Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (10)

Đoàn sanh viên đại
học Bắc Kinh kéo đến quảng trường trước khi mặt trời mọc. Quảng
trường đã đông đầy những đoàn dự lễ cầu nguyện cho Hồ Diệu Bang và
tràng hoa tang tràn ngập đài tưởng niệm. Một ảnh chân dung đen trắng
của Hồ tiên sinh đã được treo lên tượng đài Anh Hùng Nhơn Dân nằm
giữa quảng trường.
Đoàn sanh viên đại học Bắc Kinh trịnh trọng đặt vòng hoa tưởng niệm
bên cạnh những tràng hoa khác và một người đại diện đứng ra đọc bài
ai văn tán tụng công trạng và thành tích người quá cố. Một số sanh
viên làm thành một cái thang để cho một anh sanh viên nhỏ con và nhẹ
người leo lên đỉnh tượng đài treo tấm liễn trắng dài mang những chữ
"LINH HỒN TRUNG QUỐC".
Một đại diện đứng ra trình bày cùng đám đông sở nguyện của anh chị
em sanh viên. Tiếng nói của anh còn khá mạnh, trong khi đó Đại Vệ,
sau mấy tiếng đồng hò hét những khẩu hiệu, nói không ra tiếng nữa.
Đám mưa trước đó mấy phút đã làm cho nhiều sanh viên chạy khỏi quảng
trường. Một số khác đi lên phía Đông của quảng trường để chứng kiến
lễ thượng quốc kỳ buổi sáng. Một số khác chạy đi mua thức ăn sáng.
Chỉ còn lại khoảng vài trăm người tại khu tượng đài.
Đại Vệ chạy đi tìm Thiên Nghi, có ý muốn cho người bạn gái biết là
nó sẽ không tham dự những cuộc biểu tình sắp tới nữa. Nhưng khi mở
miệng ra, nó nói không ra lời nữa. Chiếc áo khoác ngoài của nó, một
người bạn đã mượn nên chiếc áo còn lại ướt sũng nước mưa. Nó ước gì
thay được quần áo ấm và có một tách trà nóng.
Thế nhưng, những lời nói của Thiên Nghi cũng làm cho nó ấm lòng.
Thiên Nghi nhìn nó cười và khuyên nó "đừng nói gì hết. Anh có vẻ đẹp
trai hơn khi anh im lặng. Đêm qua, anh xử sự tài quá. Em không ngờ
anh tổ chức hay quá!" Đại Vệ định đưa đoàn sanh viên đến tận tư gia
của Hồ Diệu Bang để đặt vòng hoa, nhưng chẳng còn vòng hoa nào hết.
Trời đã sáng trắng. Đoàn biểu tình đã thấm mệt nên ngồi bệt xuống
dưới chưn tượng đài. Một vài người đứng ra hướng dẫn một vài bài
đồng ca để lấy tinh thần và để giữ bạn bè ở lại. Nhóm khác bàn luận,
thảo ra bản kiến nghị gồm có bảy điểm, trong đó có điểm xác nhận lập
trường phóng khoáng của Hồ Diệu Bang về tự do dân chủ, đòi tăng
lương cho thày cô, mở rộng tự do báo chí và tự do tư tưởng và chấm
dứt việc ngăn cấm biểu tình ở Bắc Kinh.
Sau khi bản kiến nghị đã được hiệu đính và được đa số tán thành,
đoàn biểu tình dự kiến sẽ trao cho chánh phủ ở Đại Sảnh Nhơn Dân. Du
khách và những người ở gần đó đổ ra quảng trường khá đông. Thiên hạ
tụ tập quanh đoàn sanh viên biểu tình, động viên thêm nữa những
người trong cuộc. Một đại diện đọc kiến nghị lên cho quần chúng nghe
và được vỗ tay tán thưởng.
Một người ngồi gần đó, tự xưng là giáo viên tự nguyện, nói rằng đoàn
biểu tình xử sự không hợp lý. Thế là, một trận tranh cải to tiếng
xảy ra. Người khách lạ cho rằng tình hình ngày một cải tiến, chớ nên
nóng dội. Sanh viên thì cho rằng làm gì có chuyện đó và thế đôi co
càng lúc càng trầm trọng. Một vài sanh viên, không muốn có chuyện
chẳng lành, lôi người khách lạ đi chỗ khác.
 Khi
mặt trời đã lên cao, toán sanh viên biểu tình đề nghị hai người liên
hệ với phòng tiếp dân của Đại Sảnh Nhơn Dân để bàn việc trình kiến
nghị lên thủ tướng Lý Bằng. Mười phút sau, hai sanh viên đó trở ra
cho biết kiến nghị sẽ được trao cho phó phòng Công Văn và Tiếp
Khách. Ban lãnh đạo không đồng ý trao kiến nghị cho một cấp quá thấp
như vậy. Ít ra phải trao cho một thành viên của Ủy Ban Thường Trực
Quốc hội. Nhưng cũng có dư luận nói là thứ bực của người nhận đâu có
gì quan hệ, nhưng tập thể đồng ý là chỉ cần công khai trao kiến nghị
trước mặt đông đủ sanh viên tập họp ở quảng trường. Như vậy cũng đạt
được mục đính yêu cầu và có thể trở về trường trong thế vinh quang.
Bạn bè trao cho Đại Vệ cây bút và một tờ giấy lớn bằng kích cỡ tấm
bích chương. Nó thảo ra bảy điểm kiến nghị đã được tập thể đồng ý.
Nó liếc nhìn Thiên Nghi tìm phản ứng. Môi nàng hơi mím lại, nhưng
cặp mắt vẫn bình thường. Có vẻ như Thiên Nghi không phản đối chuyện
mà Đại Vệ sắp làm.
* * *
- Cửa sao không đóng lại hả bác?
- Thiên Nghi đó hả? Mừng cháu tới chơi. Vô đây cháu, cứ để cửa mở,
hôm nay trời nóng quá. Bữa nay cháu nghỉ học à?
- Dạ, cháu vừa thi xong. Cháu nghỉ một đôi ngày xả hơi, lúc này khó
nghỉ phép lắm. Họ canh giữ như nhà tù.
- Ờ, bác có nghe.
Tiềm thức của Đại Vệ làm cho nó nghĩ là tiếng của Thiên Nghi. Hôm
nay nàng lại đến, cô gái mà Đại Vệ nghĩ tới hàng ngày. Như vậy Thiên
Nghi còn sống, trong khi nó cứ nằm ì bất động trên giường, sống
không ra sống mà chết thì cũng chẳng phải chết. Ruồi muỗi tha hồ bu
đậu, thân người cũng như tay chưn không cựa quậy, chẳng khác nào một
xác chết. Những dấu kỷ niệm về dáng dấp, dung nhan, hơi hám của
nàng, kể cả những bức thơ ái ân của nàng, được nó cất giữ trong hộp
bánh Tây, đổ ập lên tiềm thức của nó thành một mớ hỗn độn.
Thiên Nghi ngồi ngoài phòng khách. Bà mẹ Đại Vệ vừa xoa bóp tay chưn
cho nó xong.
- Anh Đại Vệ nay như thế nào bác?
- Giờ nó chỉ còn có da bọc xương thôi.
Bác vẫn tiếp tục thuốc men cho nó. Nếu không lên cơn sốt hay co giựt
thì tình hình kể
như tạm yên. Cứ vài giờ, bác phải xê dịch tay chưn nó cho khớp xương
cử động. Tình trạng nó rất yếu, nhưng dẫu sao thì nó cũng chưa chết.
Cháu cứ bước vô thăm nó.
Thiên Nghi bước vào và nói bông khơi:
- Đại Vệ, em đến thăm anh nè.
Thiên Nghi xin phép bà cụ mở quạt máy. Nàng không ngồi lên giường
nên Đại Vệ không nghe được hơi thở của nàng. Nó mong muốn được Thiên
Nghi vuốt ve lên mặt, lên thân thể nó. Nàng đến vén màn cửa sổ lên,
có lẽ muốn đuổi mấy con ruồi. Nhìn vào bịnh án của nó để ở đầu
giường, Thiên Nghi nhận thấy não của Đại Vệ vẩn còn hoạt động. Mẹ
Đại Vệ hỏi Thiên Nghi đọc bịnh án có hiểu được gì không?
- Dạ, toàn những tiếng chuyên môn. Đoạn đầu cho biết là Đại Vệ nhập
viện ngày 4 tháng Sáu 1989, bị bắn vào óc, bị tê liệt và bại xụi.
Ngày 6 tháng Sáu 1989, viên đạn được lấy ra, có gây mê tổng quát...
- Thôi đừng đọc nữa cháu. Có hiểu chăng nữa thì cũng chẳng thay đổi
được gì. Tình hình của cháu như thế nào?
- Công an và trường vẫn đang điều tra về trường hợp của cháu. Người
ta chưa xem đến bản tự phê tự kiểm của cháu.
- Bác khuyên cháu nên làm theo ý người ta. Điều quan trọng là phải
tốt nghiệp cái đã. Đừng theo vết xe của bác, ngày thì bị công an
quấy rầy, đêm thì ngồi nhìn mặt Đại Vệ! Như sống ở địa ngục trần
gian.
- Bác cứ kiên nhẫn, một ngày nào đó anh ấy sẽ tỉnh dậy.
- Vì cái tỳ vết chánh trị của nó mà nhà thương không được
phép chữa trị cho nó nên bác phải chạy thầy thuốc bên ngoài, chữa
lén lút. Ban đầu chòm xóm còn thương tình. Họ còn đến an ủi, khuyên
lơn, cho rằng rồi đây nhà nước sẽ thay đổi quyết định đối với những
người chống đối ở Thiên An Môn. Nhưng từ ngày công an bắt đầu theo
dõi, thế là bà con không tới nữa. Bây giờ, mỗi khi gặp bà con chòm
xóm ngoài đường là họ sợ hải ngó lơ chỗ khác, như sợ ma.
- Bạn con cho biết là công an đến đây thường lắm.
- Mỗi tuần hai ba lần. Họ cấm bác nói chuyện với nhà báo và không
được ra khỏi nhà. Họ hỏi tên tuổi những ai đến thăm nom. Nhưng thôi,
cháu nghe những chuyện đó làm gì. Cháu đã nộp hồ sơ xin xuất ngoại
chưa?
- Làm gì đi được bác ơi. Họ không bao giờ cho cháu đi đâu. Hôm nọ,
anh Tiêu Lệ, bạn cùng phòng với Đại Vệ, đã nhảy lầu tự vận rồi đó
bác. Trường bắt anh Lệ viết kiểm điểm về tội hát quốc thiều giữa
công chúng. Họ nói như vậy làm nguy hại an ninh công cộng. Nhơn dân
Trung Quốc mà bị cấm hát quốc thiều thì hiểu
hết
nổi!
- Ờ, bác nhớ ra nó
rồi. Bạn cùng phòng với Đại Vệ, xuất thân từ gia đình nông dân. Có
lẽ, tình trạng như nó, chết còn sướng hơn là sống như một tội phạm.
Ban lãnh đạo đoàn văn nghệ Opéra muốn bác viết một bài ủng hộ việc
nhà nước đàn áp biểu tình. Chuyện đó làm cho bác giận quá chừng. Bác
đã ngưng đọc báo. Bác chẳng còn hứng thú gì về chánh trị. Thậm chí
bác không muốn nghe đến tên của Giang Trạch Dân, người đã nắm chức
Tổng Bí Thơ.
Như vậy là Tiêu Lệ đã chết rồi, cái tin đó làm cho đầu óc Đại Vệ
muốn vỡ ra. Vậy thì bây giờ bạn bè cùng ký túc xá của nó còn lại
những ai? Thằng bạn khác nữa, nghe đâu bị đuổi ra khỏi nhà thương,
về nằm chữa bịnh ở nhà. Theo Thiên Nghi thì dạo này dư luận cho biết
có nhiều quảng cáo lừa bịp về phong trào xuất ngoại du học để móc
túi thiên hạ. Còn trường đại học Bắc Kinh bây giờ như một trại lính
hay một trường Đảng.
Ông bác của Đại Vệ ở bên Mỹ đã qua đời cách nay mấy tuần. Con của
ông ấy gởi cho gia đình Đại Vệ số tiền để lại cho gia đình nó, được
ghi trong di chúc. Ban đầu công an không cho mẹ Đại Vệ nhận, nhưng
sau cùng lại đổi ý. Mấy lúc sau này, thỉnh thoảng Đại Vệ có biến
chứng đáng ngại, có lẽ phải đưa nó vô nhà thương trở lại. Mẹ nó kêu
cứu, nhưng hàng xóm cứ bế môn tỏa cảng, không ai chịu giúp bà. Những
con người trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê này, lúc nào cũng sợ làm
trái chỉ thị của Đảng. Đầu óc họ bị ám ảnh là lúc nào cũng phải
trung kiên với Đảng. Sống trong chế độ chuyên chế, người nào cũng
không có tinh thần lành mạnh.
Bà mẹ Đại Vệ bước vào nhà bếp, để cho Thiên Nghi thoải mái với Đại
Vệ. Từ ngày nó bị thương, Thiên Nghi cảm thấy bơ vơ ở đại học, quanh
quẩn chỉ thấy những người độc ác. Những tưởng tham gia phong trào
sanh viên để phá vỡ lối sống tù hãm, nào ngờ nay lại phải trở về con
đường đó. Rồi đây, khi biết được Thiên Nghi tới thăm Đại Vệ thế nào
công an của trường cũng sẽ hạch hỏi lôi thôi. Đời sống chẳng ra gì
nữa nếu không có tự do.
Trong hôn mê, nó cảm thấy thiếu thốn khi vắng Thiên Nghi. Cảm nghĩ
đó thoáng qua làm cho nó trở về với thực tế. Nó ước ao được hôn hít,
trìu mến Thiên Nghi như xưa, nhưng làm thế nào bây giờ, khi thân xác
nó cứ đờ ra đó. Cho tới giờ phút này, Đại Vệ không thấy sợ chết.
Nhưng giờ đây thấy nàng ngồi đó, rồi sẽ ra đi bất cứ lúc nào, nghĩ
đến cái chết làm cho nó thấy sợ hãi kinh hoàng.
Nghe tiếng chưn của mẹ Đại Vệ bước vào, Thiên Nghi chợt tỉnh người
ra:
- Có cần chêm thêm gối nữa dưới đầu anh ấy không bác?
Nó nghĩ là hai mắt của Thiên Nghi đã rướm lệ.
- Không cần đâu cháu. Căn phòng này có mùi dễ sợ, phải không cháu?
Cháu ngồi lên ghế này nè. Bác thường ngồi đó đề bóp tay bóp chưn cho
nó. Coi nè, tay chưn nó cong queo hết. Nếu không xoa bóp thì tay
chưn nó sẽ cứng đờ như tay nấm khô.
Thiên Nghi đưa tay ra nắm lấy chưn của Đại Vệ, nắn bóp và vặn vẹo.
Dẫu cho cô ấy chẳng làm được gì, nhưng làn da của cô ấy chạm vào da
nó cũng đủ cho nó ngây ngất rồi. Thiên Nghi giúp mẹ Đại Vệ lau chùi
mồ hôi trên tay nó, bóp nhẹ bàn tay rồi để êm xuống giường.
Rồi Thiên Nghi đứng lên, ra về, sau khi ở chơi khoảng hai tiếng đồng
hồ. Nàng ra về vì mùi hôi của căn phòng, hay vì mẹ nó cứ lảm nhảm
hoài? Nó hít một hơi mạnh và dài, nhưng chẳng có mùi thơm nào của
Thiên Nghi còn quanh quẩn ở lại! Mẹ nó tắt ngọn đèn và một lần nữa
nó lại hòa lẫn vào bóng tối của căn phòng. Một quãng đời của nó cứ
như vậy mà âm thầm trôi đi!
(Còn tiếp)
Phan Quân |