Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (13)

Sau cuộc mít tinh
ngồi tại quảng trường Thiên An Môn để dự lễ tang Hồ Diệu Bang mà
không dâng được kiến nghị, ban tổ chức quyết định lui một tiến hai,
rút về trường bàn mưu tính kế cho hành động sắp tới. Ban tổ chức Đại
Học Bắc Kinh họp lại đề bầu ban lãnh đạo mới. Nhận thấy trong cuộc
mít tinh vừa qua, lực lượng công an không mấy hăm hở với sanh viên
nên nhiều sanh viên muốn nhảy vào ban lãnh đạo.
Thế nhưng, vì lủng củng về cung cách tiến hành sao đó, cuộc họp buổi
sáng không thành, nên có quyết định dời lại buổi chiều. Lợi dụng
tình hình bãi khóa nên một số sanh viên về tỉnh hay đi du lịch, số
khác đi chơi hoặc ngủ nghê hay nằm dài đọc sách.
Sau mấy lần vận động và gọi loa, phiên họp buổi chiều cũng tập họp
được khoảng vài ba ngàn. Chị niên trưởng chủ tọa phiên họp, trình
bày quy định và thủ tục, từng người một, các ứng viên ban lãnh đạo
phải nói rõ những đóng góp của mình trong kế hoạch chung của sanh
viên. Mỗi lần trình bày phải ngắn gọn trong năm phút.
Chị niên trưởng vừa dứt lời, một người công nhơn nhảy lên diễn đàn
xin phát biểu. Ông ta là người phụ trách cần cẩu của công trường gần
đó, được anh em xây dựng đề cử đến để nói lên hậu thuẫn của họ đối
với hành động của sanh viên và biểu dương nỗ lực của sanh viên trong
công trình xây dựng một nước Trung Quốc mới.
Một sanh viên đứng gần người thợ, ngỏ lời cám ơn qua loa rồi bắt đầu
hắng giọng, đưa ra chương trình tranh cử của mình trong chiến dịch
ba bước tiến tới dân chủ. Một là, sanh viên tập trung vào việc bãi
khóa, biểu tình và đối thoại với chánh phủ. Hai là, dựng lên một đài
phát thanh và báo chí độc lập. Chót hết là, xuống đường vào tháng
Mười trong một chiến dịch toàn quốc đòi hỏi dân chủ.
Kế tiếp, ứng viên thứ hai kêu gọi phong trào sanh viên nên biến
thành phong trào cứu nguy dân tộc, và đề nghị, trong trường hợp nguy
cập, ban lãnh đạo phải được toàn quyền hành động. Anh đề nghị các ủy
viên ban chấp hành phải theo dõi bản niêm yết hàng ngày để biết rõ
dư luận quần chúng.
Một sanh viên khác, có vẻ lạ mặt, đứng lên xin phát biểu, bị ban
kiểm soát hỏi thẻ sanh viên ngay tức khắc. Người này sửng cồ cự nự,
nói rằng anh là người tự học, không có tới trường, mà cũng chẳng có
ai giới thiệu. Chị niên trưởng cho biết như vậy anh ta không có
quyền ứng cử. Người sanh viên lạ mặt phản đối cho rằng như vậy là
bầu cử không dân chủ. Mà quả thật, anh ta có bộ vó nhà giáo, hoặc
công an chìm. Bài phát biểu của anh ta khô khan vô vị, chủ trương
sanh viên phải tôn trọng hiến pháp và phải luôn đề cao cảnh giác
chống lại âm mưu lợi dụng phong trào để lật đổ chánh quyền.
Theo Đại Vệ thì trong số ba ngàn sanh viên ngồi trong phòng thuyết
trình này, cũng phải có khoảng hai hoặc ba trăm mật báo viên của nhà
nước. Như vậy, ít ra anh sanh viên lạ mặt trên đây cũng được một số
phiếu bầu. Sau một vài phút xáo trộn vì nghi kỵ anh sanh viên lạ
mặt, rồi đâu cũng vào đó.
Một ứng cử viên khác đứng lên, trổ tài hùng biện. Anh ta nói sẵn
sàng hy sanh cả cuộc đời cho tự do dân chủ. Anh cho biết, khi rời
nhà ra đi anh đã từ biệt mẹ cha lần cuối và quyết tâm chiến đấu đến
cùng. Báo chí, truyền thanh và truyền hình nhanh chóng quan tâm đến
ứng cử viên này và chĩa ống kính vào con người có cách ăn nói khá
hấp dẫn.
Thế là Ban Chấp Hành Liên Hiệp Đại Học Bắc Kinh đã được bầu ra một
cách dân chủ. Người sanh viên lạ mặt còn thiếu ba phiếu nữa thì lọt
được vào ban chấp hành rồi. Sau đó, các thành viên ủy ban tổ chức
sắp xếp nhơn sự vào đội ngũ để bắt tay ngay vào việc.
* * *
Hôm nay, anh Chủ Tịch ăn mặc chỉnh tề, tóc hớt gọn, cắt ngắn sau
gáy, theo tiêu chuẩn thành viên liên đoàn thanh niên cộng sản. Anh
khuyên ban chấp hành nên rộng lượng và kiên nhẫn, không nên coi
những sanh viên không tham dự chiến dịch bãi khóa như là thù địch.
Trái lại, nên tìm cách lôi họ về phía tẩy chay trường lớp vì đoàn
kết là sức mạnh. Như vậy là trước cửa các lớp học đều có những anh
chị em sanh viên tuyên truyền rỉ tai để ngày một ngày hai mở rộng
thêm đội ngũ bãi khóa.
Ban chấp hành mới bắt tay vào làm việc rất tích cực. Họ năng nỗ hoạt
động, nhắm vào cuộc biểu tình tuần hành dự kiến cho ngày 27 trong
tháng. Nhưng, ban chấp hành chưa được nhứt trí. Còn chờ đến cuộc
biều quyết vào tối nay.
Đại Vệ không có một vị thế nào chánh thức trong ban chấp hành, nhưng
vẫn tích cực hoạt động tiếp tay khâu nào cần đến đương sự. Hiện nay,
Đại Vệ đang phụ trách xây dựng một hệ thống loa phát thanh cho ban
chấp hành, để nói lên được tiếng nói của sanh viên. Cần phải át
giọng những cái loa của nhà trường.
Trên đường đi thực hiện trang thiết bị cho hệ thống loa, Đại Vệ lại
có dịp cùng đi với cô bạn gái Thiên Nghi của nó, đã mấy ngày qua
không có dịp gặp mặt. Đại Vệ có dịp tâm sự cùng với Thiên Nghi những
cuộc đấu đá tranh giành chức tước, quyền hành, lợi lộc bản thân,...
trong cuộc bầu cử vừa qua. Thì ra, ở đâu cũng vậy thôi, cũng bị
những cái nhỏ nhen tình đời chi phối. Có tin đồn rằng một số đông ủy
viên ban chấp hành đã nộp đơn xin thông hành xuất ngoại. Ai cũng
mạnh miệng nói rằng hoạt động để cứu nguy đất nước, trong khi đó âm
thầm vận động để ra đi. Trước kia Thiên Nghi và Đại Vệ cũng đã hứa
hẹn là sẽ cùng nhau xuất ngoại nếu có dịp. Nhưng nay, với phong trào
sanh viên đang lên thì cần phải xét lại. Thiên Nghi cũng cho nó biết
là trong buổi phát thanh đêm qua, đài VOA có nói đến tình hình của
trí thức Trung Quốc.
* * *
Ánh nắng ban mai rọi
chiếu hàng cây bạch dương bên đường và hàng hàng lớp lớp áo mũ xanh
của công an võ trang chận bít con đường trước mặt. Hàng rào công an
dày kín khoảng bốn mươi hàng ngang, làm thành một bức tường người,
trông như vòng đai cây cối ven biên thành phố.
Nhơn dân khu vực đứng xem chật lề đường. Tiếng la khẩu hiệu "Sanh
viên muôn năm!" vang dội những tòa nhà và những khu phố cận kề. Như
vậy là phong trào sanh viên phần nào đã trở thành phong trào quần
chúng rồi.
Ngày hôm trước, tờ "Nhơn Dân Nhựt Báo" ngày 26 tháng Tư có đăng bài
xã luận tựa đề "Chúng Ta Phải Cương Quyết Chống Lại Xáo Trộn". Bài
báo coi phong trào sanh viên như là một âm mưu nhằm lật đổ chánh
phủ. Ban lãnh đạo nhà trường cho chuyển tiếp bài xã luận qua hệ
thống loa trường đại học. Chuyện đó làm xôn xao dư luận sanh viên.
Liên đoàn sanh viên Bắc Kinh định chuyển hướng cuộc biểu tình tuần
hành ngày 27 thành cuộc biểu tình ồ ạt, toàn thành phố phản đối bài
xã luận.
Sanh viên xếp thành hàng ngang bảy người tiến tới, có sanh viên trật
tự bảo vệ hai bên, không để cho bọn lợi dụng đánh phá từ bên ngoài.
Dân chúng hai bên đường đổ xô ra hoan hô chào mừng sanh viên, cho
thấy rằng lịnh nhà nước cấm nhơn dân ủng hộ hoặc tiếp tế cho sanh
viên đã trở thành vô nghĩa.
Trong một diễn văn đọc hôm qua, Đặng Tiểu Bình có tuyên bố: "Chúng
ta không sợ phản ứng của quần chúng, không sợ dư luận quốc tế mà
cũng không sợ đổ máu." Sanh viên thấy cần nên lấy đó làm khẩu hiệu
tranh đấu. Sau khi đọc bài xã luận trên tờ "Nhơn Dân Nhựt Báo", một
sanh viên thức suốt đêm viết bài phản bác dài mười lăm trang, đem
dán lên bảng niêm yết.
Có tin nội tuyến cho hay là chuyến này công an không bắt giữ sanh
viên, thế nhưng có chủ trương nói là nếu như cuộc bế tỏa của công an
dày đặc quá thì tốt hơn nên rút về trường và tiếp tục biểu tình bên
trong vòng rào của trường. Đó là dư luận chủ hòa, bị lãnh đạo nhà
trường mua chuộc, hứa rằng nếu sanh viên bãi bỏ cuộc tranh đấu thì
họ sẽ can thiệp với nhà nước mở đối thoại. Nhưng xu thế đó bị ban
chấp hành phản bác, nên cuộc biểu tình cứ tiến hành.
Khi đoàn biểu tình đến gần nút chặn bế tỏa thì công an gọi loa ầm ỉ.
Đoàn biểu tình hoảng hồn dừng lại. Ban an ninh nhắc nhở sanh viên
nối vòng tay an toàn lại để bảo vệ và đừng tạo điều kiện cho công an
có cớ để tấn công:
- Anh chị em cứ bình tĩnh, đây là cuộc tuần hành ôn hòa. Chúng ta
không vi phạm luật pháp.
Một số đông đảo sanh viên vóc dạc tầm thước được đưa lên hàng đầu để
đề phòng công an tấn công.
Kinh nghiệm của cuộc biểu tình ngày Tết hồi tháng Ba năm 1987 cho
thấy rằng điều quan trọng là phải giữ trật tự. Nếu lộn xộn xảy ra
thì công an sẽ lợi dụng tình hình mà bắt bớ và tố cáo một nhóm nhỏ
xách động gây xáo trộn. Ngoài ra, còn có dân chúng lợi dụng thời cơ
để cướp phá cửa hàng.
Hàng đầu của đoàn biểu tình đã chạm trán với nút chặn của công an.
Một sanh viên trưng ra tờ "Nhơn Dân Nhựt Báo" và nói to với công an:
- Trong bài xã luận hôm qua, tờ báo này viết rằng "Một nhóm người
lợi dụng thời cơ đã nhứt quyết gây xáo trộn, nhơn cái chết của Hồ
Diệu Bang để cố tình..." Chúng tôi phản đối việc tường thuật lếu
láo, hãy để cho nhơn dân biết được sự thật!
Vậy là anh ta hùng hổ bước tới, định phá vòng vây, đòi hỏi công an
phải để cho đoàn biểu tình đi qua. Chuyện đâu dễ dàng như vậy được,
vì người chỉ huy của công an, mặt lạnh như tiền, đôi mắt đăm đăm,
hét to vào loa:
- Sanh viên phải trở về trường! Con đường đã bị chận, nếu các anh
các chị tiến tới nữa, chúng tôi không chịu trách nhiệm những gì có
thể xảy ra!
Có người trong ban chấp hành đề nghị nên rút lui và tìm lối khác để
đi đến nơi. Nếu cứ làm liều thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Có
luận điệu khác lại cho rằng đã có mật tin cho biết là hôm nay công
an không hốt sanh viên thì tại sao lại dè dặt? Người khác góp ý cứ
tiến tới, không được hẳn rút lui.
Hôm nay, có hàng trăm ngàn sanh viên cùng tham dự biểu tình. Phải
cương quyết làm cho bằng được. Con đường trước mặt khá gay go, và
các trường khác cũng vậy thôi, vì nghe nói hướng nào cũng bị chận.
Một sanh viên leo lên cột đèn để có một tầm nhìn xa hơn. Anh ta cho
biết:
- Chà, chắc khó phá được nút chặn. Có hai nút chặn của công an, mỗi
nút tới hàng chục hàng công an võ trang. Ở giữa hai nút chặn còn có
một đám đông phụ nữ có tuổi của những hội đoàn. Nếu phá được nút
chặn đầu tiên thì sanh viên sẽ lọt vào trong như cục nhưn.
Sanh viên phía đàng đuôi không biết tại sao đoàn biểu tình khựng lại
lâu quá, cứ đẩy tới, sanh viên phía trước bị dồn ép, chạm mặt với
công an, phải tỏa ra hai bên đường. Có tiếng la của phái nữ bị xô
đẩy. Trong khi đó loa cầm tay cứ vang lên:
- Tiếp tục bãi khóa! Đòi hỏi chánh quyền phải đối thoại! Phải thu
hồi bài xã luận ngày 26 tháng Tư! Công an nhơn dân yêu thương nhơn
dân! Công an diệt trừ tham nhũng chớ không phải đàn áp sanh viên yêu
nước!
Trong lúc đó có tin
hàng ngàn sanh viên đại học Thanh Hoa vừa đến tăng cường đoàn sanh
viên đại học Bắc Kinh. Như được khích lệ, đoàn biểu tình thấy hứng
chí:
- Xin báo cáo cùng sanh viên đại học Bắc Kinh! Sanh viên đại học
Thanh Hoa vừa đến tăng cường cho chúng ta. Chúng ta sắp lật qua
trang sử mới của lịch sử đại học. Hãy tiến lên, đầu ngẩn cao, vì Tổ
Quốc, cho Tự Do và vì nhơn dân Trung Quốc!
Hàng ngũ đang hỗn loạn, bỗng dưng có tiếng la to:
- Tiến lên, anh chị em, mạnh dạn xông lên!
Lập tức, hai công an võ trang xuất hiện ngay trước mặt anh sanh viên
vừa kêu gọi tấn công đó. Một công an ra lịnh cho sanh viên kia thối
lui, công an thứ nhì đối thoại với ai đó, qua vô tuyến cầm tay, nhứt
định là ông ta phải mô tả hình dáng của anh sanh viên bạo gan đó.
Chẳng bao lâu sau, hai người công an, bị làn sóng sanh viên, từ phía
sau dồn tới, làm cho dạt ra một bên. Trong hỗn loạn có nhiều tiếng
la thét và kêu cứu, vì bị chen lấn và dồn ép.
Sanh viên của trường Đại Học Hàng Không Bắc Kinh từ phía sau kéo
tới, vừa đi, vừa hát: "Tiến lên! Tiến lên! Quân ta tiến tới mặt
trời, bước đi trên miền đất quê hương..." Biểu ngữ họ mang theo
hô hào "NẾU NHƯ LỚP GIÀ NUA KHÔNG CHỊU RÚT LUI, LỚP TRẺ LÀM SAO TIẾN
LÊN ĐƯỢC! Tình hình có vẻ gay cấn, ban trật tự an ninh kêu gọi giới
nữ lùi ra phía sau. Những sanh viên lực lưỡng lên hàng đầu để chuẩn
bị tấn công. Hàng đầu của sanh viên chạm mặt với công an. Dẫu không
chọc thủng được tuyến công an, sanh viên cũng làm cho họ lùi lại đôi
chút. Mồ hôi, mồ kê ra nhễ nhại.
Đại Vệ trèo lên cây
để nhìn rõ hiện trường hơn. Bức tường thành tuyến đầu của công an
giờ chỉ còn tám hàng. Điều đáng ngạc nhiên là bây giờ sao lại có
công an gái nữa. Một vài tên công an đứng gần chiếc xe công an đậu
bên đường. Họ có mang súng ngắn ở nịt lưng và đang nói năng gì qua
máy vô tuyến, có vẻ hung hăng. Đến quá trưa, sanh viên cảm thấy quá
mệt vì xô đi đẩy lại, phải ngồi xuống lấy hơi.
Ban chấp hành thừa cơ hội nghỉ ngơi, bàn tính bước sắp tới. Tình
hình đã như vầy thì phải tiếp tục xông lên. Có người đề nghị đưa
người cầm cờ lên đầu, nhưng lại có ý kiến can ngăn vì nếu có xô xát
thì cán cờ có thể làm cho có người bị thương. Cũng có đề nghị đưa
bốn người khiêng tấm bảng đen ra phía sau, dẫu cho trên bảng có ghi
lời trích dẫn khá hay của Đặng Tiểu Bình: MỘT CHÁNH PHỦ CÁCH MẠNG
NÊN NGHE TIẾNG NÓI CỦA NHƠN DÂN. KHÔNG NGHE DÂN NÓI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ.
Có nhóm khác đề nghị nên đưa mấy chị lên hàng đầu để hô hào khẩu
hiệu đến khi nào công an chịu thua mới thôi. Một chị nắm lấy loa cầm
tay và hô to:
- Phải nâng cao nếp sống xã hội của lực lượng công an!
Phải tăng lương công an! Công an nhơn dân thì bảo vệ nhơn dân!
- Các đồng chí chắc cũng mệt lắm rồi! Nhơn dân sẽ không bao giờ quên
lòng tốt của các đồng chí.
Tình hình biến chuyển kỳ lạ, công an bỗng nực cười. Một vài công an
nhoẻn miệng cười, giải tỏa bớt căng thẳng. Nhưng công an vẫn đề
phòng. Dân chúng bên đường đứng xem đông hơn bao giờ hết.
Lợi dụng tình hình có vẻ dịu bớt, có người phát động đợt tấn công
mới. Ban tổ chức đưa sanh viên gái trở lại phía sau, để bọn con trai
đứng ở hàng đầu. Xem xét tình hình, Đại Vệ thấy rằng nút chặn của
công an giờ chỉ còn khoảng tám hàng ngang, trong khi hàng ngũ sanh
viên đông gấp bội. Trước khi hành động, sanh viên mở một màn tâm lý
chiến:
- Này các đồng chí công an! Các đồng chí có vẻ đã mệt mỏi quá rồi.
Sanh viên chúng tôi hôm nay xuống đường là để đòi hỏi công lý và sự
thật. Chúng tôi hoan hô hậu thuẫn của các đồng chí! Đảng cộng sản
rất hùng mạnh, nhưng từ trên xuống dưới đều là những viên chức thối
nát, rút rỉa tiền bạc, lợi dụng quyền thế để làm giàu bản thân.
Chúng tôi không đấu tranh cho những lợi ích riêng tư. Chúng tôi
xuống đường hôm nay là vì tương lai đất nước, và để hậu thuẫn ngành
nghề cao quý của các đồng chí!
Bằng một nỗ lực cuối cùng, toán sanh viên xung kích của đại học Bắc
Kinh tập trung xung quanh cây cờ của trường, cùng nhau mở một đợt
tấn công mới. Họ lợi dụng kẽ hở trong hàng ngũ công an để phá vòng
vây, và cuối cùng, lối đi đã thông suốt. Dân chúng đứng quan sát bên
đường vỗ tay và la ó hoan hô sanh viên.
Hai lực lượng đối đầu có vẻ thấm mệt. Không bên nào nói ra nhưng
đương nhiên họ muốn ngơi nghỉ một lúc. Người nào cũng khô cổ, muốn
tìm chút gì để giải khát. May quá, Đại Vệ trông thấy một chiếc xe
đẩy đầy nước giải khát, do một cô bán hàng đẩy tới. Nước uống và
những thứ giải khác đều được cô nàng phát không, gọi là ủng hộ sanh
viên.
Đại Vệ chen bước đi tới tìm chút gì để uống, thì lạ kỳ chưa, đó là
Lỗ Lộc, cô bạn gái thời mới lớn của nó. Nó cảm thấy bối rối như
những ngày gặp nhau xưa kia. Lỗ Lộc nhìn nó và đưa hai ngón tay
thành hình chữ V, nói lên sự thành công. Nó không biết Lỗ Lộc có
nhìn ra nó hay không. Tim Đại Vệ bắt đầu đập mạnh, như có trống đánh
trong lồng ngực, và trong bỗng chốc, cảnh vật xung quanh trở nên lu
mờ. Nó thấy lại cái cảnh một cậu bé mười lăm bị công an đá té nhào
xuống nền xi măng và cái cảnh hai cô cậu tí toáy nhau trong ống cống
trên lề đường, một buổi chiều hôm. Lỗ Lộc đưa cho nó một chai Cô Ca,
kèm theo cái nhìn âu yếm, nhắc nhở cả một thời xa xưa. Đôi mắt đó có
vẻ vô tình, bí hiểm nhưng cũng chứa đựng bao điều bí ẩn của một dĩ
vãng đã qua.
Bảy năm đã trôi qua, từ ngày những gì Đại Vệ tự thú với công an làm
cho Lỗ Lộc phải gặp nhiều khó khăn. Từ đó đến nay, hai gia đình
chẳng còn liên lạc nhau, nhưng Đại Vệ vẫn còn theo dõi hình dáng và
tin tức của người xưa. Theo chỗ Đại Vệ biết thì Lỗ Lộc đã tiếp tục
lên đại học, anh của nàng đã vào bộ đội và người bà điếc đặc của
nàng đã qua đời. Mẹ của Đại Vệ cũng cho nó biết là Lỗ Lộc đã đi khu
kinh tế Thẩm Quyến và hái ra tiền và đã về Bắc Kinh mở một tiệm ăn
nhỏ.
Đại Vệ và Lỗ Lộc chưa nói với nhau được gì thì làn sóng người đã đẩy
hai đứa ra xa. Buổi hội ngộ chưa nói với nhau được lời nào thì lại
phải xa nhau. Nhưng điểm chánh hôm nay là cuộc biểu tình, tuy có
phần gian nan nhưng cũng thành công. Có tiếng loa cho rằng ngày hôm
nay đáng được gọi là "Ngày của sanh viên".
Hoàng hôn từ từ ập xuống, cuối cùng đoàn sanh viên Đại Học Bắc Kinh
cũng đến được quảng trường Thiên An Môn và hòa mình cùng với toàn
thể sanh viên của thủ đô và quần chúng đã tập họp tại đó. Tiếng chào
hỏi nhau và lời khen tặng cứ râm ran...
(Còn tiếp)
Phan Quân
|