.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (26)
 

 

Như vậy là xong rồi một cuộc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ hỏng bét, trong chế độ cộng sản Trung Quốc, một chế độ cứ gan lì lột xác tồn tại sau khi Liên Xô và các chư hầu đỏ của nó sụp đổ tan tành. Cuộc đấu tranh của những người sanh viên "chân yếu, tay mềm" chống cự lại súng AK và thiết giáp, xe tăng, chẳng khác nào như trứng chọi đá, như cào cào châu chấu đá xe hủ lô thì lẽ thắng bại đã quá hiển nhiên.

 

Trong trận thư hùng quyết liệt đó, Đại Vệ lãnh một phát súng ngay đầu, chết thì chẳng chết, nhưng thân bại danh liệt, nằm thừ ra đó, sống một cuộc đời thực vật, thêm gánh nặng cho gia đình, cho mẹ già em thơ, còn bị nhà nước ghét bỏ, tống cổ ra khỏi nhà thương, chỉ vì đương sự là nạn nhơn "đáng đời" của vụ thảm sát Thiên An Môn.

 

*  *  *

 

Tôi nằm yên trong một bịnh viện, trong tình trạng vô thức, không hay biết, chẳng cảm nhận được gì hết. Thỉnh thoảng có tiếng người ta bẻ những ống thuốc tiêm làm cho tôi ý thức được rằng tôi còn sống. Hành lang bên ngoài tối om và dài lê thê, dẫn tới phòng mổ, nơi mà thân xác con người được xử sự như là những đống thịt... Còn cô gái nào kia, có phải là A Mỹ không hả? Chỉ là một bóng người màu trắng, chẳng có mùi vị gì, đôi môi hơi run run.

 

Tôi nằm trên một cái giường bịnh viện, cũng như ba tôi, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Tôi là Đại Vệ, đúng rồi là hột giống của ông để lại. À, tôi bắt đầu nhớ lại rồi! Như vậy là tôi còn sống, đâu đã chết. Hoặc giả tôi đang lịm lần hồi, bùng lên nuối một lần chót, xuyên qua những hoang tàn của quá khứ. Không, tôi không thể nào chết được vì tôi còn nghe tiếng động. Chết là hết chuyện, là hoàn toàn im lặng. Tôi nghe mẹ tôi nói với một người nào: "Nó giả bộ chết đó..."

 

Miệng tôi đâu, mặt tôi đâu? Tôi có thể trông thấy cái đốm màu vàng trước mặt, nhưng chưa cảm thấy được mùi gì hết. Tôi nghe tiếng trẻ con khóc đâu đó ở đằng xa và thỉnh thoảng nghe tiếng người ta rót nước nóng vào bình thủy. Ánh sáng màu vàng tan thành những mảnh vụn. Có lẽ một con chim vừa bay qua ngang trời. Tôi có cảm tưởng như từ trong một giấc ngủ triền miên trổi dậy. Tiếng động nào cũng mới lạ và bất thường.

 

Tôi có chuyện gì vậy cà? Tôi thấy Thiên Nghi và tôi đang nắm tay nhau chạy nhảy tung tăng trong cuộc đời. Chắc là kỷ niệm xa xưa? Hay là chuyện thật? Kìa xe tăng đang chạy tới, lửa cháy khắp nơi và tiếng người la hét... Rồi giờ thì sao đây? Có lẽ tôi ngất xỉu khi tăng chạy qua.

 

Vậy thì tôi vẫn còn sống... Có thể tôi đang nằm bịnh viện và ít ra tôi chưa chết. Tôi chỉ bị chôn sống bên trong thân xác của tôi. Giống như con ếch ngày trước, mà ông giáo biểu tôi bỏ trong một cái chai, đậy nắp có khoét lỗ, đem chôn dưới đất. Nay chắc là ếch đã chết queo, chỉ còn lại bộ xương khô. Tôi đây cũng vậy, nằm cứng trong thân xác của mình và chờ chết thôi.

 

Tôi cố tình lắng nghe bất cứ tiếng động gì để thử mường tượng ra khung cảnh quanh tôi. Khi tôi ý thức được lần đầu tiên không gian của cái bịnh viện thì tôi chẳng nghe được gì hết. Tôi có cảm tưởng như đang chìm xuống tận đáy biển. Chỉ còn nhịp đập của trái tim để cho tôi biết rằng thân xác tôi đã tiêu ma.

 

Tôi mơ màng nghe mẹ tôi nói chuyện với một người nào đó:

- Hôm nay là ngày 4 tháng 2 năm 1990. Nó đã bị hôn mê đúng tám tháng. Dẫu cho bây giờ có tỉnh dậy được thì nó cũng đần độn ngu si. Làm sao nó nói gì được với cậu?

 

Như vậy là tôi đã về nhà, không còn ở nhà thương nữa. Tôi nghĩ là mẹ tôi cho tôi nằm lên cái giường sắt. Tôi không còn nhớ đã xuất viện lúc nào, mà ai đã đưa tôi lên tới từng thứ sáu này cà? Lấy bàn tay vỗ nhẹ trên mặt tôi, tên công an nói:

- Nó chỉ giả bộ chết, thằng ranh con này. Nó sợ bị tống vô tù, nếu như nó tỉnh dậy.

 

Chuyện thay đổi địa điểm làm cho tôi thấy thoải mái hơn. Nhà thương là chỗ lắm người nhiều ma, nhà của mình dễ chịu hơn. Cũng những mùi quen thuộc, những tiếng động thân quen. Tên công an chắc đã ra về nên nghe mẹ tôi rủa:

- Quân trời đánh, cứ cầm súng bắn người vô tội, rồi cho những ai bị thương là tội phạm. Đạo đức gì cái lũ ấy?

 

Bối cảnh của căn hộ nhà tôi, những hình ảnh thân thương của khung cảnh gia đình mấy mươi năm qua, đã từng chứng kiến quá trình sinh ra và lớn lên của hai anh em tôi, đã ngập tràn trong tâm thức tôi, đánh bật đi những kỷ niệm về A Mỹ, về bịnh viện Bắc Kinh mới vừa tống cổ tôi ra khỏi nơi đó, vì tôi là nạn nhơn của trận càn quét Thiên An Môn.

 

Tôi gắng sức bắt cho được những tiếng động xa xôi. Nghe như chừng tuyết rơi ngoài kia. Tôi tưởng tượng đến cái lạnh, đến những cảnh tượng khốn đốn vì giá rét bên ngoài cửa sổ: những con đường đóng băng trắng xóa làm cho người đi bộ trợt lên trợt xuống, những bạn hàng rong nổi lửa chiên nấu thức ăn bán cho khách qua đường, hai cụ già hàng ngày ra ngồi tìm chút tia nắng ban mai, chẳng làm gì hết chỉ đăm đăm nhìn kẻ đi qua, người đi lại, với những cặp mắt vô hồn, một vài chiếc xe tải chạy tới, chạy lui để bốc rác hoặc để giao hàng, làm nghẽn đường xe đạp, khiến họ phải ngừng chờ phía sau trong cái lạnh căm căm, rồi bấm chuông inh ỏi...

 

Me tôi nói chuyện với Nhan Diên, cô bạn học của tôi thời đại học Miền Nam:

- Công an đã lôi đầu nó ra khỏi bịnh xá hồi tháng rồi. Bọn họ biết được nó đã dính líu vào cuộc biểu tình tranh đấu ở Quảng Trường Thiên An Môn nên không muốn báo chí và truyền thanh truyền hình biết được tình trạng của nó. Nó bị theo dõi thường xuyên. Mỗi ngày có hai tên công an đến nhắc nhở bác phải đưa nó đến đồn công an ngay khi nó tỉnh dậy. Thậm chí Thiên Nghi, cô bạn chí thân của nó, cũng không dám đến thăm nó nữa.

- Được rồi, bác để con sẽ cho Thiên Nghi biết.

 

Tiếng nói của Nhan Diên làm cho nó nhớ lại cái đêm mùa thu năm 1986 đã cùng Vương Phi và Mậu Sâm đến đây để uống bia. Lúc đó tụi nó vừa lên Bắc Kinh đi học. Vậy mà mau quá, mới đó đã bốn năm qua! Mẹ nó than phiền:

- Sâu bọ cứ bò lên lỗ tai, lỗ mũi nó nên bác phải mua mấy cái kẹp này. Tay nó đầy những đốm đỏ, trông nó như một con cá bịnh hoạn...

 

Chiều đến, khi mặt trời lặn, một cơn gió lạnh buốt nổi lên trong bầu trời về đêm. Gió lướt qua làn da của tôi, làm tan biến hơi ấm của áo quần, chăn mền và chẳng mấy chốc mà căn phòng lạnh giá. Tôi thử hình dung bản thân mình qua cái nhìn của một con chim. Tôi thấy mình nằm bẹp trên cái giường, lỗ mũi nhô ra một cách thảm thương trên gương mặt, còn mẹ tôi ngồi bên cạnh giường, tay chưn lạnh cóng.

 

Thế rồi, tôi bay ra ngoài cửa sổ và từ ngọn cây nhìn thấy ánh đèn rọi xéo xuống sườn một chiếc xe đạp cũ được khoá chặt vào lan can. Tôi nghe tiếng chiếc xe hốt đồ phế thải nâng cái thùng sắt từ mặt đất lên, một sợi dây xích đập vào thùng xe kêu "băn băn" như tiếng nổ của súng tiểu liên.

 

Khi nghe thấy những tiếng động bên ngoài đó, mạch máu của tôi luân lưu trong huyết quản, như xe hơi chạy trên xa lộ, thì tôi biết rằng mình không thể nín thở và chờ chết, như mẹ tôi hằng mong muốn. Tôi không thể quyết định được phải sống hay nên chết. Giờ đây, tôi là một đối tượng bị giam hãm, giống như con cá mắc cạn trên bãi bùn, ngủ suốt những ngày hè hạn hán. Nhưng con cá kia chỉ mắc cạn theo mùa màng thôi. Trước khi con cá lâm vào cái chết giả tạo, nó biết rằng rồi sẽ sống trở lại khi trời đổ mưa, và nước lại lên đầy sông. Cá chết mà không thối rữa ra.

 

Còn bản thân tôi thì khi còn sống, tôi không chuẩn bị cho cái chết, chết thiệt cũng như chết giả. Tôi vừa đến tuổi đôi mươi, theo ngành tiến sĩ sinh học phân tử. Cửa sổ phòng ngủ tôi ở ký túc xá nhìn xuống khoảnh sân có nhiều bảng niêm yết, là khu sinh động nhứt trên khuôn viên đại học Bắc Kinh.

 

Tôi có cảm tưởng như vừa trồi lên mặt nước, xuyên qua một khối lượng hải triều của giấc ngủ triền miên, làm cho tôi phải ngụp lặn mê man. Tôi cảm thấy còn đủ hai tay, hai chưn và cái đầu nặng trĩu mà mẹ tôi vừa chêm lên bằng một cái gối và tôi thấy cả ống dung dịch chuyền tiếp mạch sống cho tôi. Tôi có cảm giác là thân xác của tôi còn nguyên vẹn, nằm thừ ra đó, ép sát vào chiếc giường. Tôi nghe văng vẳng tiếng nói của mẹ tôi, như từ trên không trung ập xuống, oang oang:

- Đại Vệ! Mày có nghe gì không? Mẹ đây... Trời! Mí mắt nó nhấp nháy!  Nó đã cử động được rồi! Thật là may mắn, không uổng công, mấy mũi thuốc đã có hiệu quả. Mày sống trở lại rồi Đại Vệ ơi! Dẫu sao đi nữa, tao cũng ráng tìm cách cho mày ra khỏi đất nước này.

 

Hôm nay là ngày 23 tháng Tư năm 1990. Tôi đã ra khỏi nhà thương được ba tháng rồi. Bác sĩ có cho biết là những người bị hôn mê như tôi thường chỉ sống được năm sáu tháng. Nhưng, nay tôi vẫn còn sống. Mẹ tôi đã bảo là đừng có đi biểu tình mà tôi vẫn không chịu nghe. Thôi, cứ hôn mê cũng được, vì công an đã cho biết là khi tôi hết hôn mê thì họ sẽ bắt đem đi điều tra.

 

Tiếng than khóc và tiếng thở dài của mẹ tôi cũng lọt được vào não bộ của tôi nhưng chẳng tác động được gì, chỉ lọt vào rồi nằm đó. Rồi thì những hình ảnh xưa cũ và những mẩu chuyện trò xa xưa, đã in vào tâm trí tôi, giờ lại hiện ra. Hình ảnh của tên lãnh tụ sanh viên cầm đầu cuộc xuống đường mà chết nhát, chém vè... Hình ảnh của A Mỹ trong bức chơn dung nhìn tôi trân trân... Tiếng nói của tên công an cho biết là đã bắt mấy tên côn đồ và đánh đập dã man... Trong bỗng chốc, tất cả lại lùi đi, xa lần, xa hồi trong mịt mù...

 

Viên đạn ghim vào đầu tôi, một hàng lính cầm súng dàn hàng ngang và A Mỹ tiến lên phía quân lính. Khi súng nổ, A Mỹ quỳ gối xuống, đầu tôi nổ tung, tôi chỉ còn nhớ có vậy mà thôi. Sau đó tất cả là một bức màn đen.

 

*  *  *

 

Sau khi bị bịnh viện đuổi về, vì thuộc thành phần tranh đấu ở Quảng Trường Thiên An Môn, Đại Vệ được bà mẹ săn sóc tại nhà một thời gian tưởng đâu đã ổn định. Nhưng, sau đó lại có vấn đề, cần phải tìm cách đưa nó trở lại nhà thương. Hai người bạn của nó đến nhà phụ mẹ nó đưa nó vào bịnh viện trở lại. Hai người này tròng tréo cách nào đó để đưa lậu nó vào một trung tâm chữa trị với kỷ thuật cao.

 

Để có thì giờ lo cho Đại Vệ, bà mẹ xin hưu trí non, nghỉ làm cho đoàn văn nghệ Opéra. Bà dạy nhạc riêng ở nhà, kiếm thêm thu nhập, phụ với tiền lương hưu trí, để đài thọ những chi tiêu trong nhà.

 

*  *  *

 

Lại một mùa hè oi ả, da tôi lại sần sùi, sần sượng, nổi mụt những nơi nào không được thoáng. Mẹ tôi phải cực nhọc lăn người tôi qua để rắc phấn chống sảy cho da không bị lở. Bà vừa làm vừa nói lớn cho tôi nghe, như cuộc đối thoại một chiều với tôi cho đỡ buồn:

- Trần Đế, bạn của mày, bị công an giam chỉ có ba tháng vì nó mất một chưn trong vụ Thiên An Môn, nên họ coi như nó đã bị trừng phạt đích đáng. Nó mở một quán sách gần trường, làm ăn cũng khá. Nó nói lúc nào rảnh sẽ đến thăm mày.

 

Tôi đâu có muốn bạn bè trông thấy đống thịt bầy nhầy này! Thậm chí tôi cũng chả muốn Thiên Nghi đến thăm lần nữa. Mẹ tôi nói là thầy thuốc dân tộc cho biết là tôi không có đau bịnh gì hết. Tôi như cây đèn cầy bị thổi tắt. Bây giờ chỉ cần châm lửa trở lại thôi. Nhưng thuốc dân tộc đâu có ăn thua gì. Trong não tôi như có một cái ngắt điện bị cắt, giờ nếu muốn có điện trở lại thì chỉ cần mở ra.

 

Mẹ tôi cho biết là Kenneth từ Mỹ có gởi về một ngàn đô. Mẹ tôi cho là tôi có số hên, có bà con bên Mỹ còn tốt bụng. Hy vọng số tiền đó sẽ làm cho tôi bình phục trở lại.

 

Tôi lên cơn sốt dữ dội, đầu óc tôi như lìa khỏi thân xác. Tôi muốn có được một làn gió mát thổi qua như khi mẹ tôi mở cửa tủ lạnh. Dẫu cho có mùi thuốc Bắc và mùi những thức ăn dư thừa bay ra, nhưng chẳng khác nào một ngọn gió từ một vùng đất băng giá và tuyết phủ.

 

*  *  *

 

Trong thời gian Đại Vệ rơi vào hôn mê, tình hình của Trung Quốc có nhiều thay đổi: nhiều thành phố và nhiều vùng đã mở cửa để nhận đầu tư nước ngoài, hàng chục ngàn sanh viên học sanh được đi du học ở ngoại quốc,... Thay đổi trực tiếp trong gia đình Đại Vệ là quan niệm về cuộc sống của mẹ nó đã khác đi rất nhiều. Trước kia, với một ông chồng bị gán là hữu khuynh, bị đưa đi trại lao cải, bà thấy cần phải ngoan ngoãn với Đảng và nhà nước và phấn đấu để cho chồng mau ra khỏi trại và để bà có thể trở thành Đảng viên. Nay, với việc săn sóc cho Đại Vệ, cùng với những phiền phức gặp phải từ phía công an và nhà nước, bà cằn nhằn, càu nhàu, cảu nhảu luôn.

 

Thấy mẹ nó cơ cực vì phải săn sóc bịnh tình cho nó, Đại Vệ muốn chết đi cho rồi, nhưng làm thế nào bây giờ? Mỗi lần mẹ nó lấy thủy cho nó thấy cứ nóng bốn mươi độ hoài, bà buồn rầu vô hạn. Nhưng khi nghe thấy huyết quản cứ hoạt động bên trong người nó, Đại Vệ hiểu rằng không thể làm chủ được số phận của mình. Nếu được thì nó đã nhảy vào lòng núi lửa cho rồi! Sống làm gì, chỉ làm khổ cho những người chung quanh?

 

Mỗi khi đem nó đi chữa trị, mẹ nó phải nhờ ông thợ điện bên quán ăn đối diện đưa nó xuống từng dưới rồi chở đi bằng xe ba bánh. Mỗi lần như vậy bà phải trả cho ông thợ điện hai nhơn dân tệ, thay vì mướn xe cấp cứu, phải trả năm lần mắt hơn. Đám đông bu quanh, người hỏi thế này, kẻ nói thế kia. Khi mới ở nhà thương về, chòm xóm ai cũng ân cần hỏi han. Chừng thấy công an tới lui hạch hỏi căn dặn thì ai cũng lơ là, lánh xa.

 

*  *  *

 

Tôi nằm trên chiếc giường sắt. Cuộc chuyện vãn lâu dài của mẹ tôi với gã công an làm cho đầu óc tôi cứ rối tung. Ông ta hỏi thái độ của mẹ tôi về ngày 4 tháng Sáu. Tôi nghe mẹ tôi trả lời:

- Cậu muốn tôi nói thiệt hay nói quanh như mấy lần trước?

Trong vòng hai năm qua, mẹ tôi đã bị công an quấy rầy quá nhiều đến đỗi bà chẳng còn sợ họ nữa.

- Dĩ nhiên là suy nghĩ thiệt tình của bà.

Mẹ tôi phẫn nộ đáp lại:

- Sự thiệt là tôi không hiểu tại sao quân đội giải phóng nhơn dân lại xả súng bắn vào nhơn dân là sanh viên. Rồi sau khi con tôi bị bắn trọng thương, tôi còn phải thay mặt nó xin lỗi và công nhận là đáng đời nó?

- Chuyện đó nay đã qua rồi. Nên thực tế một chút là nếu bà chị nhận lỗi của nó thì cả nhà sẽ dễ thở hơn.

- Coi nè, nó nằm chình ình một đống đó, đâu phải chuyện đã qua rồi! Nó vẫn còn sống nhăn, rồi tôi phải săn sóc nó suốt đời tôi. Mấy ông cứ đem nó đi đi và cho thêm một viên đạn nữa vào đầu nó cho xong.

- Tôi đến đây đâu phải để nghe bà chị than van. Chúng tôi muốn biết bà chị định sẽ làm gì ngày 4 tháng Sáu năm nay?

- Làm sao tôi biết được? Tôi còn đầu óc đâu để nghĩ phải làm gì? Đừng hỏi tôi chuyện đó nữa.

- Mai này là Lễ Thanh Minh, bà chị có tính thăm viếng mã ai hoặc cúng bái gì không?

- Này cậu, cậu đã biết tôi mấy năm qua. Tro cốt của ông nhà tôi nằm trong hộp đen dưới gầm giường kia, hộp đỏ kế bên dành cho tro cốt của nó, nếu cuối cùng nó nhứt định chết. Cha tôi đã tự vận chết sau khi giải phóng và không có mồ mã gì hết. Vậy thì theo cậu, mai này tôi phải dọn dẹp mồ mã ai đây?

- Cháu chỉ làm theo lịnh trên thôi dì ơi! Cháu chỉ muốn nhắc nhở dì đừng ra khỏi nhà ngày mai hay đi thăm mồ mã ở các nghĩa trang công cộng thôi. Chẳng có lợi gì đâu. Hãy viết cho cháu tờ khai là ngày mai dì sẽ ở nhà là cháu sẽ để dì yên.

- Nếu cậu không tới thì tôi đâu có biết ngày mai là ngày gì. Được rồi, cậu viết đi rồi tôi sẽ ký.

Mẹ tôi càng ngày càng quyết liệt với mấy lão công an.

 

*  *  *

 

Mẹ tôi nhờ một người hành khách đưa hộ tôi xuống xe lửa, rồi hai mẹ con đứng sân ga chờ Đại Đông Sinh. Anh ta lái một chiếc máy kéo, thuê mướn của ai đó, chở hai mẹ con chúng tôi về nhà ở Đức Châu, cách đó ba mươi cây số. Đức Châu là sanh quán của gia đình họ Đại, bên nội của tôi, mà cũng là sanh quán của ba tôi. Tôi chưa từng về đó bao giờ. Vậy mà nay chẳng còn bao nhiêu người họ Đại sanh sống ở đó. Thế nhưng, tôi vẫn có cảm tưởng được trở về với cội nguồn.

 

Trên đoạn đường lắc lư bằng máy kéo đó, tôi nghĩ tới bức thơ của Vương Phi gởi cho tôi. Thơ tới đã mấy ngày nay rồi, nhưng mẹ tôi vừa đọc cho tôi nghe trên xe lửa. Vương Phi thuật lại chuyện bị công an hạch hỏi mấy tháng liền, sau khi được ra khỏi nhà thương, và được dặn dò là không bao giờ tiết lộ cho ai là đã thấy tăng của quân đội cán nát sanh viên. Khi Vương Phi từ chối không chịu làm trái lương tâm mình thì công an cho biết là sẽ không có công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp. Nay Vương Phi phải ngồi xe lăn và cương quyết phấn đấu để sống còn. Vương Phi vừa dự tranh trong cuộc thế vận toàn quốc dành cho người khuyết tật. Chị của một người bạn đã tìm giúp cho Vương Phi một chỗ làm trên đảo Hải Nam. Kết thúc thơ, Vương Phi viết: "Chung cuộc lại, cậu và tớ là những người lãnh phần nặng nhứt. Nghĩ lại, hai đứa mình còn khổ hơn Mậu Sâm, thà chết như nó còn sướng hơn, sống như vầy làm khổ người thân."

 

Chiếc máy kéo ồn ào tắt máy, chúng tôi đã đến nơi. Có ai đó rọi đèn bấm trên mặt tôi. Đại Đông Sinh bảo đứa con đang chạy ra mừng rỡ:

- Thưa bác đi con!

- Thôi được, tối rồi thưa gởi gì. Sáng mai cũng được.

Một giọng nói đàn bà từ trong nhà the thé vọng ra, chắc là vợ Đông Sinh:

- Tao sẽ thưa tới hoàng đế. Bọn sát nhơn, bây phải đền tội...

 

Trước kia, khi hai vợ chồng lên Bắc Kinh vì có thai đứa con thứ hai, ngoài kế hoạch, nhưng mẹ tôi không tìm được một nhà sanh để rước đứa nhỏ ra. Công an bắt được bà vợ, tống về Đức Châu. Như vậy là người ta mổ bụng bà ra và đứa con trai đó bị nhấn nước trước mặt bà. Sau đó bà bị mất trí luôn! Đông Sinh bán chiếc xe ba bánh, năm con heo, bán cả quần áo và máy truyền hình để chạy chữa cho vợ, nhưng chẳng có kết quả gì. Hậu quả là bà ấy cứ ương ương, gàn gàn.

 

Đông Sinh hỏi mẹ tôi có đem giấy chứng minh là tôi không có dính líu vào các cuộc xáo trộn phản cách mạng ở Thiên An Môn không. Vì phải trình giấy đó ra, nhà thương mới chịu chữa trị. Mẹ tôi cho biết là bà đã lo lót tiền để có được giấy giả, có giá trị hai năm. Đông Sinh nói tiếp:

- Em đâu có dè nó tệ dữ vậy? Nó có nói được không chị?

Không trả lời cho Đông Sinh, mẹ tôi cứ nói tiếp ý kiến đã ám ảnh bà:

- Trong thơ chú có cho biết là ông thầy Hai Mã có khả năng làm cho người chết sống dậy và làm cho người bại liệt đi trở lại.

- Đúng, đúng, thầy này rất nổi tiếng ở đây. Hai năm trước, ông là nhà giáo dạy ở trường làng này và thỉnh thoảng, rảnh rang, ông chữa trị một vài bịnh nhơn. Nhưng sau khi người cháu gái của Bí Thơ chi bộ hốt thuốc của ông thì tên tuổi ông ấy bắt đầu được báo chí ở đây nói tới. Thầy Hai Mã hái ra núi bạc và mở được phòng mạch ở đầu đường. Ông được xe nhà nước đưa đón đàng hoàng. Em đã có hẹn với thầy để khám cho Đại Vệ vào sáng mai.

- Nếu như thầy mà chữa cho nó mở mắt được hoặc đứng lên được thì thật là phi thường. Đây, có mấy cây thuốc lá này để chú biếu xén thầy.

 

Mẹ tôi lôi túi xách ra, vừa mở khóa kéo ra vừa nói:

- Còn một mớ quà cho cô chú và cháu nữa.

- Trong gia đình mà chị quà cáp làm gì.

Mẹ tôi lôi quần áo trong túi xách ra, nói là để tặng vợ chồng và con gái Đông Sinh. Thì ra những gì trước kia tôi sắm cho nhà, nay mẹ tôi đem tặng gia đình Đông Sinh.

 

Bà vợ Đông Sinh không màng gì đến những món quà mà mẹ tôi trao cho, cứ đứng yên, lẩm bẩm: "Tao sẽ thưa tới hoàng đế. Bọn sát nhơn, bây phải đền tội..." Mẹ tôi tiếp tục mở quà ra trao cho Đông Sinh, cho con gái Đông Sinh, rồi hỏi tiếp:

- Chú mướn xe đi rước mẹ con tôi tốn hết bao nhiêu?

- Mười hai nhơn dân tệ, thưa chị.

- Đây, chú cầm lấy một trăm và giữ đó mua sắm dụng cụ hay hột giống gì đó thì mua.

Sau khi viện lẽ này, lý nọ để từ chối khéo, nhưng rồi Đông Sinh vẩn bỏ túi. Trong khi đó bà vợ vẫn lải nhải: "Tao sẽ đi thưa tới hoàng đế..."

 

Sau lần chữa trị đầu tiên của thầy Hai Mã, tôi bị tiêu chảy trầm trọng, mẹ tôi hỏi Đông Sinh phải tính sao?

- Đại Vệ phải ở thêm vài ba ngày nữa. Theo ý kiến của cô y tá phòng mạch thầy Hai Mã thì chữa trị mà không giải phẫu như vậy phải lâu lắm mới thấy kết quả. Em nghĩ ít lắm cũng phải đi hai lần mới biết ra sao.

- Nó không thể vắng mặt lâu quá như vậy được. Công an Bắc Kinh sẽ nghi ngờ, rồi sẽ ra lịnh tầm nã, truy lùng và tìm kiếm lung tung lên. Chị thấy ông thầy nầy không tin tưởng được. Đêm qua, chị có rình theo ông ta thì thấy ông ấy ra bãi tha ma, đàng sau phòng mạch, nhổ mấy bụi cỏ, rồi đào vài ba mớ rễ cây và bắt một lô côn trùng. Mấy thứ đó, theo chị nghĩ, đâu phải là những vị thuốc dân tộc.

- Chị chớ nên nghĩ chẳng phải cho thầy. Ông ấy làm gì cũng có lý lẽ riêng. Cỏ cây và sâu bọ ngoài nghĩa địa có hiệu ứng thần bí lắm chị à. Mình làm sao mà hiểu được. Thiên hạ đồn hồi gần đây, có hồ ly tinh hiện về ở nghĩa địa chỉ cho thầy thứ cỏ gì đó trị được bịnh sưng gan. Thầy lấy cỏ đó nấu sắc lại cho bịnh nhơn uống. Người bịnh tháo dạ kinh khủng ba ngày liền, sau đó hoàn toàn khỏi bịnh.

- Nhưng, nếu đi tiêu chảy lâu nữa chắc là Đại Vệ sẽ chết mất!

 

Chén "nước cỏ cây" mà lão lang băm bắt tôi uống chạy từ miệng xuyên qua bộ máy tiêu hóa rồi bung ra hậu môn. Sau thang thuốc đầu, mí mắt tôi mấp máy, bao tử và ruột tôi quặn thắt, máu dồn lên não tôi, kích thích những tế bào thần kinh vận động. Có một lúc, tôi cảm thấy như duỗi tay ra được và nắm lấy một vật gì, dẫu rằng tôi biết là bàn tay tôi khép chặt như giò gà. Nhưng sau đó, với mấy thang thuốc kế tiếp, tôi không còn phản ứng như vậy được nữa.

 

Có vẻ hơi thất vọng về cách chữa trị của mình, thầy Hai Mã trách khéo mẹ tôi:

- Tôi sợ bà chị đem cháu đến tôi quá trễ. Giá mà đem đến tôi hai năm trước đây thì giờ này cháu đã đi được rồi.

- Nó bị tháo dạ khủng khiếp và nhiệt độ trong người lên đến ba mươi chín.

- Cháu cần phải chữa trị mạnh hơn. Tối nay, tôi sẽ đưa cháu ra bãi tha ma cầu cứu với hồ ly tinh xem sao?

 

Thầy rờ lỗ tai tôi, rồi xem lưỡi và kêu Đông Sinh tiếp tay đỡ tôi ngồi lên rồi nằm xuống trở lại, như vậy khoảng bốn năm lần. Xong rồi thầy phán rằng:

- Thuốc men không chưa đủ, phải vận động thêm. Khớp xương và gân cốt phải mềm dẻo nếu thuốc hiệu nghiệm.

Thầy Hai Mã và Đông Sinh đỡ tôi ngồi lên, để nằm xuống lần chót, rồi cho tôi nằm ngửa xuống giường. Mắt tôi tá hỏa tam tinh, đốm đỏ đốm đen nhảy múa tùm lum. Tôi cảm thấy ngộp thở, như muốn đứt hơi!

 

Ở nhà quê, trời đêm tối đen như mực, không như ở thành phố. Họ bỏ tôi nằm ở nghĩa địa, đắp lên một cái mền. Tay chưn tôi lạnh ngắt. Họ để tôi nằm đó khá lâu mà chẳng thấy có thần linh hay ma quỷ nào xuất hiện. Có lúc, tôi cảm thấy như có hồn thiêng của ông tôi, mà ba của Đông Sinh đã chôn sống đâu đây thời Cách Mạng Văn Hóa. Có thể linh hồn của ông tôi đã nhập vào tôi qua cỏ cây mà thầy Hai Mã đã sắc cho tôi uống. Cách đó mấy tiếng đồng hồ, thầy Hai Mã đã đốt cả chồng giấy tiền vàng bạc bên cạnh tôi, miệng lầm thầm van vái:"Xin thần linh hồ ly gia hộ độ trì cho thân chủ tôi đi đứng được trở lại. Xin thần gia ơn giải trừ bịnh tật cho con bịnh."

 

Khi mẹ tôi phải rời tôi trong giây lát, bà nhờ con gái của Đông Sinh coi chừng, đừng để cho chó heo đến gần tôi. Không còn ai bên cạnh, cô con gái nói khẽ với tôi: "Đừng giả bộ chết nữa!", rồi lấy một cái cây gõ nhẹ vào mặt, vào tay và vào bụng tôi. Nhờ vậy mà tôi thấy lạnh và lo âu. Có lẽ ngày mai tôi có thể cử động mấy ngón tay.

 

Một lúc sau, tôi cảm thấy ánh sáng đèn bấm chói vào mắt và nghe có người nói:

- Nè thầy Hai, chi bộ Đảng đã ra lịnh cho chúng ta đưa người bịnh này đến ban quân y cơ sở chữa trị. Nhưng sáng nay, tỉnh bộ vừa cho biết quy định mới là giấy chứng nhận phải do công an ký mới họp pháp, chớ không phải do bịnh viện ký như trước kia.

 

Ánh đèn lại rọi qua mắt tôi lần nữa. Những đốm trắng, đốm đen lại nhảy múa trước mắt tôi. Lại gặp khó khăn rồi, vì làm sao mà xóa bỏ được cái tội "đấu tranh phản cách mạng" đây! Chuyện chữa trị của thầy Hai Mã cũng chỉ như là một giai thoại để làm cho mẹ tôi an tâm trên đoạn đường dài tìm cách chữa trị chứng bịnh nan y của tôi mà thôi. Y như rằng lòng mẹ bao la như đại dương...

(Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.