Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (28)

Tiếng pháo nổ rân ran
khắp nơi bên ngoài kích thích ký ức của tôi trỗi dậy. Bỗng dưng tôi
nhớ lại cái đêm Thiên Nghi tới gian phòng này để giã biệt gia đình
tôi – đúng hơn là chia tay bản thân tôi - lên đường đi Mỹ. Quên sao
được giây phút biệt ly đó? Phút cuối cùng buồn lắm em ơi, nhưng tôi
nào có biểu lộ được chút gì đâu!
Từ lúc tôi thoáng nghe được tiếng giày bé nhỏ, thận trọng, bước lên
cầu thang là tôi đã nghĩ là Thiên Nghi rồi. Mẹ tôi ra mở cửa và vui
mừng nói:
- Người cháu đầy tuyết, bước vô đây cháu, cởi áo ngoài ra, đưa đây
cho bác hong trên lò sưởi.
- Khỏi thưa bác, áo bằng len, sợ bị nóng sẽ co lại.
Các nhà tâm lý học cho rằng những kỷ niệm đau thương thường được bộ
não đẩy vào tiềm thức trong quá trình tự vệ. Kỷ niệm đó không bao
giờ mất nhưng chỉ vì không với tới được mà thôi. Nhưng rất có thể
trí nhớ của tôi đi vắng là do não bộ của tôi bị hư hỏng chớ không
phải vì bị dồn nén.
- Cháu xin tặng bác một quyển lịch treo tường có hình ảnh của Nam
Cực. Năm nay, lịch này rất được ưa thích.
- Đẹp quá, nhưng biết treo đâu bây giờ? Trên tường chẳng còn chỗ nào
hết.
- Đây nè bác, có thể treo cạnh tấm lịch có ảnh những lâu đài Châu Âu
này.
Hai người ngồi xuống ghế trường kỷ uống trà và than phiền chuyện giá
cả đắc đỏ. Thiên Nghi cho mẹ tôi biết là nhiều bạn bè cũ đã liên lạc
với nàng và hỏi thăm tôi. Thiên Nghi trao cho mẹ tôi một danh sách
cùng với địa chỉ của những người đó.
- Bác còn nhớ Thiệu Kiên không? Bây giờ Thiệu Kiên làm cho một công
ty điện toán lớn của Bắc Kinh. Còn Mịch Dị thì cùng chung ký túc xá
với cháu. Chị ấy giờ mở một phòng sữa sang sắc đẹp. Nếu có vấn đề gì
bác cứ gặp những người này.
- Bác nhớ ra Thiệu Kiên rồi. Cậu ấy có tới đây cùng với một cậu
khác, tên gì bác quên mất rồi. Bây giờ bác hay quên quá cháu à. Cậu
ấy có nói với bác là có biết bà giáo Đinh Tử Lâm, người thành lập
hội "Những Bà Mẹ Thiên An Môn".
- Chắc là Phạm Nguyên của trường đại học Chánh Trị và Luật Khoa. Anh
ấy có cho số điện thoại không bác?
- Hình như không. Đây là điện thoại của Kenneth bên Mỹ. Nếu có gặp
Kenneth, cháu đừng nói gì về chuyện công an làm khó dễ bác hết. Và
dặn nó đừng nói chuyện chánh trị trong thơ. À, cháu nói với Kenneth
tốt hơn hết nên gởi thơ cho Đại Nho, em của Đại Vệ, đừng gởi cho bác
nữa.
Thiên Nghi cắn hai mươi chín hột bí giữa hai hàm răng xinh xắn, như
tôi đã thường ngắm nghía trước kia. Tôi đếm từng hột và tưởng tượng
những vỏ hột bí nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ bé dễ thương.
- Bác cho phép cháu nói chuyện riêng với Đại Vệ một chút nha bác. Có
một vài chuyện cháu muốn nói với anh ấy.
- Được rồi, cháu cứ tự nhiên. Bác sẽ đóng cửa lại cho cháu.
Rồi hai đứa tôi diện đối diện một mình riêng tư, nhưng để làm gì?
Một người nằm như xác chết, một người đứng đó nhìn mà thương hại!
Tôi như một khúc cây dưới cặp mắt đầy trìu mến yêu thương. Một cảm
tình tha thiết nhưng chẳng được đáp ứng! Gian phòng nóng quá. Tôi
nghe thấy Thiên Nghi hít nước mũi, dường như cô nàng xúc động.
- Em có điều này muốn nói cùng anh. Em không muốn anh tỉnh dậy mà
không hay biết những gì đã xảy ra. Em sắp rời Trung Quốc để đi Mỹ,
trong vòng bốn năm và có thể lâu hơn nữa... Em có đem cho anh cuộn
băng nhạc "Giao Hưởng Thứ Nhì" của Mahler. Em hy vọng anh sẽ nghe
được một lúc nào đó.
Tôi còn nhớ hai đứa tôi đã cùng nghe nhạc khúc đó trên máy thâu
thanh. Tôi nói với Thiên Nghi là tôi thích bản nhạc đó và Thiên Nghi
đã lấy sổ tay ra ghi. Nhưng nay tôi biết rằng nếu nàng hát lại cuộn
băng đó thì có thể tôi không nhận ra. Thiên Nghi cho bàn tay vào bên
trong bàn tay của tôi. Một lát sau, tôi cảm thấy bàn tay nàng động
đậy.
Lần thăm trước, lẽ ra Thiên Nghi cũng cầm tay tôi, nhưng vì có mặt
mẹ tôi nên mấy ngón tay nàng nằm yên. Nhưng lần này cô nàng lấy ngón
cái vuốt ve lòng bàn tay tôi, nơi nổi cộm dưới chưn ngón trỏ.
- Chắc chúng mình chẳng còn gặp được nhau nữa, nhưng em sẽ nhớ anh
hoài và không bao giờ quên được những lúc hai đứa mình bên nhau...
Dẫu rằng tôi bị kẹt cứng sâu thẳm trong thân xác tôi, giọng nói của
nàng vẫn vang dội trong suốt như pha lê. Thiên Nghi đã bắt đầu thút
thít khóc.
- Lúc nào em cũng hy vọng hai đứa mình cùng xuất ngoại. Em chưa bao
giờ trả lời thẳng với anh mỗi khi anh tỏ ý muốn em cùng đi Mỹ với
anh, nhưng trong thâm tâm, em nghĩ rằng nếu anh đi thì em cũng sẽ
đi. Em không nghĩ sẽ yêu được một người nào khác...
Tôi biết rằng cuộc chia ly này là dứt khoát rồi. Dẫu cho tôi có qua
được cơn hôn mê này thì tôi sẽ là một con người khác biệt với Đại Vệ
mà nàng đã biết.
- Định mạng đã đưa đẩy hai đứa mình gặp nhau rồi cũng định mạng lại
bắt chúng ta phải chia lìa. Giá như một ngày nào đó anh tỉnh dậy, có
thể anh cũng không nhận ra em...
Thiên Nghi đâu ý thức được rằng những thay đổi mà nàng đã tạo ra
trong tôi, khi hai đứa ở bên nhau, đã hằn sâu vào não bộ của tôi
không tài nào xóa nhòa được và tôi không thể nào xóa sạch hình ảnh
của Thiên Nghi trong tâm tư tôi. Nàng đặt tay kia lên tay của tôi.
Những ngón tay lạnh ngắt. Tôi cảm thấy giòng máu đổ dồn vào chỗ kín
của tôi và bộ phận sinh dục bắt đầu cương cứng. Thật bất ngờ và kỳ
lạ, con người sống như thực vật, tại sao con đường sinh lý cứ sống
nhăn!
Buồn
thay, Thiên Nghi không thấy được dấu hiệu đó của sự sống ở tôi. Lặng
đi một lúc, như còn đắn đo, nàng ấp a ấp úng:
- Anh nè, trong chuyến đưa vợ chồng Kenneth đi chơi Vạn Lý Trường
Thành, sau khi hai đứa mình ân ái lần cuối, trước khi anh bị nạn, em
nhận thấy một cái gì của anh thành hình trong người em. Em giữ bào
thai năm tháng và, rất tiếc, đành phải vứt bỏ đi, sau khi được biết
là anh không còn hy vọng qua được cơn hôn mê. Con gái anh à, em xin
anh đừng buồn em!
Chuyện Thiên Nghi vừa cho tôi biết chỉ lảng vảng trong đầu óc tôi,
rồi sẽ qua đi. Nhưng nếu tôi nhớ lại vài ba lần nữa thì dữ kiện đó
sẽ ăn sâu vào não bộ của tôi và sẽ ở đó vĩnh viễn. Nàng đột ngột ra
về, có vẻ như vừa làm xong điều gì quan trọng và chủ yếu của chuyến
đến thăm tôi. Dường như tôi cảm thấy bàn tay của Thiên Nghi vuốt ve
gò má tôi. Lúc bấy giờ, da mặt của tôi vẫn còn tê cóng, nhưng bản
năng còn cho tôi biết rằng bàn tay của nàng đè nhẹ lên mặt tôi. Tôi
cảm thấy một sự cọ xát nhẹ nữa trên mặt tôi, có vẻ như đôi môi của
nàng vì lần này tôi thấy có mùi hơi thở Thiên Nghi. Mặt nàng kề sát
mặt tôi khi nàng thì thầm những lời cuối cùng:"Hãy cẩn thận giữ gìn
sức khỏe, nha anh!"
Rồi Thiên Nghi bước ra khỏi phòng, nói với mẹ tôi:
- Bác có thấy mấy cuốn sổ tay của cháu không, cháu nhớ Đại Vệ nói là
đã đem về nhà.
- Ờ đúng rồi, nó để trong túi xách, đâu đây dưới gầm giường. Lúc đó,
có một đêm nó đem về liệng xuống gầm giường rồi cho biết có sổ nhựt
ký trong đó. Bác cũng không có đụng tới nữa.
Tôi cũng có để quần áo và sách vở của tôi trong đó, định sẽ đem đi
nếu bị công an bắt.
- Đúng rồi bác, đây là những sổ tay của cháu. Tội cho anh ấy quá,
đem cả gương soi mặt và những cuộn băng ghi âm của cháu nữa. Quyển
"Sơn Hải Kinh" này là sách ưa thích của Đại Vệ đây, khi nào rảnh rỗi
bác đọc cho ảnh nghe vài đoạn. Anh ấy thích những nhơn vật quái dị
và huyền thoại trong đó lắm.
- Đây rồi, tập hồi ký của ba nó để lại cho nó, mấy năm nay bác tìm
mãi.
Vậy là Thiên Nghi ra về. Từ nay, khi Thiên Nghi đã biến khỏi cuộc
đời tôi thì tôi chỉ còn nghĩ tới nàng như là một tượng đá che chở
bảo hộ tôi và sẽ mãi mãi theo tôi xuống phần mộ. Em đã ra đi, sau
lần cuối cùng đến thăm, để rồi ngàn trùng xa cách. Tôi nằm như chết
đó, muốn nói lên lời vĩnh biệt, nhưng làm sao đây? Tình cảm trong
câm lặng giữa hai người, trong đó có một người vô tri, vô giác và vô
thức, thì có cũng như không!
* * *
Đại Nho, em tôi đang ngồi trên ghế trường kỷ, đấu láo với một người
bạn, kể lại những bạn học chung ngày trước của hai đứa, giờ đây đã
ăn nên làm ra. Người thì trở nên siêu sao nhạc bình dân, đã thành
triệu phú, kẻ thì đi vào kinh doanh hái ra lắm bạc nhiều tiền,...
Chớ chẳng phải như những ai vì yêu nước thương nòi mà lao mình vào
chánh trị như tôi, như chúng nó!
Đại Nho cho chạy băng nhạc mà Thiên Nghi đã tặng tôi. Tôi vẫn tiếp
tục lắng nghe câu chuyện của chúng nó, nhưng giọng ca thiên thần của
ban đồng ca đã đưa tôi lên tận mây trời xanh thẫm. Tiếng vĩ cầm
thánh thót đã làm cho vòm trời trở nên màu xanh đại dương. Rồi tiếng
sáo lấn át giai điệu và tâm trạng chết lặng của tôi bắt đầu rung
động. Toàn bộ ban nhạc trổi lên trở lại và giọng trầm lại trấn áp
những tiếng đàn dây. Và khi một nốt nhạc đơn lẻ lơ lửng trong không
gian, tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu lắng, chầm chậm tan biến và hòa
lẫn trong một nỗi niềm vui sướng không tên... Phải chăng cung nhạc
đó gợi nhớ trong tiềm thức bịnh hoạn của tôi những kỷ niệm của cô
bạn gái đã đi vào cõi mù mờ của tâm hồn tôi?
Như vậy là những tiếng động của một thời dĩ vãng trong tôi đã trở
lại. Tôi thấy những giây phút vui đùa với Lỗ Lộc trên tiến trình của
một tình yêu ngây thơ trong trắng tuổi học trò, những năm tháng thời
tiểu học... Tôi thấy mình đang chờ cậu em trước cổng trường, có
những cô gái nhảy dây dưới ánh nắng xiêng xiêng của mặt trời ngả
bóng... Em tôi bỗng dưng tắt băng nhạc đi, và tôi lần hồi rút vào
thân xác bịnh hoạn của tôi.
A Mỹ có lần nói với tôi là âm nhạc có thể đưa mình tới cõi thiên
thai. Lúc bấy giờ tôi không hiểu nàng muốn nói gì. Tôi không muốn
nghe băng nhạc đó nữa. Nếu như điệu nhạc đó có thể tác động đến tôi
mạnh mẽ như vậy thì trong lần nghe tới đây, tôi sẽ bị lôi đến lối
vào âm phủ.
Người bạn em tôi hỏi nó tối nay có muốn đi nhảy nhót gì không.
- Có chớ, nghĩ hè mà cứ ngồi đây trông chừng khối thực vật kia thì
chán chết. Ở trong căn phòng hôi thúi này một giờ nữa thì tớ phải
nhảy qua cửa sổ mất.
- Thằng này, anh mày chớ ai đó mà ăn nói kỳ vậy? Anh ấy mà tỉnh dậy
thì mày sẽ ăn đòn.
- Đời nào ảnh tỉnh dậy, cứ coi ảnh thì biết!
Đại Nho có vẻ chán ngấy, nhưng tôi không buồn giận gì nó. Nếu có
phải đập một tên nào, một khi tôi tỉnh dậy, thì không phải Đại Nho,
mà là mấy tên lãnh tụ cà chớn trong chánh phủ ở Trung Nam Hải. Nhưng
thật ra, nếu tỉnh dậy được, không chắc gì tôi sẽ đánh đấm một ai. Có
thể tôi sẽ quên hết chuyện chánh trị và quyết tâm tập trung vào việc
sinh sống một cuộc đời hạnh phúc.
Đại Nho và bạn nó rót thêm rượu bia vì nó còn phải chờ mẹ tôi về mới
đi được.
- Tớ phải trở cho anh ấy đã. Tới phụ với tớ một tay. Tớ chẳng muốn
rớ tới anh ấy chút nào hết, ống chuyền dung dịch tùm lum. Ai ngờ
được anh tớ như thế này? Ngày đó trên Quảng Trường, anh ấy nói với
tớ là "đừng tưởng mình vô địch. Nên nhớ đạn súng không có mắt..."
* * *
Bên ngoài gió thổi mạnh, những giọt mưa đập lộp bộp vào cửa kiếng.
Tôi cảm thấy độ ẩm ướt lan mạnh vào căn phòng và thấm ướt vào mấy
miếng bánh để trên bàn, vào tro cốt của ba tôi và vào đôi dép cũ lăn
lóc trong góc phòng. Tôi thích đút chưn vô đôi dép ẩm ướt, nhưng
giày dép chỉ dành cho những ai đi đứng được, còn mấy cái thân xác cứ
nằm ì như tôi thì phải giữ chưn không nằm trên giường.
Mấy hôm nay, ngày của trời đất đã sang tháng tư, thời tiết đã xuân
phân, bớt lạnh và bắt đầu âm ấm. Nghe tiếng mẹ tôi hát hò khe khẻ
như muốn chào đón mùa xuân. Hết hát, mẹ tôi lại lôi điện thoại niên
giám ra đọc. Bà đọc cho tôi nghe đủ thứ số điện thoại từ những tiệm
làm tóc chí đến các trường đại học. Có lẽ vì mong muốn có được cái
điện thoại ở nhà làm cho bà bị ám ảnh. Mẹ tôi đã nộp đơn xin gắn
điện thoại từ hai tháng nay. Nhiều người phải đợi cả năm mới có.
Em tôi sắp sửa sang Anh Quốc du học. Nó đã lấy vé máy bay, sang đó
học chương trình bốn năm ở Đại Học Buttingham. Mẹ tôi xếp quyển điện
thoại niên giám lại, ngó mông ra ngoài trời nói một mình:
- Mưa hoài, chắc là khách không tới được. Đã hai giờ rồi.
Tôi nghe có tiếng người gõ cửa nhè nhẹ. Chắc là một người nào khá tế
nhị, chớ không phải một tên công an thô lỗ hoặc một người lớn tuổi
hay chõ mũi vào chuyện nhà người khác. Tôi nghe mẹ tôi mở cửa và mời
vào:
- Chào thầy, mời thầy vào. Mưa gì mà kinh khủng, từ đêm qua đến nay
chưa chấm dứt.
Theo mẹ tôi cho biết đêm qua thì Thầy Diêu chuyên trị bịnh bằng khí
công. Thầy rất nổi tiếng trên toàn quốc. Thầy bước vào phòng tôi,
đứng dưới chưn giường, nhìn tôi rồi nói:
- Cậu này rất thông minh.
- Thằng con này của tôi khá lanh lợi, làm gì cũng dược giống như ba
nó.
Lần thứ nhứt, mới nghe mẹ tôi nói tốt về ba tôi.
- Một mình bà chị trông nom cho cháu kể cũng vất vả.
- Như thầy thấy đó, mẹ già mà nuôi con lớn, thật là chuyện "Nhị Thập
Tứ Hiếu" đảo ngược! Tôi không thể vắng nhà nửa giờ. Trong vòng ba
năm qua, không có đêm nào tôi được ngủ yên giấc...
Thường thường tôi không thể nói được là tôi thức hay ngủ. Cái đồng
hồ nội tạng của tôi không còn hoạt động một cách đúng đắn được nữa.
Khi tôi cảm thấy ánh sáng bên ngoài mí mắt thì có nhiều ý tưởng nổi
lên trong đầu óc tôi. Thỉnh thoảng cảm giác nội tâm của tôi cho biết
là sáng hay chiều. Mẹ tôi nói tiếp:
- Đôi khi tay của nó lạnh như sỏi đá. Tôi phải xoa bóp luôn để cho
khớp xương khỏi bị kẹt cứng. Thầy coi chưn trái của nó nè, bị cong
vẹo, xương đã lệch hết rồi.
- Có nhiều hội thiện giúp đỡ người khuyết tật, bà có tiếp xúc với họ
chưa?
- Có rồi thưa thầy, cả những hội từ thiện nữa, trung ương có, địa
phương cũng có, nhưng chẳng cơ quan nào giúp đỡ được gì hết. Tôi đã
điện thoại cho họ, họ bảo là sẽ có thơ cho tôi, nhưng không bao giờ
họ làm gì hết. Nếu mình không biết đi cửa sau thì không được gì cả.
Nhiều người khuyết tật yêu cầu họ giúp đỡ quá, làm gì họ chọn mình
để ra tay?
- Không biết bà chị phải xử sự ra sao. Bà chị phải có một người giúp
đỡ.
- Đương nhiên rồi, tôi muốn lắm, nhưng làm gì tôi có phương tiện.
Tôi phải yêu cầu họ hàng giúp đỡ để chạy chữa cho nó. Trong vòng ba
năm qua, tôi phải chi cho nó trên trăm ngàn nhơn dân tệ. Chòm xóm
thường hỏi han, hay đến thăm nom và tìm hiểu. Nhưng khi tôi hỏi mượn
tiền thì họ không tới lui nữa. Tôi gõ cửa, họ cũng không thèm mở.
Thậm chí nay họ cũng không màng báo cáo cho công an những sinh hoạt
của nhà tôi nữa.
Tôi chẳng khi nào thân cận với mẹ tôi. Nếu tôi không lầm thì tôi
chẳng khi nào rờ đến bàn tay của mẹ tôi. Những lúc cắt tóc cho bà,
mùi mồ hôi từ cái cổ mập béo của bà cũng làm tôi vội ngược. Nay tôi
phải xấu hổ để cho mẹ tôi tắm rửa hàng ngày và thay tả dơ bẩn cho
tôi.
- Vết thương chỗ nào, cho tôi xem qua coi?
- Đây, thầy rờ xem. Nó mềm nhũn. Miếng sọ bể ra vẫn còn để trong tủ
lạnh của bịnh viện.
Thầy Diêu đè ngón tay lạnh ngắt lên chỗ bị thương nằm bên trên lỗ
tai của tôi. Khi thầy nhấn nhẹ xuống, mấy mô não của tôi bị đẩy qua
một bên và một vài đường gân rung lên chút ít. Dẫu cho đầu tôi nóng
đến mấy, chỗ bị thương lúc nào cũng lạnh. Tôi biết rằng tôi bị bắn ở
đầu, và viên dạn không nổ tung. Và tôi biết rằng người bắn cũng cao
cỡ tôi, đứng cạnh tôi và bắn bằng súng lục. Có thể công an thường
phục vì quân lính thì dùng súng trường.
- Bạn của bà chị có cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra cho cháu. Nhưng
chuyện chánh trị, tôi không quan tâm tới. Chúng tôi, những người áp
dụng khí công chữa bịnh chỉ biết làm việc nghĩa. Cháu rất may còn
sống sót. Tôi sẽ cố gắng tối đa làm cho cháu khỏi cơn hôn mê. Tôi sẽ
bắt đầu điểm những huyệt chánh. Khi kinh mạch thông được, tôi dễ
truyền khí lực của tôi cho cháu. Bà chị để ý những đốm đỏ ở móng tay
của cháu. Có dấu hiệu là máu không lên não được. Những đốm này sậm
đi thì càng nguy và khi nó trở đen là cháu khó sống. Bà chị mở cửa
sổ ra.
- Bên ngoài vẫn còn mưa.
- Không sao đâu. Phòng phải thoáng, cháu mới dễ hấp thụ khí lực của
tôi.
Thầy Diêu nắm chưn tôi trong tay và lấy ngón cái xoa trên ngón chưn
cái của tôi làm cho tôi đau điếng tới tận đầu, và những tế bào chết
chỗ bị thương rung động và trong giây lát tôi thoáng thấy hình dáng
đứa con gái của tôi, đứa con gái mà Thiên Nghi đã cho tôi biết. Cháu
đứng dưới mưa, hai tay bé nhỏ nắm chặt cây dù, đôi chưn mày của cháu
lộ rõ dưới mái tóc mới cắt.
Từ khi Thiên Nghi cho tôi biết chuyện nàng phá thai, tôi thường
tưởng tượng dung nhan đứa con gái của chúng tôi, nếu bé còn sống.
Cháu sẽ là hình hài thu nhỏ của Thiên Nghi. Mặt cháu sẽ tròn, đôi
mắt to và hai lúm đồng tiền trên má.
Thầy khí công ra về thì hai bạn Mịch Di và Vũ Cấm của tôi đến. Họ
nói chuyện với mẹ tôi về Thiên Nghi.
- Thiên Nghi có gởi vi thơ về cho cháu với nhiều bài nói về cách
chữa trị hôn mê tân tiến. Thiên Nghi viết tiếng Anh, nhưng cháu có
thể dịch ra cho bác.
- Vi thơ là gì? Là điện tính phải không?
- Không phải, thưa bác. Là một loại thơ gởi qua máy vi tính, nhanh
lắm bác.
- Lạ quá há, bác muốn học cách viết thơ như vậy.
- Dễ thôi bác à, biết viết tiếng Trung Quốc bằng chữ La Mã thì rất
dễ.
- Nếu bác muốn học thì cháu sẽ cho bác mượn một máy vi tính.
Mẹ tôi làm sao mà học sử dụng vi tính được. Đôi khi mở máy thâu
thanh mà bà còn gặp khó khăn nữa là xài vi tính. Tiến bộ nhanh quá,
tôi nhớ những ngày còn ở đại học, muốn tìm tài liệu tôi phải xài
những cái máy vi tính to lớn kình càng, nay chỉ mấy năm qua mà người
ta đã có máy ở nhà rồi!
- Hai cháu có biết Thiên Nghi làm quen được với cuộc sống bên đó
chưa? Bác nghe nói thức ăn Tây phương khó nuốt lắm.
- Người nước ngoài giống như thỏ vậy bác ơi, thích gặm nhấm cải
xanh, rồi cũng sống được, không sao đâu bác.
Nói xong, Mịch Di cười ha hả, một cái cười độc đáo của cô bạn gái
của Đại Vệ, cứ mỗi lần cười thì phải ngã người ra phía sau.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|