Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (35)

Hôm qua đây, mẹ tôi nói chuyện điện thoại với Thiên Nghi. Tôi có
nghe bà kể với cô nàng:
- Công an lại đưa Đại Vệ và bác đi xa như mọi năm. Cứ mỗi lần đến
ngày "Tứ Lục", kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn, họ đưa hai mẹ con bác
ra khỏi Bắc Kinh và nhốt trong một khách sạn ở ngoại ô vài ba ngày.
Họ bảo chuyện đó nằm trong chương trình hằng năm để "thanh lọc môi
trường chánh trị thủ đô"... Họ sợ gì thằng Đại Vệ, bây giờ đuổi ruồi
cũng không xong, nhưng họ chỉ muốn cầm chắc là bác không gặp nhà báo
nước ngoài thôi... Chưa có dấu hiệu gì cởi mở hết cháu ơi! Không
chắc gì nó mở được mắt trước khi bác nhắm mắt hết... Cháu sẽ về
Trung Quốc hả? Chắc là cháu sẽ ghé qua thăm nó. Bác nói trước là
không còn thằng Đại Vệ như xưa đâu. Nó ốm tong ốm teo, cháu có thể
nhìn thấy tim và mạch máu của nó đập dưới lớp da, chẳng khác nào mấy
cái đồng hồ trong suốt bán ngoài chợ...
Với cái nóng oi bức cũa mùa hè, da thịt tôi có một mùi khó chịu,
thum thủm như rác rưởi hư thúi. Cái lưng tôi còn tệ hơn nữa. Phấn
thuốc mẹ tôi thoa lưng cho tôi mấy ngày qua đã đóng cục trên chỗ da
bị tróc bay mùi không tả nổi.
- Bác có nghe nói ngày nay các khoa học gia có tìm được một thứ
thuốc, lấy từ óc não của bò, có cơ chữa được những tế bào thần kinh
hư hỏng. Nhưng, cháu ơi, bác đâu dám hy vọng gì. Thiên Nghi à, nay
cháu đã lớn khôn, chắc là cháu cũng biết ở đời ai cũng phải có tiền
mới sống được. Bác đã hết tiền từ lâu nên bác phải bán hết một quả
thận của nó. Nhưng tiền bán thận của nó chỉ thuốc men được có ba
tháng. Giờ thì bác không thể nào mua thuốc thích hợp cho nó nữa, bác
ra chợ mua thuốc cũ hết hạn, ít tiền nhưng hiệu quả không tin tưởng
được. Nhiều khi tiêm vô nó nổi tùm lum lên... Trời ơi, sao nó không
chết đi cho rảnh...
- Bác cho cháu nói với ảnh ít lời được không bác?
Mẹ tôi đem ống nghe đến sát bên tai tôi. Tôi nghe như chừng Thiên
Nghi đang khóc.
- Đại Vệ ơi, anh có nghe em không? Bây giờ là mười giờ sáng ở đây.
Em thấy em tội lỗi quá nhiều. Lẽ ra em không nên đòi hỏi anh cùng ra
Quảng Trường khi em tham gia tuyệt thực. Đáng lẽ ra người bị bắn
phải là em... Anh có muốn nghe tiếng động bên ngoài không?
Thiên Nghi mở cửa sổ ra, nghe tiếng xe cộ rú lên và tiếng gió thổi
cành lá xôn xao. Phải là một thành phố to lớn và ồn ào. Thiên Nghi
hỏi mẹ tôi:
- Liệu anh ấy có nghe được không bác?
- Chắc là được. Cháu dễ thương quá, còn nghĩ tới nó.
- Bác gởi cho cháu xin tấm hình của ảnh đi bác. Cháu không có đem
theo tấm hình nào chụp chung với ảnh.
- Thôi cháu ơi, da nó bây giờ như vỏ cây, tróc ra từng mảng, thì
chụp hình coi sao được.
Thiên Nghi cười giả lả, rồi xin kiếu để đi làm. Tôi biết nàng cười
để che đậy tiếng khóc. Giọng nói nàng phai lạt, như đèn bấm hết pin.
Tôi còn nghe được cái đồng hồ của Kiều Nga kêu tích tắc một cách
lạnh lùng dưới gối nằm của tôi. Mẹ tôi bỏ điện thoại xuống lẩm bẩm,
lầm bầm:"Nó đã có ý trung nhơn, vậy nó còn xin hình của mày làm gì?
Nếu nó còn chiếu cố tới mày thì tại sao nó không gởi tiền về cho
mình? Nó sanh sống thoải mái bên Mỹ, nhưng nó quên rằng chính mình
đã giúp đỡ cho nó qua bên đó. Nó không có lấy một lời cám ơn..."
Mấy lúc sau này mẹ tôi ít khi đem điện thoại vào phòng tôi. Tuần
rồi, bà bắt đầu cho Tiết Khâm, một người vừa mới tốt nghiệp, mướn
cái giường xép ở bao lơn có mái che để kiếm tiền chi tiêu trong nhà.
Vì sợ Tiết Khâm sử dụng điện thoại, trong khi bà đi vắng, nên phần
lớn bà đem giấu trong phòng bà. Nhưng bà đâu có biết anh chàng này
đã lén làm bản sao chìa khóa của bà. Cho nên, mỗi khi máy nhắn tin
của anh ta réo gọi, và mẹ tôi không có ở nhà, là hắn ta mở cửa phòng
vào gọi điện thoại thoải mái. Hắn ta lục lọi tất cả các hộc tủ trong
nhà, đọc lén hồi ký của ba tôi và tợp mỗi chai một ít các thứ rượu
của mẹ tôi để trong tủ.
Mẹ tôi sửa soạn trang
điểm đi dự cuộc trình diễn văn nghệ. Nhứt định là bà sẽ phấn son lòe
loẹt, đúng với sở thích của bà, mà tôi đã có kinh nghiệm. Tôi còn
nhớ những nét trang điểm của mẹ tôi, mỗi khi bà lên sân khấu. Mỗi
khi bà đưa tôi về nhà sau phiên trình diễn, ngã đầu trên vai bà, tôi
hít thở được mùi thơm dịu ngọt của phấn son. Hôm nay đoàn văn nghệ
múa quạt Ương Ca của bà trình diễn ngoài trời cho quần chúng, để
mừng ngày Hương Cảng được trao trả về cho Trung Quốc. Trước khi đi,
mẹ tôi nhờ Tiết Khâm coi chừng giùm tôi.
Mẹ tôi đã ra đi cả tiếng đồng hồ, Tiết Khâm cứ ngồi ở phòng khách
uống bia và xem truyền hình. Trung tâm dịch vụ cộng đồng đã giới
thiệu anh ta cho mẹ tôi. Mỗi tháng hắn ta chỉ trả tiền chia phòng có
năm mươi nhơn dân tệ, một số tiền chẳng đáng gì, với điều kiện hắn
ta phải chăm sóc tôi hai đêm mỗi tuần, tiếp tay để mẹ tôi đi đây đi
đó.
Có tiếng điện thoại reo. Tiếng nói của Đại Nho, em tôi, phát ra từ
bộ phận nhắn tin. Đại Nho cho biết là đã mua giấy máy bay để về Bắc
Kinh và cũng có giữ phòng ở khách sạn. Nó sẽ tới Bắc Kinh ngày mai.
Tôi thông cảm với nó về chuyện không chịu ở chung với gia đình vì
tôi hiểu rằng như vậy sẽ bất tiện cho cô bạn người Anh của nó.
Đêm Ba Mươi tháng Sáu
năm 1997, cùng với truyền hình nhà nước thiên hạ reo mừng việc Anh
trao trả Hương Cảng lại cho Trung Quốc vào lúc không giờ. Tôi còn
nhớ có lần đọc tờ báo của A Mỹ, đăng ảnh người Hương Cảng đốt bản
tài liệu quy định cung cách quản trị Hương Cảng sau khi được trả về
Trung Quốc. Tôi hỏi A Mỹ liệu dân chúng có vui mừng về chuyện Hương
Cảng trở về đất mẹ không? Nàng lạnh lùng nhìn tôi đáp:
- Vui mừng con khỉ khô? Họ có cảm tưởng như một người vợ bị tách lìa
chồng để sinh sống với một tên vũ phu.
Người đưa tin trực tiếp từ quần chúng của truyền hình trịnh trọng
tuyên bố: "Cuối cùng Hương Cảng đã trở về trong vòng tay mẫu quốc!"
Nhưng, ngay sau đó, tiếng nói của ông cũng chìm lĩm trong những
tiếng reo hò của đoàn người bao quanh ông, cùng với những tiếng nổ
của mấy tràng pháo bên đường.
Bắc Kinh bắt đầu rung chuyển với từng đoàn người tràn ra đường phố,
la ó và vui mừng vang vội vòm trời của đêm đen. Con chuột dưới đáy
giường tôi hối hả chạy trốn, chui rút vào hủ tro cốt của ba tôi và
một hủ nữa mà mẹ tôi đã mua sẵn cho tôi. Tôi không hiểu tại sao ai
ai ở Bắc Kinh này cũng vui mừng đến như vậy. Trong khi đó vào tuần
vừa rồi, qua điện thoại thì em tôi nói rằng bên Anh thiên hạ chẳng
mấy quan tâm đến việc ai cai trị Hương Cảng.
Rồi tiếng nói của Chủ Tịch nước Giang Trạch Dân vang dội hùng hồn
trên máy thu hình: "Sau mấy năm bị đày đọa trong tay ngoại bang,
người Trung Quốc, cuối cùng cũng lấy lại được niềm tự trọng." Quần
chúng bên ngoài la hét ầm ĩ: "Rồi ra chúng ta cũng tống cổ được bọn
Hồng Mao đi!" Từng đợt tiếng la, tiếng nói ồn ào, xuất phát từ những
cao ốc, những phố phường và những công viên, bùng lên trên vòm trời
cao rộng minh mông.
Tiếng la hét điên loạn của đám đông vẫn râm ran suốt đêm. Ánh sáng
pháo bông và pháo đùng đua nhau chớp lóe bên ngoài cửa sổ phòng tôi
cũng tác động đến cặp mắt khép kín của tôi. Đồng hồ của Kiều Nga vẫn
tiếp tục tích tắc dưới gối nằm của tôi, cho tôi có cảm tưởng như vẫn
ở bên nàng. Dẫu cho thân xác tôi chỉ còn là một lớp da bọc xương
không hồn, nhưng nó vẫn còn bám lấy cuộc đời này. Cái chết đã trở
thành con đường viên miễn mà tôi sẽ chẳng bao giờ đến được đoạn cuối
cùng.
Hôm nay mẹ tôi thức dậy khi mặt trời đã ló dạng. Bước đi của bà nghe
đã già và mệt mỏi. Tuần rồi mẹ tôi chấm dứt hợp đồng cho thuê chỗ ở
với Tiết Khâm, như vậy để có chỗ cho em tôi, nếu nó muốn về nhà. Đại
Nho về đến Bắc Kinh đêm qua. Đây là lần đầu tiên nó đưa cô bạn người
Anh đến Trung Quốc. Hai đứa nói chuyện với nhau bằng Anh ngữ. Tôi
chỉ nghe lõm bõm được một vài tiếng, vì Anh văn của tôi ở trường học
nhiều lý thuyết hơn thực dụng.
Tôi không biết ngày nay Đại Nho như thế nào, nhưng tôi ước muốn được
như nó. Muốn đổi gì để sống một ngày như nó tôi cũng chịu. Sửa soạn
đứng lên để ra đi, nó nói với mẹ tôi:
- Mẹ mời Thầy Diêu trưa mai dùng cơm với mình ở nhà hàng vịt Bắc
Kinh. Helen muốn ăn thử một vài món ăn truyền thống Trung Quốc.
Hai đứa chỉ đến nhà có nửa giờ. Có thể mùi hôi của phòng tôi và hơi
thuốc tẩy uế mà mẹ tôi xịt trên sàn nhà đã làm cho tụi nó phải rút
đi nhanh.
Giá như tôi chết được bây giờ thì mẹ tôi có thể nghỉ ngơi và vui
hưởng những năm tháng còn lại trong đời bà một cách an nhàn. Trên
chuyến xe lửa đường dài đi Hà Bắc để bán quả thận của tôi, mẹ tôi có
tâm sự với người khách ngồi kế bên:
- Thằng con thứ nhì của tôi có cô bạn người Anh. Hai đứa sắp sửa làm
đám cưới. Hai đứa nó muốn tôi ra đi và về sống với chúng nó. Hai đứa
có một căn nhà hai từng, với vườn trước, sân sau. Nếu như không mắc
săn sóc, trông coi thằng con này thì tôi đã sinh sống bên đó rồi.
Tôi thừa hiểu tôi là gánh nặng cho gia đình. Trước khi sang bên Anh,
Đại Nho nói với bạn học cũ của nó là lúc nhỏ nó rất nể tôi, rất hãnh
diện có một người anh như tôi. Ngày nay, tôi chẳng bao giờ là niềm
tự hào của nó nữa. Đêm qua, nó hỏi mẹ tôi có ý định đưa tôi vào một
viện an dưỡng không.
Tôi còn nhớ nó là một đứa bé thật đần độn. Ngày tôi đến trường mẫu
giáo rước nó, ông giáo già mang kiếng cau mày bảo tôi: "Bố mày thuộc
thành phần hữu khuynh. Mày phải dạy em mày đừng cười quá nhiều. Lúc
nào nó cũng có nụ cười ở miệng, ngay cả những lúc bị phạt đứng vào
góc lớp học."
Vừa xức dầu lên bàn chưn của tôi, Đại Nho vừa hỏi Thầy Diêu:
- Tại sao xoa bóp chưn lại có ảnh hưởng đến óc não hả Thầy?
Vì Thầy Diêu là thành viên của Pháp Luân Đại Pháp nên ông dành nhiều
thời giờ biểu diễn những bài tập thông thường trước công chúng.
Thường thì mỗi tuần Thầy tới nhà tôi hai lần, nhưng bây giờ thì hai
lần trong một tháng mà thôi. Giải đáp thắc mắc của Đại Nho, Thầy
Diêu cắt nghĩa:
- Mỗi huyệt ở bàn chưn liên hệ đến một điểm chính xác trên cơ thể
hoặc một bộ phận nội tạng. Nếu một nơi nào đó trên cơ thể bị suy yếu
thì khi bấm vào huyệt liên hệ ở bàn chưn người bịnh sẽ thấy đau, hay
là chỗ đó đổi màu. Khu vực bên dưới ngón cái liên quan đến cái đầu.
Điểm này đặc biệt liên hệ đến óc não. Đây này, chỗ này liên hệ đến
vết thương trên đầu của nó, nên đậm hơn lớp da xung quanh.
- Đúng rồi.
Ngày hôm trước, Đại Nho đưa Thầy Diêu đi ăn ở nhà hàng vịt Bắc Kinh.
Có thể nó đã chấp nhận, một ngày nào đó, Thầy Diêu sẽ là kế phụ của
chúng tôi. Ngồi bẹp xuống sàn nhà phía dưới chưn tôi, Thầy Diêu vừa
thở hổn hển vừa nói:
- Trong vòng hai mươi bốn tiếng nữa, nhiệt độ trong người cậu ấy sẽ
tăng. Như vậy có nghĩa là cơ thể cố gắng chống chọi lại bịnh tật rồi
sẽ hạ giảm mức độ viêm của não.
Mẹ tôi thấy Thầy Diêu có vẻ đuối sức nên khuyên:
- Nghỉ chút đi Thầy. Sư Phụ Lý Hồng Chí có dạy rằng mục đích của
việc tu dưỡng không phải là chữa bịnh. Tôi không muốn vì nó mà Thầy
mất hết quyền năng.
- Không hề gì bà chị. Tôi chỉ tìm cách giúp đỡ cháu thôi. Tôi đã
thường trị bịnh thiên hạ lúc tôi thực hành khí công. Dẫu sao đi nữa,
nếu tôi có mất hết Pháp Luân Công thì tôi sẽ xin Sư Phụ truyền công
trở lại cho tôi.
Máu huyết của tôi có vẻ lưu thông điều hòa hơn. Tôi cảm thấy toàn
thân tôi đầy sức sống. Thầy Diêu lấy ngón tay cái ấn vào giữa lòng
bàn chưn tôi:
- Đây là huyệt kết nối với thận của cậu ấy.
- Nhưng thận trái của nó đã bị lấy đi rồi.
- Tôi ấn huyệt chưn trái, liên hệ đến thận bên phải.
- Bộ mẹ đã bán thận của ảnh rồi sao? Con đã bảo mẹ, nếu thiếu tiền
thì cho con hay.
- Nhưng như vậy, ít ra nó cũng góp phần cứu được một mạng người. Nó
nằm suốt ngày thì cần gì tới hai quả thận. Qua điện thoại, tao đã
nói với mày tìm những chuyên viên nghiên cứu những bịnh như nó, mà
mày chẳng bao giờ làm hết.
- Tôi cũng không tán thành hành động của bà chị đây. Mình không nên
lấy đi bộ phận nào của người sống hết. Như vậy sẽ làm đảo lộn khí
lực của thể xác.
Thầy Diêu lấy một cái khăn quấn cái chưn teo quắt của tôi. Sau nửa
giờ xoa bóp bàn chưn, cái đầu của tôi cảm thấy ấm và nhẹ hơn.
* * *
Sáng sớm hôm nay, Kiều Nga điện thoại cho mẹ tôi để chúc mừng năm
mới. Nàng khoe với mẹ tôi là nàng có đứa con trai được bốn tháng
tuổi, và đã đổi xuống Quảng Châu. Kiều Nga không thích Quảng Châu vì
dưới đó nóng quá. Mẹ tôi mở Télé quá to nên tôi chỉ nghe được có bấy
nhiêu đó thôi. Tôi hơi sửng sờ khi nghe nàng nói đã có một đứa con,
không chừng đứa con đó của tôi. Kiều Nga hứa với mẹ tôi lần tới đi
Bắc Kinh sẽ ghé thăm và khoe đứa con. Tôi vẫn còn cảm thấy Kiều Nga
hiện hữu trong lòng tôi.
Tôi nửa thương mẹ tôi nửa khó chịu vì bà. Hai mẹ con sống chung với
nhau trong một căn hộ nhỏ bé bằng bụm tay, cả hai đều bị xã hội
ruồng bỏ, vậy mà người này lại cố phớt lờ sự hiện diện của người
kia. Mẹ tôi và tôi chẳng khác nào những mảnh giấy vụn ở xó đường đen
tối, bị gió đùa qua giựt lại.
Mẹ tôi ngồi trên giường của bà, cho băng thu âm Pháp Luân Đại Pháp
chạy và lâm râm khấn vái: "Thầy bói nói là tôi sẽ đi ra nước ngoài,
một ngày gần đây, nhưng khó tin quá. Tôi cứ mơ tưởng mình đang sắp
xếp va li và lên máy bay, nhưng ai cũng biết rằng ước mơ và thật tế
thường trái ngược nhau. Trong giấc mơ, tôi thường thấy trong người
tôi có Pháp Luân Công, nhưng khi tỉnh giấc thì chẳng có gì hết...
Thưa Sư Phụ Lý Hồng Chí, kính xin Sư Phụ cho con một Pháp Luân Công
vào trong lòng để có thể chữa bịnh cho cả nhà con..."
Khi tôi chết đi, linh hồn sẽ lìa xác. Nhưng linh hồn sẽ như thế nào
và sẽ đi đâu? Dẫu cho tôi ao ước lìa bỏ thân xác thối nát này của
tôi, tôi cũng không thể hình dung được cuộc đời ở cõi bên kia. Nay
Kiều Nga dường như chiếm cả tâm hồn tôi và đẩy qua một bên những cảm
nghĩ của tôi về Thiên Nghi. Có lẽ những gắn bó tình cảm xuất hiện
chỉ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và chuyện đó chẳng có gì
thiêng liêng hết.
Điện thoại lại reo vang. Mẹ tôi bốc lên nhưng có vẻ không bằng lòng
vì truyền hình sắp tới giờ chiếu chương trình văn nghệ mừng xuân, và
bà thiết tha muốn xem cho bằng được:
- ...Vâng, chúc làm ăn phát đạt và phước đức dồi dào... Xin cám ơn,
chị khỏi lo, có người bạn lo cho tôi rồi và tôi cũng có đủ hết. Đại
Nho không còn ở đây... Đến chơi mạt chược với chị hả? Xin cám ơn,
không được chị à. Ba ngày này phải ở nhà với gia đình. Tôi không
muốn quấy rầy gia đình chị. Hơn nữa, tôi không bỏ Đại Vệ một mình
được.
Mẹ tôi đặt điện thoại xuống rồi thở ra: "Có gì để mừng? Cuộc sống
ngày cứ tồi tệ, mỗi năm mỗi bết đi!" Xã hội thay đổi nhanh quá, biến
chuyển không ngừng, những từ mới, những chữ lạ xuất hiện đến chóng
mặt, máy điện toán tràn lan, con người chạy theo tiến bộ không kịp
thở. Ngày nay, chẳng ai nhắc nhở gì tới phong trào chống đối Thiên
An Môn nữa, hay đấu tranh bài trừ tham nhũng. Người Tàu biến hóa rất
giỏi, chuyện lớn rút xuống thành chuyện nhỏ rồi chuyện nhỏ rút lần
chẳng còn gì hết. Đó là nghệ thuật để sinh tồn mà người ta đã triển
khai được từ năm này qua năm khác, chí đến khi bước qua thiên niên
kỷ mới. Bây giờ thì chẳng phải đợi chờ lâu nữa. Thân xác của tôi rồi
đây sẽ phân hủy, và rồi cuối cùng tôi sẽ gặp được linh hồn tôi...
Mỗi năm, vào khoảng kỷ niệm ngày sanh của Thiên Nghi – cũng gần đến
dịp chu niên của trận thảm sát Thiên An Môn - công an lại đến nhà
tống hai mẹ con chúng tôi ra khỏi Bắc Kinh. Năm rồi, mẹ tôi và tôi
bị đưa đi nhà khách ở thị xả Mi Vân. Không khí trong lành và mát mẻ.
Mẹ tôi muốn dạo chơi quanh quẩn, bà đặt tôi lên cái cáng có bánh xe
rồi đẩy tôi đi vòng quanh hồ Mi Vân, dĩ nhiên là có hai tên cớm lẻo
đẻo theo sau. Ai gặp cũng cho là một gia đình đi tản bộ còn tôi là
một thân nhơn ốm đau bịnh hoạn đang được chữa trị tại nhà dưỡng bịnh
gần đó.
Năm nay, mẹ tôi xin được đưa đến một nơi nào có cảnh đẹp thiên
nhiên. Cục công an cho một xe cảnh sát đưa hai mẹ con chúng tôi đến
Núi Vũ Đại, nơi mà mẹ tôi thường ao ước được đến vãng cảnh. Suốt một
tuần lễ, bà được đến cúng bái ở một cái chùa xưa cũ và thực hành
Pháp Luân Đại Pháp trong bầu không khí trong lành của miền núi.
Những ngày trên núi, mẹ tôi ngủ rất thẳng giấc, và đến cuối thời kỳ
"nghỉ mát", bà nghĩ là đã đạt được Pháp Luân Công. Vắng tin của mẹ
tôi, Thầy Diêu lo lắng vô cùng. Nên chi, ngay sáng hôm trở về, mẹ
tôi điện thoại liền và ông vội vã đến ngay.
Như vậy là mẹ tôi huyên thuyên xích đế kể chuyện bà đã đạt được Pháp
Luân Công. Thầy Diêu xác nhận là Sự Phụ Lý Hồng Chí đã cài vào cho
mẹ tôi. Bắt đà, mẹ tôi thuật lại:
- Vừa bước vào chánh điện chùa Tiên Thống là tôi cảm thấy có gì khác
thường trong người. Như là Pháp Luân Công chuyển hóa ngay bên trong
rún. Không biết có phải Sư Phụ đã cho nhập vào tôi hay không?
- Còn gì nữa! Chính Sư Phụ đã dẫn dắt bà chị đến chùa đó và đã giải
nghiệp cho bà chị để cho Pháp Luân Công nhập vào.
Đang hân hoan với sự hiện diện của phép lạ trong người, mẹ tôi vạch
áo cho Thầy Diêu xem chỗ mà bà cho là Pháp Luân Công đã nhập vào.
Nhớ lại hôm nọ mẹ tôi đã áp tai nghe Pháp Luân Công xoay chuyển
trong bụng Thầy Diêu, tôi cảm biết hai người đã có tình ý gì với
nhau. Lối tỏ tình của những người lớn tuổi có khác với tuổi trẻ
chúng tôi!
Niềm vui chưa dứt thì khó khăn lại đến. Thầy Diêu cho mẹ tôi hay:
- Hôm nọ trên truyền hình Bắc Kinh có chiếu tin chánh quyền đả phá
Pháp Luân Đại Pháp. Như vậy là có dấu hiệu nhà nước đã quyết tâm
diệt trừ chúng ta. Chắc là họ đã nghe lén đường điện thoại của tôi.
- Như vậy, Thầy phải cẩn thận.
* * *
Một con chim sẻ đến
phòng tôi. Sự hiện diện của nó cho thấy rõ vị trí của tôi. Có thể
chim sẻ kia là linh hồn của A Mỹ đến thăm tôi. Nó làm cho tôi nhớ
lại con chim thần trong "Sơn Hải Kinh", một con chim đẻ ra trứng
vuông cạnh và trông giống như ngọn lửa bay qua vòm trời. Từ đó, nó
đậu trên đầu tôi trước tiên, tôi cảm thấy được ấm cúng nhờ ánh sáng
rực rỡ của nó.
Ngày này qua ngày khác, nó nhảy tung tăng trên mình tôi. Đôi khi nó
bay lượn trong phòng. Suốt đời tôi mơ ước được bay bổng vậy mà chỉ
cần vỗ cánh và nhảy vọt lên là con vật đó đã biến giấc mơ thành hiện
thực. Chỉ cần nghe tiếng kêu là tôi biết đó là chim sẻ. Tôi tưởng
tượng lông nó màu xám gạch và ngón chưn màu vàng. Nó chờ tôi thức
dậy để cùng nhau bay đi. A Mỹ có lần nói với tôi nàng muốn kiếp sau
hóa thành chim trời.
Đã nhiều lần mẹ tôi tìm cách đuổi nó ra khỏi phòng bằng chổi lông
gà, nhưng cứ mỗi lần nó thoát khỏi là tôi phải lãnh đủ một bãi cứt
chim. Đuổi chim không được bà lại càu nhàu:
- Được rồi, mày muốn ở lại thì cứ ở, tòa nhà này cũng chẳng còn được
bao lâu nữa.
Ít lâu sau, Thầy Diêu giải thích cho mẹ tôi biết rằng biết đâu con
chim đó là hiện thân của một linh hồn mà Trời Phật gởi tới để phò hộ
tôi. Vậy nên Thầy khuyên bà đừng đánh đập nó. Mấy lúc gần đây Thầy
Diêu rất bận rộn. Cách nay mấy ngày, bốn mươi lăm tín hữu đã bị bắt
trong một cuộc biểu tình trước tòa soạn tạp chí Thiên Tân vì báo này
đăng một bài đả kích Pháp Luân Đại Pháp. Bây giờ, Thầy Diêu phải
tiếp tay tổ chức một cuộc biểu tình đòi nhà cầm quyền thả những
người bị bắt ở Thiên Tân và chánh thức công nhận phong trào Pháp
Luân Đại Pháp.
Những tiếng động do chim sẻ tạo ra khi nó đi lại trong phòng, làm
cho tôi có được một hình ảnh của bối cảnh quanh tôi. Khi chim nhảy
nhót trên bệ cửa sổ, tôi cảm thấy như tôi rờ mó được những chỗ nó đi
qua. Tôi phát hiện ra có một hàng chai bia trống không trên bực cửa,
cũng như những con cờ cũ của tôi và một hộp đựng giày trong đó có
cái búa và cái cây vặn đinh ốc. Hiện chim sẻ đang ở dưới giường tôi,
mổ mấy cọng dược thảo trong cái dây nịch mà bạn bè tôi tặng nhơn
ngày sanh thứ ba mươi của tôi. Khi đôi cánh của nó quẹt qua cái bàn
ở phòng khách, tôi nghe có một chồng giấy trên mặt bàn, cũng như
quyển điện thoại niên giám. Đôi cánh của nó cũng làm ngã cái tách,
rớt xuống sàn gạch bể tan. Chim sẻ đụng những gì thì tôi cũng có cảm
tưởng như mình sờ mó những thứ đó. Ký ức tôi như được móng chưn của
nó gợi nhớ trở lại.
Phải chăng linh hồn của A Mỹ đang viếng thăm tôi ở cõi giới khác?
Tôi tiếc rằng nàng và tôi chưa khi nào chui vào được bảy hang động
liền nhau ở tỉnh Quảng Tây. Biết đâu nếu tôi đã chui qua được hết
bảy hang động đó thì nay tôi đã giác ngộ và cũng có thể phát hiện
được những bí mật của thế giới thần linh.
Tôi cảm thấy một sự thay đổi nào đó. Trước khi chim sẻ bay tới, tôi
hiện diện khắp nơi trong phòng, trên chiếc mền của tôi, trên cái gạt
tàn thuốc ở bàn ăn, trên chậu thiếc dưới lò sưởi. Tôi đã mơ thấy bị
kẹp giữa hai bức tường di động và dưới một hàng xe đạp ngã nghiêng
và chiếu sáng dưới ánh mặt trời, như một cánh đồng lúa. Thậm chí tôi
còn mơ thấy lắp ráp lại những mảnh sọ vỡ nát của tôi, xong đi tắm,
rồi sau đó bước lên chiếc xe lửa chạy chầm chậm đi vào cửa tử. Tôi
như tự tách mình ra khỏi thân xác, hoặc giả thân xác tôi có thể đã
tự nó tách rời khỏi tôi. Nhưng rồi chim sẻ lại đến và lôi tôi trở
vào chiếc hòm bằng da bằng thịt của tôi!
* * *
- Đại Vệ ơi, mày còn giả chết không?
Tiếng nói của Vương Phi, mười năm qua rồi tôi mới được nghe. Tiếp
theo sau là tiếng của Lưu Cương:
- Đâu phải Đại Vệ, trời. Sao mày thay đổi gì mà dữ vậy!
Mao Đạt nói thêm:
- Nó ốm hơn lần tớ gặp nó trước đây!
Vương Phi cầm tay tôi rồi rung rung cảm động:
- Nó chỉ còn là một đống xương! Nó còn ốm hơn xác ướp nữa! Tổ sư
thằng Lý Bằng, có súng là tao cho nó một viên đạn vào đầu.
Mao Đạt và Lưu Cương đang thở hổn hển vì khiêng Vương Phi cùng chiếc
xe lăn của nó lên sáu từng lâu thì ít ỏi gì.
Mẹ tôi bước vào, lên tiếng xin lỗi:
- Nhà cửa bê bối quá, các cháu thông cảm. Cứ nghĩ là phải dọn dẹp
sạch sẽ, nhưng không có thì giờ đâu hết. Có chuyện gì mà mấy cháu
đến thăm bất thình lình vậy?
- Lâu lâu ghé thăm bác và Đại Vệ vậy mà. Bác khỏe không bác? Thấy
bác không có thay đổi nhiều.
- Ba má cháu khỏe không?
- Ba cháu bị chúng nó hành hạ chí tình hồi Cách Mạng Văn Hóa nên bị
mất trí rồi bác. Ông ấy phải vào nhà thương điên.
- Vậy sao, bác đâu có biết.
Xin cháu bỏ qua cho. Còn cậu này, trông quen quá.
- Cháu là Lưu Cương, trước nằm chung ký túc xá với Vương Phi ở Đại
Học Bắc Kinh. Cháu mở tiệm bán sách ở Hợp Phì.
- Ờ, bác nhớ ra rồi, họ tên của cháu nằm trong danh sách những người
được nhà nước đặc biệt chiếu cố. Bác cũng thấy hình của cháu trên
truyền hình nữa. Nay đầu cháu tóc đã hoa râm nên nhìn không ra. Cháu
bị bảy năm tù phải không? Như vậy còn đỡ hơn Đại Vệ!
Thấy con chim sẻ bay qua bay lại, Mao Đạt hỏi mẹ tôi:
- Bác có nuôi chim nữa hả bác?
- Đâu có cháu, một mình Đại Vệ lo chưa xuể ở đó mà nuôi chim. Ở đâu
nó bay vào rổi đuổi mấy cũng không chịu ra. Nhà có thờ Phật nên bác
cứ để nó ở đó. Cháu Lưu Cương có anh chị em gì không cháu?
- Dạ có bác, nhưng cháu đâu có gặp, vì từ lúc ra tù đến nay ba má
cháu đâu có cho cháu về nhà.
Vương Phi đã cụt hai chưn, nhưng ít ra nó cũng còn sống được. Còn
tôi cứ nằm đây, xác thì còn đó mà tâm trí đâu đâu, đã gần mười năm
rồi. Tôi còn tệ hơn Thiệu Kiên, dẫu bị đánh đập làm hư hỏng cái đầu,
nhưng bây giờ ít ra nó còn sử dụng máy vi tính và có được chỗ làm.
- Bác cho Đại Vệ ăn uống những gì vậy bác.
- Các cháu có thấy những ống ny-lông kia không? Bác cho nó ăn qua
ngả đó, toàn những chất lỏng.
Gần mười năm sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, bạn bè gặp lại hỏi thăm
tin tức người này, người kia. Kẻ mất, người còn, kẻ ăn nên làm ra,
người thì vinh quang phú quý. Có những người đào thoát được đi ra
nước ngoài, những người ở lại thì tù đày, thương tật, ốm đau. Những
kẻ khôn lanh ma giáo thì len lỏi vào Đảng để ăn trên, ngồi trước.
Trước những nghịch cảnh của cuộc đời, bạn bè Đại Vệ nhóm họp lại
định làm một cái gì để đánh dấu mười năm kỷ niệm, chẳng lẽ để cho
tất cả qua đi trong âm thầm.
Mẹ Đại Vệ nghe thấy bọn trẻ toan tính vậy thì có ý bàn ra. Bà khuyên
chớ nên làm chuyện châu chấu đá voi. Bà ngao ngán trường hợp của Đại
Vệ nên bà chủ trương cam phận vì chẳng đi đến đâu hết, chẳng khác
nào đem trứng chọi đá. Những người bạn của Đại Vệ nghĩ rằng Pháp
Luân Đại Pháp đã biểu tình thì tại sao họ phải im hơi lặng tiếng.
Hơn nữa thừa cơ hội Trung Quốc đang cầu cạnh thế giới để được tổ
chức Thế Vận Hội 2008, muốn mua dư luận thế giới thì "Thế Hệ Thiên
An Môn" nên làm một cái gì. Ít ra cũng đòi được chánh phủ "ân xá"
cho sanh viên trong vụ Quảng Trường Thiên An Môn.
Bạn bè Đại Vệ uất ức vô cùng vì là người đã đứng ra tranh đấu mà
ngày nay chẳng có một ai dám vỗ ngực xưng mình thuộc "Thế Hệ Thiên
An Môn" hết. Họ đã bị tàn sát dã man mà phải câm miệng hến! Nếu họ
không lên tiếng giờ phút này thì họ sẽ bị xóa tên trong sử sách.
Kinh tế đã tiến triển bằng những bước đi thần kỳ. Một vài năm nữa
đất nước sẽ hùng mạnh, chánh phủ đâu có gì phải sợ và đâu cần gì
nghe tiếng nói của nhơn dân. Nếu muốn thay đổi cuộc đời thì họ phải
lên tiếng ngay lúc này. Đây là cơ hội cuối cùng. Đảng muốn có Thế
Vận Hội thì thanh niên và quần chúng phải có quyền con người.
(Còn nữa)
Phan Quân |