Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (17)

Trời vừa hừng sáng
trên Quảng Trường, loa đã lên tiếng: "Chào mừng các bạn buổi sáng!
Mặt trời đang lên với giai điệu vinh quang của Quốc Tế Ca! Đây là
đài phát thanh duy nhứt trên đất nước này dám nói lên sự thật. Hôm
nay, phong trào tuyệt thực của chúng ta bước qua ngày thứ sáu. Ai
biết được hôm nay sẽ có bao nhiêu người ngất xỉu khi chúng ta tiếp
tục đấu tranh đòi dân chủ và tương lai cho đất nước..."
Hôm nay, có khoảng bốn ngàn sanh viên tuyệt thực cấm trại trên Quảng
Trường, cùng với hàng chục ngàn sanh viên khác, không tuyệt thực
nhưng yểm trợ và phục vụ phong trào. Hàng ngàn thân người nằm ngủ
cùng với mền đắp, cờ xí và biều ngữ màu đỏ nằm la liệt trên một đoạn
đường dài. Báo chí và thùng giấy bìa cứng sũng nước mưa đêm qua nằm
bẹp trên sân xi măng. Đây là cuộc tuyệt thực tập thể to lớn nhứt
trong lịch sử. Cảnh tượng trông như một màn dàn dựng để quay phim
đang chờ ống kính thu hình bắt đầu quay.
Thiên Nghi vẫn còn ở trong nhà thương. Dẫu cho cô nàng đã tỉnh lại
và tình hình đã ổn định, nhưng bác sĩ muốn cho Thiên Nghi nằm lại
thêm một ngày nữa. Suốt đêm, Đại Vệ và cô y tá phải bận rộn đưa
những người tuyệt thực ốm đau đi nhà thương.
Cô y tá nói những người nhịn ăn là vì nhiệt tình cách mạng và như
vậy rất nguy hiểm. Cô sợ rằng, nếu như phong trào còn kéo dài thì
rất khó kết thúc và sanh viên có cơ sẽ chết nhiều. Đại Vệ tâm sự với
cô y tá rằng những nhà lãnh đạo cộng sản là một lũ chó sói hung ác,
chẳng cần quan tâm, sanh viên sống chết chẳng ăn thua gì tới họ.
Cùng với một vài người bạn nữa, Đại Vệ đi quan sát tình hình sanh
viên tuyệt thực, vì hội Hồng Thập Tự khuyên là nên thường kiểm tra
những người nhịn ăn. Họ phát hiện ra trong số những người nằm ngủ có
bảy người bất tỉnh. Có người mê sảng, cặp mắt trợn ngược. Vậy là, họ
đặt sanh viên mê sảng kia lên cáng rồi đưa anh ta đến xe cứu thương,
nằm cạnh lều cấp cứu.
Sau sáu ngày tuyệt thực, số sanh viên ngất xỉu gia tăng nhanh chóng,
thậm chí còn có một vài người đi vào hôn mê. Tiếng nói trên loa bắt
đầu loan báo tin tức những người gặp khó khăn để ban cứu thương tới
kịp thời, xen lẫn với tin tức liên quan đến phong trào tranh đấu.
Loa cho biết là có một nhóm người, tự xung là "những tướng lãnh trẻ
của đất nước", có gởi đến phong trào một điện văn ủng hộ, như sau:
"Những người bạn sanh viên thân mến,
"Những hành động dũng cảm của các bạn đã làm cho giống nòi Trung
Quốc cảm thấy tự hào. Các bạn là những người đáng ngưỡng mộ hơn hết
trong lịch sử của xứ sở Trung Hoa hiện đại. Chúng tôi xin chúc các
bạn mọi..."
Bác sĩ Lý, người thày thuốc của bịnh xá Đại Học Bắc Kinh, từ đâu
chạy tới báo động: "Sanh viên của ban an ninh đâu, coi chừng lo bảo
vệ những người tuyệt thực! Có người đang lôi họ đem đi đó! Những
người tự xưng thuộc Hồng Thập Tự, mặc áo choàng màu cam, định lôi
những người tuyệt thực ra khỏi Quảng Trường. Họ là những người của
nhà nước trá hình đó."
Đại Vệ chộp lấy cái loa cầm tay, và báo động: "Sanh viên ban bảo vệ,
hãy cảnh giác! Nên vây kín những người tuyệt thực, đừng để cho người
lạ đụng đến họ." Gặp được một người mặc áo màu cam, Đại Vệ quát
ngay: "Anh không được rớ đến những người tuyệt thực."
- Tại sao, chúng tôi thuộc Hồng Thập Tự mà?
- Nhơn viên HTT không mặc áo màu cam.
- Chúng tôi sẽ đưa những người này đi cấp cứu. Bộ các anh muốn nhìn
bạn bè chết đi, không làm gì để cứu họ hết sao?
- Sao anh biết chúng tôi không làm gì? Chúng tôi cung cấp cho họ nào
là nệm, nào là mền đủ thứ hết. Chúng tôi đưa những người gặp khó
khăn đi cứu cấp, chúng tôi có bác sĩ riêng để lo cho họ...
- Chúng tôi đến đây để giúp sanh viên...
- Nhưng phải có phép của ban tổ chức.
* * *
Qua một chuyến công tác dăm ba ngày ở Bắc Kinh, một người bạn học cũ
của Đại Vệ ở Đại Học Miền Nam, rủ vài ba người bạn cùng trường trước
kia đi ăn trưa. Họ đã ăn nên làm ra nhờ có chưn trong một công ty
xây dựng đường sá của Thẩm Quyến, và nay tạo dựng được một công ty
thương nghiệp và đã có nhà cao cửa rộng. Một vài người bạn học khác
nay cũng đã có cơ ngơi đàng hoàng. Ở đời thường là như vậy, những ai
biết nắm lấy thời cơ thì sướng thân mình, còn những kẻ cứ miệt mài
tìm kiếm, đôi khi chẳng đi đến đâu.
Những sanh viên đang theo học tại Đại Học Bắc Kinh xỏ xiên những
người bạn đã ra đời, lo kiếm bạc:
- Mấy ông nay khỏe rồi, chỉ có chúng tớ là còn phải đấu tranh lên,
đấu tranh xuống! Lý do mà bọn tớ phải tuyệt thực là để quét sạch
những phường đút lót viên chức nhà nước như các ông!
Cứ như vậy mà cả bọn phá lên cười. Đời là thế, ai lanh tay lẹ chưn,
người ấy hưởng.
Nhà hàng khá đông
người. Cô hầu bàn bắt đầu rót trà vào tách cho mọi thực khách. Loáng
thoáng nghe được trong số khách ăn có sanh viên Đại Học Bắc Kinh, cô
ấy bèn xin chữ ký, vì muốn có kỷ niệm của những người hùng thời đại.
Đại Vệ giới thiệu người bạn trưởng ban tuyên truyền trên Quảng
Trường, thiên hạ xúm nhau bao quanh anh, kẻ mời điếu thuốc, người
chìa tay ra bắt.
Bạn bè xa nhau khá lâu, nay có dịp gặp lại, cười nói và châm chọc
nhau cho vui, người nhắc chuyện này, kẻ gợi chuyện khác. Câu chuyện
chưa hết, bữa ăn chưa bắt đầu thì tiếng nói của cô xướng ngôn viên
truyền hình vang lên, trấn áp cái ồn ào của phòng ăn. Hình như có
tin tức gì quan trọng, người thâu ngân mở lớn âm thanh: "...Hôm nay,
thủ tướng Lý Bằng và những nhà lãnh đạo hàng đầu khác hội đàm với
các lãnh tụ sanh viên tuyệt thực tại Đại Sảnh Nhơn Dân..." Mọi người
đứng lên và im lặng nhìn đăm đắm vào màn ảnh nhỏ ở góc phòng.
Truyền hình phát ra cảnh thủ tướng Lý Bằng ngồi cứng đờ, nghiêm
trang giả tạo trên chiếc trường kỷ màu đỏ, đàm đạo với sanh viên
bằng một giọng nghiêm nghị và quả quyết: "Chánh Phủ không khi nào
nói quần chúng sanh viên đang gây xáo trộn. Chúng tôi chưa bao giờ
nói như thế. Chúng tôi đã nhứt trí ca ngợi nhiệt tình yêu nước của
sanh viên. Nhiều lời phàn nàn mà sanh viên đã đưa ra là có cơ sở và
chúng tôi đang tận tình cứu xét để giải quyết. Như vậy, nỗ lực của
sanh viên là tích cực. Nhưng tình hình đã biến chuyển theo cung cách
của nó. Xáo trộn đã bùng nổ ở Bắc Kinh, và đang lan tràn trên khắp
đất nước. Tình trạng ở Bắc Kinh đã hỗn loạn. Chánh phủ không thể bỏ
qua chuyện đó. Chúng tôi phải bảo vệ sanh viên và chế độ xã hội chủ
nghĩa. Công nhơn, viên chức nhà nước và dân chúng thành phố đã đổ ra
Quảng Trường Thiên An Môn để khuyến khích sanh viên tiếp tục tuyệt
thực phản đối. Những việc làm đó là không thể chấp nhận..."
Hình ảnh kế tiếp là cảnh một sanh viên tuyệt thực, đang mặc bộ quần
áo bịnh viện, đấu lý với ông Thủ tướng: "Tôi tưởng không cần phải
trở lại vấn đề đó nữa, nhưng chúng tôi thấy dường như Thủ tướng vẫn
chưa nắm được vấn đề. Vì vậy, chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là
sanh viên chúng tôi chỉ rời Quảng Trường với điều kiện bài xã luận
vu khống ngày 26 tháng Tư trên "Nhơn Dân Nhựt Báo" phải được thu hồi
và chánh phủ phải lập tức đối thoại với chúng tôi một cách cởi mở,
bình đẳng, trực tiếp và chân thành. Nếu những đòi hỏi trên đây không
được đáp ứng thì..." Sau đó, người đọc tin cho biết là cuộc trao đổi
đã kết thúc mà chẳng có vấn đề nào được giải quyết hết.
Phòng ăn trong nhà hàng ồn ào lên với những cuộc tranh luận liên
quan đến cuộc đấu khẩu vừa qua trên hệ thống truyền hình. Trong thời
kỳ lịch sử bốn mươi năm qua của Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Quốc, đây là
lần đầu tiên cấp lãnh đạo nhà nước mới tranh luận với quần chúng
nhơn dân tầm thường. Ai cũng ngạc nhiên. Các cô hầu bàn đều sửng
sốt, đến đổi quên bưng dọn những dĩa ăn xong hay đem lên các món ăn
đã gọi. Một cô bình phẩm cho rằng chưa xưa nay, từng thấy người dân
thường nào đối đáp với Thủ tướng như vậy. Một điều đáng ngạc nhiên
vô cùng! Hai người khách bàn bên cạnh nhìn về phía bàn ăn của Đại Vệ
và bạn bè nói lớn: "Các bạn sanh viên quả là khí phách đầy mình, dám
thách thức lãnh đạo chánh phủ, ngồi nói chuyện tay đôi!" Những khách
trong phòng ăn cùng nhau nâng ly ca ngợi sanh viên. Mọi người nâng
ly chúc tụng và vui cười, ồn ào một lúc rồi lắng dịu trở lại, bàn
nào cũng chú tâm tới chuyện ăn nhậu.
Riêng bàn của sanh viên thì cứ sôi nổi, tiếp tục bình luận đoạn phim
phát hình vừa qua.
- Các bạn có nghe đoạn phát biểu đầu tiên của thủ tướng Lý Bằng
không? Ông ấy khẳng định là sanh viên không có gây xáo trộn. Đó là
một nhượng bộ đáng kể.
- Coi chừng trúng kế của mấy ông nhà nước đó. Chẳng khác nào chồn
cáo mà chúc Tết gà mái tơ vậy!
- Chúng mình cần phải thành lập ngay một hiệp hội sanh viên. Nội
nhóm người chúng mình ngồi quanh chiếc bàn này cũng có thể là một ủy
ban tổ chức rồi. Muốn tác động được tình hình thì phải hành động
ngay bây giờ.
- Đúng rồi, anh bạn nói đúng, tôi có thể đại diện cho sanh viên tỉnh
Quảng Đông, có ai đại diện cho các tỉnh khác không? Chắc là sanh
viên Bắc Kinh không muốn nhập bọn với chúng mình, nên tôi nghĩ nên
chọn danh xưng là "Liên Đoàn Sanh Viên Cấp Tỉnh".
- Nếu như chúng ta động viên được sanh viên ở tỉnh và đưa phong trào
phản đối mở rộng khắp đất nước thì phong trào sanh viên đâm ra sẽ
quan trọng trước lịch sử Trung Quốc.
- Sanh viên Thiên Tân và tỉnh Hồ Nam vừa đến hôm nay. Nếu chúng ta
móc nối được với nhau thì cũng giống như phong trào "Nối Vòng Tay
Lớn" thời Cách Mạng Văn Hóa, qua đó bọn Hồng Vệ Binh đi khắp nơi
trên đất nước, và trao đổi kinh nghiệm cách mạng.
- Mục tiêu của phong trào là củng cố uy quyền của đất nước. Các bạn
xem có phải nước Mỹ hùng mạnh như ngày nay là nhờ có chế độ dân chủ
không?
- Khi Tổng bí thơ Triệu Tử Dương hội đàm với Gorbachev thì họ nhận
xét là Đặng Tiểu Bình vẫn còn là nhà lãnh đạo có nhiều quyền thế ở
Trung Quốc. Với tư cách Chủ Tịch Quân Ủy Hội, họ Đặng nắm được quân
đội. Và ai kiểm soát quân đội thì thống trị đất nước vì quyền lực
nằm ở đầu súng mà. Nên chi, mục tiêu đầu tiên của phong trào là làm
thế nào tước được quyền hành đó khỏi tay Đặng tiên sinh.
- Nhưng cái tin họ Đặng đã từ chức là một tin đồn nhãm.
* * *
Ăn uống no say, mọi người chia tay nhau, và cái tổ chức vừa hình
thành trong dự tính chưa đi đến đâu hết. Đại Vệ trở lại Quảng
Trường, ghé qua lều vải, "trụ sở" của "đài phát thanh" trên Quảng
Trường. Trạm phát thanh trông như một hầm trú ẩn cơn động đất, đồ
đạc cứ tùm lum, chẳng thứ tự ngăn nắp gì hết. Thời gian đã quá ngọ,
mặt trời đã xê xế, bên trong lều nóng bức và ngột ngạt, mặt mày ai
nấy cũng đỏ rần.
Khi Đại Vệ trở về lều vải thì có tin đính chánh là những người mặc
áo màu cam, thật ra không phải là "bọn ưng khuyển" của chánh phủ mà
là những chuyên viên của Bộ Y Tế. Họ muốn đến Quảng Trường để giúp
đỡ sanh viên tuyệt thực. Họ đề nghị đem xe buýt đến Quảng Trường để
cho những người tuyệt thực trú mưa, được dự báo khí tượng cho biết
sẽ xảy ra vào buổi chiều. Nhưng ban tổ chức không đồng ý, sợ rằng
người ta sẽ lái xe đưa sanh viên đi mất. Có ý kiến đề nghị là nếu sợ
vậy thì chỉ cần xì một bánh xe đi. Nhưng toán phát loa nảy sanh ra
một ý nghĩ là lấy một chiếc xe buýt gắn loa làm một đài phát thanh
lưu động. Như vậy thông tin sẽ đi xa hơn. Cũng là một ý kiến hay.
Nhìn ra bên ngoài Quảng Trường, Đại Vệ thấy một lô xe buýt đã đậu
đầy. Một đoàn xe tải đậu nối đuôi dài thượt ngoài kia chờ xuống hàng
cứu trợ tiếp tế. Nông dân ngoại ô chở rau cải, xí nghiệp thực phẩm
đem tặng một tấn bánh mì. Có ý kiến cho rằng nếu thực phẩm tặng dữ
mà chất đống như vầy dưới mắt của những người tuyệt thực thì coi sao
được.
Trời bỗng nhiên nổi cơn giông, bao nylon, thùng giấy bìa cứng, giấy
báo cũ bốc lên bay tứ tung. Trận mưa bão sẽ ập tới trong giây lát.
Thật là may mắn, người ta đưa những người tuyệt thực vào trú đỡ
trong những chuyến xe buýt đậu gần đó. Ban phát thanh phải chạy đôn
chạy đáo, đưa thiết bị máy móc tránh mưa. Đội mưa, Đại Vệ trèo lên
Bia Kỷ Niệm, lấy chiều cao để nhìn xa hơn. Quảng Trường như nằm
trong cái mùng nước mưa bao phủ, đang thiếp ngủ dưới cơn mua. Bức
ảnh bán thân của Chủ Tịch Mao trên cổng Thiên An Môn đã mờ đi sau
làn nước mưa nặng hột.
Nó nhớ lại ngày hôm trước có một người dân Bắc Kinh mang một tấm
hình to tướng của Mao đem ra Quảng Trường. Ông ta cho biết là đến
Thiên An Môn để ủng hộ sanh viên. Đại Vệ hỏi ông ấy còn nhớ biến cố
Thiên An Môn hồi 1976, khi Mao cho phép đưa vũ lực ra đàn áp hàng
chục ngàn dân chúng Bắc Kinh chống lại Tứ Nhơn Bang không? Ông ấy
chưa nghe nói biến cố đó bao giờ.
Đại Vệ nghĩ rằng không phải lỗi của ông ấy vì bốn mươi năm qua, Đảng
cộng sản Trung Quốc đã gắng sức xóa sạch lịch sử đất nước. Nếu như
ba nó không để lại tập hồi ký thì làm gì nó biết được những chuyện
khiếp đảm có thực trong Dịch Chống Hữu Khuynh và hồi thời Cách Mạng
Văn Hóa. Không một ai biết được có bao nhiêu triệu người bị chết
dưới triều đại Mao Trạch Đông. Được biết, qua Bước Đại Nhảy Vọt từ
1958 đến 1960, vì tuân lịnh Mao mà nông dân bỏ ruộng vườn để luyện
thép bằng lò luyện kim tí hon sau hè nhà, đã có mười hai triệu người
chết vì đói, riêng ở tỉnh Tứ Xuyên.
Rồi cơn mưa cũng qua đi, gió thổi mây trôi, trời quang, mây tạnh.
Quảng Trường trông như bãi chiến trường sau một trận đánh quyết
liệt. Giấy báo, truyền đơn, biểu ngữ, thùng giấy ướt sũng rải rác
khắp nơi. Tiếng loa vang dội kêu gọi làm sạch Quảng Trường. Bên
trong những xe buýt hơi người xông lên nồng nặc, những sanh viên
tuyệt thực trú mưa trong các xe, kẻ nằm, người ngồi, đầu ngoặt ngoẹo
vì mệt lã. Các cô y tá bận rộn săn sóc những người kiệt sức. Với
tình hình như vầy, liệu phong trào tranh đấu kéo dài được bao lâu?
(Còn tiếp)
Phan Quân
|