Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (14)

Sau cuộc biểu tình
phản đối bài xã luận ngày 26 tháng Tư của tờ "Nhơn Dân Nhựt Báo",
sanh viên rút về trường chuẩn bị đợt hành động mới. Lợi dụng thời kỳ
bãi khóa, ban chấp hành tích cực hoạt động để đẩy mạnh tiến trình
đòi hỏi nhà nước phải nới rộng tự do dân chủ. Muốn đối thoại trực
tiếp với chánh quyền, sanh viên hình thành một "Phái Đoàn Đối Thoại"
để có đối tượng đàm phán với chánh quyền.
Thiên
Nghi được giao nhiệm vụ thảo ra kiến nghị gởi nhà nước, phác họa
những bước phải làm và cần đạt được trong quá trình đàm phán với
chánh quyền. Đại để kiến nghị cho thấy, một là phong trào sanh viên
phải được công nhận là phong trào yêu nước. Hai là, nhà nước phải
xúc tiến chương trình cải cách chánh trị. Ba là, phải đẩy mạnh
dân chủ và tôn trọng luật pháp.
Trong những ngày rộn rịp này, phòng ngủ của nhóm
sanh viên tranh đấu được sử dụng như là
tổng hành dinh, nơi thì làm trạm phát thanh cho sanh viên,
nơi thì làm tòa soạn của tờ báo độc lập "Người Đưa Tin". Cho nên ký
túc xá cứ lăng xăng, bận rộn như một nhà
ga vào giờ cao điểm.
Trong lúc tình hình chánh trị Bắc Kinh đang gay
cấn thì lại có tin là Tổng Bí Thơ Mikhail Gorbachev của Nga sắp sang
thăm Trung Quốc. Tin về một nhơn vật
cộng sản nổi tiếng với "Glasnost" (mở cửa)
và "Perestroika" (tái cơ cấu) đến thăm Trung Quốc, đang khi dầu sôi
lửa bỏng, làm cho sanh viên cảm thấy nức
lòng. Mấy ngày nay, người ta thấy một
thành viên của Liên Đoàn Sanh Viên đi thu thập chữ ký để yêu cầu
lãnh đạo nhà trường trao tặng bằng danh dự cho Gorbachev trong kỳ
viếng thăm Bắc Kinh sắp tới. Người ta bận rộn đi tìm sanh
viên rành Nga ngữ để làm thôn ngôn. Người ta cũng
nêu vấn đề thảo luận với ông đại sứ Nga
tại Bắc Kinh.
Những buổi phát thanh của sanh viên
bắt đầu đề cập tới chuyến viếng thăm của Gorbachev và bàn rộng tán
dài về hai chủ đề thân thiết của ông. Còn
nội bộ ban tổ chức thì bàn về hình thức đấu tranh. Có người cho
rằng, tới giờ phút này, sanh viên đã tận
dụng nhiều dạng tranh đấu, nào là kiến nghị, biểu tình ngồi, xuống
đường biểu dương lực lượng, bãi khóa, đòi hỏi đối thoại,... nhưng
kết quả có vẻ quá mong manh. Người ta thảo luận tới lui và đi đến
kết luận cần phải tiến tới giai đoạn quyết liệt hơn. Tuyệt thực.
Giải pháp này sẽ gây ấn tượng mạnh hơn và sẽ được hậu thuẫn của quần
chúng và làm cho nhà nước phải có phản ứng.
Như vậy là hai luận điểm bắt đầu chạm trán nhau.
Một bên chủ trương lấy tuyệt thực hậu thuẫn cho đối thoại, phải dùng
biện pháp mạnh, bằng không thì nhà nước sẽ hoàn toàn lờ phong trào
đi, do đó phong trào sẽ tan rã. Bên kia thì cho rằng cho tới bây giờ
nỗ lực để đi đến đối thoại đã có chiều hướng thuận lợi. Bây giờ,
tung ra chuyện tuyệt thực nữa thì quan hệ giữa chánh phủ và
sanh viên sẽ hoàn toàn gián đoạn. Hơn nữa, chưa
chắc gì toàn thể sanh viên đồng tình chấp
nhận biện pháp tuyệt thực, vì hơi khó, do chỗ có những cái phức tạp.
Đến nước cùng, một sanh viên
tiết lộ là "thành phần cải cách trong Đảng có mật tin cho
sanh viên nên đẩy mạnh phong trào phản đối. Rộng
lớn bao nhiêu, tốt bấy nhiêu". Một anh nổi nóng, đập bàn đứng lên:
- Chúng tôi có nhận
được nhiều đề nghị ủng hộ giải pháp tuyệt thực. Các bạn cứ ngồi đây
mà thảo luận quanh quẩn, không chịu lắng nghe dư luận quần chúng bên
ngoài.
- Gorbachev sẽ tới Bắc Kinh ngày 15. Đã bốn mươi
năm qua, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh
đạo Liên Xô tới thăm nước ta. Nhà nước sẽ tiếp đón khách quý thật
trọng thể tại quảng trường Thiên An Môn. Nếu như sanh viên
tuyệt thực trên quảng trường trong khi Gorbachev đang ở thăm thì thế
nào nhà nước cũng phải phản ứng thuận lợi.
Cuộc tranh luận thật vô cùng căng thẳng. Anh
trưởng đoàn Đối Thoại vừa thành hình, cảm thấy rằng nếu giải pháp
tuyệt thực thắng thế thì phái đoàn Đối Thoại của anh không còn lý do
tồn tại nữa. Anh đòi lên loa tuyên bố từ chức trưởng đoàn Đối Thoại,
và càu nhàu:
- Các bạn chỉ có nói và nói thôi, chẳng làm được
gì hết.
Nhưng rất tiếc vì chương trình phát thanh đã được
ấn định trước, không làm sau ngắt ngang để tuyên bố điều gì hết.
Trên đường đến khu niêm yết, Đại Vệ
chạm trán với bà mẹ của nó. Nhiều bực cha mẹ kéo đến trường để hỏi
các thày cô xem con của mình có tham dự phong trào đối kháng hay
không. Mẹ nó vừa mới đến gặp chi bộ Đảng nhà trường cho họ biết rằng
bà không đồng ý cho Đại Vệ tham gia phong
trào. Nhưng Đại Vệ không đồng ý và bà nói
là bà ủng hộ giải pháp của trường và chỉ biết có trường mà thôi.
* *
*
Đại Vệ
đang đánh bóng bàn với một
người bạn, bỗng dưng nghe trên loa có tiếng nói của một
thành viên ban chấp hành loan báo từ chức và dự tính tổ chức
một cuộc tuyệt thực và đẩy mạnh công cuộc chống
đối. Câu chuyện đang được bàn tính, chưa có quyết định tập thể mà đã
được công khai hóa nên bắt đầu được dư luận bàn tán. Có người cho
rằng bãi khóa cũng có hiệu quả rồi, nay lại tuyệt thực thì không
biết sẽ đi đến đâu? Có dư luận nói rằng nếu sanh viên
tuyệt thực thì nhà nước sẽ đàn áp mạnh, rồi thì hỗn loạn, thậm chí
đi đến đổ máu nữa.
Như
vậy là nội bộ bắt đầu chia rẻ giữa tuyệt thực và không tuyệt thực.
Tranh đấu với một tinh thần phân tán như
vậy là điều không mấy tốt đẹp, nhưng trong tập thể thì phải có người
vầy, kẻ khác, một khi không có quyết định
nhứt trí. Một ban chấp hành rời rạc như vậy lại đối đầu với
một chế độ độc tài đảng trị thì làm sao mà thắng
được? Người ta thường cho rằng đảng cộng sản
thoát thai từ nòng súng. Nên chi, Đảng là một
tổ chức tàn bạo và cứng nhắc. Cứ mỗi sinh hoạt, mỗi hành động ra
ngoài quy định của Đảng là bị tố giác là gây rối loạn. Chủ tịch
Dương Thượng Côn cũng như phó chủ tịch Vương Chấn đều thuộc cánh
quân sự.
Phân tích bài diễn văn của Tổng Bí Thơ Triệu Tử
Dương, đọc trước hội nghị thường niên của Ngân Hàng Phát Triển Châu
Á, ban biên tập đặc san "Người Đưa Tin" có để ý đến đoạn "Trung Quốc
sẽ không bị xáo trộn, và sanh viên không
chống đối lại chế độ căn bản của chúng ta mà chỉ yêu cầu sửa đổi
một vài thiếu sót". Nắm lấy điểm đó,
sanh viên reo hò cho là lời nói tuyệt vời,
vì họ ngầm hiểu rằng Triệu Tử Dương không đồng ý với luận điệu của
bài xã luận ngày 26 tháng Tư trên tờ "Nhơn Dân Nhựt Báo".
Những sanh viên xuất
phát từ khu niêm yết, bàn tán xôn xao về một
thông cáo khẩn cấp từ "Khối 46" của sanh
viên tốt nghiệp. Nội dung bài niêm yết viết:
"Xét vì tình hình đã nghiêm trọng, chúng
tôi xin đề nghị:
a) một cuộc tuyệt
thực quy mô (thời gian và địa điểm sẽ quyết định sau),
b) chiếm cứ quảng trường Thiên An Môn trong
thời gian viếng thăm của Gorbachev.
Nếu như chúng ta không đẩy mạnh cuộc đấu tranh
trong lúc này thì phong trào kể như tiêu tan."
Có người định đưa tin trên lên loa phóng thanh,
nhưng trưởng đoàn Đối Thoại can ngăn vì sợ phải giải tán phái đoàn
vừa thành hình. Có người lại phản bác, giải thích rằng đàng nào thì
mục đích cũng là làm áp lực buộc chánh quyền phải đối thoại với
sanh viên. Luận điệu này cho rằng nếu
tuyệt thực thành công thì xu thế đó sẽ dẫn đầu và phe chống đối
tuyệt thực chỉ còn là một lũ theo đóm ăn
tàn.
- Vậy thì đã sao nào? Chúng ta cứ bảo là đấu
tranh chống độc tài, nhưng trong thâm tâm người nào cũng có
một vị hoàng đế con con!
- Chớ vội mừng chuyện Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương
đứng về phe ta vì Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó và ông
ta vẫn coi sanh viên như những tên phản
cách mạng nguy hiểm. Họ Đặng hay ra vẻ như là một
con người cải cách, nhưng đừng tưởng bở. Cha đó láu cá ghê lắm! Ông
ta cầm đầu chiến dịch chống hữu khuynh, nhưng đã khôn khéo luồn lách
để cho người ta tưởng rằng lỗi ở Mao Trạch Đông.
- Chiến dịch tuyệt thực có thể mở rộng cả nước.
Nếu như Trung Quốc rơi vào rối loạn thì Triệu Tử Dương cũng tiêu
luôn. Mấy ngày hôm nay, công an đã rút ra ngoại ô. Bắc Kinh như
thành phố ma. Họ chờ cho chúng ta đập phá và cướp bóc để họ bắt đầu
sát phạt. Sanh viên chúng ta phải tuyên bố ủng hộ bài nói của Triệu
Tử Dương để làm cho sanh viên lên tinh
thần và ngăn ngừa họ làm những điều quá khích.
* *
*
Chiều ngày 12 tháng Năm, ban tổ chức niêm yết
thông cáo kêu gọi sanh viên ghi tên tham
dự tuyệt thực, dự định bắt đầu vào 2 giờ chiều ngày hôm sau tại
quảng trường Thiên An Môn. Trong buổi hội thảo "Diễn Đàn Dân Chủ"
đêm hôm đó, hai sanh viên lên diễn đàn đưa
ra hai bài nói sôi nổi, kêu gọi mọi người nên tham gia phong trào
tuyệt thực. Phong trào tranh đấu bắt đầu sôi nổi trở lại nên
một vài người đã lặn mấy ngày trước đây, nay xuất
đầu lộ diện trở lại. Có tin là phái đoàn sanh viên
Thượng Hải vừa đến Bắc Kinh để trao kiến nghị cho chánh phủ.
Cảm thấy phong trào tranh đấu đang hùng hổ trở
lại, ban chấp hành hiểu rằng bây giờ không phải là lúc để chống đối
chuyện tuyệt thực. Nên chi, có ý kiến thành lập toán "hậu cần" và
nhóm cứu thương để hậu thuẫn những người tuyệt thực, trong thời kỳ
chiếm cứ quảng trường. Tới giờ phút này, đã có gần bốn mươi
sanh viên ký tên tuyệt thực.
Vậy mà, trong tổ chức nào cũng thế, cứ trâu buộc
ghét trâu ăn, làm thì không dám làm, người khác làm thì chê bai. Một
anh sanh viên leo lên bệ cửa sổ nhìn về
đám đông ở khu niêm yết. Thấy thiên hạ chộn rộn với chuyện tuyệt
thực, anh buột miệng:
- Người ta cứ xách động quần chúng vào những
chuyện đâu đâu! Phải lắng nghe tiếng nói của quần chúng. Từ Hitler
tới Mao Trạch Đông, ai cũng vậy, cần phải biết nhơn dân muốn gì.
Phong trào mình cố công gầy dựng từ bấy đến nay, giờ đây đã bị những
người háo thắng làm hư hỏng hết!
Một sanh viên đứng cạnh
lên tiếng:
- Cậu đã có nhiều cơ hội lãnh đạo mà không biết
năm lấy, cứ quanh co, đắn đo. Giờ thì trách ai?
- Quan niệm của tớ là từ từ, già néo đứt dây, làm
mạnh quá thì nhà nước sẽ diệt phong trào ngay.
Tám giờ sáng ngày hôm sau, loa lại vang vang lời
tuyên bố về phong trào tuyệt thực của sanh viên:
"Chúng tôi đã chấp nhận
cái lạnh và cái đói để đạt được sự thực, nhưng công an võ trang cứ
đánh đuổi chúng tôi. Chúng tôi
phải quỳ gối để đòi hỏi dân chủ, nhưng chánh phủ cứ lờ đi. Khi các
lãnh tụ sanh viên hối thúc nhà nước đi đến
đối thoại thì sanh viên lại thấy mạng sống
của mình bị lâm nguy... Chúng tôi không
muốn chết mà muốn tồn tại trên cõi đời này. Chúng tôi
còn trẻ, và chúng tôi muốn tận hưởng cuộc
đời và học hành tích cực. Đất nước này vẫn còn nghèo khổ, chúng
tôi muốn lao động cật lực để xóa khổ diệt
nghèo. Chúng tôi không tìm cái chết.
Nhưng, nếu một người chết để cho nhiều kẻ
khác sống sung sướng hơn, thì..."
Nói đến đây, giọng nói trên loa như nghẹn ngào,
muốn khóc, không tiếp tục được nữa. Đại Vệ
nhìn ra bên ngoài cửa sổ và trông thấy một
đám đông đứng dưới mưa. Họ tập họp ở khu niêm yết để lắng nghe loa.
Khi lời tuyên bố nói trên chấm dứt, có vài tiếng khóc con gái và
lượng người đăng ký tuyệt thực đông thêm. Lời tuyên bố trên loa làm
cho nhiều người xúc động, trước kia không có ý định tuyệt thực, nay
cũng hơi xiêu lòng.
Những sanh viên tuyệt
thực bắt đầu chuẩn bị thể chất để chịu đựng cuộc thử thách, chưa
biết sẽ kéo dài bao lâu. Giữa hai người bạn thân thích là
Thiên Nghi và Đại Vệ cũng không được nhứt trí về quyết định tuyệt
thực. Thiên Nghi thì sẵn sàng ngay từ đầu, trong khi Đại Vệ còn
lưỡng lự, nại cớ là phải ở trong toán "hậu cần" để ủng hộ những
người nhịn ăn tranh đấu.
Đại học
Bắc Kinh có khoảng mười ngàn sanh viên, vào giờ chót có khoảng ba
trăm người ghi tên tuyệt thực. Trước khi bắt đầu tuyệt thực, ban tổ
chức phát động bằng một "bữa ăn tạm biệt" ở tiệm ăn gần trường. Tiệm
ăn đầy cứng người vì là bữa ăn miễn phí. Nổi bật bên trên đầu người
ngồi ăn là những bích chương biểu ngữ. Người ta đọc được: TÔI THÍCH
SỰ THẬT HƠN CƠM! TÔI YÊU DÂN CHỦ HƠN BÁNH MÌ! Một sanh viên viết lên
lưng chiếc áo thun trắng: THÀ NHỊN ĐÓI, HƠN LÀ SỐNG MẤT TỰ DO! Một
người khác đeo trên cổ một mảnh giấy viết: NGƯỜI TUYỆT THỰC KHÔNG ĂN
DÂN CHỦ CHIÊN KHÉT! Trong bầu không khí bận rộn của phòng ăn, người
ta còn nghe được qua băng thu thanh:"...Trong giây phút tuyệt vời
của tuổi trẻ, chúng ta hãy dẹp qua một bên
những cái tươi đẹp của cuộc đời. Mẹ Trung Quốc ơi, hãy nhìn đây
những đứa con trai và con gái của Mẹ!..."
Các sanh viên tuyệt
thực, nét mặt trang nghiêm, người khăn quàng trắng, kẻ khăn quàng
đen hoặc đỏ, cùng đứng lên đọc lời thề nguyền của người tuyệt thực:
"Để đem lại dân chủ cho Tổ Quốc, chúng tôi
xin thề tuyệt thực cho đến thắng lợi cuối cùng." Cảm kích hơn hết là
các nhà giáo trẻ ra tay phục dịch bữa ăn cho sanh viên và mỗi sanh
viên tuyệt thực đều được một chai bia để trước mặt.
Sau khi
đồng thanh tuyên thệ tập thể, các sanh viên chụp hình lưu niệm, đứng
dưới băng biểu ngữ mang hàng chữ: "PHÚT ĐĂNG TRÌNH CỦA NHỮNG ANH
HÙNG. CHÚNG TA CHỜ ĐÓN NGÀY TRỞ VỀ VINH QUANG!" Ban an ninh trường
đại học Bắc Kinh đưa ba trăm sanh viên tuyệt thực sang đại học Sư
Phạm để nhập bọn cùng với các trường khác tiến ra
Quảng Trường.
Trên
đường đi ra Quảng Trường, có người đưa cho
Đại Vệ một mảnh giấy nhỏ cho biết: "Chánh phủ vừa
thỏa thuận mở đối thoại với sanh viên.
Phiên họp đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày mai tại Trụ Sở Mặt Trận Thống
Nhứt. Phái Đoàn Đối Thoại được mời dự phiện họp sơ bộ vào chiều nay
để thảo luận về thủ tục. Nhà nước sẽ đưa xe đến đón phái đoàn. Như
vậy nên đưa những sanh viên tuyệt thực trở
về trường ngay!"
Thật là không đúng lúc chút nào hết. Phái đoàn
tuyệt thực đã làm lễ tuyên thệ xuất phát và đang đi được nửa đường
để đến địa điểm. Thật là rắc rối, Đại Vệ
định giấu mảnh giấy con đó đi, nhưng nghĩ sao lại đưa ra cho ban tổ
chức.
- Thật vậy sao? Nếu như tin tức đó đến sớm
một chút thì hay quá, nhưng bây giờ thì đã muộn
rồi! Chúng ta cứ tiến hành kế hoạch. Chỉ có cách này mới bắt bí nhà
nước được. Cậu có chưn trong Phái Đoàn Đối Thoại thì cứ đi họp ở Trụ
Sở Mặt Trận Thống Nhứt, với tư cách đại diện của phe tuyệt thực.
- Hãy chờ xem. Để tớ trở về trường coi tình hình
như thế nào?
Ở đằng trường, Phái Đoàn Đối Thoại đã chuẩn bị để
đi họp sơ bộ với nhà nước. Đại Vệ cho Phái
Đoàn biết phản ứng của người phụ trách sanh viên
tuyệt thực là cứ xúc tiến. Như vậy thì nhà nước sẽ bối rối vô cùng.
Nếu như những sanh viên tuyệt thực vẫn còn
ngồi đông đủ ở Quảng Trường khi Gorbachev đến thì lãnh đạo Đảng sẽ
một phen bẽ mặt.
Đang khi Phái Đoàn Đối Thoại chuẩn bị lên xe của
nhà nước đưa đến để đi họp sơ bộ thì có tin một
nữ phóng viên nước ngoài muốn phỏng vấn. Phái Đoàn đâu có thì giờ để
tiếp báo chí, hơn nữa ban tổ chức không có quyền nói chuyện riêng tư
với ký giả ngoại quốc vì không đúng quy định.
Rút kinh nghiệm là trong phong trào Bức Tường Dân
Chủ hồi năm 1979, nhà đối lập Ngụy Kinh Sinh bị bắt về tội gặp gỡ
riêng tư với người nước ngoài và phản bội lại đất nước. Phóng viên
ngoại quốc nào ở Bắc Kinh cũng có mật vụ theo dõi. Nên chi, phải cẩn
thận trong chuyện đối thoại với người nước ngoài.
Vừa
tuyệt thực vừa đối thoại như vậy mà hóa ra hay. Đương nhiên mà phong
trào sanh viên lại thực hiện được chiến
thuật "hai mũi giáp công", vừa đánh, vừa đàm. Có thể khi Gorbachev
đến Quảng Trường thì toán sanh viên tuyệt
thực âm thầm rút đi qua những đường hầm bên dưới quảng trường. Ngay
hôm Gorbachev vừa đặt chưn xuống Trung Quốc thì Quảng Trường đông
nghẹt sanh viên và đỏ rần cờ xí để rồi
sáng hôm sau, quảng trường vắng lặng như bãi tha ma! Nhà nước lại
một phen lên ruột với bọn sanh viên,
trẻ người lại lắm kế.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|