.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (37)

Khi trời nhá nhem tối, những tiếng động bên ngoài như dồn về phía giường tôi. Sau đó mọi thứ đều tối đen. Mẹ tôi lê người đi một cách nặng nề, nghe như một bao quần áo cũ bị lôi đi từ phòng khách vào phòng ngủ, rồi bà nằm lăn ra giường. Cỗ bà kéo đờm qua hơi thở. Bây giờ thì mẹ tôi đã ngủ. Ngoài những tiếng xao động theo cơn gió của bao nylon phơi ở nhà bếp, căn nhà im phăng phắc, như trong cõi chết.

 

Cũng giống như cái im lặng lan tràn khắp căn nhà khi chúng tôi trở về sau khi đã hỏa táng ba tôi. Lúc đó trời cũng đã sụp tối, giống như hiện nay. Tôi không nghe tiếng động gì của mẹ tôi một hồi khá lâu nên tôi nhè nhẹ đẩy cửa phòng bà để hé nhìn vào bên trong. Bà đang ngồi ngủ trên cái ghế, hai tay buông thõng xuống hai bên. Một tia sáng của ngọn đèn sau lưng bà, chiếu ngang rọi sáng những vết nhăn xung quanh mắt bà. Bà cứ ngồi im thin thít. Cái áo rực rỡ của bà không phù hợp với nét mặt đầy vẻ tuyệt vọng của bà. Bà hoàn toàn yên tĩnh. Trong khoảnh khắc, tôi nghĩ là mẹ tôi dường như đã theo ba tôi về cõi âm.

 

Hôm nay đây, căn phòng cũng đã tối đen như mực. Ánh sáng cuối cùng đã rời bỏ khung cửa sổ. Đêm không có tiếng chim hót, một khoảng không gian rỗng tuếch...

 

Nay là ngày 1 tháng Mười năm 1999, kỷ niệm thứ năm mươi Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Quốc ra đời. Cho nên, muốn có được những cuộc lễ vui chơi an toàn, trật tự và đẹp mắt, công an đã săn bắt hàng ngàn người lao động, từ làng mạc về thủ đô để kiếm sống, và những nông dân nhếch nhác, lôi thôi về thủ đô để khiếu tố, đem nhốt vào các trung tâm giam giữ ở ngoại ô. Những nhà hàng trên đường phố này đã bị bố ráp nên đã mất gần nửa số nhơn viên. Căn hộ nào trong chung cư cũng ngập tràn những tờ giấy cảnh báo của Ban Tổ Chức Ngày Quốc Khánh kêu gọi đừng chứa chấp những khách khứa của tỉnh khác trong tuần lễ liên hệ.

 

Khi đoàn diễn hành qua thành phố, những ai ở trong nhà, trong tửu lầu hay tiệm buôn dọc theo đường phố không được đứng nhìn ra. Nếu ai bị bắt gặp đứng nhìn từ cửa sổ sẽ bị đưa về đồn công an ngay. Như vậy, tối nay những nhà lãnh đạo chánh phủ có thể thưởng ngoạn những cuộc trình diễn trên Quảng Trường một cách an toàn. Mọi thành phần dân chúng trong khu vực đó được yêu cầu ở nhà xem diễn biến cuộc lễ qua truyền hình.

 

Sáng nay, nhà chức trách thành phố đưa một toán lao công đi sơn màu xanh lá cây những chỗ nào có cỏ chết ở dọc đường. Bên ngoài, giờ đây chỉ có công an đứng chận các lối vào chung cư. Điện thoại trong khu xóm đã bị cắt ba ngày nay. Mẹ tôi phải đi gặp những người phụ trách không biết bao nhiêu lần để yêu cầu họ nối lại đường dây, nhưng họ cho biết là không thuộc thẩm quyền của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng rồi mọi chuyện sẽ trở lại bình thường khi cuộc lễ qua đi.

 

Trong vòng hai tháng, từ lúc mẹ tôi được công an thả về, giọng nói của bà nghe già đi rất nhiều. Thay vì mở cho mẹ tôi một con đường cứu rỗi, Pháp Luân Đại Pháp đã làm cho mẹ tôi mất hết sinh lực. Mẹ tôi nay chẳng nói với tôi một tiếng nào hết. Thỉnh thoảng, tôi lượm lặt được đôi ba tin tức qua các cuộc điện đàm của bà.

 

Tôi biết được rằng muốn được thả ra để về săn sóc cho tôi, bà đã phải viết tờ phản tỉnh, cam kết từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp và khai với công an danh tánh những người theo Pháp Luân Đại Pháp mà bà biết. Một hình thức "thật thà khai báo" và chỉ điểm, rất quen thuộc của chế độ. Người ta đã bắt ép bà phải tố giác những bạn đồng môn. Ngoài ra tôi còn được biết trong lúc bị giam giữ bà không ngủ được và tay trái của bà bị gảy vì bị công an đánh đập bằng dùi cui điện. Bây giờ bà chưa đưa cánh tay đó lên cao được.

 

Hôm qua, khi nghe đài phát thanh loan tin Tòa Án Nhơn Dân Bắc Kinh kết tội tín đồ Pháp Luân Đại Pháp, bà kêu trời không thấu. Trong danh sách tội nhơn có tên Thầy Diêu, lãnh mười tám năm tù giam, và sau đó, mười năm mất quyền chánh trị.

 

Mẹ tôi thường đi quanh quẩn trong nhà một cách bực dọc, nhứt là vào lúc khuya. Đôi khi bà đứng ở cửa sổ nhìn đăm đắm, tai lắng nghe tiếng ầm ì của máy móc từ xa, vì người ta đang đập phá và xây dựng, rồi lầm bầm một mình:"Không bao lâu nữa, bọn chúng sẽ kéo tới đây."

 

Hôm nọ, khi Đại Nho gọi điện thoại về, bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng Pháp Luân Đại Pháp là xấu xa, nguy hiểm và bà không bao giờ thực hành Pháp Luân Đại Pháp nữa. Bây giờ, bà chỉ muốn làm bà mẹ tốt và một công dân đứng đắn. Như chừng bà nói cho công an ghi âm điện đàm. Em tôi không phát hiện được sự thay đổi trong giọng nói của mẹ tôi. Nó chỉ khuyên bà nên cẩn thận giữ gìn sức khỏe và hứa sẽ gởi cho bà 500 bảng Anh vào cuối tháng. Nó đâu có biết rằng chừng hai tháng nữa, căn hộ này sẽ không còn.

 

Mẹ tôi thường xua đuổi con chim sẻ, trách mắng nó đã ăn quá nhiều gạo hoặc làm dơ bẩn giường bà. Nhiều khi bà nói với nó, chừng nào mọc lông mọc cánh đầy đủ, vào mùa xuân tới, thì nên bay qua Mỹ đi. Lúc khác, bà cho rằng chim sẻ là hiện thân của bồ tát, cứu người độ thế, rồi bà đốt nhang quỳ xuống khấn vái.

 

Mẹ tôi và tôi cảm thấy sự rung động bên ngoài, trong khi chúng tôi ẩn mình lẫn tránh bên trong, như những con ốc chui vào trong vỏ cứng. Chỉ còn hai ngày nữa tới phiên Macao sẽ được Bồ Đào Nha trả về Trung Quốc, nhưng chẳng thấy Ủy Ban Nhơn Dân Phường yêu cầu mẹ tôi cho đoàn múa quạt của bà trình diễn, như trước kia. Sáu tín đồ Pháp Luân Đại Pháp trong phường đã bị cho đi trại lao cải. Ngoại Bàng được thả một lược với mẹ tôi, và bị gia đình nhốt trong nhà từ đó đến nay.

 

Mẹ tôi chẳng buồn nói tới tôi nữa. Bà cho rằng tôi không có khả năng phản ứng lại những tác động từ bên ngoài. Còn riêng mình thì tôi không chắc gì có thể phản ứng lại những tác động từ bên trong. Cơ thể tôi có vẻ như không còn phản ứng gì với những biến chuyển của tâm trạng tôi hết. Không biết nếu cây cối mà suy nghĩ được thì liệu nó có cảm thấy nỗi buồn của rể và cành lá của nó hay không?

 

Mẹ tôi đóng cửa ở miết trong nhà và thầm lén tập Pháp Luân Đại Pháp. Trước khi kết thúc bài tập, bà âm thầm khấn vái:"Người trần thế bị tiêu diệt vì thói hư tật xấu, chỉ có Ơn Trên mới cứu họ khỏi tai họa. Vì báng bổ Trời Phật nên họ không biết thiện ác, gió thu về sẽ thổi họ tan tác..."

 

Rốt cuộc, Ngoại Bàng cũng tìm được cách để thoát ra khỏi nhà. Từ ngày tập Pháp Luân Đại Pháp, bà lên thang lầu được dễ dàng hơn. Bà khe khẽ gọi cửa nhà tôi:

- Huy Trinh ơi, mở cửa cho tôi vô chút... Cám ơn bà, tôi không còn lên chơi với bà được nữa đâu. Con cái tôi tụi nó canh tôi chằng chằng, suốt ngày đêm. Còn khó hơn công an nữa. Tôi mà đưa tay lên là con tôi cho là tôi sắp tập Pháp Luân Công bèn gạt xuống ngay. Tôi có làm gì được đâu. Bà vậy mà còn thoải mái hơn tôi, bà may mắn chỉ có một mình, muốn cầu nguyện lúc nào cũng được.

- Họ tịch thâu băng và tài liệu hết rồi còn đâu mà tập.

- Con dâu tôi nó để thông tri "Sáu quy định" của nhà nước, cấm mọi chuyện liên quan đến Pháp Luân Đại Pháp, trên đầu giường tôi, bắt phải học cho thuộc. Chỉ khi nào nhắm mắt đi ngủ, tôi mới tập được.

 

Ngoại Bàng kề tai mẹ tôi nói nhỏ:

- Tôi nghĩ là "Con Mắt Thứ Ba" của tôi đã mở. Hôm qua, điểm nằm giữa hai chưn mày của tôi nóng như lửa đốt. Với con mắt đó tôi trông thấy Sư Phụ Lý Hồng Chí ngồi trên đóa hoa sen rồi bay bổng lên trời. Rồi tôi trông thấy bọn thợ xây dựng đi quanh phòng tôi, phía bên kia tường.

- Vậy là dứt khoát bà đã có được con mắt thứ ba thiên lý nhãn rồi. Bà có thể thấy chuyện tương lai được. Bà coi thử tương lai của Đại Vệ ra sao?

- Dường như nó sẽ ngồi lên được, nhưng mắt vẫn nhắm lại.

- Chớ chim sẻ không có cõng nó bay về trời sao?

- Chuyện xa vời khó thấy lắm... Tôi thấy tượng bồ tát đang rung rinh. Tôi nghĩ bà nên dẹp đi. Sư Phụ có nói là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp không được thờ Phật. Tôi không thể nhìn tượng đó lâu được, nó làm cho tôi bị nhức đầu...

- Tiếng người ta đập phá và xây cất làm bà đau đầu, chớ đâu phải tượng Phật kia. Của Cụ Giao cho tôi đó, đâu có dẹp đi được.

 

Ngoại Bàng lật đật kiếu từ ra về vì sợ dâu bà trở về mà không thấy bà là to chuyện. Mẹ tôi than phiền là không còn gặp bạn đồng môn nữa, người thì ở tù, người thì chết trong tù. Toàn là những tin tức không tốt. Mẹ tôi than phiền không tập Pháp Luân Đại Pháp được nữa. Mà không tập thì bà thấy khó chịu trong người. Một bà thì bị con cái kiểm soát khắt khe, hơn cả công an, bà kia thì tuy được tự do, không ai kềm kẹp, nhưng cũng không thực tập Pháp Luân được. Hai bà than rằng thời buổi bây giờ rồi mà đời sống còn khó khăn hơn thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao chủ tịch!

 

Người ta được biết nếu năm tín đồ Pháp Luân Đại Pháp từ tỉnh đi xe lửa lên Bắc Kinh để khiếu kiện với chánh quyền trung ương thì bí thơ tỉnh liên hệ sẽ lãnh đủ. Nên chi, chánh quyền tỉnh hằng ngày cho công an đến nhà ga để kiểm soát, không cho những đương sự lên xe lửa. Nếu có ai chống đối thì công an sẽ đánh cho đến chết. Thậm chí Đại Nho ở bên Anh mà cũng biết tin tức đó qua phương tiện truyền thông.

 

Mẹ tôi than thân trách phận:"Đời tôi, chạy ô mồ mắc ô mã, hết nạn chánh trị này đến hạn chánh trị kia. Cụ Giao giờ nằm nhà pha, có lẽ sẽ chết rong tù..." Rồi mẹ tôi khóc thút thít, lần lần nước mắt giọt vắn, giọt dài. "Có lẽ đã đến ngày tận thế. Trên trần thế này chẳng còn chút đất lành nào! Chúng ta phải cố gắng chuẩn bị đời sống tâm linh cho hoàn hảo để bỏ thế giới này lại phía sau mà giải thoát lên trời cao..."

 

Mẹ tôi đi xuống nhà bếp để rửa cái mặt của bà đầy nước mắt, nước mũi. Xong xuôi trở lên, bà lại hỏi chuyện làm ăn của con cái Ngoại Bàng:

- Cái quán rượu của con trai của Ngoại ở khu đại sứ chắc làm ăn khá, ở đó có nhiều ngoại quốc, họ chịu khó ăn xài?

- Không đâu bà, bây giờ ở đó nhiều "ba" quá nên cạnh tranh cũng hơi gay. Nó bỏ ra cả ba mươi ngàn nhơn dân tệ để đầu tư, nhưng chưa thâu lợi được. Người ta sắp đập phá tòa nhà của mình nay mai, bà có tìm được chỗ nào khác chưa?

- Tôi cần gì tìm Ngoại. Đại Vệ và tôi còn sống được bao lâu nữa. Ở đâu thì cũng ăn nhằm gì.

 

*  *  *

 

Hôm nay làm gì mà mẹ tôi gắt gỏng dữ vậy kìa. Bà đập mạnh vào giường tôi, la lối:

- Thức dậy đi. Mở mắt ra. Tao không thể tiếp tục như vầy hoài đâu. Chán quá rồi, mày chết đâu chết phức cho rồi! Mày không chết thì tao tự vận chết quách cho rồi. Tao sẽ nhảy lầu, sẽ mở bình ga, sẽ treo cỗ, sẽ uống thuốc rầy chết cho nó xong...

Rồi mẹ tôi chụp lấy tấm đắp của tôi quấn lên đầu, lên mặt, khóc tức tưỡi.

- Sao mày không chết đi, khúc cây vô dụng? Tao sẽ đốt căn nhà này...

Tiếng than vãn của mẹ tôi bay theo bụi cát ồ ạt kéo vào, từ chỗ người ta đập phá ngoài kia.

 

Có tiếng đập cửa:"Dì ơi mở cửa cho con vào..." Thì ra bà hàng xóm đến ba điều bốn chuyện. Nào là tại sao mẹ tôi không chịu đưa tôi vào nhà nuôi bịnh, nào là tại sao không kêu Đại Nho về phụ giúp, nào là sớm muộn gì mẹ con chúng tôi sẽ bị tống đi để người ta phá nhà ra làm công viên, làm cơ sở cho Thế Vận Hội 2008, làm siêu thị tối tân hiện đại,... Được biết chủ công trình này là một nhà thầu xây cất Hương Cảng nhiều mánh khóe. Ông ta đưa bà vợ người Hoa đứng ra giao dịch. Bà vợ là người ở phường này trước kia, có quen lớn với chánh quyền cơ sở.

 

Sau khi rủ mẹ tôi đến nhà đánh mạt chược không được, họ ra về, đóng cửa lại, cắt đứt tiếng máy điện đang hoạt động bên ngoài. Xa xa, có tiếng máy ủi đất đang phá bỏ những chung cư bên cạnh. Như vậy là chỉ một vài ngày nữa thôi sẽ tới chung cư của chúng tôi. Rồi tòa nhà này sẽ trở thành công viên tối tân. Mười năm trước đây, từ trung tâm chánh trị của đất nước, tôi đã chạy thoát để rút vào căn hộ của tôi. Nay, sớm muộn gì căn hộ này cũng biến thành siêu thị và công viên. Rồi tôi sẽ rút vào đâu nữa đây?

 

Ngày một ngày hai mẹ tôi như người mất trí. Nhà cửa rối tung cả lên, bà bày tùm lum, không dọn dẹp gì cả. Tôi có cảm tưởng như nhà chẳng còn lối đi vì trên giường tôi cũng đầy giấy tờ... Bà cũng chẳng buồn nấu nướng để ăn. Cứ sáng, trưa, tối đều mì ăn liền bà nuốt. Bà cứ quên đầu, quên đuôi, lúc nào cần gì lại phải đi tìm. Mà bà cứ tìm kiếm luôn, chẳng biết tìm cái gì. Có lẽ bà đang tìm chính bà! Mẹ tôi lúc này không thấy mở máy thâu thanh nữa, cho nên tôi chỉ nghe tiếng động do bà tạo ra hay tiếng nổ của máy điện và máy ủi đất của công trường. Càng ngày càng tiến gần chung cư của chúng tôi.

 

Riết rồi mẹ tôi cũng không buồn tiêu thụ mì ăn liền, bà chỉ ăn dưa chuột, ăn rau cải và những thức ăn làm sẵn. Bà thường thức giấc giữa đêm tối, kêu đói bụng rồi mở máy thâu hình coi tới sáng. Cô y tá săn sóc tôi mỗi tuần kêu là nhà hôi hám quá, hỏi sao mẹ tôi không chịu mở cửa sổ ra. Bà cho biết là sợ chim sẻ bay đi. Cô y tá nói nhà hôi hám quá, còn tệ hơn nhà xí công cộng.

 

Cô y tá hỏi sao người ta phá nhà đến nơi rồi mà mẹ tôi chưa chịu dọn đi. Bà cho biết là đã bảo nhà thầu Hương Cảng là phải bồi thường đầy đủ bà mới dọn đi, chớ làm gì bà có đủ tiền mua nhà mới. Cô y tá cho biết là quanh đây đều phá sập hết, gạch đá tùm lum, trông như bãi tha ma. Mẹ tôi coi bộ mệt mỏi lắm rồi, chẳng thiết làm gì hết. Năm này qua năm khác, vì phải lo cho tôi nên cuộc sống của mẹ tôi nay có vẻ còn tệ hơn tôi.

 

Nay công trường bắt đầu làm ban đêm, như vậy là gấp rút rồi. Người ta bắt đầu cúp nước, cúp điện chung cư, một cách để đuổi những người cứng đầu cứng cổ không chịu dọn đi. Mẹ tôi không chịu dọn đi thì làm gì nhận được tiền bồi thường.

 

Vì mẹ tôi mất hứng thú trong cuộc sống nên cảm thấy chán chường và bất hạnh vô cùng. Nên chi bà muốn tìm lại những kỷ niệm xưa. Bà tung hết giấy tờ và thơ từ cũ để tìm cái gì đó. Con người không còn biết gì phải làm nữa thì thường đi tìm kỷ niệm xưa, để tìm chút an ủi.

 

Viên chức phụ trách việc tái định cư năn nỉ mẹ tôi:

- Xin bà vui lòng ký hợp đồng giùm cho tôi. Tôi có người vợ tật nguyền ở nhà đang chờ tôi về săn sóc.

- Tôi chỉ dọn đi khi nào các ông chịu bồi thường như những người láng giềng của tôi. Tại sao tôi phải chịu phạt vì hành động của con tôi? Tôi đã tận tụy suốt đời tôi cho Đảng, nay tôi già yếu rồi, người ta lại muốn lấy nhà của tôi.

- Tội nghiệp tôi mà bà! Lương tháng tôi đâu có bao nhiêu, nếu bà chịu dọn đi thì tôi được tiền thưởng.

- Ông mất thì giờ vô ích. Tôi chẳng bao giờ chịu ký tên đâu. Nếu mấy ông cố tình tống cổ tôi đi thì tôi sẽ tự vận tại Thiên An Môn hoặc tôi sẽ nhảy qua cửa sổ chết cho coi.

- Bà nên nghĩ lại đi. Nếu bà cứ ở lì thì mùa đông tới làm sao bà sống được nếu không điện, không nước, không sưởi ấm? Hơn nữa, nhà thầu Hương Cản còn hứa thưởng tiền nếu bà chịu dọn đi...

 

Điện thoại reo vang, mẹ tôi đuổi viên chức phụ trách việc tái định cư ra về để bà nói chuyện điện thoại.

- A lô! Thiệt sao? Như vậy là đẹp rồi, bác có lời chúc mừng!... Căn nhà này sắp bị phá sập. Cả xóm đã dọn đi hết rồi... Bác chưa biết thế nào. Nhà mới nhiều tiền quá...

Bỏ điện thoại xuống mẹ tôi lầm bầm:"Không biết con nhỏ này muốn gì? Sắp lấy chồng rồi mà vẫn còn nghĩ tới mày! Đúng là lối sống tiểu tư sản."

 

Có thể là Thiên Nghi vừa nói chuyện điện thoại với mẹ tôi. Nàng sẽ lên xe hoa vào dịp lễ Giáng Sanh này.

 

Mỗi khi ra khỏi nhà, mẹ tôi thường ngồi bên ngoài hàng mấy tiếng đồng hồ. Nếu ai có hỏi thì bà nói ngồi chờ để đi sang Anh với Đại Nho. Bà lẫn lộn Thầy Diêu với ba tôi. Bà thắc mắc tại sao người đàn ông nào bà quen biết cũng bị đi tù. Bà cho rằng cái chết oang uổng của ông ngoại tôi đem lại tai họa cho bà.

 

Mẹ tôi đã hoàn toàn lú lẫn, nói và làm những chuyện đâu đâu. Có hôm bà "từ giả tôi để đi với ba tôi sang Mỹ". Bà hay trang điểm lòe loẹt phấn son, như đào kép sắm tuồng. Đôi khi bà rất dịu hiền với tôi, vuốt ve yêu thương. Sau đó từ giả tôi rồi khép cửa ra đi, chẳng biết đi đâu. Căn hộ nay chắc như hoang tàn. Nó cũng như tôi, chỉ còn cái xác chớ bên trong thì hư hỏng hết rồi!

 

Hôm nay, đường dây điện thoại đã bị cắt. Căn hộ như đã chết đi. Mẹ tôi cứ quay tới quay lui cho tới khi nào bà nhớ ra rằng đường dây đã bị cắt. Đất cát bụi bặm bên ngoài làm cho bầu không khí nhuộm màu vàng đất. Bao nhiêu tòa nhà đã năm mươi tuổi đời, bao nhiêu tường gạch màu đỏ ngả đổ xuống đất từng mảng một.

 

Ngoại Bàng gọi cửa:

- Huy Trinh ơi, mở cửa cho tôi chút, Ngoại Bàng đây!

- Bảo cát dữ quá hả Ngoại?

- Đâu phải, cát bụi từ công trường đó chớ. Tôi lên cho bà hay là chiều nay gia đình tôi dọn đi. Mai mốt rảnh tôi sẽ tới thăm bà.

- Còn tôi vẫn chưa biết sẽ dọn đi đâu nữa.

- Nhà bà là cuối cùng, phải nhanh lên vì họ sẽ cúp hết điện, nước, bà ở sao được.

 

Tôi nghe có tiếng người lên cầu thang, ngừng lại trước cửa nhà tôi. Một người lớn tiếng nói với mẹ tôi:

- Bà là người cư ngụ bất hợp pháp. Mọi người trong chung cư này đã dọn đi hết, chỉ còn mình bà. Chúng tôi nói cho bà biết lần chót. Trong ba ngày nữa tòa nhà này sẽ bị phá sập. Nếu bà không dọn đi thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

- Các ông là ai? Tôi không có ký tên vào bản thỏa hiệp phá hủy thì các ông không có quyền ra lịnh trục xuất tôi.

- Chúng tôi biết bà chưa ký. Tòa nhà nào cũng có người ngoan cố như bà. Rốt cuộc rồi họ cũng phải đi thôi.

- Đây là lần cảnh cáo cuối cùng!

Nói xong, họ lạnh lùng bỏ đi.

 

Chiều tối ngày lễ Giáng Sinh. Đầu óc tôi nghĩ vẫn vơ, nghĩ tới phương trời bên kia, Thiên Nghi sắp làm lễ cưới. Chiều hôm đó, mẹ tôi cũng sắp sửa va ly rồi đi ra khỏi nhà. Một người thợ công trường đưa bà về vì ông thấy bà kê đầu trên chiếc va ly nằm ngủ giữa đoàn xe tải và máy ủi đất đang hoạt động trên công trường. Hệ thống sưởi ấm đã tắt. Tòa nhà như một cái thùng rác trống không nằm trên bãi tuyết.

 

Bây giờ bên Mỹ đang buổi sáng. Có lẽ chuông nhà thờ đang ngân vang. Thiên Nghi chắc là mặc áo cưới màu trắng, vạt áo phết dài dưới đất. Chắc là nàng đang chụp ảnh bên cạnh những bó hoa. Thế nào nàng cũng bức vài cánh hoa vào lòng bàn tay. Không biết có bạn bè nào dự lễ cưới không? Tiếng tường bị ủi ngả nhào, gạch đá rơi lung tung càng lúc càng gần làm cho tôi tỉnh mộng, những hình ảnh đám cưới trong tưởng tượng của tôi cũng tan biến luôn.

 

Ánh đèn của công trường rọi sáng làm cho đêm đen sáng như ban ngày. Những người thợ xây dựng đang đập phá bao lơn nhà bên cạnh. Cả tòa nhà rung động và một phút sau, tôi nghe bao lơn nhà tôi rơi xuống đất. Bụi đất và cát bay mù, lọt cả vào phòng tôi. Mẹ tôi la lên:

- Bao lơn nhà tôi, mấy người không có quyền rớ tới!

Bà ho sặc sụa vì bụi bặm mù trời, rồi cầm đèn bấm mở cửa bước ra. Mấy người thợ la to:

- Lui vào bà ơi, nóc nhà sụp xuống bây giờ!

- Sao lại phá nhà tôi? Con tôi còn nằm trên giường mà!

 

Thầy thợ tiếp tục phá những nhà xung quanh, còn chừa căn hộ của chúng tôi. Tòa nhà rung động, cái giường sắt của tôi dường như cũng di chuyển. Tôi có cảm tưởng như lỗ tai tôi muốn nổ tung.

 

Mười năm trước đây, tôi có hứa với mẹ tôi sẽ đưa bà đi Mỹ và thỏa mãn ước nguyện của ba tôi muốn được yên nghĩ trong lòng đất tự do. Mẹ tôi có thể tự do sinh sống dưới ánh sáng mặt trời, trò chuyện cùng bạn bè và làm gì tùy thích... Bây giờ thì... Mẹ tôi hỏi mấy người thợ:

- Mấy người có dám vi phạm quyền của một công dân Trung Quốc khi quốc kỳ đang phất phới tung bay không?

 

Tôi nghĩ là mẹ tôi đã đem cây cờ Trung Quốc mà tôi đã lấy trong những ngày tranh đấu trên Quảng Trường đem ra phất trước mắt những người thợ. Mấy người thợ la lên:

- Để cây cờ xuống, bà ơi và lui vào trong đi. Bà đang chiếm ngụ tài sản nhà nước bất hợp pháp.

Mẹ tôi tiếp tục phất cờ và hô to:"Nhơn dân sẽ thắng! Đả đảo quân phát xít!"

 

Máy ủi đất tấn công vào tòa nhà như một chiếc xe tăng quân đội đang tiến tới, làm cho tường và sàn nhà rung động. Xe ủi đất qua xong là xe hốt gạch đá vụn cào hốt ném lên xe tải đem đi. Xe ủi đất đâm vào tường nhà nhiều lần khiến cho nó lung lay, rồi bao lơn mất điểm tựa phải đổ nhào. Ổ chim sẻ cũng rơi rụng theo.

 

Mẹ tôi kêu la ầm ỉ:

- Đây là nhà của tao, quân phát xít! Bây tiến tới nữa là tao nhảy xuống lầu tự tử.

- Nhảy đi má, sẵn có xe hốt đất đây, hốt má luôn. Như vậy chúng tôi đỡ khổ.

Giờ đây toàn thể khu nhà chỉ còn lại mỗi mình căn hộ của tôi. Xung quanh đều bị phá tiêu tan hết. Căn hộ chúng tôi đứng trơ trọi, như một ổ chim lủng lẳng trên cành cây. Tôi cảm thấy nó đu đưa theo đà gió thổi!

 

Mẹ tôi bước ra thềm nhà trơ trọi chơi vơi, nhìn xuống cái bao lơn hiện nằm cùng với đống gạch đá dưới đất. Cái bóng của bà đong đưa trong mắt tôi. Máy ủi đất làm sập một mảng tường đánh ầm một cái, bà hoảng hồn thụt lùi lại phía sau. Mẹ tôi bám vào thành giường tôi, ngồi bệt xuống đất oà lên khóc. Bà ôm lấy hũ tro cốt của ba tôi và cả hũ chưa có gì hết, mà bà đã mua trước cho tôi. Xong bà bước ra thềm lần nữa và liệng hai cái hũ xuống ánh đèn soi sáng công trường rồi nói to:"Cuối cùng ông đã được giải thoát! Hãy nhanh chóng bay đi..."

 

Một người thợ đang phá nhà bên cạnh, thò đầu nhìn vào nhà tôi, rồi la lên:

- Trời ơi, bà này điên hay sao, kêu người cai công trường ngay! Bà ấy mà chết là mình mất tiền thưởng đó.

Mấy người thợ nữa đổ vồn vào phòng tôi, đèn bấm của họ soi sáng cả căn phòng:

- Trời bà ấy đã bất tĩnh rồi. Đưa bà ta đi nhà thương và đưa cậu này đi luôn. Mau lên!

Người ta khiêng mẹ tôi đi, miệng bà vẫn còn lẩm bẩm:"Tôi muốn kiến nghị! Tôi muốn biểu tình! Đả đảo tham nhũng!"

 

Mẹ tôi đã mê man, miệng cứ nói chẳng biết nói gì, cứ lập đi lập lại hai tiếng "đả đảo..." Những người khiêng mẹ tôi và tôi khuyên bà nên bình tĩnh và thông cảm. Họ nói rằng những người thầu xây cất của Hương Cảng đều có ăn chịu với nhà nước, cho nên nếu bà cứ xử sự như vầy, thì chẳng khác nào tự đào hố chôn mình thôi, chẳng đi đến đâu hết. Được biết bà chủ công ty xây cất này không ai khác hơn là Lỗ Lộc, trước kia đã ở khu này.

 

Thì ra Lỗ Lộc, cô bạn gái ngày xưa thân ái của tôi, đang xây cất trung tâm thương mại này, trong chương trình nâng cấp thành phố thủ đô, đón mừng Thế Vận Hội 2008. Nghe tên Lỗ Lộc, đầu óc tôi lại ngược về dĩ vãng, với những giây phút điên rồ của thời thơ ấu. Tôi nhớ những chuyện vui buồn thời xa xưa, nhớ Lỗ Lộc và tôi đã ngây thơ tình tự trong ống cống, nhớ việc tôi đã chép cho nàng chuyện khiêu dâm làm cho Lỗ Lộc phải bị vạ lây,...

 

Tôi cảm thấy ánh sáng của buổi bình minh rọi vào mí mắt khép kín của tôi. Thân xác tôi như một cái ổ chim đã rơi xuống đất, rã rời. Tất cả những gì còn lại của bản thân tôi là một bộ xương sườn, làm căng phồng một túi da bao bọc các cơ phận trong người tôi...

 

Con chim én đã trụi hết lông. Nó lang thang như con ốc đã mất hết vỏ cứng bên ngoài. Nó ngừng lại, ngó quanh quất, như tìm một cái gì. Nó còn có mỗi một cái cánh, quờ quạng cào lên da bụng tôi. Rồi nó trèo lên gối tôi, chui vào cổ tôi và nằm sải cánh trên ngực tôi. Chỗ cánh nó cào trầy da bụng tôi lúc nảy thấy đau đau. Có lẽ hệ thần kinh của tôi bắt đầu hoạt động rồi chăng... Không biết mắt tôi có mở ra được hay không. Tôi chỉ thấy được những tia sáng, giống như ánh sáng rải rác trên mặt hồ, khi ai đó múc ánh trăng vàng đổ đi.

 

Tôi thấy một công viên, một vùng đất bằng đầy dẫy gạch vụn, ngói bể, bụi, cát và đất. Ngay trung tâm công viên, không phải là tượng đài kỷ niệm mà lại là tôi với cái giường sắt, nằm bên trong tòa nhà đã bị cắt xén, giống như trái lê, có người đã cạp chỉ còn cái lõi.

 

Ánh sáng ban mai màu bạc trắng, hứa hẹn những dự kiến mới. Nhưng hôm nay đây là ngày đầu của thiên niên kỷ hai ngàn, nên bình minh có vẻ rực rỡ hơn. Dẫu cho sương giá mùa đông chưa xuất hiện, vậy mà cơn gió thoảng thổi qua mặt làm cho tôi thấy ớn lạnh.

 

Sương sớm ban mai, từ dưới đất chưa bốc lên được như hôm qua. Thay vì vậy, từ trên cao không khí buổi sáng đã là đà rơi xuống, vướng trên ngọn cây, lần hồi xuyên qua cành lá, phớt qua bức thơ dính máu của tôi bị kẹt trên nhánh cây.

 

Trước khi con chim sẻ đến, tôi đã quên mất chuyện bay bổng. Thế rồi, mùa đông vừa qua, chim kia bay qua vòm trời, sau đó đáp xuống chỗ tôi, hay đúng hơn là đậu trên bệ cửa sổ. Nhưng nó không bay đi mà nhảy vào bên trong và xù lông lên. Rồi nó bay vào buồng tôi, đậu trên ngực tôi và nằm yên ở đó.

 

Tôi cảm thấy máu trong người ấm hơn lên. Bắp thịt ở hố mắt tôi rung động, nước mắt chảy ra. Nước miếng bắt đầu rịn ra trong miệng tôi rồi chảy xuống bao tử. Những cơ bắp cuống họng, yên nghỉ bao nhiêu năm nay, giờ bắt đầu hoạt động trở lại. Một tín hiệu giống như tia điện, phát nhanh ra từ tế bào vỏ não, chạy xuống tủy sống chí đến đầu ngón tay. Dấu hiệu gì đây?

 

May ra, tôi sẽ không còn phải lệ thuộc vào ký ức để sinh sống qua ngày nữa, mà sẽ sống với thực tại. Đây không phải là một thoáng hồi dương để rồi mãi mãi đi vào vùng trời đàng sau cửa tử. Mà là một khởi điểm mới. Thế nhưng, có một thắc mắc khác cho tôi, là một khi thoát ra được nấm mồ nhục thể này, có còn lại chỗ nào để tôi đi tới hay không? Hay là tôi chỉ thoát được cơn hôn mê của bản thân để rồi lại chui vào một giấc đê mê khác của quần chúng nhơn dân Trung Quốc chăng?

 

-- HẾT --

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.