kỳ, nước tiểu của Đại Vệ lại được coi như là một thứ
thuốc chữa bịnh! Báo chí đưa tin hàng đầu đây nè "Nước tiểu của
người bị hôn mê chữa trị được trường hợp ung thư ở thời kỳ cuối".
Nếu được như vậy thì bà có thể mở đại lý nước tiểu, may ra làm giàu
được.
Tôi vẫn chưa hiểu tại sao nước tiểu lại được coi như là một vị
thuốc. Nó chứa đựng nhiều chất độc tổng hợp mà thể xác con người
thảy ra thì tại sao lại chữa trị được bịnh? Nay thì ngày nào mẹ tôi
cũng cho nước tiểu của tôi vô chai rồi giữ trong tủ lạnh để bán cho
những môn đệ của "niệu liệu pháp" thường đến nhà tôi. Mẹ tôi hãnh
diện khoe có một nhà báo nói sẽ tiếp xúc với người phụ trách để đưa
tôi lên chương trình truyền hình "Đời Sống Thực Tế". Bà đã xem
chương trình đó. Tuần trước họ đã đưa một ông lão bại xụi ra thi đua
với một cô gái trẻ bị ung thư gan. Sau khi hai người mô tả bịnh tình
của họ, khán thính giả cho rằng cụ già là người ốm đau trầm trọng
hơn và ông được thưởng bảy ngàn nguyên.
Thật là tàn nhẫn vô nhơn đạo! Đem bịnh tật của người ta ra mà làm
trò thi đua và số tiền thưởng kia có là bao, nào có đủ để chữa trị
cho họ. Thế nhưng chắc là họ không dám đưa tôi lên chương trình đó,
nếu họ thấy ra rằng tôi là nạn nhơn của cuộc thảm sát dã man ở Quảng
Trường Thiên An Môn.
Theo mẹ tôi thì ông bạn khí công của bà, Thầy Diêu, đang học Pháp
Luân Đại Pháp. Thầy có khuyên bà nên thực hành những bài tập khí
công hằng ngày thì "bá bịnh tiêu trừ", và bà định sẽ nghe lời Thầy,
dẫu rằng trước đây bà cương quyết khước từ những động tác thông
thường mà Thầy chỉ cho bà.
Qua trao đổi giữa mẹ tôi và bà Quế Lan, tôi được biết xóm nhà của
Quế Lan sẽ bị đập phá, chắc không bao lâu nữa, vì người ta đã ngưng
thâu tiền điện nước. Như vậy là khu chung cư của chúng tôi chắc cũng
sẽ bị đập phá đến nơi. Bà Quế Lan cho mẹ tôi biết là đằng phường nói
rằng sở dĩ bên này chưa khởi công là vì chưa xác định được chủ đất.
Tôi vẫn còn nghe những giọt mưa đập vào kiếng cửa sổ, những tiếng
bộp bộp làm tôi nhớ lại ngày xưa hay đi dưới mưa, hai chưn ẩm ướt
trong đôi giày bố.
Vào khoảng sáu giờ chiều rồi mà còn có người gõ cửa, thì ra Cụ Quan,
con người sành sỏi về nước tiểu. Hôm nay, ông có rủ theo mấy người
bạn nữa, chắc là cùng đi uống "bia" của tôi làm ra. Cụ Quan giới
thiệu với mẹ tôi ông Chu, Giám Đốc Nha Y Tế. Cụ còn chêm thêm là nếu
ông Giám Đốc nói cho một tiếng là mẹ tôi không phải bận tâm lo nghĩ
chuyện xin đoàn văn nghệ Opéra bồi hoàn y tế phí của tôi.
Mẹ tôi đưa những người khách kia vào chỗ tôi nằm. Khoảng chừng bốn
năm người, trong số đó tôi nhận ra được tiếng của bà bị bịnh đã đến
thăm chúng tôi hôm tuần trước. Sau khi uống một ly nước tiểu của tôi
bà khen:
- Thật là êm dịu. Gần giống như nước chanh quá hạn sử dụng.
Hôm đó mẹ tôi quên cho thuốc trụ sinh vào nước biển chuyền cho tôi.
Do đó, nước tiểu của tôi có mùi như vậy.
Tôi cảm thấy có những cặp mắt và những lỗ mũi kề sát bộ phận sinh
dục của tôi để theo dõi từng giọt một lưu lượng nước tiểu. Tôi cảm
thấy bực mình, nhưng không làm sao được. Hàng ngày, thiên hạ nườm
nượp tới để theo dõi và phê phán nước tiểu của một con bịnh liệt
giường, với nhiều quan tâm. Người thì cho rằng hôm nay nước tiểu ra
nhanh hơn hôm qua, nước tiểu đậm hay lợt hơn. Người khác bình luận
về lợi ích của niệu liệu pháp, hoặc cho biết cung cách uống nước
tiểu như thế nào cho có hiệu quả...
Bỗng nhiên có một người la lên:
- Coi kìa, cậu ấy cương cứng. Lạ quá, người bị liệt mà có thể lên
được, tôi mới thấy đó!
Tôi cảm thấy "báo vật gia đình" của tôi lần lần giương cao. Mẹ tôi
lanh tay chụp lấy cái khăn ướt trùm lên, vừa đè nó xuống vừa trấn an
những người xung quanh:"Không hề gì, chỉ trong một chút là đâu vào
đó ngay." Cụ Quan, thấy vậy có ý kiến ngay:
- Đó là dấu hiệu tích cực! Như vậy, may ra cậu ấy có thể thoát cảnh
hôn mê.
Mẹ tôi bực mình, đè mạnh cái khăn ướt xuống và sẵn đà véo mạnh "của
quý" của tôi, vì tôi đã làm cho bà xấu hổ. Đầu óc tôi cảm thấy bị bế
tắc và rối ren như một vũng bùn có người lấy cây quậy lên.
Hằng ngày, bao nhiêu khách "nhậu" đến ngồi bên giường tôi chầu chực,
với những lời bàn tán không đâu vào đâu hết. Bà này nói sao nước
tiểu ra chậm vậy, ông kia hỏi mẹ tôi một ngày được mấy ly,... Từ khi
kinh doanh được nước tiểu của tôi, mẹ tôi tăng gấp đôi lượng nước
biển chuyền vào. Cụ Quan ra vẻ thạo nghề:
- Uống một ly nước tiểu bằng uống thuốc từ cỏ cây một tháng.
Tôi chán ngấy cái cảnh nằm dài sản xuất ra nước tiểu này, nhưng làm
sao đây? Tôi ước ao được giải nghệ để chạy ra ngoài, đón gió man mát
thổi vào mặt. Giờ đây đã cuối xuân rồi, gió vẫn khô và hơi lành lạnh
đủ để làm cho mình nổi da gà... Một ước muốn nho nhỏ vậy mà chỉ là
một ảo vọng của tôi thôi! Đang mơ mộng viễn vông thì Cụ Quan bỗng
nhiên la lên:"Ly này đầy rồi, cho tôi cái khác" làm tôi cụt hứng.
Giá mà tôi ngồi dậy được, tôi sẽ đá đám người say mê nước tiểu này
ra khỏi nhà ngay.
Một ông khách nữa mới
tới, giọng nói có vẻ hồ hởi phấn khởi, đậm nét yêu đời:
- Anh đoán thử xem tôi tới sáu mươi chưa? Tôi trông trẻ và khỏe mạnh
như vầy là nhờ nước tiểu của cháu Đại Vệ đây. Tôi bắt đầu áp dụng
niệu liệu pháp sau khi đọc quyển "Nước tiểu: phương thuốc trị bá
bịnh" của một tác giả người Nhựt.
- Cần gì phải đọc sách đó. Ngươi Tàu chúng ta đã áp dụng niệu liệu
pháp trên ngàn năm nay. Cuối đời Nhà Thanh, người ta lấy nước giải
của các em bé trai để ướp dược thảo. Thấy chưa, tổ tiên ta biết dùng
nước tiểu đã từ lâu. Ngày nay, chúng ta cứ mượn danh nghĩa tiên tiến
mà chạy theo âu dược mãi.
Để mặc cho họ tranh luận về đức tính siêu việt, kiệt xuất của nước
tiểu, tôi tưởng tượng đến hình ảnh của những bước tôi đi trên tuyết.
Cảm giác của một con người đứng thẳng ra sao nhỉ? Đã đứng thẳng trên
hai mươi năm rồi chớ chưa sao, mà tôi đã mất đi cảm giác ấy. Tôi
tưởng tượng mình đang đi trên con đường tuyết trắng, hai chưn cứ nhẹ
nhàng. Tuyết chẳng có dấu ấn gì hết, ngoại trừ một vài dấu chưn chó
mèo đi tới thùng rác.
Tôi bước đi mau hơn và người tôi nhẹ lâng lâng như tờ giấy. Tôi bắt
đầu chạy cùng nhịp với hơi thở hổn hển. Hai chưn tôi rời khỏi mặt
đất, rồi tôi bay bổng vào ánh sáng chiếu ngời. Có người rượt theo
tôi và bắn nhiều mũi tên vào lưng tôi. Bên dưới tôi là thung lũng và
mây trắng lững lờ bay bay. Những mũi tên kia bay nhanh như tôi và
khi đến gần lại biến thành những cây kim tiêm thuốc.
Tôi nhớ lại giấc mơ đêm qua. Một ông bác sĩ đưa cho tôi một ống tiêm
và nói rằng:
- Anh hãy tự mình tiêm lấy thuốc này. Nếu làm đúng thì anh sẽ qua
được cơn hôn mê.
Thế nhưng, khi tôi cầm lấy ống tiêm thì nó lại biến thành dây xích
xe đạp lôi kéo tôi vào một hành lang bằng kiếng. Tôi vùng vẫy la hét
cầu cứu, nhưng chẳng có tiếng la nào lọt ra khỏi miệng. Bên ngoài
hành lang là vùng sa mạc khô cằn. Tôi tung người vào tường kiếng
giống như một con chim mắc bẫy, để rồi từ từ nghẹt thở chết đi!
* * *
Sáng sớm hôm đó, trên đường đi làm, Mịch Di ghé qua nhà thăm tôi,
đem tặng mẹ tôi một ít trái cây. Mịch Di mới thăm tôi cách nay vài
tháng, hôm nay nàng lại đến, chắc là theo yêu cầu của Thiên Nghi.
Mịch Di bước vào phòng thăm tôi, nhưng thấy tôi đang nằm trần truồng
nàng dội ngược. Mẹ tôi nhớ ra, có lời xin lỗi Mịch Di vì đang săn
sóc cho tôi thì Mịch Di tới nên không kịp đậy đắp tôi lại.
Mẹ tôi mượn Mịch Di phụ một tay lăn trở tôi qua, đổi thế nằm. Nhơn
đó, mẹ tôi lại than phiền là mỗi ngày phải trở tôi ba lần, mà người
tôi cứ ì ra nên nặng vô cùng. Bà nhắc lại là sau giải phóng, người
ta hát đi hát lại:"Người nghèo trên thế giới đã đổi đời...", nhưng
đời bà mấy năm qua đâu có đổi gì đâu. Mịch Di tiếp lời mẹ tôi:
- Vậy mà cuộc đời viên chức nhà nước đã đổi nhiều. Họ giàu sụ lên
nhờ biết tham ô nhũng lạm.
Hai người ngồi nói chuyện lang thang, chuyện nọ xọ sang chuyện kia.
Minh Di hỏi sao mẹ tôi không đi tập dưỡng sinh ở công viên, như mấy
người lớn tuổi thì bà cho biết là bà bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp
với Thầy Diêu. Mẹ tôi ca ngợi phương pháp luyện công của Thầy Diêu,
không khó khăn như tập khí công truyền thống.
Mịch Di cho mẹ tôi biết chuyện một người Anh vừa tỉnh dậy sau cơn
hôn mê dài chín năm. Ông ấy nói rằng dẫu cho ông không nói được và
không mở mắt nhưng ông nghe được hết.
- Chắc là Đại Vệ nghe được hết những gì mình nói.
- Phải nhìn nhận là bác đã nguyền rủa nó mấy lần. Nó làm bác điên
đầu lên... Bác mong sao nó ngủ rồi chết luôn cho nhẹ thân già của
bác.
- Không có mấy người chịu cực chịu khổ như bác đã mấy năm qua. Bác
hay quá, săn sóc Đại Vệ như vầy bao nhiêu năm qua. Bác có tin gì của
em ảnh không bác?
- Từ bên Anh nó kêu điện thoại về cho bác cũng thường, nhưng không
dám nói chuyện lâu sợ công an nghe lén.
- Công an thường tới đây không bác?
- Năm nào tới ngày Bốn tháng Sáu là họ đưa bác đi xa, bằng không thì
đôi ba tháng họ tới một lần. Họ bớt lăng xăng lôn xộn hơn trước kia.
Họ tới uống trà, bảo bác đừng nói gì với nhà báo xong rồi ra về. Đại
Vệ, nó gần chết rồi, còn cách mạng, cách miệng gì được nữa, mà họ
sợ.
Hôm nay làm gì mà bạn bè cũ rủ nhau đến đây nhiều vậy kìa? Họ gặp
nhau nói cười vui nhộn. Họ kéo nhau vô chật phòng tôi. Rất tiếc là
tôi không mở mắt được để nhìn họ mà nhớ lại những ngày xưa dấu yêu!
Vũ Cấm phân trần:
- Nó giống như Chủ Tịch Mao nằm trong lăng. Nét mặt nó cũng trầm
lặng và thanh thản. "Phải kiên định trước hoàn cảnh đổi thay", cậu
còn nhớ đã có lần cậu nói với tớ như vậy không, Đại Vệ? Tớ sẽ không
đời nào quên được.
Trần Đế giải thích thêm cho Trinh Băng, cô bạn gái của nó, vì cô này
không có trong nhóm bạn bè thời đại học Bắc Kinh:
- Đại Vệ đây chỉ huy đoàn sanh viên bảo vệ trên Quảng Trường thời
tranh đấu. Nó cừ khôi lắm, to con lại hắc búa. Đến đổi toán võ thuật
nhà trường còn phải nể nó.
- Thật vậy sao? Nhưng nay thì ảnh ốm tong, ốm teo như thế kia!
Từ ngày công an đến và giải tỏa những khách hàng uống "bia" của tôi
đi đến nay thì nhà im tiếng ồn ào.
- Đại Vệ này, tớ đọc báo thấy họ nói rằng nước tiểu của cậu bán được
mười nguyên một ly. Liệt giường như cậu mà còn làm ra tiền được,
thiệt khó tin. Báo chí kể là có một người bị viêm khớp mãn tính mà
chỉ uống một ly là khỏi ngay.
Trinh Băng ngạc nhiên hỏi lại:
- Ai uống nước tiểu?
- Em không đọc bài báo đó à? Có một bài viết về chuyện này trên tờ
Thế Giới:"Nước tiểu của bịnh nhơn bị hôn mê trị được ung thư". Em có
thể tìm thấy trên Internet.
- Trước giờ có nghe nói ngày xưa người ta chỉ uống nước tiểu của trẻ
em trai. Vậy thì nếu người ta uống nước tiểu của Đại Vệ có nghĩa là
nó đã cải lão hoàn đồng, trở lại tuổi thơ rồi!
Nghe được bạn bè tôi khôi hài, nói cười vui vẻ làm cho tôi cảm thấy
hạnh phúc. Trước kia, Trần Đế đã đến thăm nhiều lần rồi, nhưng hôm
nay là lần đầu tiên bạn ấy ở lại dùng bữa với gia đình. Cô bạn gái
của cậu ta xài nước hoa đắc tiền. Chắc là cô nàng làm việc cho một
công ty ngoại quốc. Ai đó đã tắt máy thâu thanh, một bạn khác đụng
mạnh đầu gối vào giường tôi. Tôi cảm thấy như những cặp mắt của họ
quan sát thân xác tôi từ đầu tới chưn.
Bước vào phòng tôi để đổi chai nước tiểu, mẹ tôi nói:
- Đại Vệ này, bạn bè cũ của mày tới chơi để mừng ngày sanh của mày.
Mày có phước thiệt, có nhiều bạn bè tử tế và mến thương mày.
Căn phòng trở nên yên ắng, tôi chỉ còn nghe tiếng hơi thở. Thế rồi
Trần Đế nghiêm trang cất tiếng nói:
- Đại Vệ ơi, nếu cậu nghe được tớ thì cậu biết tớ là ai rồi. Cậu đã
nằm liệt giường sáu, không, bảy năm nay rồi. Hôm nay là sanh nhựt
thứ ba mươi của cậu. Khổng Tử có nói "tam thập nhi lập", nghĩa là
con người đến tuổi ba mươi có thể tự lập, dựng nên sự nghiệp cho
mình. Mà cậu cứ nẳm yên đây thì làm sao? Tất cả bọn tớ đều hy vọng
là một ngày nào đó, cậu lại sẽ thoát ra khỏi cơn hôn mê này. Tớ muốn
nghe cậu giải thích cung cách hô hấp của loài thực vật. Tớ ước mong
cậu sẽ được trao tặng bằng tiến sĩ.
Nghe hơi chướng tai, Trinh Băng có ý kiến:
- Thôi đừng bỡn cợt anh ấy.
- Đâu có, hồi đi học nó nghiên cứu về khoa tế bào thực vật.
Vũ Cấm an ủi:
- Tớ hy vọng vào lúc cậu thoát được cơn hôn mê này, nhà nước sẽ xét
lại và đảo ngược án lịnh đã áp đặt cho phong trào sanh viên. Bọn tớ
sẽ tôn vinh cậu làm tổng tư lịnh Quảng Trường. Đến đây Mịch Di xoay
chuyển cuộc nói chuyện:
- Thôi, đừng nói những chuyện đã qua nữa. Tất cả bọn chúng mình nên
chúc Đại Vệ một sanh nhựt hạnh phúc và vui tươi.
Tôi không nghĩ là Mịch Di lại bắt bồ với Vũ Cấm. Hồi thời tranh đấu
trên Quảng Trường, hai đứa đâu có chuyện vãn gì với nhau. Rồi đây cô
nàng lại kể cho Vũ Cấm chuyện cô ấy bắt gặp tôi trần truồng như
nhộng, thiệt là nhục nhã thân tôi!
- Không biết anh ấy có nghe được mình không?
- Chắc là nghe được. Nó rất nhạy cảm với giọng nói phụ nữ. Khi em
vừa nói, anh thấy mí mắt của nó rung động.
Bữa ăn đã xong, mẹ tôi dọn lên và mời các bạn tôi ngồi vào bàn.
- Nào chúng ta cùng nhập tiệc, để "chủ tịch Mao" nằm nghỉ, mình ăn
để mừng sanh nhựt ông ta.
Lại có tiếng gõ cửa. Hai người bạn nữa của tôi tới. Chúng nó ngồi
vào bàn ăn ngay, chẳng đếm xỉa gì tới tôi. Qua câu chuyện trao đổi
của họ tôi được biết rằng Hội "Những Bà Mẹ Thiên An Môn" có ảnh
hưởng rất lớn. Dường như bà giáo chủ tịch hội được đề cử tranh giải
Nobel Hòa Bình. Mẹ tôi cho biết thêm nhiều chi tiết về hội này:
- Tội cho giáo sư Đinh Tử Lâm bị quấy rầy không thương xót vì những
hoạt động của bà. Bà đã bị mất việc làm, bị bắt và bị giam giữ. Bây
giờ thì bà bị theo dõi thường xuyên. Lúc nào cũng có xe công an đậu
trước nhà bà. Khi những người cùng làm việc với tôi biết được tôi có
liên hệ với phong trào trên Quảng Trường Thiên An Môn thi ai cũng
lánh xa, coi tôi như người bị bịnh cùi. Không ai muốn đề cập đến
chuyện đó nữa. Không có một giáo sư cũ nào của Đại Vệ đến thăm nó.
Nếu có thì "Ngoại Bàng" ở từng dưới sẽ báo cáo cho công an ngay. Nay
thì "Ngoại Bàng" cũng theo phong trào Pháp Luân Đại Pháp. Bà đã thay
đổi hoàn toàn, không còn nghĩ phải báo cáo ai với công an.
Hằng ngày, mẹ tôi đem máy thâu băng xuống sân để thực hành bài tập
Pháp Luân Đại Pháp cùng với một vài bà nữa trong chung cư. Nay
"Ngoại Bàng" thường lên nhà nói chuyện với mẹ tôi. Bà tự thú với mẹ
tôi là báo cáo với công an là một việc làm xấu xa, và từ ngày biết
Pháp Luân Đại Pháp, bà thực hành đạo lý "Chân Thiện Nhẫn" của Pháp
Luân Đại Pháp. Như vậy bà yên tâm là khỏi trở thành thú vật ở kiếp
sau.
Đột nhiên, mẹ tôi ngắt ngang câu chuyện:
- Bác có lấy được một cái thơ trong túi áo của Đại Vệ, may ra các
cháu hiểu được nội dung.
Tim tôi như ngừng đập, có thể của A Mỹ. Rồi ra, tôi sẽ biết được
tin tức của cô nàng.
- Giống như một mảnh giấy ghi vội điều gì. Dính đầy máu, không đọc
được gì hết!
- Truyền đơn chăng? Nhưng không phải, thơ viết tay...
- Nhưng cũng chẳng sao. Bác giữ nguyên cái áo dính máu của nó từ đó
đến nay? Bác sẽ hỏa thiêu cùng với nó.
- Đất chôn bây giờ đâu còn mắc nữa bác, bác muốn hỏa táng à?
- Thôi, đừng bàn tán chuyện đó nữa, mất vui. Hôm nay là sanh nhựt
của Đại Vệ, ta nên cắt bánh thì hơn. Đại diện cho Thiên Nghi, tôi
xin chúc Đại Vệ một ngày kỷ niệm đẹp lòng vừa ý...
(Còn tiếp)
Phan Quân
|