.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (12)
 

Sau một đêm ngủ gà, ngủ gật ngoài trời tại quảng trường Thiên An Môn, sanh viên bỗng giựt mình thức giấc vì tiếng gọi qua loa cầm tay của người phụ trách. Trời chưa sáng, nhưng đội ngũ cần phải chỉnh tề để chuẩn bị cho cuộc mít tinh quan trọng sắp tới. Chung quanh tượng đài, con số sanh viên tập trung lại cũng phải lên đến mấy mươi ngàn người, cờ xí, băng biểu ngữ và khẩu hiệu rợp trời. Vượt cao lên khỏi những thứ đó là bức liễn đen, mang hàng chữ to:  SANH VIÊN ĐẠI HỌC BẮC KINH CHỊU TANG HỒ DIỆU BANG.

Đột nhiên, Đại Vệ cảm thấy hoang mang, một nỗi sợ phấp phổng, khi người ta choàng dậy ở một nơi chốn mà mình cảm thấy không yên tâm. Vùng trời phía đông ửng hồng và từ từ sáng lên. Lễ quốc táng của Hồ tiên sinh sẽ bắt đầu trong vài giờ nữa. Cái lạnh của buổi bình minh và hơi hám của những thân xác vừa tỉnh giấc, lần hồi tan biến trong ánh nắng ban mai. Phía trước của đội ngũ sanh viên Bắc Kinh là một vòng hoa tang ba mét đường kính và một bích chương to lớn, nhắc lại quyền phản đối hiến định của công dân.

Hàng ngũ đã chỉnh tề, chỉ còn chờ đến giờ hành lễ nữa thôi, nhưng sanh viên chưa biết sẽ phải làm gì. Ban tổ chức hỏi ý kiến của nhau vì không chắc gì nhà cầm quyền chịu để cho sanh viên dự lễ quốc tang hoặc thậm chí đưa đại biểu tới. Công an có cho biết là chừng nào sanh viên không vượt lằn ranh cấm thì chẳng có vấn đề gì, nhưng chắc là họ không để cho sanh viên lọt vào khu vực hành lễ và chiêm ngưỡng trước xác chết đâu.

Vừa xếp hàng xong thì hai cán bộ xuất hiện yêu cầu tập thể sanh viên lùi lại hai mươi thước để trống đường cho quan khách có lối đi vào dự lễ. Thế nhưng, một người của ban tổ chức sanh viên nói với hai cán bộ rằng: "Chúng tôi đến đây là để tiễn đưa Hồ Diệu Bang lần cuối. Chúng tôi muốn nhìn tận mắt linh cữu của ông rồi ra về, thế thôi." Hai người cán bộ chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhướng chưn mày rồi bỏ đi. Dường như họ chấp nhận hiện trạng, nhưng không chắc gì họ rộng lượng mãi như vậy.

Đại Vệ và ban tổ chức phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới làm cho đoàn sanh viên dự mít tinh lùi lại hai mươi thước, đúng như hai cán bộ kia yêu cầu. Họ rút kinh nghiệm là bảo sanh viên dời chỗ trong lúc họ đang đứng dễ hơn là khi họ đã ngồi xuống. Đêm qua, lúc rời trường, tổng số lên đến gần bốn ngàn, bây giờ kiểm lại còn chừng khoảng ba ngàn. Một số đã bỏ về ngủ. Bây giờ thì sức mấy mà họ trở lại.

Công an bắt đầu khóa chặt các ngả đường. Những con đường đổ vào quảng trường vắng tanh. Hàng trăm công an võ trang đột ngột xuất hiện từ phía Đại Sảnh Nhơn Dân, tấn công vào đám đông. Khi sanh viên phía trước nhìn thấy công an đến gần, họ muốn lùi lại, nhưng những người phía sau đâu có lùi được. Như vậy là đám đông đành giải tán một cách hỗn loạn.

Đại Vệ bám lấy trụ đèn và la lớn qua loa cầm tay, yêu cầu đừng xô đẩy. Nó yêu cầu toán bảo vệ vòng hoa tang hãy tích cực, nhưng đám đông cứ tiếp tục xô đẩy, làm cho nhiều cánh hoa đã rơi rụng. So với đội ngũ công an võ trang đối diện, tập thể sanh viên coi như một đám đông xô bồ, chẳng ra làm sao hết.

Khi nhạc đám tang trổi lên qua loa phóng thanh, sanh viên mới chịu đứng yên. Bầu không khí bắt đầu yên tĩnh và đám đông cất tiếng hát "Quốc Tế Ca". Những ai đội mũ đều lột ra, tỏ vẻ ngưỡng mộ. Một vài sanh viên bắt đầu khóc thút thít. Buồn thì có buồn, nhưng Đại Vệ không rơi lệ vì nó không thể khóc cho một người mà nó chưa gặp bao giờ. Nó tự hỏi không biết có phải mối tình đứt đoạn giữa A Mỹ và nó bốn năm trước đây đã làm cho lòng nó chai cứng hay không?

Vào lúc tiếng nói của Chủ Tịch Dương Thượng Côn phát ra từ loa phóng thanh thì phút im lặng bắt đầu, Đại Vệ vẫn chưa có dịp gặp lại Thiên Nghi. Đây là giây phút lịch sử. Đại Vệ biết rằng cô bạn gái của nó muốn chứng kiến giây phút thiêng liêng này. Ngày hôm qua, cô nàng đã quyên góp được ba trăm nhơn dân tệ cho phong trào sanh viên, tương đương với gần một năm chi tiêu của nàng.

Hàng chục ngàn người có mặt trên quảng trường, những nhà lãnh đạo trong chánh phủ, bên trong Đại Sảnh Đường, cũng như những hàng dày đặc công an võ trang phân chia quần chúng với nhà nước, đều cùng nhau giữ im lặng. Trong khoảnh khắc nào đó, dường như ai ai cũng đồng lòng, trong nỗi đau thương.

Lễ nhạc bi ai từ từ nổi lên. Một vài sanh viên như căm phẫn, một số khác nhìn đăm đăm vô định. Đầu óc Đại Vệ lại nhớ về A Mỹ. Nó nhớ lại lần đó, sau một bài thuyết trình, A Mỹ đã bảo nó: "Hãy nghĩ đến điều đó. Chỉ nghĩ đến nó một lúc thôi..."

Lễ quốc táng đã kết thúc. Đại Vệ nhìn về phía Đại Sảnh Nhơn Dân và trông thấy các đại biểu Quốc Hội và nhơn viên chánh phủ bước xuống bực tam cấp, lên những chiếc xe bóng loáng, có tài xế đưa đi mất hút. Họ có đoái hoài gì đến đông đảo quần chúng sanh viên đang ngồi đầy trước mặt.

Sanh viên chú ý nhìn hai cửa của Đại Sảnh và cố gắng đoán xem cổ quan tài sẽ xuất hiện cửa nào. Nửa giờ sau, vẫn chưa thấy gì hết. Vậy mà có thêm nhiều công an võ trang, nịch lưng da và bao tay trắng, tập trung lại bên ngoài Đại Sảnh. Họ ngồi thành bốn hàng ngay ngắn trên bực lên xuống, từ xa trông giống hàng rào tre xén tỉa gọn gàng. Dư luận bàn tán xôn xao, cho rằng có thể quan tài đã được chuyển ra cửa sau hoặc giả qua một đường hầm. Một sanh viên nói rằng: "Có Trời mới biết các tay lãnh đạo Đảng làm gì. Thôi ta cứ nhanh chóng trao kiến nghị đi!"

Một bạn khác nôn nóng:

- Nào, ta cứ xông vào Đại Sảnh đi. Bây giờ thì chắc là áo quan đã đem đi rồi. Nếu chúng ta không ra tay bây giờ thì nhà nước sẽ không biết đến chúng ta.

- Mình không thể làm vậy. Đại sảnh Nhơn Dân là Quốc Hội của Trung Quốc. Huê Kỳ là một quốc gia dân chủ cũng không chấp nhận để cho người dân xông vào tòa nhà Quốc Hội.

- Đúng rồi, xông đại vào Đại Sảnh là không đúng cách. Nhứt là vừa có đám tang, xúc động chưa tan.

- Mình không thể xông vào Đại Sảnh, nhưng cũng không thể kết thúc như vậy được.

Những sanh viên ở phía sau la to, đòi hỏi phải có đối thoại. Một lô công an kéo đến tăng cường đội ngũ công an đã bố trí trước mặt sanh viên.

Quan khách đều rời khỏi Đại Sảnh. Những người còn lại chỉ là nhơn viên trật tự an ninh, đi lại lảng vảng trên bực tam cấp. Dư luận sanh viên cho rằng quan khách ra về qua cổng này đều là những viên chức cấp thấp, vì trên xe của họ chẳng có cờ xí gì hết. Các quan to tầm cỡ đều âm thầm rút lui qua đường hầm.

Công an bắt đầu giải tỏa những nút chặn. Dân chúng Bắc Kinh đổ ra quảng trường và bao quanh sanh viên biểu tình để xem chuyện gì đã xảy ra. Ban trật tự sanh viên nối vòng tay lại làm thành một vòng đai an toàn để bảo vệ đoàn sanh viên họp mít tinh, cố gắng đẩy lui những đoàn người hiếu kỳ. Đám đông xô đẩy làm cho toán trật tự suýt nữa chạm trán với công an.

Dư luận trong sanh viên dự mít tinh bỗng nhiên đưa tin là Thủ Tướng Lý Bằng sẽ tiếp đại diện sanh viên. Kẻ nói có, người nói không, chỉ là tin đồn thôi. Có tin lại chính xác hơn, nói rằng Lý tiên sinh sẽ tiếp vào lúc một giờ trưa. Nửa tin, nửa ngờ, vậy mà sanh viên cũng thắc mắc tự hỏi không biết sẽ xử sự ra sao. Trong khi đó, một con quạ đen từ trong mái ngói của Đại Sảnh bay ra kêu lên một tiếng thảm thiết, có ai đó khôi hài: "Kìa, Lý Bằng đến gặp chúng mình!" Cả bọn cùng cười.

Có một tiếng nói tức giận: "Nếu như họ không chịu bàn bạc yêu cầu của chúng ta thì chúng ta sẽ phá vòng vây công an mà tiến vào Đại Sảnh. Lại có tiếng nói can ngăn: "Không thể mạnh tay quá như vậy được!"

- Tại sao mình không chọn lấy một vòng hoa tang mang đến Đại Sảnh.

- Cũng là một ý kiến hay.

Nhưng chưa chi, toán giữ vòng hoa tang đã bắt đầu vượt qua tuyến công an. Vòng hoa tang lớn quá, bốn sanh viên không kham nổi phải kêu cứu mấy người nữa phụ.

- Hãy cẩn thận, chúng ta đang đương đầu với công an võ trang, chớ nên làm cho tình hình quá căng thẳng. Kế hoạch của chúng ta là đưa một vòng hoa tang tới Đại Sảnh Nhơn Dân, trao cho một viên chức để dâng lên tưởng niệm Hồ Diệu Bang, nhơn danh toàn thể sanh viên Đại Học Bắc Kinh. Một toán khác, thấy được cũng tháp tùng, mang theo mấy kiến nghị và một vòng hoa nhỏ hơn.

Dân chúng đứng quan sát, thấy sanh viên lọt qua được hàng rào công an võ trang vỗ tay hoan hô ỏm tỏi. Từ xa, người ta nhìn thấy mấy toán sanh viên vào được bên trong Đại Sảnh, nhưng lại trở ra với những bản kiến nghị. Như vậy là người ta chỉ nhận vòng hoa tang mà không chịu nhận kiến nghị.

Một toán sanh viên khác tiến đến Đại Sảnh, bước lên bực tam cấp, nhưng bị mười công an thường phục chặn lại. Bỗng dưng có một người trong bọn lại quỳ gối xuống và hai tay đưa lên dâng kiến nghị. Nhưng không phải cả toán nhứt trí quỳ gối hết nên có người kéo những người quỳ gối đứng lên. Như vậy là có giằng co.

Sanh viên bên ngoài la to: "Đừng làm vậy, đứng lên, đứng lên!" Có một thái độ giận dữ trong đám đông, làm gì mà cứ như thần dân dâng kiến nghị lên hoàng đế! Đúng là di sản của một nước Tàu phong kiến. Đâu có ai bảo họ phải làm vậy đâu. Hàng ngũ sanh viên bắt đầu xao động tỏ vẻ bất bình. Công an võ trang thấy sanh viên xôn xao cũng bắt đầu thủ thế. Ban trật tự kêu gọi sanh viên bình tĩnh và giữ trật tự.

Dưới cơn nắng gắt và nặng nề, Đại Sảnh trông như một chiếc quan tài khổng lồ. Lá quốc kỳ trên nóc nhà phất phơ theo gió. Hàng rào công an lúc tiến tới, khi thụt lùi nên đám đông cũng di chuyển theo. Quần chúng nhơn dân tự hỏi tại sao nhà nước lại không chịu nhận kiến nghị?

- Họ khiếp sợ dân chúng. Họ không có can đảm chường mặt ra, thế thôi!

Hai bên tiếp tục xô đẩy nhau, cứ công an tiến lên thì sanh viên lùi lại, như sóng đẩy, cát đưa. Bỗng nhiên, có tiến la to: "Đả đảo công an thô bạo! Công an không có quyền đàn áp sanh viên!" Thế nhưng lại có tiếng trấn an là từ từ, hãy giữ trật tự. Ba tên sanh viên trót quỳ gối dâng kiến nghị trên thềm tam cấp đã gần hai mươi phút qua, nhưng chẳng thấy kết quả gì hết. Chắc sẽ ồn ào lên bây giờ.

Đám người hiếu kỳ đàng sau hàng ngũ sanh viên lại xô lên phía trước, một số người làm văng mũ catket của công an và sẵn đà ném tung lên không, như đánh bóng chuyền. Tuyến an ninh của công an tan rã, tuyến phía sau hùng hổ tiến lên trám ngay, không cho đứt đoạn, đám đông thấy vậy e ngại lùi ra sau.

Đám sanh viên mít tinh ngồi la to: "Chúng tôi muốn nói chuyện với chánh phủ!" Công an võ trang chĩa mũi dùi vào toán sanh viên Đại Học Bắc Kinh, bắt đầu tiến công, như chừng định hốt một mớ. Với tư cách ủy viên an ninh của đoàn biểu tình, Đại Vệ la to qua ống loa cầm tay:

- Anh chị em nắm tay lại làm vòng đai bảo vệ. Các chị hãy vào phía trong!

Một bàn tay mang găng trắng tống vào càm nó một quả đấm nẩy lửa, làm cho đầu nó quay lại phía sau. Nó nắm lấy và định giựt chiếc găng, nhưng nhiều catket công an đã bao vây lấy nó. Tên công an vật lộn với nó văng mất hai cái cầu vai. Gã nhìn Đại Vệ trừng trừng, miệng há to đầy vẻ ngạc nhiên. Môi và lỗ tai của gã rướm máu. Hàng nút áo văng đâu mất.

Tiếng loa cầm tay kêu gọi sanh viên bình tĩnh và giữ trật tự. Tuyến công an chỉnh đốn lại như trước và họ căng thêm một hàng rào bằng dây thừng. Bức liễn bằng giấy có hàng chữ để tang Hồ Diệu Bang của Đại Học Bắc Kinh đã bay xuống đất, bị rách toạc và bị giẫm nát. Ba sanh viên trên bực tam cấp vẫn cứ quỳ gối. Đám đông la ó: "Đứng lên, đứng lên! Dân chủ đâu phải van xin mà được!" Dư luận trong giới sanh viên mít tinh lại xôn xao, nôn nóng.

Một chị sanh viên nắm lấy loa cầm tay, hướng về phía Đại Sảnh nói:

- Là công bộc nhơn dân, chánh quyền bên trong Đại Sảnh nên biết là sanh viên chúng tôi đã chờ trên quảng trường này mười tám tiếng đồng hồ qua. Xin quý vị hãy bước ra mà nhận lấy kiến nghị của chúng tôi.

Công an võ trang tiến lên vây chặt người nữ sanh viên, làm cho chị phải la lên:

- Công an võ trang là con em của nhơn dân. Đừng để cho chuyện này đi đến đổ máu...

Một sĩ quan công an đứng gần tuyến công an trao chai nước cho người công an đứng cạnh bảo đưa cho chị sanh viên. Trước hình ảnh đó, anh chị em sanh viên vỗ tay hoan hô. Chị sanh viên hớp vài ba ngụm nước lấy giọng rồi nói:

- Xin cám ơn người bạn dân. Sanh viên đã mệt và đói khát, nhưng tinh thần vẫn vững. Nhưng chúng tôi không muốn có ai bị thương tích gì hết. Dẫu sao cũng là đồng bào với nhau.

Tiếng vỗ tay vang vội. Tình hình của công an bắt đầu chao đảo, thậm chí một vài người thấy buồn buồn. Từ Đại Sảnh, một người trọng tuổi bước nhanh ra, đi đến chỗ ba sanh viên quỳ gối. Ông ôm chầm lấy ba người và nói gì đó, không ai nghe được. Một sanh viên nhìn qua ống dòm, nhận diện được giáo sư Trần của Phòng Giáo Dục.

Dư luận thắc mắc, làm sao một giáo sư cấp nhỏ như ông mà lại được mời dự lễ quốc tang? Năm nghi, mười ngờ, sanh viên bảo nhau rằng ông là "người của họ". Thảo nào, lúc trước ông đã can ngăn sanh viên đừng đi biểu tình. Ba sanh viên chấm dứt tình trạng quỳ gối, đứng lên, nhưng vẫn đưa cao kiến nghị. Ban tổ chức chạy đến đón ba người. Một sanh viên bực tức, lấy ống loa tự đập vào đầu, máu me tùm lum, hỏi to:

- Tại sao các anh lại quỳ gối như vậy? Làm xấu hổ giống nòi!

Qua loa cầm tay, một sanh viên loan tin:

- Ba người bạn chúng ta đã quỳ gối bốn mươi phút, mà chẳng có ai trong Quốc Hội có lịch sự tối thiểu để bước ra nói với họ một lời nào.

- Hàng trăm ngàn sanh viên tụ tập đến đây để tiễn đưa lần cuối một lãnh tụ, vậy mà nhà nước đã đối xử với họ còn tệ hơn con chó!

Đông đảo sanh viên, nước mắt quanh tròng, tủi thân chỉ còn biết an ủi cho nhau mà thôi. Trước tình cảnh bối rối như vậy và không muốn tình hình biến chuyển xấu đi, ban tổ chức quyết định đưa sanh viên trở về trường, bàn thảo bước sắp tới.

Loa cầm tay loan báo cho tập thể sanh viên biểu tình biết rằng, để tránh những chuyện không hay, ban tổ chức lấy quyết định chiến thuật tạm thời rút về trường, nghiên cứu những bước sắp tới. Loan báo này, ban tổ chức cũng gián tiếp thông báo cho bà con dân chúng biết quá trình tranh đấu của sanh viên.

Vừa chửi thề, vừa trách cứ nhà nước không chịu chơi, cứ tìm đường tránh né. Anh đại diện tổng hội sanh viên đề nghị điện thoại cho sanh viên toàn quốc kêu gọi bãi khóa ngay và tổng mít tinh vào ngày 4 tháng Năm. Sau đó sẽ biểu tình tuần hành xuyên qua các đường phố Bắc Kinh đòi hỏi dân chủ và đổi mới, giống như sanh viên đã làm cách nay bảy mươi năm, trong Phong Trào Ngũ Tứ (4.5.1919). Sanh viên định lấy cùng ngày tháng đó để biểu tình chống lại chế độ tham ô thối nát hiện nay, giống như trước kia sanh viên cũng đã chống lại bọn cường hào ác bá.

Trên đường rút lui về trường, trong lòng rã rượi buồn, nhưng anh chị em sanh viên lại được dân chúng hai bên đường hoan hô tinh thần tranh đấu của sanh viên. Dư luận khen rằng chỉ có sanh viên mới dám phát động phong trào. Một nhà giáo đến gặp sanh viên tâm sự: "Các em thật tuyệt vời! Chúng tôi không khi nào có can đảm hành động như các em. Đất nước này thối nát cả chánh trị lẫn đạo đức, và lạm phát thì phi mã. Chúng tôi không có tiền để mua quần áo mặc cho tươm tất."

Thì ra, thất bại đôi khi cũng là mẹ thành công. Lần dự lễ tang Hồ Diệu Bang kể như thất bại vì không đưa được kiến nghị, nhưng đã gióng lên được một tiếng trống đấu tranh trong lòng quần chúng. Rút kinh nghiệm đó, sanh viên quyết tâm nghiên cứu bước đi tới vững chắc hơn.

 

(Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.