.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (27)
 

 

Tôi thường mong đợi Thiên Nghi đến thăm, nhưng giờ đây tôi rất sợ những lần thăm viếng như vậy vì mặc cảm. Vì bịnh tình của tôi, vì sự tàn phế của thể xác tôi, vì cô ấy đến thăm cũng chẳng để làm gì hết! Chỉ ngó tôi một cách đầy thương hại rồi ra về thôi. Hôm nay, Thiên Nghi lại đến thăm, cách lần trước sáu tháng. Vóc dáng và hình hài của tôi có lẽ làm cho cô nàng kinh tởm. Thân hình tôi teo quắt và héo hon. Ống chuyền dung dịch nuôi sống nằm trong miệng tôi, nước miếng chảy dài từ khoé miệng ra cổ rồi xuống gối, trông chẳng giống tôi thuở hưng thời!

 

Tội cho mẹ tôi phải mở cửa sổ cho thoáng phòng và xịt dầu thơm trong không khí cho bớt mùi, nhưng mùi bịnh hoạn cứ ngoan cố vấn vương. Cái mùi đó rò rỉ qua lỗ chưn lông, thấm vào nệm rồi tỏa ra không khí. Thiên Nghi ngồi xuống bên cạnh tôi rồi nói với một giọng buồn rầu:

- Người anh sút đi nhiều quá, em hết sức buồn!

 

Tôi hít hơi vô và hửi thấy mùi tóc mới gội của Thiên Nghi hòa lẫn với mùi kỳ lạ từ dưới giường phảng phất bay lên. Đâu đó bên dưới tôi là túi đựng quyển nhựt ký và tập hình ảnh của Thiên Nghi, trong đó có ảnh của nàng và tôi chụp ở khu rừng Vân Nam, mà tôi còn nhớ mãi.

- Em đến thăm anh hôm nay vì là ngày kỷ niệm thứ ba của cuộc thảm sát Thiên An Môn, ngày "Bốn Tháng Sáu". Đường phố đầy dẫy xe công an và Quảng Trường đã bị khóa kín, không ai được bén mảng.

Thiên Nghi ra về rồi, hình dáng của nàng vương vấn ở tâm trí tôi trong giây lát, sau đó từng bước một tan tác để rồi tan biến đi trong không gian âm u của đầu óc tôi.

 

Một ngày trong tháng Tám năm 1992, Đông Dung, một người bạn học cùng trường và cùng ký túc xá với tôi, từ Thẩm Quyến, nhơn một chuyến công tác ghé thăm. Ngồi bên cạnh tôi, Đông Dung lên tiếng:

- Đại Vệ, tớ là Đông Dung ghé thăm cậu xem thế nào? Tất cả bọn mình cùng ký túc xá, nay mỗi đứa một ngả, đã mất liên lạc với nhau hết! Tớ có gặp Các Du, bạn học của cậu ở Đại Học Miền Nam, cậu còn nhớ không? Nó bị bắt trong vụ thảm sát Thiên An Môn, bị đưa đi tù ở Quảng Đông hết một năm. Các Du với tớ cùng làm việc cho Khu Phát Triển Xã Khẩu. Tim mạch của tôi bắt đầu đập mạnh. Tôi đã quên là Các Du cũng có mặt trên Quảng Trường đêm hôm đó.

 

Để phá tan sự im lặng đáng ghét khi thăm một người bịnh như tôi, Đông Dung tiếp tục:

- Cậu thay đổi quá nhiều. Trông giống như xác ướp Ai Cập. Cậu có nghe tớ nói gì không?

Lẽ dĩ nhiên là tôi có nghe, nhưng khi người ta nói chuyện với tôi thì họ có cảm tưởng là nói qua máy nhắn tin. Sau một vài câu nói thì họ khựng lại vì họ lần hồi ý thức ra rằng mình đang nói chuyện với chính mình. Chẳng khác nào một người điên.

 

Chẳng có cách gì đối thoại được với tôi, Đông Dung đành nói khơi khơi hy vọng kể được cho tôi nghe những mẩu chuyện về những người bạn chung. Thời sanh viên, Đông Dung không dính líu vào chánh trị nên không gặp rắc rối. Nay đến thăm tôi và chuyển những lời chúc yên lành của những người bạn cũ, hiện nay sinh sống ở Thẩm Quyến. Trước khi ra về, Đông Dung gởi lại một ngàn nhơn dân tệ để giúp đỡ gia đình tôi.

 

*  *  *

 

Sau ba năm chạy chữa bên ngoài hệ thống y tế nhà nước mà chẳng thấy hiệu quả gì, cứ nghe đồn có thầy nào hay hoặc phương pháp chữa trị nào may ra đem lại kết quả tốt đẹp là bà mẹ đưa Đại Vệ đi ngay. Dẫu cho đã một lần bị lão lang băm "Thầy Hai Mã" dối gạt. Bà tin tưởng chuyện "phước chủ, may thầy" vì khi đã cùng đường thì người ta dễ bám víu vào bất cứ chút hy vọng cỏn con nào.

 

Nghe đồn có một ông thầy chữa bịnh bằng khí công, qua cung cách chào hàng quảng cáo miễn phí, tổ chức biểu diễn gần nhà, bà đưa Đại Vệ đến để may ra. Người điều khiển chương trình buổi biểu diễn cho biết:

- Bây giờ Thầy Hà sẽ vận dụng khí công đễ trị bịnh cho bà con cử tọa. Bà con nào muốn chữa trị xin mời lên.

 

Vậy là bà con đua nhau chen lấn xô đẩy để đến gặp Thầy. Trong khi đó hoạt náo viên tha hồ mà nêu thành tích của Thầy. Nào là "tài năng khí công của Thầy Hà đã được quan chức nhà nước khen tặng", nào là truyền hình trung ương tuyên dương Thầy Hà, chứng minh bằng những lời tri ơn của những bịnh nhơn đã được thầy chữa hết bịnh.

 

Ai cũng nhao nhao lên muốn được Thầy chữa trị ưu tiên nên căn phòng náo loạn, mất hết trật tự, hoạt náo viên tìm cách trấn an:"Bà con, đâu ngồi yên đó, rồi bà con sẽ được chữa trị hết. Luồng khí công của Thầy phát ra sẽ lan tỏa khắp gian phòng này. Cứ nhắm mắt lại là bà con có thể thu nhận được công pháp của Thầy. Nếu có bịnh, bà con sẽ hết bịnh, nếu lành mạnh, bà con sẽ được che chở chống lại bịnh tật."

 

*  *  *

 

Tôi được đưa lên sân khấu cùng với xe lăn. Tôi cảm thấy như có một luồng khí lực xuyên suốt qua thân thể tôi, nhứt là quanh ruột già và túi mật. Một phần của khối thịt tôi bắt đầu rung chuyển. Nhưng vì một nguyên nhơn khác.

- Bà con coi nè, cậu này bắt đầu cười. Có thể công pháp của Thầy bắt đầu có ảnh hưởng. Bà con hãy nghiêm túc, đừng cười để Thầy làm việc.

Tiếng cười và tiếng nói trong phòng im hẳn. Thấy Đại Vệ cứ trơ trơ như gỗ đá, hoạt náo viên chuyển sang bà mẹ, và cứ thế, hết người này đến người khác...

 

Cả hoạt náo viên lẫn cử tọa trong phòng, ai ai cũng mong cho tôi mở mắt và đứng lên để chứng minh công pháp của Thầy có hiệu quả. Nhưng tôi biết rằng làm sao có thể như vậy được, vì những phần trong não bộ của tôi để điều khiển các động tác đó đã hoàn toàn hư hỏng, vô phương cứu chữa.

 

*  *  *

 

Lúc Đại Vệ bị đuổi ra khỏi bịnh viện nhà nước về chung cư, bà con chòm xóm ai cũng tới thăm lom, han hỏi, vồn vã chí tình. Nhưng từ khi thấy công an thường xuyên tới nhà định "làm việc" với Đại Vệ thì ai cũng ngại ngần lánh xa. Trong số đó có "Ngoại Bàng" là nổi cộm hơn hết.

 

Theo dư luận biết chuyện của chung cư thì trong thời gian sanh viên tranh đấu ở Quảng Trường, "Ngoại Bàng" cũng thường sai thằng cháu của bà đến đó phát nước hoặc cơm cháu cho sanh viên biểu tình. Sau trận thảm sát, "Ngoại Bàng" cũng có đến nhà an ủi mẹ Đại Vệ là sớm muộn gì quân lính cũng sẽ rút ra khỏi thủ đô và mọi việc sẽ trở lại bình thường.

 

Nhưng, sau khi công an đến nhà Đại Vệ nhiều lần và yêu cầu bà con láng giềng có thấy những sinh hoạt bất thường liên hệ đến nhà đó thì phải báo cáo ngay cho công an. Vậy là bắt đầu có thái độ khác ngay, nổi bật hơn hết là "Ngoại Bàng". Thường ngày bà hay ngồi phơi nắng trước chung cư nên cứ có ai đến nhà Đại Vệ là bà báo cáo ngay cho công an. Một loại "chó săn" giữ nhà để báo cho công an!

 

*  *  *

 

Từ ngoài hành lang, tiếng của "Ngoại Bàng" đã lanh lảnh hỏi mẹ tôi:

- Có phải đồng chí đây là người quen của bà không?

Năm nay "Ngoại Bàng" cũng phải bảy mươi ngoài, vậy mà đôi chưn của bà vẫn còn khỏe để theo người khách của gia đình tôi từ dưới đất lên đến từng lầu của nhà tôi.

- Thưa bác, cháu là Vũ Cấm, bạn của Đại Vệ ở Đại Học Bắc Kinh. Nay cháu làm cho một công ty tài chánh ở Thượng Hải.

 

Tôi nghĩ là Vũ Cấm lờ "Ngoại Bàng" đi và bước thẳng vào căn hộ của chúng tôi. Mẹ tôi nói tiếp:

- Ờ, bác nhớ ra rồi, cứ vào chơi cháu. Nhưng bác không nhớ tên, lớn tuổi rồi hay lẫn lắm cháu.

"Ngoại Bàng" chen vào hỏi:

- Cậu ở chơi bao lâu?

- Không lâu đâu. À thì ra bà khập khiễng với đôi chưn yếu đuối, leo cầu thang theo tôi chỉ để theo dõi thôi! Bà đừng có lo, bảo đảm với bà là tôi sẽ ra về trước khi bà có thì giờ báo cho công an.

- Ai nói với cậu là chưn tôi yếu? Cậu không thấy tôi đã leo được sáu từng lầu sao? Được rồi, cậu thăm ngắn gọn thôi, chớ nên ở lâu quá.

"Ngoại Bàng" sửa soạn quày trở xuống thì mẹ tôi nói theo:

- Cẩn thận "Ngoại", coi chừng trợt chưn, rồi ai trả tiền thuốc men cho "Ngoại" đây?

- Thôi đủ rồi, đừng mỉa mai nữa. Phải cẩn thận, tôi làm vậy là vì bà thôi. Nếu công an tới thình lình thì làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra?

- Không có chuyện gì hết, miễn là bà đừng chõ mũi vào chuyện nhà tôi. Tôi nói cho bà biết là tôi đả hết tiền rồi. Từ nay nếu bà bước chưn vào nhà tôi là bà phải trả cho tôi mười nhơn dân tệ.

Mẹ tôi đóng sầm cửa lại, càu nhàu:

- Cái mụ gàn dỡ điên khùng! Cứ có người tới thăm là bà ta điện thoại báo công an, rồi biểu công an trả tiền điện thoại cho bà. Đến đổi công an cũng chán ngấy bà!

 

Tôi cảm thấy Vũ Cấm đến gần tôi vì có mùi thuốc hút và mùi nước hoa phụ nữ. Trước kia tôi cao hơn nó, nhưng nay thì than ôi tôi nằm bẹp trên giường sắt, thân thể teo quắt và héo hon. Tôi chẳng hỏi han nó được điều gì hết. Tôi chỉ biết trông chờ nó nói với tôi chút chuyện gì đó, chẳng hạn như khi các bạn bè khác đến thăm đã cho tôi biết là bạn này thành lập Mặt Trận Dân Chủ ở Paris, hay bạn bè khác đã lên truyền hình ngoại quốc cung cấp tài liệu về Trung Quốc, hoặc những bạn hữu khác nữa đã xuất bản hồi ký bên Mỹ...

- Đại Vệ, Trời ơi, sao mày ra nông nỗi này? Hồi năm 1989, 1990 mày như một tướng quân, bọn tao phải xếp ve răn rắt. Nay thì như thế này!

- Ngồi chơi cháu. Bác nhớ ra rồi, Thiên Nghi có nhắc tới cháu...

- Bác đừng nhắc tới tên cô ấy nữa. Bức ảnh cô ấy chụp trên Quảng Trường làm cho cả trăm người trong bọn cháu phải gặp khó khăn với công an. Tiệm hình gởi phim cho Chi Bộ Đảng của Đại học Bắc Kinh. Cháu biết đó là một sư sai lầm vô tình, nhưng nhiều sanh viên nghi ngờ cô ta làm việc cho nhà nước.

 

Thật là tai họa! Tôi còn nhớ chính tôi đã đem những cuộn phim đó đi rửa cho Thiên Nghi. Tôi không có nói cho họ biết là tôi thuộc đại học nào thì làm sao họ biết trường nào mà gởi tới kìa? Lẽ ra tiệm hình phải hủy bỏ các âm bản đó, họ lại đưa ra, mới chết!

Mẹ tôi phân trần với Vũ Cấm:

- Hôm nay coi nó thật là tệ, bác công nhận. Nhưng hồi mùa thu, có mấy tuần bỗng dưng trông nó trẻ hẳn ra, da nó trơn tru và dịu mềm. Mặt mày nó trông rạng rỡ ra, thiệt là kỳ!

- Có lẽ lúc đó nó vừa được Thiên Nghi đến thăm.

- Rất tiếc là trước đây, cháu không có đến thăm nó. Có lẽ cháu là người bạn học cuối cùng đến thăm bác và nó. Đây cũng là một dịp may cho cháu. Cháu đã ngồi tù hai năm cùng với vài người bạn khác. Sau khi được thả ra, cháu không được tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ nữa. Vì vậy, cháu đi Thượng Hải tìm được việc làm ở một công ty bảo hiểm. Cháu vừa ổn định được cuộc sống và chẳng bao giờ đả động đến chánh trị nữa. Cháu đi lên Bắc Kinh vì công chuyện, mới tới hôm qua và tìm được địa chỉ của bác qua một người bạn.

 

Như vậy ông tướng này nay là nhà tài chánh đây. Tôi có nghe đài phát thanh loan báo là chánh phủ có lập Khu Kinh Tế Đặc Biệt ở Phổ Đông, tương tự như ở Thẩm Quyến. Nhiều người tốt nghiệp cử nhơn hay tiến sĩ đã đổ về đó để tìm công ăn việc làm ở mấy công ty nước ngoài. Mẹ tôi cho Vũ Cấm biết:

- Mấy tháng rồi không thấy Mịch Di tới. Còn Thiên Nghi thì mỗi năm tới hai lần. Ai cũng bận với công ăn việc làm của mình. Bác cho là Đại Vệ may mắn thoát chết, nhưng chăm sóc nó cực quá cháu ơi, nhiều khi bác mong cho nó chết phức cho rồi. Nếu mà người anh em bà con của nó bên Mỹ không gởi tiền về thì giờ đây nó và bác chắc là cù bơ cù bất rồi!

 

Tôi được biết người bạn bên đại học Thanh Hoa bị đi tù còn những người khác của đại học đó không biết số phận của họ như thế nào? Ít ra cũng có ba mươi sáu sanh viên đại học Bắc Kinh bị chết. Không biết mấy người đó thuộc bộ phận nào, nhưng một số là những nhơn viên bảo vệ do tôi phái đi giúp đỡ các nút chặn. Trao cho mẹ tôi một món quà, Vũ Cấm nói:

- Cháu gởi bác một ngàn nhơn dân tệ để lo thuốc men cho Đại Vệ. Cháu làm chỗ này chưa được bao lâu, nhưng có nhiều triển vọng. Khu kinh tế đặc biệt này có nhiều khả năng phát triển. Cháu có khuyên nhiều bạn học cũ đến đó tìm việc.

- Cám ơn cháu, nhưng bác không có thể nhận từng ấy tiền của cháu. Cháu ở tù ra chưa được bao lâu. Để tiền mà lo cho bản thân cháu. Ba má cháu mạnh khỏe không?

- Cám ơn bác, ba má cháu cũng khỏe. Ba má cháu hiện ở Vô Tích. Ba má cháu bị mất việc khi cháu bị đi tù.

 

Có tiếng điện thoại reo, làm tôi giựt mình. Vũ Cấm nói chuyện với người nào đó bên kia đầu dây. Lần đầu tiên thấy điện thoại cầm tay, mẹ tôi ngạc nhiên:

- Cái gì vậy? To hơn của công an thường mang theo.

- Thưa bác cái này không phải máy vô tuyến liên lạc hai chiều. Đây là điện thoại di động cầm tay, giống như điện thoại ở nhà, nhưng đem theo mình được.

- Ừ, đúng rồi, bác thấy có nói trên báo. Ngày nay, những nhà kinh doanh giàu đều có cả.

- Máy báo động bây giờ xưa rồi. Thời bây giờ phải vậy bác à, thông tin liên lạc là điều cần thiết, nếu không có thì chẳng ai nể mình.

- Bao nhiêu một cái vậy cháu?

- Trên mười ngàn nhơn dân tệ.

- Nhiều vậy à, gấp ba lần điện thoại ở nhà?

- Bây giờ rất phổ biến bác à, ở Thẩm Quyến hay ở Thượng Hải ai cũng sử dụng điện thoại cầm tay. Bịnh tình của Đại Vệ có khá không bác?

 

Tôi thử hình dung Vũ Cấm ngày nay, chắc phải là một người ăn mặc bảnh bao, sang trọng, xử sự tư cách,... Có lẽ Vũ Cấm đứng nhìn tôi lâu lắm rồi nói:

- Đại Vệ này, bọn nó đã làm cho chúng mình tan rả hết, nhưng mình phải phấn đấu. Khi bọn nó bắt giam, tớ đâu có nhận tội. Tớ chỉ trình bày diễn tiến sự việc thôi. Tớ nói rằng cậu là người chủ chốt vì lúc đó tớ biết cậu đã bị hôn mê nên không sợ bị làm khó dễ. Ai có dây mơ rễ má ở nước ngoài đều ra đi hết. Ai kẹt lại đều thôi học và đi vào thương mại. Nếu muốn sống đàng hoàng thì phải làm ra tiền. Tinh thần của đại học Bắc Kinh nay không còn gì. Chẳng ai còn muốn học ở đó nữa. Sanh viên bị bắt buộc phải qua một năm huấn luyện quân sự, trước khi vào chương trình học chánh thức, vì vậy cho nên phải mất bốn hay năm năm mới tốt nghiệp.

 

Vậy thì thế hệ chúng tôi có gì sai quấy đây? Có phải vì chúng tôi đã mất thì giờ cãi vã nhau trong khi người ta chĩa súng vào đầu không? Chúng tôi can đảm nhưng thiếu kinh nghiệm và ít hiểu biết về lịch sử Trung Quốc.

 

*  *  *

 

Theo mẹ tôi tiết lộ thì bà đã được công an hứa là nếu bà đừng cho nhà báo nước ngoài nào biết chuyện tôi bị thương trong vụ thảm sát Thiên An Môn thì bà có thể xin nhà nước tiền trợ cấp khó khăn. Mỗi tháng được chín mươi nhơn dân tệ. Chỉ đủ để mua hai chai nước biển chuyền cho tôi hai ngày.

 

Mẹ tôi cùng với mấy bà nữa gia nhập hội kín "Những Bà Mẹ Thiên An Môn", mà người sáng lập là bà giáo sư Đinh Tử Lâm, có đứa con mười bảy tuổi chết trong vụ thảm sát đó. Hiện có mười bảy người cho biết có thân nhơn bị mất tích trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Trong vụ thảm sát đó, có một trăm năm mươi hai người chết, nạn nhơn nhiều tuổi nhứt là năm mươi sáu và người nhỏ nhứt chỉ có chín tuổi.

 

*  *  *

 

Phòng tôi nồng nặc mùi nước sơn. Mẹ tôi sơn nhà sửa soạn đón mừng năm mới. Hai người thợ sơn ngồi ở chưn giường tôi để hút thuốc. Họ hút thuốc ngoại ba số năm "555", bay mùi thơm phức. Bây giờ thợ thuyền cũng sang quá hút toàn thuốc lá ngoại quốc! Cửa sổ mở toang nên gió thoảng lọt vào lành lạnh phảng phất mùi thuốc pháo người ta đốt đêm qua.

 

Có lẽ vòm trời bên ngoài màu xám lợt, ánh sáng bên ngoài mí mắt tôi lúc nảy màu tím phơn phớt, nhưng bây giờ đã sáng trắng và không khí trong phòng bớt ngột ngạt. Sơn trên trần nhà nhỏ từng giọt từng giọt xuống tờ giấy nhựt trình mà hai ông thợ trải trên người tôi.

- Cậu này sống chết mà cứ nằm yên vậy kìa?

- Coi bàn tay của cậu ta kìa, chỉ còn da bọc xương! Đường gân gì mà giống như những con trùn vậy?

- Sống như cây cối, người ta thường nói những người đó như vậy. Bộ não của cậu ta đã ngưng hoạt động mấy năm qua rồi. Cậu ta chỉ nằm đó như một khúc cây, mắt lúc nào cũng nhắm lại. Cậu ấy vẫn còn thở.

- Tớ nhớ ra rồi, cậu này là cháu Bà Lý, mụ già mà tớ đã trông thấy bị Vệ Binh Đỏ đổ nước sôi cho đến chết hồi thời Cách Mạng Văn Hóa. Cậu ấy học cùng lớp với anh tớ.

- Cậu ta cũng khá liều lĩnh. Hồi mười lăm tuổi, cậu ta đã bị công an bắt giữ. Hồi đó cậu ta có dan díu với cô gái tên Lỗ Lộc, chủ của nhiều tiệm sách ở đây.

- Cô gái bị cho đi trại lao cải vì tình tự lăng nhăng với người nước ngoài đó hả?

- Đúng rồi. Cô ấy có quen một viên chức cao cấp ngành xuất bản nên tìm cách lươn lẹo thế nào đó nên có được giấy phép in ấn. Nhờ vậy mà cô ta ăn nên làm ra. Cô ta lấy chồng người Hương Cảng làm nghề triển khai nhà đất. Hai vợ chồng có một biệt thự hạng sang ở Thẩm Quyến, chắc là triệu phú!

 

Như vậy, nay Lỗ Lộc là vợ của của một nhà thầu xây dựng mở mang nhà đất, giàu có ở Hương Cảng. Tôi nào có biết nàng đã bị đi trại lao cải. Có lẽ trong thời kỳ tôi ở đại học Miền Nam. Danh thiếp của Lỗ Lộc có thể còn nằm trong bóp tôi. Sau khi gặp Lỗ Lộc trên Quảng Trường, tôi có điện thoại để hẹn nhau ăn uống tại quán ăn của nàng, nhưng đêm đó có tranh cãi nhau ở trạm phát thanh trên Quảng Trường nên tôi không đi được.

(Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.