.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (29)
 

Gió lạnh thổi bên ngoài chiếc xe cứu thương, đã đến nơi mà còn nằm chờ khá lâu, làm cho tôi nhớ lại những con đường miền Hoa Nam, nhớ lại mùi nhang muổi để xua ruồi nhặng, từ những quày hàng bên vệ đường, nhớ lại ánh đèn huỳnh quang rọi xuống những dụng cụ gia dụng bằng nhựa và chổi, bày bán ở các cửa hàng. Dường như đang có một cuộc tranh cãi sao đó giữa mẹ tôi và người lái xe chở bịnh:

- Cậu đã đồng ý là nếu tôi trả cho cậu mười tám nhơn dân tệ thì cậu sẽ đem nó tới phòng cấp cứu. Bây giờ thì cậu lại đổi ý, cậu đâu có thể nào bỏ nó ngay cổng bịnh viện như vầy. Rồi tôi làm sao đây?

 

Người tôi nóng lên đến bốn mươi hai độ. Nhứt định là đôi môi tôi đã tím ngắt. Nhưng tôi không nghĩ là sẽ chết đi. Thật ra, không hiểu tại sao lúc đó đầu óc tôi sáng suốt một cách lạ kỳ.

- Đây là xe cứu thương chuyên nghiệp, dì ơi. Lẽ ra cháu phải lấy mười nhơn dân tệ, chỉ để đem cậu ấy từ trên nhà xuống tới xe thôi, nhưng cháu chỉ lấy có tám. Rồi bây giờ dì còn hạ giá thêm nữa thì làm sao cháu kiếm cơm đây?

 

Đoàn xe cứu thương "Tây Thành" lấy hai mươi nhơn dân tệ, người lái đưa bịnh nhơn xuống xe rồi đem bịnh nhơn vào tới phòng chờ của bịnh viện. Trước khi đưa tôi đi, mẹ tôi phải ra điện thoại công cộng mặc cả với nhiều hãng xe chở bịnh mới chọn được công ty này.

- Vô lý! Ở Bắc Kinh này chỉ có mấy hãng xe cứu thương, và hãng chúng tôi là nhứt hạng. Tài xế được huấn luyện về y tế và xe chúng tôi có trang bị phương tiện cứu cấp.

- Được rồi, đồng chí y sĩ ơi, ít ra đồng chí cũng phãi phụ tôi khiêng nó tới cổng nhà thương, cách xa có năm mươi thước thôi. Tôi sẽ trả thêm hai nguyên nữa. Trời lạnh quá, đồng chí bỏ đây thì làm sao tôi lôi nó vô nhà thương được?

 

Đấy nội chuyện đưa tôi đi nhà thương cũng quá nhiêu khê cho mẹ tôi. Tôi quả là gánh nặng cho mẹ tôi về đủ mọi chuyện. Không biết rồi đây tôi sẽ còn hành hạ và đọa đày mẹ tôi đến đâu và trong bao lâu nữa. Tôi tự hỏi sao viên đạn không đi lệch qua chút nữa cho tôi vĩnh viễn vào miền vĩnh cữu phải xong chuyện không? Đúng là trên cõi đời này, sống chết không phải chuyện con người muốn là được!

 

Sau những năm sinh sống trong bóng tối âm thầm, thính giác của tôi càng thêm nhạy bén. Như vậy, phải chăng tạo hóa đã bù trừ cho tôi phần nào? Tôi có thể nhận ra những tiếng động của từng hộ trong cao ốc này. Những lúc trước bình minh thì tiếng động nghe rõ hơn. Tôi nghe được tiếng chó con kêu ăng ẳng và tiếng gà cục tác ở một vài căn hộ đâu đó trong khối nhà này. Tôi nghe được tiếng "Ngoại Bàng" nguyền rủa tôi:

- Thằng Đại Vệ chắc chẳng còn được bao lâu nữa. Mấy ngày nay nghe đâu trong nước tiểu của nó có máu.

- Nó giả vờ đó mẹ ơi, chớ hôn mê gì đâu. Nhưng tại nó mà quẻ phong thủy của khu mình xấu đi.

 

*  *  *

 

Có được điện thoại gắn ở nhà, mẹ tôi rất thích nói chuyện. Hôm nay bà nói với Thiên Nghi ở Mỹ:

- Điện thoại nhà bác vừa gắn được hai tuần nay. Trước kia, chỉ những người cấp cao trong chánh phủ mới có điện thoại ở nhà. Cháu nói gì? Họ có cả điện thoại ở ngoài đường nữa hả? Bộ họ sợ người ta lấy cắp mất hay sao?... Giá mà cháu trở về Trung Quốc được, mình sẽ tha hồ nói chuyện. Đại Vệ nó cứ nằm ì như khúc cây, chắc nó chẳng biết gì tới cháu nữa rồi, nhưng bác vẫn còn nhớ cháu... Tuần tới là kỷ niệm ngày sanh của cháu rồi phải hôn? Đại Vệ nó ghi ngày đó của cháu trong quyển nhựt ký của nó... Bác biết đọc nhựt ký của nó như vậy là không phải, vì nhựt ký là riêng tư, nhưng bác sĩ khuyên bác nên đọc cho nó nghe, như vậy có thể làm cho nó nhớ lại chuyện cũ...

 

Tôi không thích mẹ tôi đọc nhựt ký của tôi, nhứt là những đoạn nói tới A Mỹ và Thiên Nghi. Trong những đoạn đó tôi nói nhiều về những chuyện ân ái của chúng tôi, nhưng rất may là bà không hiểu được hết. Khi bà đọc tới câu tôi viết:"Anh muốn nằm chết trong nấm mồ bằng da bằng thịt xinh đẹp của em", thì bà nổi giận, la lên:"Thật hết chuyện! Nói chuyện tình cảm yêu đương với gái mà mày cứ nghĩ tới cái chết hoài.

- ... có nên thuật lại với nhà báo Mỹ chuyện của Đại Vệ không hả? Chắc là bác sẽ gặp rắc rối! Nhưng để bác nói chuyện lại với gia đình của những nạn nhơn khác, coi họ nghĩ sao... Con bà ấy cũng bị bắn chết hả? Bà ấy tên gì? Phạm Kinh hả, bác biết bà đó. Hồi đó bác thấy bả thường chở con mèo trong giỏ phía trước xe đạp, chạy quanh khắp Quảng Trường để tìm xác con. Nhưng không bao giờ tìm thấy. Con mèo buồn quá, không chịu ăn, rốt cuộc chết vì đói... Cháu có nghe bác không? Xin lỗi, để bác dặn nhỏ lại... lúc nào bác cũng để máy thâu thanh cho nó...

 

Điện thoại để ở phòng kế bên, tôi có nghe được tiếng Thiên Nghi nói lí nhí, nhưng không biết nàng nói gì. Cuối cùng mẹ tôi cũng chấm dứt câu chuyện với Thiên Nghi, xong bà kể lại cho tôi:

- Mọi chuyện đều tốt đẹp với Thiên Nghi ở bên Mỹ. Nó đã có bằng lái xe, và đã đi xem nhiều nơi ở Nữu Ước. Nó cũng đã lên tận từng lầu trên đầu Nữ Thần Tự Do. Cao hơn cổng Thiên An Môn. Mày thấy chưa, bây giờ Thiên Nghi đã có được một cuộc sống tuyệt vời! Nếu hôm đó mày chịu về nhà với tao như tao đã biểu thì làm gì có chuyện viên đạn kia vô đầu mày. Thì nay mày cũng đã ở Nữu Ước với Thiên Nghi và theo học một trường đại học bên Mỹ. Tại sao đời tao quá khổ như vầy, chừng nào mới thay đổi được đây?

 

Tôi muốn nói với mẹ tôi là từ khi Thiên Nghi đã ra đi, lòng tôi đã chết lặng, và tất cả những gì còn lại của tôi nay chỉ là một đống da bọc xương chờ ngày vỡ vụn thành tro bụi mà thôi. Khi ở nhà đã có điện thoại cách nay hai tuần lễ thì mẹ tôi rất là hào hứng, suốt ngày ôm lấy điện thoại. Khi hết biết người bạn nào để gọi, bà gọi hết mấy hàng quán địa phương, rồi tìm trong điện thoại niên giám gặp số nào gọi số nấy. Nhưng khi một bà bạn cho biết là mỗi lần kêu như vậy phải tốn ít lắm hai giác thì hầu như bà không gọi đi đâu hết.

 

Ký ức là một quá trình tái tạo, những chuyện trong dĩ vãng ráp nối lại với nhau. Nghe mẹ tôi đọc lại những trang nhựt ký của tôi, những hồi ức đã đổ nát tang hoang được tái tạo trở lại, dưới một dạng khác. Khi mẹ tôi đọc đến đoạn tôi leo núi ở Vân Nam thì tôi thấy tôi nắm tay Thiên Nghi cùng đi lên núi, nhưng từ một vị trí khác thường là từ bên trên và từ phía sau. Dẫu cho hai đứa tôi có leo núi thật sự, nhưng hình ảnh mà tôi thấy chỉ là giả tạo. Làm thế nào tôi nhìn thấy được tôi từ phía sau?

 

Như vậy, ai là người đã nhìn thấy tôi đây? Có phải là một phần của chính tôi đã tách rời thân xác tôi và nhìn lại cuộc đời tôi, rồi chuyền những hình ảnh đó trở lại bộ não của tôi như một vệ tinh? Nếu như dòng nước của đời sống chảy qua những ngõ ngách khô cằn của tôi một lần nữa, liệu nó có chảy được qua khỏi nơi bùn lầy và đưa tôi trở về cuộc sống xưa kia không? Nhưng cần quái gì. Có lẽ tốt hơn hết là tôi cứ nằm ì nơi đây cùng với những kỷ niệm của tôi. Thời gian chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với tôi. Dẫu cho tôi có lấy lại được hồi ức đã mất và qua được cơn hôn mê này thì điều thay đổi duy nhứt chỉ là thân xác nằm ngang của tôi sẽ trở lại thân xác thẳng đứng mà thôi.

 

*  *  *

 

Bên kia đầu dây điện thoại, giọng nói của Thiên Nghi trầm hẳn xuống:

- Nữu Ước lạnh hơn Bắc Kinh nhiều. Có lẽ tại vì cửa sổ to lớn quá và những căn hộ rộng thênh thang như nhà thờ... Em biết rồi một ngày nào đây anh sẽ tỉnh dậy, Đại Vệ à. Phải tiếp tục hy vọng nha anh... Lúc nào anh cũng cứ như khúc cây và xa vắng, làm cho em muốn điên lên. Chúng mình chẳng bao giờ nói chuyện được với nhau một cách đúng đắn... Như em đã nói là định mệnh đưa đẫy hai đứa lại với nhau rồi cũng chính định mệnh lại làm cho chúng ta chia lìa. Chúng mình không có duyên nợ với nhau...

 

Có lẽ Thiên Nghi có nói với mẹ tôi để ống nghe xa lỗ tai của tôi để cho bà có thể nghe được những gì Thiên Nghi nói với tôi. Giọng nói của nàng nghe hơi căng thẳng. Lạ thật, mới đó mà Thiên Nghi đã ở bên Mỹ gần được một năm rồi! Như một sợi chỉ vô hình, hơi thở mỏng manh của nàng vượt ngàn trùng đại dương để rồi bay vào óc não của tôi, nơi mà các hình ảnh được lắp ráp lại. Thế nên tôi thấy những giọt nước mưa chảy dọc dài xuống những cánh cửa kiếng to lớn...

 

*  *  *

 

Vừa bước trở vào nhà, mẹ tôi cho biết là ngày mai chúng tôi sẽ rời khỏi nơi đây. Suốt tuần qua, công an đã theo dõi nhà tôi để xem có ai đến thăm hỏi mẹ con tôi trong dịp kỷ niệm năm thứ tư cuộc thảm sát ngày Bốn tháng Sáu tại Thiên An Môn không. Chẳng được gì, nay họ chấm dứt, không rình mò nữa, vậy là mẹ tôi điện thoại bạn bè và bà con thân thích để tìm cách thu xếp đưa tôi đi Tứ Xuyên.

 

Thầy Diêu, ông giáo sư khí công đã có lần đến xem xét tình hình của tôi, có khuyên mẹ tôi nên đưa tôi lên núi Khánh Thành đễ gặp danh sư chữa bịnh bằng khí công. Ông thầy đó chuyên chữa trị các trường hợp đa dạng và phức tạp của những bịnh nhơn liệt giường.

 

Cửa và cửa sổ đều mở toang. Những miếng gạch bằng chất dẻo mà mẹ tôi vừa dán sàn nhà bị sức nắng nung nóng làm cho gian phòng nồng nặc mùi keo khó thở. Lại thêm mùi do bịnh hoạn của tôi góp vào nữa, khiến mẹ tôi càu nhàu:

- Mày chết đâu chết phứt cho rồi! Sao mày không cố gắng tự kềm hãm và thương mẹ già của mày một chút? Dọn dẹp những cái bê bết của mày thật là khổ nhọc!

 

Nước tiểu của tôi lại tràn trề ra ngoài và rỉ xuống sàn nhà. Mẹ tôi phải rút ống cao su từ chai đầy nước tiểu đem qua chai mới. Ống cao su lấy nước tiểu từ bọng đái của tôi nên bay mùi khai ngấy, cho nên mẹ tôi lại than phiền:

- Kiếp trước tao mắt nợ cha con mày chắc, nên kiếp này tao phải trả. Trước khổ với chồng, nay khổ vì con!

 

Hôm nay, mẹ tôi quên mở máy phát thanh hoặc hạ màn xuống. Mặt trời nóng bỏng rọi vào tôi trọn buổi sáng. Tôi cảm thấy như thùng rác hôi thúi nằm trơ dưới nắng ở góc đường bên ngoài. Như vậy là trong đầu óc tôi có những sự liên kết kỳ quái.

 

Tôi thấy A Mỹ bước vào phòng tôi ở bịnh viện Quảng Châu mà tôi nằm xưa kia, sau khi chia tay với cô nàng. Nàng hiện ra từ hành lang tối om, đứng yên một lúc dưới ánh sáng chói chan, rồi đi đến giường nằm của tôi. Chiếc áo đen của nàng ôm sát đường cong dịu dàng ở bụng nàng rồi xếp lại giữa hai bắp đùi. Nàng cúi người xuống, mái tóc và bàn tay của nàng chạm phải cái mặt nóng hổi của tôi. Đôi mắt tôi ứa lệ, miệng tôi lẩm bẩm:

- Anh nằm đây mấy tuần nay, sao lâu quá em mới đến?

 

Dẫu cho chuyện này chưa bao giờ xảy ra, nó vẫn chất chứa trong ký ức dài hạn của tôi cùng với những diễn biến đã xảy ra rồi. Cứ mỗi khi nhiệt độ cơ thể của tôi lên trên ba mươi chín là nó lại xuất hiện trước mắt tôi. Khi tôi đang nằm trên chiếc giường nhà thương đó với một cơn sốt dữ dội, người bịnh nằm giường bên xác nhận với tôi là không có cô gái nào mặc đồ đen đến thăm tôi hết. Mối liên hệ giữa tôi và A Mỹ giống như một miếng vải chưa cắt, còn trinh nguyên. Tôi chẳng bao giờ có dịp may làm ra được thứ gì từ mảnh vải đó. Có thể bây giờ nàng đã tan biến thành tro bụi rồi.

 

Bên trong não bộ, tôi thường hồi tưởng lại giây phút cuối cùng trước khi tôi bị bắn, cố tìm kiếm xem có thấy được gì không. Nhưng một vài giây trước khi viên đạn chạm vào đầu tôi thì có một phát súng nổ to và hình ảnh một cô gái, trông giống như A Mỹ, mặc đồ trắng, quỳ sụp xuống. Vậy rồi cảnh tượng tan biến. Có thể chẳng phải A Mỹ gì hết, nhưng chỉ là một ai đó giống nàng. Từ đó đến nay, tôi không có tin tức gì của A Mỹ hết. Cũng chẳng có ai nói đến tên A Mỹ. Nhưng, theo chỗ tôi biết thì không có người ngoại quốc nào hoặc người dân Hương Cảng nào bị chết trong trận thảm sát đó. Nếu như nàng đã bị bắn thì nay tôi đã được tin rồi.

 

Mảnh xương sọ bị vỡ ra lúc bị bắn hiện đang nằm trong tủ lạnh của nhà thương. Nay dẫu cho da đã kéo bít lỗ hổng nhưng những tế bào quanh vết thương đã chết. Thế nhưng vết thương vẫn tự động củng cố dẫu không hàn gắn được.

 

Mẹ tôi lúc nào cũng quên mở radio. Sự im lặng là một cực hình đối với tôi vì nó bắt buộc tôi phải nhận thức rằng mình đang nằm bất động trên một chiếc giường sắt. Mỗi khi lặng nhìn sự thật đó, tôi vội vàng trở lại trên những con đường tôi thường đi qua và tìm cách lẫn tránh trong đám đông. Một lúc sau, đầu óc tôi sáng sủa ra và cái chết hiện rõ nét. Thật ra, cái chết đã phục kích bên trong tôi từ bao năm qua, chờ cơ hội để hạ tôi khi cơn bịnh ra hiệu. Thông thường, tôi giả vờ như không biết có nó trong tôi.

 

Tôi như đang ở trên một chiếc phi cơ bay vút lên trời cao xanh. Chẳng có gì trước mặt tôi, thậm chí một thiên thần gảy cánh cũng không... Khi một bào thai nữ đã lớn bằng trái chuối, nó đã có đủ trứng tế bào cần thiết cho trọn đời. Và bên trong mỗi trứng tế bào đó là một thiên thần nhỏ khác...

 

Vừa vội vã sắp xếp hành trang, mẹ tôi vừa lầm bầm:

- Nếu kỳ này đi mà không trị được thì tao cũng chẳng cần quan tâm đến chuyện đem mày trở về.

(Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.