Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (30)

Người đờn ông ngồi cạnh tôi lấy ngón tay đè lên một cái huyệt gì đó
trên đầu của tôi. Phát hiện ra chỗ hổng trên xương sọ, ông ta hỏi:
- Có một miếng xương sọ thiếu mất chỗ này.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, người ta đã nói chỗ hổng này
với mẹ tôi nên bà lại thở ra:
- Mảnh xương đó nằm trong tủ lạnh bịnh viện khi mổ lần đầu tiên. Nó
đã tê liệt như một khúc cây. Liệu nó có hấp thụ được công pháp của
thầy không?
- Cây thì phải bắt lửa, bà chị nên nhớ. Nhưng dẫu cho cậu đây không
hấp thụ được công pháp của tôi thì tôi cũng có thể xâm nhập vào
nguồn gốc của căn bịnh và dò xét cả tâm trí của cậu.
Cô y tá đứng cạnh đưa
cho thầy xem hồ sơ bịnh lý. Thầy biểu tất cả bước ra ngoài và đóng
cửa lại, để thầy làm việc với bịnh nhơn. Đêm hôm trước, mẹ tôi có
nói khẻ qua lỗ tai tôi cho biết rằng chúng tôi đã đến núi Khánh
Thành ở tỉnh Tứ Xuyên. Dẫu rằng bịnh xá này nhỏ bé, giữa nơi đồng
không mông quạnh, nhưng ông giám đốc cũng là thành viên của Hội Khí
Công Trung Quốc và đã đi học ở nước ngoài.
Ông Thầy ấn nhẹ chỗ vết thương của tôi lần nữa, chuyền vào não bộ
của tôi một làn hơi nóng. Khi mấy ngón tay của Thầy ấn mạnh xuống,
tôi cảm thấy có một ngón dài hơn mấy ngón khác. Sau đó Thầy điểm một
huyệt khác nằm giữa hai chưn mày thì tôi thấy một tia sáng lóe ra.
Vì luồng nhơn điện của Thầy tiếp tục rung động xuyên qua sọ của tôi
nên tế bào não bắt đầu co giựt và tia sáng bắt đầu lóe chớp. Tế bào
não mấy năm qua yên nghỉ nay bật dậy, như học trò vừa nghe được
tiếng chuông vào lớp.
Rồi từ một quả cầu sáng trắng, tôi thấy một người xuất hiện và đến
gần. Người đó nhìn tôi và nói "Ngươi phải tưởng tượng ngươi là ta.
Có như vậy, ta mới kích thích được những mạch huyền ảo của thân xác
ngươi và để cho nhơn điện của ta cộng hưởng đồng nhịp với nhơn điện
của ngươi. Ngươi có nghe ta được không?"
Trí nhớ của tôi bắt đầu xao động, nhơn điện của ông ta thẩm thấu qua
não tôi như hiệu ứng của rượu làm tôi chếnh choáng. Ông Thầy biểu
tôi thư giãn như sắp sửa ngủ, trong khi đó hình ảnh của Thầy cứ lung
linh trước mắt tôi. Tôi nghe có ai đó, một bịnh nhơn hay một y tá
đang đi ngoài hành lang bịnh viện, nhưng tôi không biết bịnh viện
nào. Vì mẹ tôi sanh tôi ở hành lang bịnh viện nên tôi rất nhạy cảm
với những tiếng động ở hành lang. Rất có thể ông giám đốc bịnh viện
đã gợi nhớ những kỷ niệm xa tít mù của tôi từ lúc ban đầu khi tôi
vừa chào đời?
Ông hỏi mẹ tôi xem tôi thích làm gì, đồng thời ông cũng dùng khí
công để hỏi óc não của tôi một câu tương tự.
- Hồi còn nhỏ, nó thích làm mô hình tàu chiến. Lớn lên chút, nó
thích đọc tiểu sử danh nhơn, đặc biệt là những truyện ký Đệ Nhị Thế
Chiến. Có một năm, nó dành trọn mùa hè để đọc quyển "Sơn Hải Kinh".
Phần tôi thì tiềm thức của tôi nói:"Tôi thích đi đây đi đó, thích đá
banh, ..." Tôi cố bươi móc đầu óc, tìm cách cho biết những sở thích
khác nữa của tôi, nhưng không làm sao nghĩ ra được.
Ông Thầy thì thầm với não của tôi:
- Hãy tưởng tượng cậu đang ngồi trên một chiếc thuyền, xung quanh là
biển cả. Cậu được tám tuổi...
Đầu óc tôi đáp lại:"Không được, tôi dễ bị say sóng.
Tôi thích leo núi hơn..." Mặc dầu tôi không biết mặt mũi của ông
Thầy ra sao, nhưng có một cái gì quen quen
- Cậu nên cố gắng, thử xem, dễ mà. Giống như nằm mơ vậy thôi. Cậu
phải trở lại thời trẻ con và bắt đầu làm lại hết. Hãy nghĩ tới những
sách học, tới bộ tem sưu tập, tới kiểu tàu chiến mà cậu vẽ,...
- Không phải, một mô hình máy bay. Tôi thích nhứt là làm diều giấy.
Não tôi bắt đầu nóng hơn và tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Có một lúc ông
Thầy biến đâu mất, chỉ còn văng vẳng giọng nói của ông và tôi mường
tượng ra cái nhìn đăm đăm của ông. Rồi tôi nghe một tiếng ầm to
tướng và tiếng của kiếng bị vỡ.
- Đó là trong đầu óc cậu có một bức tường đã nổ tung. Nó ngăn chận
hết trí nhớ của cậu. Giờ thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Cậu có thể vượt
qua được. Hãy nghĩ tới tiếng động lớn mà cậu nghe hồi còn nhỏ, rồi
theo dõi nó, coi nó đưa cậu đến đâu...
Tôi nhớ hồi nhỏ chơi đốt pháo, tiếng pháo nổ chát chúa làm tôi điếc
tai hết mấy ngày. Tôi thấy xác pháo màu đỏ vàng rơi rụng khắp lề
đường. Tôi đang đứng trên một con đường mà tôi thường hay đi lúc còn
nhỏ. Một đỗi xa, tôi trông thấy một hộp bánh bằng thiếc bị cháy nám.
Khi tôi đạp chưn lên giấy đã bị đốt ở bên trong, thì tro bụi bay lên
tứ tung và nhảy múa theo cơn gió thoảng. Tôi tiếp tục đi tới và gặp
cây ngô đồng. Bóng của cành lá cây ngô đồng đu đưa nhảy múa trên bức
tường màu xám ở phía sau. Một ông già mang băng tay đỏ ngồi xổm dưới
gốc cây, không phải, ông ta ngồi trên cái ghế xếp.
Tiếng ông Thầy nói trong não của tôi:"Cứ đi tiếp, cậu biết rành con
đường này..." Tôi tiếp tục đi, quẹo phải và đến ngay bên ngoài cửa
sổ nhà Lỗ Lộc. Gạch đỏ của tòa nhà khô khốc và loan lở. Lớp vôi bên
ngoài đã tróc hết, ngoại trừ một mảng khá to còn bám lại trên tường
như miếng vải cũ.
Tiếng nói của ông Thầy ra lịnh:"Hãy trở về thời thơ ấu của cậu. Trở
về dĩ vãng càng xa càng tốt. Cứ đi mãi đi hoài. Đừng sợ gì hết. Tận
dụng cảm nghĩ của cậu mà tìm lối đi..." Tôi đắn đo một lúc vì tôi
biết rằng gia đình Lỗ Lộc đã dọn khỏi căn hộ ở từng trệt này mấy năm
qua rồi. Tôi nhìn thoáng qua khe hở dưới bực cửa sổ, trông thấy cái
chìa khóa cũ, có lần tôi định đem bán, nhưng không người thâu mua
đồng sắt vụn nào chịu lấy vì thuộc thứ kim loại rẻ tiền, chớ không
phải đồng đỏ. Vì vậy nên tôi khoét một lỗ bên dưới bực cửa sổ và
giấu cái chìa khóa trong đó. Tôi bước tới gần lỗ hỏng để coi cái
chìa khóa còn nằm đó không.
Tôi đang lẩn tha lẩn thẩn thì ông Thầy lên tiếng hối thúc:"Tôi không
thể ở lâu với cậu được nữa vì nhơn điện của tôi sắp hết, nhanh lên!"
Tôi cố gắng vận dụng tất cả các bắp thịt trong cơ thể tôi và chui
đầu qua một bức tường, lọt vào một vùng đen tối bao la. Trong khi
những mảnh vụn của dĩ vãng xoáy tròn quanh tôi thì dung nhan của Bà
Lý, người đã bị Hồng Vệ Binh đổ nước sôi cho đến chết, bỗng nhiên
hiện ra trước mặt tôi.
Tiếng mẹ tôi la lớn:"Coi kìa, nó chuyển động! Miệng nó nhúc nhích,
môi nó mím lại, ít lắm cũng ba lần!" Ông Thầy lấy tay ra khỏi đầu
tôi, rồi nói có vẻ hối tiếc:
- Tôi không mở được huyệt Thiên Nhãn của cậu ấy! Trí nhớ của cậu này
còn quá ít. Tôi đã phát ra thần công lực khá mạnh nhưng hệ di truyền
ở mô bịnh lý của cậu đây bị hỏng nặng, không bao giờ có khả năng tự
điều chỉnh trở lại. Vết thương quá nặng, chỉ có khí công không thôi
thì khó có kết quả tốt.
- Nhưng thưa Thầy, mới đây tôi thấy miệng nó nhúc nhích. Từ lúc nó
hôn mê đến nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy nó cử động như vậy.
- Tôi biết, nhưng nếu cần tiến triển khá hơn nữa thì phải có thuốc
chuyên trị để kích thích các tế bào. Rất tiếc là thứ thuốc mà tôi
nghĩ đến, bên Trung Quốc chưa có.
- Nó có người anh họ bên Mỹ, Thầy biên tên thuốc, tôi sẽ yêu cầu bên
Mỹ gởi về.
- Thuốc đó không bán ở tiệm dược phẩm, phải có toa của bác sĩ điều
trị của bịnh viện. Chỉ có cách là bà chị đưa cháu đi chữa ở nước
ngoài.
Mẹ tôi yên lặng, một sự yên lặng chịu thua, ê chề và hối tiếc. Ông
Thầy đã rút tay ra khỏi đầu tôi nhưng chỗ vết thương vẫn còn đập
mạnh. Những tế bào chỗ đó bị kích thích đã đóng cục lại và tỏa ra
những luồng ánh sáng. Qua óc nảo, tôi trông thấy nét mặt của ông
Thầy, nhưng tiếc thay dường như ông không thấy tôi.
Khắp nơi và mọi vật đều đen tối như mực. Bà Lý và lỗ hổng bên dưới
bực cửa sổ biến đâu mất. Rồi những bóng hình kỳ lạ xuất hiện. Toàn
là những bức ảnh trắng đen. Như vậy là nghĩa lý gì? Không có sự
hướng dẫn của ông Thầy thì tôi không tài nào giải đoán được gì hết.
Máu từ trên não đổ dồn xuống tay chưn rồi dội ngược trở lại, như
những đợt sóng trên biển. Tay chưn xưa nay cứng đờ dường như muốn cử
động. Tôi hít mạnh vào và một sự kích thích cực mạnh muốn cựa quậy
mấy ngón tay của tôi.
Một người đàn ông khác lên tiếng:
- Người tê liệt tứ chi trước đây, Thầy giám đốc trị có một lần là
đứng lên được. Thầy giám đốc đã chữa trị hàng trăm người tàn phế
rồi. Thầy đã nổi tiếng khắp Tứ Xuyên.
Dường như tiếng nói của ông phó giám đốc. Ông này đi giày bố nên tôi
không nghe tiếng chưn ông bước vào. Tay thầy phó giám đốc có mùi xà
bông. Thầy kéo càm tôi xuống để xem cái lưỡi của tôi. Chẳng nói
chằng rằng gì nữa, Thầy giám đốc đứng lên bước ra khỏi phòng. Tại
sao ông ấy bỏ tôi như vậy? Trên đời này chỉ có mình ông ấy nói
chuyện được với tôi. Còn có nhiều điều tôi muốn hỏi ông ta. Kể tiếp
trường hợp chữa bịnh trước đây, Thầy phó giám đốc nói tiếp:
- Nhưng bịnh nhơn đó, khi đến thì có thể mở mắt được, chớ không phải
như cậu này. Không có bịnh nhơn nào mà ông giám đốc không chữa được
hết. Bà chị cứ yên tâm. Ngày mai, Thầy sẽ có một phiên chữa trị
khác.
Ai đó ở ngoài hành lang gọi to:
- Xuân Hoa ơi, có bà nào gọi điện thoại. Chị có thể bắt nghe ở máy
ban tiếp khách.
Cô y tá gần bên tôi trả lời:
- Nói với bà đó, tôi đang bận.
Thầy phó giám đốc trình bày với mẹ tôi:
- Trị bịnh là phải có tác động của hai phía, bà chị à. Riêng một
mình chúng tôi không chưa đủ, vì bác sĩ cũng như đài phát thanh còn
bịnh nhơn như máy thâu thanh. Nếu máy thâu không mở thì làm sao bắt
được đài.
Cô y tá Xuân Hoa hỏi:
- Dì cho cậu ấy ăn uống bằng ống cao su phải không?
- Đúng, tôi có mang ống theo, cô khỏi mua cho nó ống khác.
Mẹ tôi lúc nào cũng sợ phải tốn kém thêm.
- Ống nuôi dưỡng cần phải được thay đổi thường xuyên, dì ơi, nếu
không thì sẽ bị nhiễm trùng. Chỉ có bảy nhơn dân tệ một cái thôi.
Tới giờ ăn trưa, ai nấy đều rút đi, kể cả mẹ tôi. Riêng tôi vẩn kẹt
cứng trong óc não của tôi. Tôi cứ nhìn thấy mãi những tro giấy màu
đen từ trong hộp thiếc bay ra. Thầy giám đốc nói nếu tôi muốn ra
khỏi cơn hôn mê thì phải cố gắng nhớ lại những sự kiện mà tôi muốn
quên. Trước khi trở lại cuộc đời xa xưa của tôi, trước tiên tôi phải
hoàn thành hành trình nội tâm đi vào quá khứ. Sau cùng, may ra tôi
sẽ có thể trở lại cái hành lang bịnh viện, nơi tôi chào đời, để một
lần nữa tìm đường đi vào cuộc sống.
Buổi chiều, vùng trời bên trên thị xã nhỏ bé này của tỉnh Tứ Xuyên
ngập đầy chim sẻ. Tiếng hót líu lo của chim sẻ và tiếng xì xào của
bánh xe đạp chạy trên đường bên ngoài xuyên qua bầu không khí có mùi
kỳ lạ của căn phòng. Tôi nghe một chiếc chìa khóa mở cửa phòng ở
từng dưới, giống như tiếng ho của một đứa bé.
Mẹ tôi đi lanh quanh trong phòng, bước chưn của bà nghe càng lúc
càng to. Mỗi khi bà qua ngang cái cửa bên trái tôi là miếng gạch
nhựa kêu cót két. Mẹ tôi gãi da đầu cho tôi, khi bàn tay bà cọ lỗ
tai, tôi nghe như tiếng sóng vỗ trên bãi cát. Mẹ tôi ăn một trái
quít và càu nhàu:
- Đầu mày bây giờ gàu nhiều quá. Coi nè, rớt đầy gối. Ba mày cũng
nhiều gàu kinh khủng.
Cử chỉ này của mẹ tôi
biểu lộ nỗi lòng thương yêu của bà. Cách đây nửa tiếng, bà than
rằng:
- Phương thức điều trị họ dự tính cho mày tốn nhiều tiền quá. Điều
tốt nhứt cho mẹ con mình là mày chết luôn trong giấc ngủ.
Rồi mẹ tôi đọc cho tôi nghe một bài báo:"Hai mươi bốn du khách người
Đài Loan dạo chơi trên du thuyền bị chết ở Hồ Tiền Đạo. Bọn thổ phỉ
chận bắt chiếc thuyền, cướp bóc tiền bạc xong nhốt họ vô một phòng
của chiếc tàu rồi phóng hỏa để thủ tiêu tang chứng tội ác. Tại sao
con người lại có thề tàn nhẫn đến như vậy, không biết nữa?
Tôi tưởng tượng đang đi dưới ánh nắng, bên trái con đường, mặt nhìn
lên vòm trời xanh. Khi tôi nhớ lại tóc tôi bị mặt trời nung nóng
lên, tôi cảm thấy máu dồn lên da đầu. Tôi thích nhìn đăm đắm lên
trời cao mỗi khi đi trên đường nắng chói chang. Như vậy tôi cảm thấy
choáng váng. Đôi lúc, khi tôi nhìn xuống xem đi đâu, rồi nhìn lên
trở lại thì tôi quên mất là mình vẫn đang đi.
Cảm thấy đi được là một điều huyền diệu! Khi chưn tôi chạm đất thì
cát bụi bay lên. Tôi đi trên lề trải đá và trên lòng đường tráng
nhựa, khi thì mềm, lức lại cứng. Tôi bước đi lề trên và lề dưới, và
dẫm trên những hộp các tông chất đống ở góc đường. Đôi khi tôi giẫm
lên những mảnh vỡ của kiếng bể chưa nát vụn ra. Vung chưn đá một
cái, tôi có thể làm cho chiếc giày cũ bỏ dưới gốc cây bay bổng lên
cao. Tôi thấy một đống cây làm giàn xây dựng để cạnh tường. Nếu leo
lên đó, tôi có thể nhìn thấy những cành cây trên cao vươn tận mây
xanh.
Khi ánh nắng chiếu tới thềm nhà, mẹ tôi ăn xong trở lại.
Bà than phiền vật giá cứ leo thang. Một dĩa trứng chiên với cà chua,
bây giờ lên tới một nguyên tám. Có người gõ cửa hỏi mượn hộp quẹt,
thấy tôi bà hỏi:
- Con chị đó hả?
- Mời chị cứ vào, phải chị nằm phòng kế bên không?
- Đúng, nhưng tôi không thể ở lâu được vì đang rắc rối với cái bếp
dầu lửa mới mua. Hai ngày qua, mất trọn cái hộp quẹt.
- Vào đây ngồi chơi cái đã. Làm gì mà gấp gáp.
- Tôi không ở lâu được.
Vậy mà bà đã đặt mông lên giường tôi, rồi nói:
- Tội hết sức, cậu ấy còn trẻ quá, đã bao lâu rồi chị?
- Hai năm rồi.
Mẹ tôi lại nói dối. Bà cứ như vậy, suốt hành trình trên xe lửa, ai
hỏi mẹ tôi cũng nói tôi bị hôn mê hai tháng nay.
- Tại sao vậy chị?
- Nó định băng qua đường thì đâm đầu vào dây phơi đồ, rồi té nhào
xuống đất.
Mẹ tôi thuật câu chuyện đó không biết bao nhiêu lần, lần đầu tiên
tôi nghe thấy là ở bịnh viện Bắc Kinh.
- Chị nói cậu ấy bị như vậy chỉ vì té à?
- Nó chạy nhanh quá và vướng sợi kẽm ngay cổ. Nó té ngữa ra, rồi
nhào đầu xuống nền xi măng.
- Còn chị nằm đây bịnh gì?
- Tôi bị khối u ở bọng đái.
- Lâu chưa?
- Mười một tháng, gần một năm rồi. Đây là lần thứ ba tôi nằm nhà
thương.
- Đã mỗ chưa?
- Xong rồi, đã lấy xong hai cục u. Mất hết bốn ngàn nguyên viện phí
rồi đó chị! Tôi phải bán hết mấy con heo cho kỳ mỗ sắp tới, nhưng
chỉ được một nửa số tiền cần thiết. Ông bác sĩ nói nếu không trả
trước hết số tiền thì phải về nhà chờ chết thôi!
- Chắc là ca mỗ rắc rối.
- Tôi đến đây đã được sáu ngày. Họ tìm thấy trong nước tiểu có máu
và cho biết cần phải giải phẩu ngay...
Gian phòng trở nên tối hẳn. Tiếng động quanh tôi xáo trộn lung tung.
Tôi cảm thấy như nằm trên giường của toa buồng ngủ xe lửa đang chạy.
Có một chiếc xe lửa trước mặt tôi. Có vẻ nó đang chạy, nhưng thật ra
nó chưa nhúc nhích gì hết. Tôi cố chạy nhanh lên, tìm cách nắm lấy
tay vịn. Dẫu cho ý thức được là tôi đang đuổi theo một vật không di
chuyển, tôi biết rằng dù cho chạy mau cách mấy, tôi sẽ không bao giờ
nắm được nó. Tôi có cảm tưởng chưn tôi đang chạy và thấy mỏi rã rời.
Bầy chim sẻ đậu trên nóc bịnh viện, trước kia là một khách sạn quốc
doanh loại nhỏ. Tiếng hót vang của bầy chim đi cùng với mùi thơm của
lá cây. Khi chim sẻ ngủ rồi là đàn muổi bay ra. Đêm qua mặt tôi đầy
mục đỏ vị bị muổi cắn. Tiếng ca nhạc nổi lên đây đó, khi trời đi lần
vào đêm, do đó sinh hoạt của thiên hạ cũng thưa bớt để có thì giờ
nghe ngóng và thưởng thức chút gì cho khuây khỏa. Đêm đã về, đèn đóm
nổi lên. Cái nóng của ban ngày đã dịu lần, thiên hạ lại lao xao và
tiếng động cũng tăng theo. Mẹ tôi ngồi yên bên cạnh tôi, đọc báo và
tạp chí mượn của bà ở phòng bên cạnh.
Đêm tối ảm đạm và ẩm ướt. Hơi ẩm bốc ra lúc ban ngày thẩm thấu vào
chăn mền, gối nằm và da thịt tôi và bàn ghế cùng sàn nhà đâm ra ẩm
ướt. Cái gì trong căn phòng bịnh viện cũng nặng hơn. Mẹ tôi và bàn
ghế như chìm xuống và cả tòa nhà cũng chìm lỉm.
Đêm nào cũng bắt đầu như vậy ở cái thị xã bé nhỏ miền núi này. Khi
mẹ tôi đóng cửa sổ lại thì cánh cửa kêu kẻo kẹt nghe rợn cả người.
Tờ tạp chí bà ném lên giường tôi, lần hồi mở rộng các trang của nó
ra. Khi cửa sổ đã đóng rồi, mùi nước tiểu thoang thoảng từ những tấm
lót bốc lên nặng mùi hơn.
Mẹ tôi đi đóng và gài cửa lại, rồi trở lại ngồi trên cái ghế của bà
và bắt đầu kể chuyện xưa, chuyện nay:
- Năm cỡ tuổi mày, tao đã đi vòng quanh Liên Xô và hát vai chánh
trong tuồng "Carmen". Nếu ba mày không bị liệt vào thành phần hữu
khuynh thì tao đã trở thành một giọng đơn ca nổi tiếng...
Chỉ vào hình ảnh trong tạp chí mẹ tôi nói tiếp:
- Như bà này đây, nay ca hát cho yếu nhơn nước ngoài. Tao không biết
làm sao bà ta lại đứng vào hàng siêu sao như vậy? Bà chẳng khi nào
chịu luyện tập ngành nghề của mình, chỉ lo chài mồi mấy ông ca sĩ
giọng nam nổi tiếng.
Lật sang trang khác, mẹ tôi lại hối tiếc:
- Nếu tao không cặp với ba mày...
Chà xát để phủi rớt những thức ăn khô dính trên quần áo bà, mẹ tôi
cằn nhằn:"Tao là một trong những cô gái đẹp nhứt trong đoàn văn nghệ
Opéra. Khi ba mày gia nhập ban nhạc của đoàn, mỗi ngày ổng đều gõ
cửa phòng tao để tặng tao một trái bom. Thời đó bom rất mắc tiền.
Nhưng tao không để cho ổng vô phòng. Vậy rồi, mấy tháng sau đoàn văn
nghệ đi hát ở miền quê. Làng mạc thật là nghèo nàn. Đoàn phải ở
trong những trại lính và mỗi ngày mỗi người chỉ ăn có nửa chén cơm.
Khi hát xong trở về doanh trại, ai ai trong đoàn cũng đói meo. Ba
mày lén vô nhà bếp ăn cắp một cái bánh cho tao. Công an bắt được và
bắt làm kiểm điểm. Nếu ổng không ăn cắp cái bánh đó thì có thể chẳng
khi nào tao chịu lấy ông làm chồng..." Nhờ kể chuyện dông dài như
vậy nên mẹ tôi dễ đi vào giấc ngủ cô liêu.
Những thành phố xa lạ có cái mùi kỳ quặc và làm cho mình bối rối.
Nhưng bối cảnh mới lại kích thích đầu óc mình. Cá lội trong nước mới
lạ mỗi ngày thường lanh lợi và khôn khéo hơn những con cá cứ ở trong
mỗi một ao hồ suốt đời. Từ khi Thầy giám đốc chữa trị cho tôi bằng
khí công lần thứ hai, tôi bắt đầu hửi thấy nhiều mùi lạ của thị xã
này. Khi ngọn gió chiều thổi vào buồng, tôi cảm thấy các mùi đó kích
thích những tế bào của hệ thần kinh.
Mẹ tôi lại cằn nhằn, càu nhàu:"Nói với mày hoài mất thì giờ, chẳng
ích lợi gì! Cũng bằng đem đờn mà gảy tai trâu. Nếu phí tổn chạy chữa
cho mày không được bồi hoàn thì mày phải chết thôi. Tao làm sao mà
để cho mày sống lâu dài hơn nữa?!" Tiếng nói của mẹ tôi lọt vào lỗ
nhĩ của tôi. Thân xác của tôi như một căn phòng có cửa khóa kín
nhưng lại có cửa sổ mở toang. Dẫu cho hé nhìn được vào trong qua cửa
sổ thì mình cũng chẳng khi nào vào được bên trong hoặc kiểm soát
được những gì xảy ra bên trong. Các cơ phận của thân thể mình tự ý
xử sự theo ý của chúng, và có thể đánh hạ mình bất cứ lúc nào và làm
cho mình bại liệt suốt đời!
Cầm tờ giấy liệt kê bịnh viện phí, bà lẩm nhẩm "bình nước biển hết
chính nguyên, còn thuốc trị co cứng gấp đôi giá thông thường, y tá
mỗi ngày trả tám nguyên, cũng rẻ hơn ở Bắc Kinh. Nếu có bịnh nhơn
nào chịu chia phòng với mày thì đỡ tiền phòng được một nửa..."
Mùi đất ẩm từ núi non bay ra bám chặt lấy khí quản của tôi, làm tôi
nhớ lại mùi đất tôi đã phát giác ra trong hơi thở, sau khi tôi nằm
nhà thương khoảng một tuần lễ. Tôi biết rằng mùi vị chỉ là thứ hơi
thở không tốt và chính cái chết cũng chẳng có mùi vị gì, và tôi cũng
hiểu rằng một con người khỏe mạnh mà ngã đau là đã nằm trong phòng
chờ chết rồi. Sau khi bịnh nhơn nằm nhà thương trên một tuần lễ, họ
bắt đầu cảm thấy chới với.
Vậy mà đau yếu bịnh hoạn còn tệ hơn chết. Khi thân xác bắt đầu mục
nát thúi rữa ra thì con người mất đi phẩm chất và tư cách của mình.
Mình phải nằm liệt giường, phô bày sự yếu kém và suy nhược của mình
cho thiên hạ và để cho bác sĩ sờ mó và khám xét tất cả những nơi
trước kia đã được giấu kín. Tôi trông mong luồng nhơn điện của Thầy
giám đốc xâm nhập vào óc não tôi lần nữa vào ngày mai, nhưng cô y tá
vừa cho mẹ tôi hay là Thầy đau và phải hủy bỏ phiên chữa trị.
Tôi tưởng tượng có một ngọn gió thổi sau lưng tôi. Người tôi khô
khốc và cứng ngắc. Lớp da teo quắt của tôi khao khát hút được chất
ẩm của xương tủy, như bầy hưu nai thèm khát trước ao hồ vào giữa
ngày hè, nắng nóng... Hai má của tôi giờ đây chắc phải hóp vào dữ
lắm. Thân hình tôi nay chắc như một xác chết, gầy đét nhiều hơn thời
kỳ trước khi em tôi xuất ngoại. Mẹ tôi chụp một tấm ảnh chung có Đại
Nho và tôi rồi đưa cho nó một tấm để đem theo sang Anh Quốc làm kỷ
niệm. Trông thấy ảnh nó nói:"Con không thể đem hình đó theo. Chụp
chung với một xác chết thì xui quá!" Tôi thông cảm, đâu trách cứ gì
Đại Nho được.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|