.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:

Bắc kinh,
một thuở hôn mê (2)

Đến đây, tiềm thức của Đại Vệ nhảy sang một bối cảnh khác. Tâm tư Đại Vệ trở về cái đêm hè xa xưa mà cha mẹ nó sum họp nhau. Diện mạo của bà mẹ có vẻ tức giận, hai khoé miệng nhăn nheo, mồ hôi giọt vắn, giọt dài giữa cặp chưn mày. Ngọn lửa của cây đèn cầy đỏ cháy lung linh, bập bùng, khi nghiêng bên này, lúc ngả bên kia, tùy theo cơn gió của mấy cái quạt trên tay hai ông bà. Người cha, không có quạt, cầm lấy một tấm giấy bìa cứng mà phe phẩy. Làn gió không mạnh gì mấy, nhưng khi thổi qua mặt, Đại Vệ cũng thấy mát dịu. Hình bóng trên tường rung rinh, chập chờn, như cảnh tượng của một cuộn phim cũ bị trầy, chiếu lên màn ảnh, treo ngoài trời bị gió đẩy đưa.

Hình ảnh kế tiếp không phải của người cha Đại Vệ mà của Lỗ Lộc, cô bạn gái có làn da thơm mùi cây của viết chì mới chuốt và mùi gôm bôi xóa nét vẽ trên giấy. Khi dung nhan của Lỗ Lộc mới xuất hiện thì có một tiếng súng, rồi mọi thứ lại trở nên im lặng. Đường phố vắng tanh. Một chiếc xe đạp vụt ngang qua. Băng khẩu hiệu màu vàng, màu đỏ căng đầy giữa những trụ điện thoại dọc theo đường. Khách bộ hành qua ngang, tay khoanh trước ngực, khạc nhổ trên lề đường...Bây giờ là một ngày lạnh mùa đông. Lỗ Lộc chạy nhảy trên lề đường, vừa chạy vừa đá cái nắp chai. Bím tóc đen xỏa xuống hai bên mặt và chiếc cặp nhảy qua nhảy lại trên lưng trong khi cô bé di chuyển. Cô mặc cái quần xanh dương và mang đôi giày vải. Cô nhảy qua nhảy lại, đuổi theo cái nắp chai đang di chuyển trước mặt. Mỗi khi mất thăng bằng, cô dang hai tay ra như cánh chim rồi run rẩy mấy ngón tay bé tí. Cô cố gắng đá mạnh cái nắp chai, nhưng vì cái nắp dẹp quá, không đi xa được.

Bên này đường, Đại Vệ cũng chạy theo Lỗ Lộc. Cái củ cải mà Đại Vệ đang đá cũng chẳng chạy nhanh gì hơn, ít gây tiếng động hơn cái nắp thiếc của cô gái. Muốn cho cô bé để ý, Đại Vệ đá củ cải vào một cái cổng rồi quẹt đất ở đế giày nghe rồn rột trên một thỏi sắt dưới cửa.

Hai đứa bé tan học về. Mặt trời rọi phía sau lưng. Những cái bóng của hai đứa và của hàng cây bên đường trải dài trước mặt trên lề đường. Rồi bóng tối chụp xuống làm cho Đại Vệ khiếp sợ, bỏ Lỗ Lộc đứng một mình trên đường rồi chạy nhanh vào nhà.

Bóng đêm thường đến bất chợt. Từ bên dưới chiếc xe ba bánh và từ bên kia góc đường, bóng tối lù lù đến, xóa sạch lúc nhá nhem. Đại Vệ phải lần mò tìm đường về nhà. Nhưng lúc nào bóng tối cũng biết đường đi nước bước của Đại Vệ và cứ chạy theo. Đại Vệ càng chạy, bóng tối càng đuổi theo. Không còn thấy rõ mặt mày gì hết. Thân hình Đại Vệ như thu lại trong bóng tối. Cửa vào khu chung cư mở rộng cái miệng đen thui đón cậu bé. Nó biết là phải chạy qua đó mới về tới phòng được. Đôi khi chỉ có một ánh sáng lờ mờ trong đường lên cầu thang, leo lét đến đổi Đại Vệ còn thấy được mấy chiếc xe đạp dựng theo lan can và các khẩu hiệu của Chủ Tịch Mao viết trên tường. Thường thì chẳng có ánh sáng gì hết, vì dân chung cư có thói quen ăn cắp bóng đèn nếu không ai thấy và vì đèn bấm của Đại Vệ thường hết pin nên cậu ta phải leo cầu thang trong bóng tối. Cậu bé rất ghét bóng tối, một thứ gì bao la và không sờ mó được.

Khi tới được cửa nhà, tóc gáy dựng đứng, Đại Vệ gọi mẹ ơi, mẹ hởi ỏm tỏi. Nếu Lỗ Lộc đã về rồi thì từ căn hộ từng dưới, cô nàng sẽ ló đầu ra dòm và tạo ra những tiếng động kỳ quái làm cho Đại Vệ sợ. Đôi khi Đại Vệ chỉ trông thấy được cặp đùi và một nửa mặt của cô ta. Lỗ Lộc biết hết nỗi sợ và nhược điểm của Đại Vệ. Đại Vệ không ưa Lỗ Lộc. Có lúc cậu ta qua ngang căn hộ, sẵn chưn đá vô cửa cho bõ ghét. 

Khi cả hai lên chín mười tuổi gì đó, mẹ Lỗ Lộc, nhơn viên kế toán cho đoàn văn nghệ, đem cô bé đi đâu suốt mùa hè. Khi gặp lại ngày đầu tựu trường, mặt cô ta rám nắng. Người con bé lớn nhanh như nấm gặp mưa, nhưng cái đầu thì vẫn vậy. Coi như cái đầu được đem gắng qua thân hình của một người nào khác.

Trên đường đi học, nhờ hai chưn dài nên Lỗ Lộc lúc nào cũng đi trước Đại Vệ. Cái váy đỏ dài tới đầu gối và băng tay đỏ Thiếu Niên Tiền Phong trên cánh tay trái, cô bé đi rất khoan thai. Đại Vệ nhìn những cánh hoa in trên chiếc váy rung rinh trên mông của Lỗ Lộc. Trên con đường thẳng chạy xuyên qua khu đất trống, Đại Vệ không thể nào theo kịp cô bé. Cứ nghe Đại Vệ đến gần là cô nàng lại bước nhanh hơn. Chỉ khi nào cô bé đi trên con đường nhỏ quẹo ra lộ chánh thì may ra Đại Vệ mới bắt kịp. Lúc nào Lỗ Lộc cũng dừng lại ở đó và ngoái đầu nhìn lại coi Đại Vệ còn phía sau hay không nên Đại Vệ chớp lấy cơ hội mà chạy nhanh tới. Có lần khi quay lại, nàng liệng cho Đại Vệ một quả mận, nhưng cậu ta lại bắt hụt. Trái mận đỏ lăn dài trên đường mòn, rồi ngừng lại. "Đồ ngốc! Hèn gì đằng ấy không được gia nhập Thiếu Niên Tiền Phong." Nhưng, Đại Vệ đâu có nghe những lời đó, chỉ nhớ là hàm răng cô nàng rất trắng đẹp...

*  *  *

Bóng dáng của Lỗ Lộc lu mờ rồi tan biến đi, Đại Vệ chỉ còn trông thấy trái mận đỏ lăn lăn trên lề đường... Đại Vệ nhớ lại trận động đất ở Hoa Bắc hồi 1976, trước khi Chủ Tịch Mao từ trần mấy tuần lễ. Khi đó Đại Vệ bắt đầu lên trung học. Ông Đại Trường Tiết, ba của Đại Vệ, được trại lao cải Sơn Đông cho đi phép một tháng để về chăm sóc gia đình ở Bắc Kinh. Dẫu cho chấn động ở thủ đô cũng nhẹ nhưng mọi người đều được khuyến cáo là nên ngủ ngoài trời trong vòng một tháng, đề phòng những cơn hậu chấn. Những người ở chung cư đoàn văn nghệ Opéra phải tạm trú trong một nhà lều lớn, được dựng lên trên khu đất trống. Vợ chồng, con cái nhà Đại Vệ ngủ chung trên một cái gường. Đại Vệ nằm ngủ bên cạnh người cha, gần đến đổi hai lỗ mũi đụng nhau. Có một đêm trời mưa, giọt nước đập mạnh trên mái lều bằng vải nhựa, người cha nhìn chằm chằm Đại Vệ, đôi mắt lộ vẻ sợ hãi, thì thầm:"Đừng đến gần cái cây. Người ta sẽ ghi tên mày. Nên nhớ mày là con của một tên hữu khuynh thì phải biết lo phận mình, như chó cụp đuôi."

Cái cây, mà ba của Đại Vệ nói, cách xa cái lều của gia đình chừng một trăm thước. Mấy ngày sau khi Mao chết, có ai đó treo hình nộm của bốn nhà lãnh đạo Ủy Ban Trung Ương Đảng trên cành cây. Ba Đại Vệ đâu biết được rằng một hôm đi học về, cậu con đã chen vào đám đông đang bu quanh cái cây để xem qua cho biết. Có ba hình nhơn đàn ông mang tên Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diệu Văn Nguyên, và một đàn bà tên Giang Thanh. Bốn hình nộm đó đong đưa theo cơn gió.

Đại Vệ chẳng còn nhớ bao nhiêu về thời gian một tháng sống trong nhà lều. Nhưng nó không sao quên được một bữa ăn chung cả gia đình. Có gà chiên và rượu bia. Ba nó xào một chảo mì to tướng. Ông thêm vào đó một ít nấm khô mà ông đã mua trong trại lao cải. Trong mì có đầy cát, nhưng bay mùi thơm cả căn lều. Đang tay trộn chảo mì, ông quay mặt đỏ gay nhìn Đại Vệ mở một nụ cười hiếm có. Đại Vệ còn nhớ kỳ về phép vài ba ngày trước kia, ông đã bợp tai nó đau điếng về tội xé một bích chương viết tay.

Kỳ đó trong bữa họp hàng tuần của chung cư. Ba nó đang đờn cho đám trẻ con hát một bài ca cách mạng. Vài ba phút sau đó, bà chủ tịch phường đứng lên phát biểu:"Xin phụ huynh nhớ cho con cái dự sinh hoạt văn hóa mỗi chủ nhựt." Rồi bà chỉ vào bản yết thị bên cạnh cửa ra vào và lưu ý:"Ai đã xé mất một góc bích chương đại tự phê bình Lâm Bưu và Khổng Tử. Ai làm vậy?"

Đại Vệ buột miệng xưng tên. Mọi cặp mắt nhìn nó rồi nhìn ba nó. Một thoáng sợ hãi lướt qua mặt ba nó. Ông đang ngồi dưới cái cây to, ai cũng trông thấy. Ông bỏ cây vĩ cầm xuống, hai tay nắm chặt lại. Dựng đứng Đại Vệ lên, mẹ nó hỏi:"Tại sao mày làm vậy?" Gương mặt sợ hãi của ba nó xám xịt, nó nghĩ rằng ai mà nễ một con người có dáng điệu hèn nhát như vậy. Nó mạnh dạn cho biết lý do:"Mắc tiêu quá mà không có giấy nên tôi đả xé một góc bích chương." Một đứa con trai khác cho biết:"Tôi cũng có xé. Nó thọt tay vào túi và lôi ra một cục giấy vo tròn rồi lấy ra một phù hiệu có hình Chủ Tịch Mao được gói kín trong đó, đưa cho mọi người xem. Cần cổ bẩn thỉu của thằng bé bắt đầu đỏ lên.

Bà chủ tịch hắng giọng rồi khạc nhổ xuống đất. Bà nói với ba của Đại Vệ:"Ông Triết này, là người hữu khuynh, ông nên để ý đến chuyện giáo dục hệ tư tưởng các con, đừng để cho tụi nó đi theo con đường của ông. Còn bà Huệ Trân, bà cũng nên nghiêm khắc với đứa con trai nhỏ của bà. Người ta đã thấy nó phá chuông xe đạp mấy lần rồi."

Hai tay xoa vào nhau, người cha nhún nhường đáp lại bà chủ tịch phường:"Thưa bà chủ tịch, tôi biết rằng hệ tư tưởng của tôi cần phải chỉnh lại. Tôi muốn học tập ở những người như bà chủ tịch, đã có ý thức chánh trị cao." Nói xong, ông Triết đứng lên, bước lại chỗ Đại Vệ và tát vào mặt thằng con một phát tá hỏa tam tinh. Lỗ Lộc, đứng cạnh Đại Vệ, hết hồn, phải nhảy lùi ra sau. Đại Vệ run điếng người. Cái tác bất ngờ và mạnh đến đổi Đại Vệ nghe thấy như một tiếng sấm.

Đại Vệ cảm thấy ghét người cha quái gở. Thầy giáo của nó có nói dẫu cho ba nó có được phục hồi đi nữa thì nó cũng không làm sao vào quân đội được. Nó muốn cho công an đến ngay và lôi ba nó trở lại trại lao cải phứt cho rồi.

*  *  *

Đại Vệ đắm mình trong hồ nước nóng của nhà tắm công cộng. Trí nhớ của nó dường như đờ đẫn và lộn xộn như rác rến trong thùng...Hôm đó một đêm lạnh mùa đông. Cái áo bông ấm choàng trên vai, nó lội bộ đến nhà tắm công cộng, mang theo cục xà bông và cái khăn mặt đựng trong một cái túi chỉ ny-lon. Nó thường dẫn thằng em theo, nhưng lần này nó đi một mình. Nó định tối nay sẽ trầm mình trong nước nóng và ngâm trong đó một lúc thay vì len lén bước vào rồi nhanh chóng nhảy ra, như nó thường làm.

Nó liếc nhìn mớ hạt dẻ nướng trên cái chảo của người bán bên ngoài cửa nhà tắm và hít vào mùi thơm phưng phức. Ngay lúc nó sắp vào nhà tắm, một mùi thịt trừu nướng bay lên đến ngợp mũi. Mùi thơm làm chảy nước miếng, khiến nó phải dừng chưn lại mua một xâu thịt. Nó rắc bột nghệ lên thịt trừu rồi ngồi ăn trên ghế cây nhỏ, dưới ánh đèn đường.

Nó lấy tiền bán ve chai, mà mẹ nó để cho nó giữ làm tiền túi xài vặt, để trả tiền mua thịt nướng. Kể từ khi cha nó qua đời, mẹ nó thường cho nó số tiền nhỏ để làm tiền túi.

Một cơn gió mạnh thổi lên ở góc đường bên kia. Dường như gió chẳng chịu ngừng.

Nó nhìn đăm đăm cái đèn bên kia đường. Phần đường được soi sáng có vẻ rộn rịp hơn những chỗ khác. Mái che của người bán hàng kêu sột soạt cùng với cơn gió. Không khí dưới mái hiên thơm mùi đường khét, mùi thịt trừu và mùi than. Những người đi làm về ghé qua mua mấy hộp đậu hủ chiên.

Đàng sau Đại Vệ là một cửa hiệu thắp đèn sáng rỡ, chưng đầy những hình đám cưới. Người nông dân ngồi xổm phía dưới tủ kiếng, bẻ cổ áo da trừu lên và khòm vai chống lại cơn gió. Đại Vệ chỉ có thể trông thấy cái mặt của hắn ta, với cặp mắt lóng lánh. Hắn ta bán một rổ lớn củ cải đỏ. Củ cải được chẻ đôi ra và được xếp trên đầu màu đỏ tươi như trái tim của mấy con trừu.

Sau khi ăn xong xâu thịt, nó đẩy tấm màn lớn treo ngang lối vào nhà tắm và bước vào bên trong phòng đợi. Cấp thời làn da của nó dịu mềm trong bầu không khí ấm áp và ẩm ướt. Có một mùi thơm của kem bị ẩm mốc làm nó cay mắt và sau đó là một mùi hôi làm nó nhớ lại da heo luộc. Vừa mới ăn quá nhiều thịt trừu béo ngậy, bây giờ bụng nó thấy khó chịu và buồn nôn.

Trong phòng đợi, có hai bức hình to lớn của Chủ Tịch Mao và Thủ Tướng Hoa Quốc Phong. Bên dưới là một cái hộp mới sơn màu đỏ, trong đó người ta niêm yết báo cáo về những hành vi chánh trị sai quấy và những hành động thiếu tư cách đạo đức. Bên cạnh cái hộp, hai người đàn bà đang soi gương, chải tóc ướt. Một ít nước, lớp thì chảy nhỏ giọt xuống đất, lớp chảy xuống lưng áo màu vàng và trắng. Những người phụ nữ khác sắp hàng phía sau, chờ kiếng để chải đầu. Bọn đàn ông không cần để ý đến dáng vóc bên ngoài. Khi ra ngoài phòng đợi, họ chỉ cần lúc lắc cái đầu, lấy mấy ngón tay rẻ sơ mái tóc ẩm ướt, rồi bước ra ngoài trong cái lạnh.

Sau khi mua vé, Đại Vệ cởi quần áo ra, đi đến hồ nước nóng. Hơi nước màu trắng bốc lên từ mặt nước. Nó tìm một chỗ gần cửa ra vào, cắn răng lại và tuột xuống nước. Nó khoả nước nóng lên mặt và lên vai một cách bình tỉnh và khoan thai, làm ra vẻ như ta đây đã làm như vậy nhiều lần trước kia. Đúng như nó dự đoán, những người khác trong hồ liếc qua nhìn nó một cách tò mò khi nó lặn sâu xuống nước. Họ nhìn cặp giò của nó, chòm lông mới vừa lún phún mọc ở bộ phận sanh dục, rồi nhìn ở núm vú nhỏ mà mét chằng của nó.

Như vậy là nó đã toại nguyện, nay nó đã thành người lớn, không còn phải là đứa con nít, sợ nước nóng. Hai thằng con trai nhỏ hơn nó chừng một hai tuổi gì đó, ngồi phía bên trái nó, nói năng tùm lum. Nó chẳng thèm đếm xỉa gì mấy đứa đó vì nay nó đã lớn và người lớn thì lúc nào cũng tắm yên lặng.

Khi trần truồng, người ta ít nói chuyện với nhau vì người ta đã lột bỏ hết cá tính. Thường thường mình có thể nhìn cách chảy tóc của một người nào đó để đoán biết tình trạng của đương sự, nhưng ở nhà tắm thì ai cũng có mái tóc bóng láng chải ra phía sau. Dấu hiệu duy nhứt là cái khăn trắng giống nhau cầm trên tay cùng với những cục xà bông đủ cỡ.

Mùi nước tiểu và mùi chưn dơ xông lên cùng với hơi nước bên trên hồ. Thỉnh thoảng một cơn gió thoảng lọt vào cửa sổ, làm cho phổi của nó hít thở được chút đỉnh. Ông ngồi cạnh nó đứng lên, cái mông của ông rung rinh, rồi leo lên khỏi hồ nước. Cái khăn mặt của ông để lại một lằn đỏ chạy quanh người ông, đã đỏ sẵn vì hơi nóng. Lão già gầy gò ngồi đối diện với nó, lấy tay xoa dài hai bấp vế. Da của ông có cùng màu như màu Jambon trên quày ông hàng thịt ở chợ địa phương. Khi vắt cái khăn tay, nét mặt ông có vẻ hơi thư thả. Đúng kiểu cách của một người đi nhà tắm thường xuyên, ông ta ít khi nhìn thẳng vào mắt ai. Ông đi đứng một cách tự nhiên và thoải mái làm cho những người khác trong nhà tắm có cảm tưởng như mình là khách của ông ấy. Rồi ông bước ra khỏi hồ nước, đi đến một cái bồn tắm rộng lớn, có nước nấu nóng hơn nữa. Ông bước vô chậu nước đó không chút ngại ngùng và ngâm mình trong nước nóng đó trong mấy phút, thỉnh thoảng thở dài để biểu lộ sự khoan khoái.

Đại Vệ nhìn xuống phía dưới xuyên qua lớp nước và thấy bộ phận sanh dục của nó như phồng lên to. Toàn bộ thân xác nó thấy cũng to lên. Chưn nó có vẻ như rời xa cái đầu nó. Da nó căng dài ôm sát mấy khớp xương. Nó hiểu ra rằng, giống như ba nó, nó cũng có một mụt ruồi đen và to ở thắt lưng. Nó là một bản sao của ba nó, mà ông muốn để lại trên thế gian này, sau khi ông chết.

(Còn nữa)

 

Phan Quân

Nguồn: "Beijing coma", Ma Jian, bản dịch tiếng Anh của Flora Drew, nxb. Farrar, Straus & Giroux, NY, 2008.

  


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.