.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (5)

 

A Mỹ và Đại Vệ lên xe lửa đi Quảng Tây. Đây là lần đầu tiên hai đứa đi chung xe lửa và cũng là lần đầu tiên Đại Vệ đi xa với một người con gái.

Đại học Miền Nam đã nghỉ hè nên nó định đi qua tỉnh Quảng Tây kế cận để thăm Nông Trại Trung Quốc Hải Ngoại, nơi mà ba nó đã bị đưa tới để cải tạo hồi năm 1963. Qua năm 1965, khi chiến tranh ở Việt Nam bùng nổ, vùng đó nằm trong khu vực có thể bị tấn công. Nhà cầm quyền địa phương sợ rằng những người hữu khuynh, bị giam trong nông trại, có thể lợi dụng tình hình xáo trộn để vượt ngục chạy qua biên giới, nên ba nó bị chuyển trại về tỉnh sanh quán Sơn Đông.

A Mỹ muốn đi thăm thân nhơn ở gần Lưu Châu, còn nó thì muốn tạt qua Quế Lâm để thăm ông Giám Đốc họ Lưu, người đã đối xử tử tế với ba nó, và cô con gái tên Lưu Bình. Nó tưởng tượng Lưu Bình có dáng dấp của một thiên thần, với mái tóc cuộn làm nhiều lọn, với đôi tai xinh xắn và với hai cánh tay vươn dài ra như đôi cánh. Ngoài ra, Quế Lâm còn có những đồi cỏ xanh và những giòng sông lượn quanh, là một nơi xinh đẹp, nó nghĩ thế nào A Mỹ cũng sẽ thích đến đó.

A Mỹ và nó chưa phải là cặp trai gái chánh thức, nhưng nó đã có lần đưa cô nàng đi ăn ở một nhà hàng bé nhỏ bên ngoài cổng trường. Nó cũng đã đưa nàng đi bơi ở trung tâm thể thao Quảng Châu và đã nắm tay nàng để băng qua đường.

Sau chuyến về Hương Cảng lần đầu, A Mỹ có mua cho nó một cây thuốc điếu hiệu Marlboro. Qua những chuyến đi như vậy, ai cũng mua thuốc lá ở quày hàng miễn thuế, nên nàng không muốn để lỡ cơ hội mua hàng hóa giá rẻ. Nhưng nó biết rằng A Mỹ muốn tìm cách giúp đỡ nó kiếm ít tiền, vì có thể đem bán lại ở nhà ga Quảng Châu với giá mười lăm nhân dân tệ một cây, cũng đủ cho nó ăn trưa trong một tuần.

Về sau, cứ mỗi lần về Hương Cảng là cô nàng mang cho nó vài cây thuốc lá. Chuyến đi thứ ba, nàng tặng nó một cuộn băng nhạc giao hưởng vĩ cầm của Beethoven do Karajan điều khiển. Rất tiếc nó không có máy hát băng, nên quá nhiều người mượn, đến đổi chỉ qua một tuần là cuộn băng đã rè. Nó nghĩ là hai đứa đang trong thời kỳ ve vãn tìm hiểu nhau.

Toa xe lửa đã đầy người. Hai đứa ngồi trên cái băng cây, bị ép chặt vào cái cửa sắt. Ở mỗi ga, hai đứa bị hành khách chen chút leo lên, ném tung hành lý vào người. Sau một đêm dài không ngủ, cuối cùng hai đứa cũng đến được thành phố Lưu Châu.

Hai đứa cùng nhau đi dạo chơi thành phố, ngắm xem thắng cảnh Lưu Châu, chụp một vài kiểu hình. Đại Vệ thừa cơ hội, nâng cấp tình bạn lên thành tình yêu, một cách rụt rè. Nó nhờ một khách du lịch chụp cho một tấm hình hai đứa. Không thấy A Mỹ phản đối, nó thừa thắng xông lên, từ chỗ nắm tay, vuốt lưng đến cọ má, kề vai rồi hun hít. Cũng đương nhiên thôi, khi lửa gần rơm. Từ đó trở đi, A Mỹ đã trở thành cái lý lẽ chủ yếu của cuộc sống Đại Vệ rồi.

Sáng ngày hôm đó, Đại Vệ để A Mỹ ở lại nhà người thân của nàng và lên chiếc xe đò đường xa để đi Vũ Huyền. Nó đến nơi lúc ba giờ chiều, một cái chợ thị xã rộn rịp và đông đúc. Con đường bụi bậm bên ngoài bến xe đò nồng nặc mùi dầu cặn và phân thú.

Nó hỏi đường đi đến Ủy Ban Cách Mạng Vũ Huyền, và gặp được bác sĩ Tống, bạn học cũ của người thân A Mỹ. Nó cho bác sĩ Tống biết là ba nó đã ở trại Vũ Huyền hồi năm 1963 và ở đó hai năm, lao động ở nông trại Trung Quốc Hải Ngoại của Quảng Tây gần đó. Nó muốn đến thăm nhưng không được biết chính xác là trại nằm đâu.

Sau khi biết được đích danh ba nó rồi, bác sĩ Tống xác nhận là trước kia ba nó có ở đây và hỏi thăm ba nó nay ra sao rồi. Được biết ba nó đã qua đời, ông bác sĩ hỏi xem ba nó đã được phục hồi chưa. Qua trao đổi với bác sĩ Tống, nó biết được những chuyện của ba nó trong thời gian ở trại lao cải.

Lúc bấy giờ rất may mắn cho ba nó là đã chuyển trại đi Sơn Đông. Nếu không thì ba nó có thể đã bị người ta ăn thịt mất rồi. Cán bộ giáo dục họ Lưu cũng bị ăn thịt, giống như những người tù khác. Bác sĩ Tống cho biết là trong chuyến thanh tra nông trại hồi tháng rồi, ông đã thâu hồi được hai gan người phơi khô của một nông dân sinh sống gần nông trường. Họ đã cất giữ từ mấy năm qua. Mỗi khi đau ốm, họ lấy ra một miếng nhỏ để làm thuốc uống. Một trong hai lá gan đó là của cán bộ Lưu.

Quả thật, người ta đã ăn thịt người trong trại lao cải, Đại Vệ nhớ là ba nó đã viết chuyện đó trong hồi ký, kể lại vụ ăn thịt người ở trại Cam Túc. Theo hồi ký thì ba ngày sau khi một người tù cải tạo chết vì đói, hai người tù khác âm thầm thẻo thịt ở mông và đùi của đương sự để nướng ăn. Hồi ký cũng tiết lộ rằng trong ba ngàn tù hữu khuynh học tập cải tạo ở trại Cam Túc, đã có một ngàn bảy trăm người chết vì đói. Có khi những người còn sống bị đói quá đành phải ăn thịt những người tù chết.

Nhơn vụ người ăn thịt người này, bác sĩ Tống kể rằng hồi năm 1968, một năm hung bạo nhứt của thời Cách Mạng Văn Hóa, ở Quảng Tây chỉ tiêu diệt giai cấp thù địch không chưa đủ, ủy ban cách mạng cơ sở còn ép buộc dân chúng ăn cả thịt của họ. Ban đầu, thân xác kẻ thù được nấu trong chảo to, cùng với chưn giò heo. Nhưng khi chiến dịch lan rộng, có quá nhiều xác chết, người ta chỉ nấu tim, gan và óc mà thôi. Thật là dễ sợ và kinh tởm! Nghe kể như vậy, Đại Vệ liên tưởng đến hình hài của ba nó khi ông nằm chết, và nó cảm thấy yên lòng vì ba nó đã không bị ăn thịt.

Năm nay, nó đã gần được mười tám tuổi đầu, như vậy cái năm khủng khiếp đó nó chỉ mới lên hai. Ngày 3 tháng Bảy 1968, Chủ Tịch Mao ra lịnh tàn sát dã man những giai cấp thù địch. Phải triệt tiêu hết bọn Hắc Ngũ, cùng với hai mươi ba loại giai cấp thù địch mới, trong đó kể cả những cảnh sát trước thời Cách Mạng, hoặc những ai bị ở tù hay đi trại lao động. Và không phải chỉ riêng những người đó thôi mà còn thân nhơn xa gần của họ nữa.

Như vậy là biết bao nhiêu người! Bác sĩ Tống còn mượn khoa chiết tự để giải thích cho nó ý nghĩa của hai chữ "cách mạng". Theo ông thì "cách" có nghĩa là "tách lìa ra", còn "mạng" là "mạng sống" của người ta. Ngắn gọn thì "cách mạng" có nghĩa là "cắt cái mạng sống" của người ta. Theo tài liệu mà nhóm nghiên cứu của bác sỉ Tống đã đúc kết thì trong năm 1968, trên 100.000 người bị giết ở tỉnh Quảng Tây. Chỉ riêng ở quận Vũ Huyền đã có 3.523 người bị hạ sát, trong số này 350 người bị ăn thịt.

Vậy thì ai là kẻ sát nhơn? Người ta có thể quy tội cho Chủ Tịch Mao vì chính ông là người ra lịnh, nhưng thật ra thì mọi người đều đã liên can. Ngày 15 tháng Sáu 1968, một cuộc tố khổ được tiến hành ở Vũ Huyền, qua đó 37 điền chủ giàu có bị giết chết. Sau khi bị tố khổ công khai, họ được lịnh xếp hàng rồi bị đánh đập cho đến chết. Có một người nông dân vì thấy những người khác bị đập chết, sợ quá bỏ chạy, dân chúng đuổi theo liệng gạch đá đến chết.

Tất cả những nạn nhơn phải chịu chết thời đó đều bị đánh đập hoặc chọi đá, chớ quân đội không phải dùng đến súng đạn. Trường hợp hãn hữu lắm người ta mới cần tới một viên đạn để kết liễu đời sống, nhưng thân nhơn người chết phải trả tiền viên đạn. Thật là một thời kỳ ác độc và dẫy đầy mâu thuẫn!

Được biết những điều tệ hại trong thời Cách Mạng Văn Hóa, Đại Vệ thấy chán chường, không muốn biết thêm nữa. Mục đích của nó khi đến đây là để tìm hiểu trường hợp của cô bé Lưu Bình, con của cán bộ giáo dục họ Lưu mà ba nó đã dạy vĩ cầm. Buồn thay, nó được bác sĩ Tống cho biết là cô bé đã bị giết chết năm mười sáu tuổi. Cô bé đẹp nhứt nông trại, biết múa và đờn vĩ cầm. Đêm mà dân quân giết ông cán bộ giáo dục họ Lưu, người ta hãm hiếp cô bé rồi lấy dây thắt cổ cô bé. Sau khi cô bé chết rồi, họ thẻo bộ nhũ hoa và moi gan cô bé ra chiên ăn.

*  *  *

Trời phía bên ngoài cửa sổ đã tối đen. Tay chưn của Đại Vệ lạnh ngắt, sau khi nghe kể những chuyện rùng rợn thời Cách Mạng Văn Hóa. Nó thấy cần phải ra đi ngay để khỏi nghe nữa những chuyện của Trung Quốc ở một thời hoang dã, mất hết tính người.

Bây giờ điều nó mong muốn nhiều nhứt là có được một ánh mặt trời rọi vào mặt để có được chút ấm áp. Từ bé đến giờ, nó đã được đọc trang này qua trang nọ những thông cáo chứa đựng danh sách của những tội phạm bị hành quyết. Hàng ngàn tên người viết bằng mực đen, với một chữ thập đỏ, có nghĩa là một con người đã bị xóa sổ. Vậy mà, chưa có khi nào cái chết làm cho nó phải ngẩn ngơ đến như thế.

*  *  *

Hàng năm, đến ngày 1 tháng Mười, người ta đem tử tội ra hành quyết để chào mừng Quốc Khánh Trung Quốc. Với tiến bộ của kỷ thuật giải phẩu và với nền kinh tế tự do của nước Tàu, bịnh nhơn nào đủ khả năng tài chánh đều có thể mua các bộ phận của tù nhơn bị xử tử để lắp ghép cho mình.

Tim và phổi của xác chết được trao cho lớp học của nó sáng hôm đó sẽ được ghép cho một nhà doanh nghiệp Hương Cảng. Phòng giải phẩu ngột ngạt và đầy mùi Formol. Giáo sư Hoàng, người hướng dẫn lớp học, là một chuyên viên tim mạch nổi tiếng, đã từng được báo chí nói đến.

Đây là lần đầu tiên, sinh viên được thấy một xác người mới chết. Từ trước chỉ có những xác ướp Formol. Xác chết để nằm trên cái bàn cây trước mắt sinh viên là của một tử tội đàn ông. Viên đạn, kết liễu đời người tử tội, đã lấy mất một con mắt của ông ta. Chỉ còn lại một lỗ hổng đen thui vì máu đông đặc pha lẫn thuốc súng.

Cuộc mổ xẻ đang tiến hành sẽ tập trung vào bộ óc và tủy sống. Phần còn lại của xác chết là phần vụ của khoa khác. Vì người ta cần lấy tim và phổi để lấp ghép cho bịnh nhơn nên phải bắn vào đầu chớ không phải vào ngực. Bác sĩ phải nhanh tay lấy tim và phổi ra trước khi người tử tội bất tỉnh và tắt thở.

Trước kia Bộ Y Tế có cho phép đặt phòng giải phẩu ngay tại pháp trường để giải quyết cho nhanh chóng. Nhưng, kết quả không được như ý muốn. Nhu cầu về những bộ phận đã tăng cao hổi gần đây, đặc biệt là nhu cầu của bịnh nhơn người nước ngoài, thường trả bằng ngoại tệ. Vì vậy, nay nhà nước cho phép xử tử tội nhơn ngay tại bịnh viện chuyên lo lắp ghép luôn, cho tiện việc và nhanh chóng hơn.

*  *  *

Một năm có hơn đã trôi qua, tình yêu giữa Đại Vệ và A Mỹ càng đậm đà thắm thiết. Hai đứa thường đèo nhau trên xe đạp để đến trường. Bạn bè coi hai đứa như là cặp vợ chồng. Thậm chí hai đứa còn ở chung một căn phòng trong học xá dành cho sinh viên người Hoa hải ngoại, dưới tên của A Mỹ.

Trong một chuyến trở về Hương Cảng để cùng đi Bangkok với mẹ trong năm ngày, nhưng mười ngày qua rồi, A Mỹ vẫn chưa trở lại. Rồi một hôm, nàng gọi điện thoại đường dài để cho Đại Vệ biết rằng chuyện của hai đứa không được mẹ của A Mỹ tán thành. Như vậy là "anh đi đường anh, tôi đường tôi,..."

Phía người con gái như thế nào không được biết, nhưng về phần Đại Vệ thì thằng trai lần đầu thất tình có vẻ gay go. Nó vẫn đi học, vẫn ăn uống, vẫn say mèm và vẫn ngủ bình thường, nhưng bên trong thì nó đã chết và mọi thứ quanh nó cũng đã chết. Nó đóng chặt cửa phòng, kể cả cửa ra bao lơn. Nó muốn cho chút hương vị của tình yêu ngày cũ còn vương vấn trong căn phòng không thoát ra ngoài.

Mấy ngày sau, bạn bè cùng lớp phải gọi cấp cứu và đưa nó đi nhà thương, với căn bịnh suy nhược và nhiễm gan. Bạn bè thân thiết an ủi nó nên coi chuyện bị gái bỏ rơi như là trễ xe lửa, lúc nào cũng có chuyến khác để nhảy lên. Mấy ngày trên giường bịnh nó suy nghĩ liên miên, nhớ hết chuyện này đến chuyện nọ.

Nó nhớ đến tập hồi ký của ba nó, nhớ đến nỗi thống khổ của ba nó suốt thời kỳ ở trại lao cải, nhớ đến những cái chết mà ba nó thuật lại,... thì, nếu đem so sánh, nỗi niềm đau đớn vì tình của nó có thấm vào đâu. Nó nhớ lại chuyện cô bé Lưu Bình bị bọn tàn ác hãm hiếp, giết chết rồi ăn thịt, nó lại tự nhũ:"Ta phải thoát ra khỏi vũng lầy xúc cảm riêng tư ích kỷ và làm một cái gì cho đời ta. Làm một cái gì cho đất nước này tươi đẹp, đáng sống hơn."

(Còn nữa)

 

Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.