Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (16)

Đại Vệ phải mất gần
hết buổi tối để thuyết phục những sanh viên định chiếm cứ Đại Lễ
Đường Nhơn Dân. Khi trở lại địa điểm phát loa, dân chúng vẫn còn
đông nghẹt, nhưng vào khoảng nửa đêm thì thiên hạ bắt đầu thưa lần.
Đêm càng về khuya, tiếng máy phát điện nổ khá to, vang dội cả Quảng
Trường. Vậy mà, tiếng nổ đó chẳng quấy rầy ai, vì đối với những sanh
viên tuyệt thực, đang yên nghỉ đề lấy sức dành cho ngày hôm sau,
đương nhiên nó đã trở thành "nhịp tim" của phong trào.
Thừa dịp đêm vắng, canh khuya, không ai cần đến hệ thống loa, Đại Vệ
đi tìm cô bạn gái Thiên Nghi. Đã ba ngày qua Thiên Nghi không có
chút gì trong bao tử. Cô nàng trông già đi, trên làn da mặt khô khốc
của cô nàng có những nếp nhăn, trước nay chưa từng thấy, và mái tóc
đẹp đã bù xù như đống rơm!
Đại Vệ tâm sự với Thiên Nghi là nếu biết được nhà nước tổ chức lễ
tiếp đón Gorbachev ở phi trường thì nó đã không yêu cầu sanh viên
tuyệt thực di chuyển qua phía Đông Quảng Trường. Nhưng Thiên Nghi
minh xác:
- Chính vì bọn mình không chịu giải tỏa hoàn toàn Quảng Trường nên
nhà nước mới chịu thua, làm lễ chỗ khác đó chớ.
- Không biết chúng nó có chịu thua hay không, để rồi xem. Tớ sợ sẽ
còn rắc rối vì cuộc đối thoại giữa nhà nước và sanh viên ở Trụ Sở
Mặt Trận Thống Nhứt đã thất bại. Có tin cho biết là Tổng Bí Thơ
Triệu Tử Dương dường như sắp chịu cùng số phận với Hồ Diệu Bang, và
như vậy bọn sanh viên chúng mình có cơ sẽ bị hốt quá.
- Em đã thề quyết chiến tới cùng! Em sẽ không chấm dứt tuyệt thực
dẫu cho nhà nước có bỏ tù.
Luận điệu của Thiên Nghi nghe như lời nói của một nữ anh hùng cách
mạng cộng sản, nhưng có được như vậy hay không là chuyện khác. Đại
Vệ lắng nghe, nhưng không có ý kiến gì, trong khi loa phóng thanh
phát ra tiếng nói của người phụ trách "...dẫu cho thân phận chúng
tôi có ở trong tình cảnh giữa hai đường sanh tử, chúng tôi muốn nhìn
thẳng vào nhơn dân Trung Quốc, với hy vọng là làm cho họ ra khỏi
tình cảnh thờ ơ..."
Đại Vệ cho Thiên Nghi biết tin Gorbachev có lên truyền hình nhà
nước. Theo dư luận, nhơn dịp Gorbachev đến thăm Bắc Kinh, thì dẫu
cho Đặng Tiểu Bình chỉ là quân ủy trung ương, nhưng ông ta còn có
nhiều quyền hành trên chánh trường Trung Quốc. Nên chi, với địa vị
tổng bí thơ, Triệu Tử Dương cũng chỉ là bù nhìn, chẳng có thực quyền
gì hết.
Đại Vệ thố lộ với Thiên Nghi là nhà trường có gởi thơ cho phép nó
xin hộ chiếu để xuất ngoại. Thiên Nghi nói rằng:
- Trường cho phép hầu hết những lãnh tụ sanh viên làm thủ tục xuất
ngoại vì các bạn đó đi rồi thì nhà nước nhẹ lo.
Ngước mắt nhìn thẳng lên trời, nàng nói một mình:
- Nhìn trăng, em có một cảm giác chẳng lành. Trăng đã soi sáng bao
nhiêu là hung ác và tàn bạo trên cõi đời này. Nhà cách mạng lừng
danh như Lương Khải Siêu cũng chẳng nên công cán gì!
Đại Vệ bỗng nhớ đến trường hợp của Lưu Bình, cô gái con của cán bộ
trại cải tạo mà ba nó dạy đờn vĩ cầm. Những năm đói ăn thời Cách
Mạng Văn Hóa, một lũ dân làng đáng bực chú bác của cô mà khi đói ăn
lại moi gan của ba cô, rồi hãm hiếp cô và thẻo cặp vú của cô để ăn.
Đời nhà Tống, quân sĩ cũng đã ăn thịt người, một thứ thịt mà họ
tránh né gọi là thịt "trừu hai chưn". Nhưng, họ ăn thịt người vì
chẳng còn gì để ăn, còn những nông dân ăn thịt Lưu Bình không phải
vì đói mà vì sợ cộng sản. Đảng nói với họ là "nếu mấy người không
thịt kẻ thù thì mấy người là kẻ thù, vậy là Đảng cũng sẽ tiêu diệt
các người thôi".
Sau một lúc yên lặng để suy nghĩ viễn vong, Thiên Nghi khuyên Đại
Vệ:
- Anh nên rời Trung Quốc càng sớm càng tốt để tìm tới tự do.
- Chờ qua giai đoạn tranh đấu này đã. Anh không nỡ bỏ em một mình
trong lúc này. Vã chăng, bỏ đi bây giờ quá ra đào ngũ sao?
Một giọng nói lạ loan đi trên loa: "Tôi là bác sĩ Hoàng của trạm xá
Đại Học Bắc Kinh. Phần đông sanh viên của trường đã biết tôi. Hôm
nay, tôi đến đây để khuyên sanh viên nhịn ăn nên uống sữa hoặc nước
ngọt. Nhờ vậy mà Gandhi có thể tuyệt thực bốn mươi lăm ngày..." Khi
bác sĩ Hoàng nói xong, thày hiệu phó dành lấy mi-crô yêu cầu sanh
viên chấm dứt phong trào tuyệt thực.
Tin tức truyền thanh và truyền hình loan báo: "Sáng nay, Chủ Tịch
Mikhail Gorbachev của Liên Xô đã đến Bắc Kinh để dự thượng đỉnh
Trung-Xô, sau ba mươi năm gián đoạn. Nhà nước mong rằng sanh viên sẽ
tôn trọng sự kiện lịch sử này, và đừng có hành động gì xúc phạm đến
phẩm giá dân tộc Trung Quốc hay đưa đất nước vào cảnh rối loạn...
Các cấp lãnh đạo của Ủy Ban Trung Ương cũng như của Quốc Vụ Viện lo
ngại cho sức khỏe của sanh viên tuyệt thực, và hy vọng các anh chị
chấm dứt phong trào và trở về trường ngay..."
Toàn thể sanh viên trên Quảng Trường cười nhạo và chế diễu một cách
khinh khi. Một vài người đứng lên trong bóng tối, hát to Quốc Tế Ca,
tìm cách lấn át lời nói dụ dỗ rẻ tiền kia. Một anh nhón cao gót lên,
chiếc mền quấn ngang người, la to: "Chúng tôi không có gây xáo trộn!
Hãy rút lại lời tuyên bố nhục nhã kia!" Tiếng nói của anh làm sao mà
người ta nghe thấy được giữa cái ồn ào đó, nhưng khi đám đông cùng
lập lại thì yêu cầu đó của anh vang dội Quảng Trường. Một sanh viên
dạo quanh mang tấm bích chương cho biết là đến thời điểm này phong
trào tuyệt thực đã kéo dài được sáu mươi tiếng đồng hồ.
Hàng ngàn người tuyệt thực quấn mền nằm ngủ ngay hàng thẳng lối trên
quảng trường làm cho Đại Vệ nhớ lại cảnh thiên hạ nằm ngủ ngoài
trời, sau trận động đất hồi năm 1976. Có lúc, có nơi, một vài người
thức giấc, đưa mái tóc hoặc chiếc mũ thể thao ra ngoài mền. Hay
những người khác nằm bất động, thỉnh thoảng cựa quậy, đưa chưn tay
ra khỏi tấm đắp.
Ba giờ sáng rồi mà Quảng Trường vẫn còn ồn ào. Những sanh viên thuộc
ban an ninh đạp xe đạp quanh quẩn đi tuần hành. Dân chúng Bắc Kinh
đạp xe ba bánh chở quà đến tiếp tế cho sanh viên tuyệt thực. Bên
ngoài vòng đai bảo vệ, có một tấm vải trắng lớn, mang hàng chữ "CỨU
VỚT NHƠN DÂN", đong đưa theo gió. Bên dưới là mười sanh viên của đại
học Kịch Nghệ Trung Ương đang tuyệt thực. Dường như họ có đem theo
xăng để tự thiêu nếu bị đàn áp.
Cảm thấy cồn cào trong bụng, Đại Vệ lôi chiếc bánh trong túi ra cắn.
Cấp thời, một sanh viên tuyệt thực gần đó ngồi lên phản đối ngay:
"Không ai được ăn trên Quảng Trường!" Thiên Nghi lấy cùi chỏ thúc
vào hông Đại Vệ để nhắc nhở anh ta đừng quên là có những người đang
tuyệt thực. Đại Vệ đành rời quảng trường và xa lìa Thiên Nghi, lòng
buồn rười rượi. Nó sợ rằng rồi đây Thiên Nghi chẳng còn yêu nó nữa.
Nó đã không có can đảm tham gia phong trào tuyệt thực vì nó biết
rằng sẽ không có sức chịu đựng. Suốt đời, nó mơ làm người thám hiểm,
chu du khắp nước Tàu như nhà địa lý Từ Hà Khách dưới triều Minh.
Nhưng, từ ước mơ tới thực tế, sau ba ngày sinh sống ngoài trời, nó
đã thấy ngán ngẫm, và chỉ muốn nằm dài trên một chiếc giường êm ấm!
* * *
Một tấm biểu ngữ vĩ đại, kêu gọi ĐỐI THOẠI THẲNG THẮN được treo trên
nóc Bảo Tàng Viện Lịch Sử Trung Quốc, vật vờ dưới ánh nắng ban mai.
Hôm nay đã là ngày thứ tư của cuộc tuyệt thực và đám đông quần chúng
hiếu kỳ càng ngày càng nhiều thêm. Đã có sáu trăm sanh viên tuyệt
thực bị xỉu, được đưa vào bịnh xá, nhưng khi vừa tỉnh dậy lại trở ra
Quảng Trường ngay.
Một nhóm giáo sư trường Đại Học Bắc Kinh đã đến Quảng Trường và
tuyên bố tuyệt thực để ủng hộ sanh viên. Cùng với nhóm này, còn có
ba mươi giáo sư trẻ của Viện Dân Tộc Trung Ương. Sự kiện này được
phổ biến ngay trên hệ thống loa phát thanh để kích động tinh thần
anh chị em sanh viên.
Lúc này, trên Quảng Trường có ít lắm cũng phải một trăm ngàn dân
chúng đang theo dõi cuộc tuyệt thực của sanh viên. Ngày mai, thành
phần giáo sư dự định sẽ tổ chức biểu tình tuần hành qua các đường
phố chánh của thủ đô. Với những hậu thuẫn như vậy, phe sanh viên chủ
trương tuyệt thực cảm thấy phấn khởi vô cùng.
Hai chiếc xe cứu thương màu trắng chạy tới Quảng Trường, còi hụ ầm
ĩ, được ban trật tự an ninh dẹp đường cho xe di chuyển. Sanh viên
trường đại học Y Khoa họp lại bàn tính chuyện thiết lập trạm cấp cứu
sơ khởi. Sau bốn ngày tuyệt thực tình hình sức khỏe của những người
nhịn ăn sa sút đi nhiều.
Một đám đông quần
chúng kéo đi trên đường phố cận kề Quảng Trường, trương cao biểu ngữ
cho biết đó là nhóm thị dân Bắc Kinh ủng hộ phong trào. Người đi đầu
cầm loa hô hào, kêu gọi bà con nào đồng tình thì cứ nhập vào đoàn mà
đi. Có nhiều người mang theo trẻ con. Đoàn người biểu tình hỗn tạp
đó kéo nhau đi loanh quanh các phố bọc theo Quảng Trường, sau cùng
hướng về phía Bia Kỷ Niệm.
Dân chúng ở gần Quảng Trường kéo đến săn sóc sanh viên, biểu lộ sự
đồng tình, ủng hộ. Người chai nước, kẻ điếu thuốc. Một bà lão lấy
khăn lau mặt người này, xong lấy khăn khác lau mồ hôi kẻ khác. Những
cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng đầy tình thương yêu, động viên những người
tuyệt thực khá nhiều.
Ban tổ chức đem báo "Người Đưa Tin" phân phát cho sanh viên, cung
cấp cho họ tin tức của phong trào tranh đấu. Tờ nội san đó là món ăn
tinh thần của anh chị em sanh viên. Thức thì đọc ngấu, đọc nghiến,
ngủ thì úp lên mặt.
Sanh viên từ các tỉnh đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào, lần lượt thay
phiên nhau lên phát biểu trên hệ thống loa nên sanh viên tuyệt thực
biết được rằng gần như toàn quốc ủng hộ phong trào tranh đấu của họ.
Ban giám hiệu nhà trường cũng hậu thuẫn cho phong trào bằng cách
tung phương tiện chuyên chở ra đưa đón từ trường đến Quảng Trường và
cung cấp thức uống và thực phẩm cho những sanh viên phục vụ cho
những người tuyệt thực.
Thiên Nghi cho Đại Vệ biết rằng giáo sư Sinh, thuộc Viện Khoa Học,
có ghé thăm.
- Chắc ông ấy cũng nói như những người khác là rất tiếc, tôi đến quá
muộn, chớ gì?
- Không, ông ấy nói là nhà nước đã sai quấy khi cho rằng sanh viên
phản đối là "một hành động phản cách mạng".
- Ông ấy dám đến đây vì biết rằng công an không đàn áp chúng mình.
Thiên Nghi cho Đại Vệ biết là vừa được truyền cho 1000cc chất dung
dịch có tính dưỡng sinh để lấy sức vì nếu không chịu thì người ta sẽ
đưa cô nàng đi bịnh xá. Tình hình sức khỏe của Thiên Nghi không mấy
khả quan, cô nàng lã người đi, yếu như cọng rơm.
Có tin đồn rằng Chủ Tịch Mặt Trận Thống Nhứt đã tới Quảng Trường.
Vài ba tiếng la phản đối: "Biểu ông ấy cút đi! Hãy tống cổ ông ta
đi!" Trong khi sanh viên tuyệt thực ồn ào phản đối sự có mặt của ông
Chủ Tịch Mặt Trận thì có tiếng loa léo xéo: "... Chủ Tịch Yên Minh
Phục là một đảng viên có tinh thần cải cách cao độ." Những lời phát
biểu trên loa cũng trấn an dư luận phần nào.
Từ xa xa, người ta lõm bõm nghe ông Chủ Tịch tuyên bố, tiếng được,
tiếng mất: "...xin các em hãy chấm dứt tuyệt thực, không phải vì lợi
ích của các em, mà cũng chẳng phải vì lợi ích của gia đình các em,
nhưng, quan trọng hơn hết là vì lợi ích của đất nước, dân tộc... Các
em hãy trở về trường và tôi bảo đảm với các em là chẳng có hậu quả
chánh trị nào cho các em hết... Nếu các em không tin tôi thì cứ giữ
tôi làm con tin... Các em không nên làm hỏng cuộc đời mình như vậy.
Tương lai là của các em... Những người cải cách trong Đảng đang tích
cực tìm phương thức..."
Quảng trường có vẻ cảm động với giọng nói ngập ngừng, đứt quãng của
ông ta. "Nhưng chúng ta không thể rút lui trong lúc này!" Đại Vệ rất
đỗi ngạc nhiên thấy cô bạn của nó phảng kháng mạnh bạo như vậy, một
thái độ mà nó chưa từng thấy Thiên Nghi biểu lộ bao giờ. Cả Quảng
Trường im phăng phắc. Thiên Nghi ứa nước mắt.
Những người tuyệt thực khác xung quanh đó cũng bắt đầu khóc. Một làn
gió ẩm ướt thổi nhẹ qua Quảng Trường.
Văng vẳng từ xa, tiếng loa lại vang lên: "Chúng ta đòi hỏi một cuộc
đối thoại cởi mở, nhưng Trung Nam Hải chết nhát, không dám nói
chuyện với chúng ta! Họ lại đưa những con rối đến đối thoại với
chúng ta. Ông Phục ơi, không cần chỉ vẽ cho chúng tôi phải làm gì
nữa, chúng tôi không phải là lũ con nít."
Đám đông bắt đầu xôn xao. Một sanh viên gần đó la lên: "Mặt Trận
Thống Nhứt ăn nói cái quái gì vậy? Bộ chúng ta không phải là ngưòi
Trung Quốc sao? Chúng ta đoàn kết để chống lại ai đây?" Cô bạn của
Thiên Nghi uất ức la lên: "Chúng ta đem mạng sống ra thử thách,
nhưng cái gọi là chánh phủ nhơn dân chẳng buồn quan tâm nói chuyện
với chúng ta. Đúng là một lũ tội phạm!"
Bầu không khí trở nên căng thẳng, lời phát biểu của Chủ Tịch Mặt
Trận bị cắt trên hệ thống loa. Một cuộc họp khẩn cấp của sanh viên
tuyệt thực được triệu tập tại Bia Kỷ Niệm. Sau khi thảo luận và lấy
ý kiến của các đại diện thì đại đa số cho thấy là sanh viên muốn cứ
ở yên tại chỗ, chiếm lấy Quảng Trường.
Thế nhưng, có ý kiến cho rằng còn những sanh viên khác thì sao, vì
họ cũng là đa số, dẫu không tuyệt thực. Một sanh viên đứng lên nói,
bây giờ chỉ còn có giải pháp cuối cùng trong tam thập lục kế của Tôn
Tử là rút lui. Con đường duy nhứt để khỏi bị thất bại là rút về
trường ngay.
* * *
Trước khi trời nhá nhem tối, có những tiếng loa mới lạ phát ra từ
phía bên kia của Bia Kỷ Niệm. Đó là dàn loa của Liên Đoàn Sanh Viên
Bắc Kinh và của Đại Học Thanh Hoa vừa mới thiết kế ở góc Đông-Nam
của Bia Kỷ Niệm, mang danh hiệu "Tiếng Nói Thanh Hoa". Hệ thống loa
này mạnh hơn hệ thống của Bộ Tư Lịnh Sanh Viên Tuyệt Thực gấp ba
lần, vì có nhiều loa hơn.
Bên phía Thanh Hoa được tổ chức chu đáo hơn. Họ có dựng lên một cái
lều vải trắng to lớn để che cho những sanh viên tuyệt thực không bị
nắng. Ngoài ra, họ còn tưới nước và đặt những cây nước đá trên sân
tráng xi măng để làm dịu bớt sức nóng của thềm gạch. Để tránh dẫm
chưn lên nhau, hai bên họp lại phân chia công tác. Bộ Tư Lịnh Sanh
Viên Tuyệt thực phát thanh cho sanh viên Đại Học Bắc Kinh, còn Liên
Đoàn và Thanh Hoa phổ biến thông tin cho đông đảo sanh viên và quần
chúng trên Quảng Trường. Hệ thống loa của Liên Đoàn và Thanh Hoa
được công nhơn Bắc Kinh yểm trợ cho một máy phát điện.
Phong trào tuyệt thực kéo dài mà chưa đem lại kết quả cụ thể nào,
trong khi sanh viên tuyệt thực đua nhau ngất xỉu vì kiệt sức. Ban tổ
chức nghĩ đến bước sắp tới. Phong trào sanh viên trên Quảng Trường
thành lập ban tuyên truyền, mở rộng công tác nhằm vào giới thợ
thuyền. Tới giai đoạn này, công tác điều hành chung ở Quảng Trường
được giao cho sanh viên không tuyệt thực.
Tình hình có vẻ bắt đầu gay cấn, vì có tin cho hay là Binh Đoàn số
27 đã kéo tới ngoại ô Bắc Kinh. Người ta tự hỏi không biết chánh phủ
có ý định gì mà điều quân tới gần thủ đô? Đêm hôm đó, nhiều đoàn dân
chúng thủ đô đổ đến Quảng Trường để biểu lộ sự ủng hộ phong trào
sanh viên. Đi đến đâu họ cũng la to những khẩu hiệu ủng hộ sanh
viên.
Đêm đó, một người bạn của Đại Vệ có đưa Nghiêm Gia và Bao Tôn Tín,
hai nhà trí thức có tinh thần cải cách của Viện Khoa Học Xã Hội
Trung Quốc, đến thăm ban tổ chức. Trong nhiều năm qua, hai người này
có viết nhiều sách và bài tham luận được sanh viên đánh giá cao.
Trong khi đàm đạo, ông Nghiêm Gia tiết lộ tin Đặng Tiểu Bình đã từ
chức. Và ông cũng có lời khen ngợi sanh viên đã làm được một chuyện
phi thường. Tin Đặng Tiểu Bình từ chức làm cho Đại Vệ ngỡ ngàng, vì
khó tin, và như vậy có nghĩa là Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương và cánh
cải tổ của ông đã thắng thế trong cuộc đấu tranh nội bộ. Một cách
gián tiếp, phong trào sanh viên đã được toại nguyện.
Kế đó, ông Bao Tôn Tín cho biết:
- Chúng tôi có mang theo bản Tuyên Ngôn ngày 16 tháng Năm, vừa hoàn
thành để ủng hộ phong trào sanh viên, chưa ai được đọc.
Bao Tôn Tín là chuyên viên của Viện Sử Học, có chưn trong nhóm tư
tưởng làm việc cho những nhà nghiên cứu chánh sách của bộ tham mưu
Triệu Tử Dương. Với hậu thuẫn bất ngờ này, cùng với tin Đặng Tiểu
Bình từ chức, phong trào tranh đấu của sanh viên sửa soạn bước qua
giai đoạn mới. Tin về Đặng Tiểu Bình vừa phát trên hệ thống loa tạo
ra một cơn chấn động đáng kể cho toàn thể sanh viên trên Quảng
Trường. Cái tin đó được đón nhận với nhiều vui mừng, không phải chỉ
riêng cho sanh viên mà còn trong dân chúng có mặt trên quảng trường
nữa. Có những tiếng pháo nổ đì đẹt đâu đó để chào mừng, thậm chí có
một vài người còn châm lửa đốt hình Đặng Tiểu Bình nữa. Sanh viên
họp nhau thành toán, dự tính kéo nhau đi biểu tình xuyên qua phố
phường bao quanh Quảng Trường, hô to những khẩu hiệu chào mừng Triệu
Tử Dương cùng các đồng chí chủ trương cải cách và yêu cầu họ Triệu
nắm luôn Quân Ủy Trung Ương.
Trong niềm vui mà tin tức đó tạo ra, ban tổ chức sanh viên không
quên đề cao cảnh giác, coi chừng bọn hôi của, chớp thời cơ đập phá
cửa hàng và cướp giựt. Nhà nước sẽ mượn cớ để trừng trị, làm mất uy
tín của sanh viên.
* * *
Tối hôm đó, Đại Vệ nằm mơ thấy Thiên Nghi khóc lóc chạy tìm nó và la
lớn hối thúc nó phải chạy trốn cho nhanh vì quân đội đang tấn công
sanh viên. Nó giựt mình thức giấc, chạy đi tìm Thiên Nghi, thì thấy
cô bạn đang nằm quấn người trong cái mền bông quen thuộc, trên những
tấm ván mà chánh quyền sở tại cung cấp, trong tinh thần ủng hộ lập
trường của sanh viên. Nó phải len lỏi, khéo chưn bước qua những thân
người nằm sóng soài dưới đất, đến ngồi gần Thiên Nghi.
Hôm nay, cô bạn của
nó đã tuyệt thực được qua ngày thứ năm, một thời điểm với khá nhiều
người nhịn ăn gặp phải vấn đề sức khỏe. Nên chi, có nhiều áo trắng
của y tá xuất hiện để chăm sóc và còi xe cứu thương cứ in ỏi làm
phiền những người cần im lặng để nghỉ ngơi.
Nó đau lòng nhìn thấy mặt mày Thiên Nghi xanh xao vàng vọt, đôi môi
nứt nẻ và hai bàn tay lạnh ngắt. Hôm nay, nó không còn thấy cô bạn
của nó già đi, nhưng buồn thay nó lại thấy như cô nàng đang hấp hối.
Một cơn gió thoảng thổi qua vùng trời rạng đông còn âm u. Đại Vệ nói
để chữa lỗi:
- Anh xin lỗi em, đêm qua anh không đến được. Vì anh phải đi tuần
quanh các phố phường, sợ bọn lưu manh cướp giựt các cửa hàng. Khi
trở lại thì không thấy em đâu nữa.
Để cho Thiên Nghi lên tinh thần, Đại Vệ nói tiếp:
- Chúng ta tuyệt thực và chiếm cứ Quảng Trường này là đúng. Tinh
thần của người dân quanh đây bắt đầu lạc quan thấy rõ. Ai ai cũng
ủng hộ phong trào của sanh viên. Ngay những người trộm cắp và móc
túi cũng đồng lòng ngưng hoạt động và không hành nghề để ủng hộ
chúng mình.
Cố gắng đưa cánh tay lên một cách uể oải, Thiên Nghi nói:
- Coi nè, em quá yếu... mấy ngày nay, anh có ghé qua nhà không?
- Không, từ ngày mình chiếm đóng Quảng Trường đến nay, anh chỉ ghé
qua nhà có một lần để thay quần áo. Mẹ anh có hỏi tại sao lâu rồi
anh không đưa em đến thăm.
Mẹ anh không biết em tham gia phong trào tuyệt thực.
- Mẹ anh nghĩ sao về chuyện chúng mình phản đối?
- Bà ấy cho rằng phản đối tham nhũng là đúng, nhưng chuyện tuyệt
thực là một chuyện làm đi hơi quá đà vì như vậy sẽ làm cho Trung
Quốc mất mặt với bên ngoài. Mẹ anh lại nhắc đến ba anh và bảo là anh
đừng phạm phải sai lầm như ông ấy. Bà còn nói "Đừng nghĩ đến bản
thân. Con nên nhớ rằng chim con mà lìa đàn sớm lúc nào cũng bị hạ
trước tiên". Vậy mà, anh thấy tất cả những nghệ sĩ trẻ của bà ta
trong đoàn văn công Opéra đã đến Quảng Trường này. Đó là chuyện làm
đúng với xu thế của thời đại.
- Bộ não của em không đủ dưỡng khí. Nếu kéo dài tình trạng này, chắc
là em...
- Em nên uống chút sữa, anh có đem cho em đây. Chánh phủ chắc là rồi
đây cũng sẽ thỏa mãn đòi hỏi của sanh viên.
- Em không thích uống sữa, vì nó làm cho em nhớ lại hồi nhỏ... Khi
mẹ em có thai em được sáu tháng thì ba em bị kết tội phản cách mạng.
Mẹ em lo âu quá nhiều nên sanh em trước hạn kỳ. Mẹ em không cho em
bú sữa mẹ vì sợ rằng nuôi con của một người phản cách mạng bằng sữa
của mình thì Đảng sẽ không bằng lòng! Mấy ngày sau, bà trao em cho
bố và bỏ nhà ra đi.
- Nếu em không thích sữa thì anh sẽ tìm thức uống khác.
- Đầu óc em cứ lẫn lộn lung tung! Em lại nhớ những sự việc tầm
thường, không đáng kể. Ngay bây giờ, em nhớ lại bộ đồ ngủ sọc đỏ và
trắng mà em thường mặc hồi còn nhỏ. Không biết em có còn kéo dài
được hay không?
- Em không chết đâu, đừng nghĩ bậy.
- Mà tại sao em lại tuyệt thực, mà tuyệt thực để làm gì? Có phải
mình nhịn ăn đến chết, họ mới chịu nói chuyện với mình không?
- Không cần phải hy sinh đến mức đó đâu. Đáng gì chuyện đó. Khi
phong trào kết thúc, chúng mình sẽ đi nước ngoài và sinh sống trong
tự do.
Đại Vệ mở bình sữa ra đưa cho Thiên Nghi uống.
- Em uống sữa này là vì ba em. Cho đến lúc bị cộng sản xử tử, ba em
cứ sống trong nỗi sợ hải. Khi em được chín tuổi, ba em bắt em đọc
truyện Tam Quốc, vì ba em muốn cho em thấy con người quỷ quyệt và
lừa đảo như thế nào. Nhưng ba em đâu có ngờ rằng bộ truyện đó đã
đánh thức trong em một sở thích văn chương.
- Hồi nhỏ, anh chỉ biết ba anh là một nông dân già, mỗi năm đến thăm
gia đình một lần. Mẹ anh một mình nuôi hai con, anh và em của anh.
- Em muốn cho ba em thấy suốt đời mình không nên ngoan ngoãn quá và
cứ biết phục tùng. Em không muốn ba em trọn đời phải sợ hải.
- Anh cũng chẳng đòi hỏi gì hơn.
- Thời Cách Mạng Văn Hóa, một hôm mẹ em mang cái mặt nạ trắng. Cấp
trên của bà cho là bà muốn nói Đảng cộng sản bắt đầu mở đợt khủng bố
trắng. Mẹ em bị đưa ra trước phiên học tập tố khổ. Bọn Vệ Binh Đỏ
lột hết quần áo và cạo sạch lông âm hộ của bà... Mẹ em nhục nhã vô
cùng, ngày hôm sau bà quyên sinh.
- Mẹ anh cũng bị Đảng cạo lông và bị liệt vào hạng kết hôn với thành
phần hữu khuynh, nhưng mẹ anh vẫn trung thành với Đảng. Có thể mẹ em
không còn tin tưởng ở Đảng như mẹ anh.
* * *
Bỗng nhiên có tiếng ì ầm của hàng trăm xe mô tô của nhóm "Cọp Bay"
chạy vào Quảng Trường, theo sau là đoàn xe đạp và xe ba bánh của dân
chúng. Mỗi sáng họ đều chạy vào như vậy để tiếp tế thức ăn, nước
uống cho sanh viên không tuyệt thực. Thiên Nghi sực nhớ ra, chép
miệng nói khẽ:
- Như vậy là tuyệt thực đã được năm ngày! Sao miệng em cứ tê cứng
như vầy kìa?
- Vậy là nguy rồi, đó là dấu hiệu em đã kiệt sức rồi! Em phải đến
trạm cấp cứu ngay.
Trời nóng quá. Sanh viên phát nước đá cục. Đại Vệ xin một cục và
biết rằng Thiên Nghi không còn sức để nhai nên cắn một chút cho vào
miệng cô nàng. Nó đi tìm nước để rửa hai tay cô bạn, nhưng bỗng
nhiên mặt Thiên Nghi trở nên trắng toát, môi không còn cử động, cặp
mắt đờ đẫn. Đại Vệ vội vàng kêu y tá. Hai người đưa Thiên Nghi lên
cáng cứu thương khiên đến lều cứu cấp. Được biết cô y tá là người
của Viện Nghiên Cứu Y Dược Bắc Kinh, Đại Vệ hỏi:
- Giúp đỡ sanh viên tuyệt thực, cô không sợ bị phạt sao?
- Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương khen ngợi phong trào rất nhiều. Ngoài
ra, cả thành phố cũng đến đây để ủng hộ sanh viên. Luật pháp làm sao
trừng phạt được đám đông? Từ sáng tới giờ đã có nhiều người xỉu rồi.
Đã quá mức chịu đựng rồi. Hy vọng tối nay sẽ kết thúc phong trào
tuyệt thực.
- Như vậy là hoài công! Nhà nước chưa chịu đáp ứng những đòi hỏi của
sanh viên.
- Sanh viên không nên liều mạng quá như vậy. Sanh viên đã làm được
lắm chuyện. Đã làm cho uy quyền chánh phủ bị suy suyển và lôi cuốn
dân chúng ủng hộ phong trào. Nhưng, nếu cứ tiếp tục chiếm cứ Quảng
Trường thì không nên. Tháng Sáu, nắng nóng, nhiệt độ sẽ tăng, sẽ có
nguy cơ xảy ra bịnh dịch.
- Tôi không khi nào dám tuyệt thực.
Một ông bác sĩ đến hỏi Đại Vệ:
- Cô bạn của anh trước giờ có vấn đề gì về bịnh hoạn chưa?
- Có chuyện gì vậy thưa bác sĩ?
- Nhịp tim cô ấy không bình thường.
- Có một lần cô ấy bị xỉu trên xe đông người.
- Cô ấy không nên tuyệt thực. Chúng tôi phải đưa cô ấy đi bịnh viện.
Cô ấy thuộc nhóm máu gì?
- Nhóm O, tôi cũng vậy.
Để tôi đi theo với.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|