Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (19)

Trưa hôm đó, Đại Vệ
cùng bạn bè họp nhau lại bên ngoài lều phát loa, vẫn còn tiếp tục
bàn tán về chuyến đến thăm của Triệu Tử Dương đêm hôm trước. Quảng
Trường bẩn thỉu và bừa bải như sân đá banh sau một chiều giao hữu
quyết liệt và gay cấn. Một sanh viên đề nghị đổi chiến thuật đấu
tranh, thay vì tuyệt thực, ta tổ chức biểu tình ngồi. Nếu như nhà
nước áp dụng chiến lược "chận lối thoát để bắt kẻ trộm" thì ta phản
ứng bằng chiến lược "vườn không, nhà trống".
Nếu như những người tuyệt thực cứ kiên trì tiếp tục nhịn ăn thì phải
đưa họ đến Bia Kỷ Niệm, rồi làm một hàng rào bảo vệ bao quanh. Như
vậy, trong trường hợp người ta đưa quân đội tới thì sanh viên sẽ có
đủ thời giờ di tản họ ra khỏi Quảng Trường. Chỉ mới có một số nhỏ
sanh viên bàn tính như vậy thôi, còn phải chờ quyết định dứt khoát
và nhứt trí của toàn thể ban tổ chức. Nên chi, phải có cuộc họp của
Tổng Hành Dinh Phong Trào Tuyệt Thực, của Hội Sanh Viên Bắc Kinh,
của Hội Sanh Viên Liên Tỉnh,...
Phiên họp sẽ được triệu tập trên một chiếc xe buýt, được biến thành
một trung tâm điều hành lưu động. Cuộc họp phải được giữ bí mật, vì
nếu như những người tuyệt thực biết được người ta đang cứu xét
chuyện ngưng tuyệt thực thì họ sẽ tấn công ngay, vì họ không muốn
thấy sự hy sanh của họ phải chấm dứt trong thất bại. Nhưng, ban tổ
chức không nghĩ là sẽ có nhiều người đến họp, vì đã có nhiều người
hơi nản chí.
Vậy mà, thiên hạ đến họp rất đông, trên chín mươi đại biểu của các
trường đại học. Hết cả chỗ ngồi trên chiếc buýt nên ban trật tự đành
phải cấm cửa những người đến sau. Đã năm giờ chiều rồi nên phải lấy
giấy báo dán kín các cửa sổ xe, sợ bên ngoài nhìn thấy. Một đại diện
ban tổ chức chưa dứt lời trình bày tình hình hiện nay của công cuộc
tuyệt thực thì một đại biểu lên tiếng ngắt lời:
- Chúng tôi vừa ở đằng Mặt Trận Thống Nhứt về và được người ta tiết
lộ tin này rất có giá trị. Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương đã từ chức và
cánh bảo thủ cứng rắn đã quyết định sẽ dẹp sạch bọn mình. Do đó, tôi
đề nghị nên chấm dứt tuyệt thực. Như vậy, mình sẽ làm cho nhà nước
hỏng giò và nếu họ ban hành tình hình thiết quân luật thì đâm ra lố
bịch, vô ích và vô lối.
Một thành viên trong ban điều hành phiên họp nhắc cho mọi người nhớ
cho là cuộc thảo luận này có tánh cách tối mật. Nếu như bên ngoài
biết được nội dung của phiên họp thì ẩu đả có thể xảy ra và có người
sẽ mất mạng sống. Một đại biểu khác góp ý:
- Hồi năm 1976, dân chúng Bắc Kinh đã tề tựu tại Quảng Trường này để
chịu tang Chu Ân Lai. Nhưng, bây giờ chúng ta có can đảm đến đây để
đấu tranh đòi tự do và dân chủ. Chúng ta đã đánh thức lương tâm dân
tộc, điều mà chúng ta chuẩn bị phát động, nên bây giờ chúng ta có
thể trở về trường trong thắng lợi.
- Chúng ta đã tìm cách lôi kéo quần chúng về phía chúng ta, nếu bây
giờ ngưng tuyệt thực thì hậu thuẫn đó sẽ tiêu tan.
- Nếu như có người nào bị thiệt mạng thì lịch sử sẽ không tha thứ
chúng ta. Chúng ta phải bảo đảm là không ai bị tổn hại.
- ...
Trong một cuộc họp gồm chín mươi bảy đại biểu như vậy, ý kiến rất đa
dạng, rất nhiều, đôi khi mâu thuẫn nhau. Nên chi, có lúc bầu không
khí khá căng thẳng, thậm chí gần như xung đột nhau. Đã tranh đấu cho
tự do dân chủ thì phải hành động theo tư cách dân chủ nghĩa là theo
luật đa số. Cho nên, cuộc họp phải chọn giải pháp biểu quyết qua đầu
phiếu. Năm mươi mốt bàn tay đưa lên chấp thuận ngưng tuyệt thực trên
tổng số chín mươi bảy người dự họp. Như vậy là đa số quá bán rồi!
Phiên họp chấm dứt, cửa xe buýt mở ra, bên ngoài cả một đám đông tập
họp bao quanh chiếc buýt, có cả ký giả và dân chúng Bắc Kinh. Vậy là
đèn bấm máy ảnh chớp lia lịa. Với tư cách đặc trách an toàn, Đại Vệ
cầm loa tay lên tiếng yêu cầu đừng sử dụng tia chớp vì như vậy sẽ
làm phiền những người tuyệt thực, vốn đã rất yếu.
Như vậy, cuộc họp coi như đã chấm dứt, nhưng vấn đề loan báo kết quả
phiên họp thì cứ nhùng nhà nhùng nhằng, không ai muốn đưa quyết định
đó ra vì phong trào tranh đấu không đạt được kết quả gì rõ nét. Điều
cần nhứt là cho Văn Phòng Quốc Vụ Viện biết để họ đừng ban hành tình
trạng thiết quân luật. Còn về phía sanh viên tuyệt thực thì phải có
người đi thông báo diện đối diện để tránh những phản ứng bất lợi, ồn
ào và thô bạo.
Các đại biểu của đại học các tỉnh cảm thấy khó khăn hơn. Họ trách
sanh viên Bắc Kinh: "Các bạn sanh viên Bắc Kinh cứ tha hồ quấy động
rồi nay bỏ của chạy lấy người. Chỉ có chúng tôi, từ các tỉnh về đây
rồi phải ăn làm sao và nói làm sao khi trở về tỉnh nhà vì không có
thắng lợi nào rõ rệt hết!" Đại Vệ trấn an:
- Chờ xem bước sắp tới, để coi sẽ có quyết định như thế nào. Khoan
rút về tỉnh đã, phong trào sẽ tiếp tục, đâu đã xong!
Nơi điểm điện thoại công cộng, thiên hạ đang sắp hàng chờ tới phiên
mình sử dụng điện thoại. Đại Vệ và một người nữa tới xin ưu tiên
điện thoại khẩn cấp.
- Chúng tôi cần điện thoại ngay cho Quốc Vụ Viện, xin các bạn hãy
giữ yên lặng giùm.
- A lô, Quốc Vụ Viện đó hả? Chúng tôi điện thoại để thông báo là
chúng tôi đã ngưng tuyệt thực. Chúng tôi xin đọc chậm bản tuyên bố
để ông ghi cho kịp.
- Không cần thiết vì điện đàm này có ghi âm. Xin cho biết tên và
chức vụ.
- ...
Dẫu cho người liên
lạc điện thoại nói rất nhỏ, nhưng những người xung quanh cũng nghe
lõm bõm được cuộc điện đàm. Khi điện đàm chấm dứt, một nhà báo của
Tân Hoa Xã cũng len lỏi tiến lên để xin một bản thông cáo. Đại Vệ
cho nhà báo biết rằng lát nữa đây sẽ có họp báo ở Bia Kỷ Niệm và
người phụ trách chính sẽ đích thân đọc bản thông cáo đó.
Sanh viên bàn tán với nhau, cho rằng ban hành tình trạng thiết quân
luật ở Bắc Kinh không phải dễ. Có người nhắc lại chuyện xưa, như hồi
tháng Ba (1989), khi nhà nước đặt thủ phủ Lhasa của Tây Tạng trong
tình trạng thiết quân luật thì họ bao vây thành phố lại rồi tấn công
người dân Tây Tạng mà báo chí phương Tây không hay biết gì mà cũng
trông thấy. Còn ở Bắc Kinh này thì đầy dẫy những nhà ngoại giao và
các toán truyền hình nước ngoài. Như vậy là cả thế giới có thể quan
sát được những gì xảy ra ở Bắc Kinh. Nên chi, chánh phủ không dám
dùng vũ lực để đàn áp.
Tin đồn chiến dịch tuyệt thực kết thúc loan đi khắp Quảng Trường,
thiên hạ đổ xô bao quanh lều phát loa xin phát biểu ý kiến. Phần
đông tỏ ý phản đối lại quyết định đình chỉ phong trào đó. Một người
khoảng bốn mươi, người ướt đẫm mồ hôi, có vẻ như người của nhà nước,
len lỏi qua đám đông tới gần Đại Vệ phân trần:
- Coi nè, hãy đọc truyền đơn này thì biết, viên chức của mười cơ
quan chánh phủ đã quyết định tham gia phong trào tuyệt thực. Như
vậy, tại sao mấy cậu lại chấm dứt tuyệt thực là nghĩa lý gì? Cho tôi
vào để loan báo tin này trên loa cho khắp Quảng Trường.
- Tại sao bác không in truyền đơn đó rồi phân phát cho sanh viên?
Hiện giờ thì loa đang bận rồi.
Một người đàn bà, cũng tóc quăn giống như mái tóc của mẹ Đại Vệ, đến
nói với Đại Vệ:
- Nếu mấy cậu kết thúc tuyệt thực bây giờ thì nhà nước sẽ cho là các
cậu đầu hàng rồi sẽ ra tay đàn áp, đập nát các cậu như đập ruồi, một
khi các cậu trở về trường.
- Hôm nay chúng tôi tuyệt thực bước sang ngày thứ bảy mà chánh phủ
chưa có gì gọi là đáp ứng lại đòi hỏi của chúng tôi. Đúng là chúng
tôi có nghe tin đồn là họ sẽ ban hành tình trạng thiết quân luật.
Tuyệt thực sẽ không làm cho một chánh phủ như vậy nhượng bộ.
Một bạn sanh viên khác cho biết:
- Chúng tôi chấm dứt tuyệt thực, nhưng sẽ tiếp tục phản đối dưới
hình thức khác. Thay vì nhịn ăn, chúng tôi sẽ biểu tình ngồi.
Ban tổ chức bắt đầu cung cấp thức ăn cho những người tuyệt thực. Các
đoàn sanh viên từ tỉnh lên cũng được khuyến cáo đến lãnh phần ăn
đựng trong hộp, hay được phát tiền để mua thức ăn. Dẫu cho tin chấm
dứt tuyệt thực chưa được phổ biến chánh thức, nhiều người nhịn ăn đã
bắt đầu rời khỏi những chiếc xe buýt. Một vài người ngồi bẹp xuống
đất, ăn ngấu nghiến những mẫu bánh bích-quy, những sanh viên khác
thì ngả nghiêng đi tới lều cứu thương để cho bác sĩ chữa trị. Những
ai yếu quá, không đi nỗi thì nằm đại xuống đất, nhơn viên y tế sẽ
truyền dịch trợ sức.
Nguồn tin về chấm dứt tuyệt thực chưa chánh thúc phổ biến mà nhiều
phần tử chống đối nhau dữ tợn. Những người kiên quyết duy trì phong
trào thì cho là quyết định đó phản bội lại xu thế đấu tranh. Trái
lại, những người tán thành chấm dứt, tuân hành quyết định của đa số,
thì phải chấp hành. Vả lại còn có nguy cơ bị đàn áp thẳng tay, nếu
nhà nước ban hành tình trạng thiết quân luật.
Trong tình trạng hỗn loạn như vậy, sanh viên, vốn là những người trẻ
tuổi háo danh, cứ tranh giành quyền bính, ai cũng muốn làm người có
chức tước, để nổi danh. Hết chức này, rồi tới chức kia. Dẫu cho làm
lớn trong phong trào như vậy cũng chẳng được quyền lợi gì, ngoại trừ
chút tiếng tăm.
Chuẩn bị đương đầu với những hành động sắp tới của nhà nước, các bác
sĩ khuyên sanh viên hãy sẵn sàng mặt nạ và khăn mặt để chống lựu đạn
cay. Trong khi đó lại có người chuẩn bị để họp báo, người khác thì
phản bác lại lấy cớ là nhà nước chưa có thỏa mãn yêu cầu gì hết thì
tại sao lại chấm dứt tuyệt thực?
Chán cảnh tranh chấp đâu chẳng ra đâu hết, Đại Vệ tìm người canh
chừng hộ rồi bỏ đi tìm cô bạn gái Thiên Nghi. Nó muốn đưa Thiên Nghi
về nhà của mẹ nó để nhờ bà cho Thiên Nghi ăn uống, bồi dưỡng để bù
trừ lại những ngày tuyệt thực. Nó vui mừng thấy Thiên Nghi đang ngồi
thưởng thức thỏi sô-cô-la mà một sanh viên người nước ngoài mang tới
cho những sanh viên chấm dứt tuyệt thực. Như vậy là Thiên Nghi tự
động chấm dứt tuyệt thực, nó không phải yêu cầu. Đại Vệ định sau khi
cuộc họp báo chấm dứt, nó sẽ đưa Thiên Nghi về nhờ mẹ nó chăm sóc
giùm, vì cô nàng không trở về ký túc xá được, sanh viên các tỉnh về
ăn ở chật hết.
Thiên Nghi mỉa mai:
- Lúc đầu mấy anh hăng hái lắm, thiếu điều hy sanh liều mạng cho
phong trào. Giờ đây thì run sợ như cầy sấy!
Đại Vệ đánh trống lảng:
- Trường Berkeley đã gởi cho anh thơ chấp nhận ghi danh.
- Như vậy là anh đã có ngả thoát thân.
- Còn phải lo sổ thông hành và chiếu khán nhập cảnh nước Mỹ nữa, đâu
đã xong. Chắc cũng còn lâu.
- Thôi đừng có giấu em. Bây giờ thì anh đã có được một chưn đứng bên
Mỹ rồi! Khỏe re!
Những loa "quốc doanh" được gắn trên hàng trăm cột đèn rải rác quanh
Quảng Trường, bỗng nhiên bừng tỉnh lên tiếng. Băng ghi âm của bài
diễn văn mà Thủ Tướng Lý Bằng đọc tại hội nghị cán bộ nhà nước và
quân đội vang vang trong mảng trời đêm thanh vắng: "... Bây giờ đã
rõ ràng là nếu như chúng ta không có những biện pháp kiên quyết để
đảo ngược tình hình thì đất nước vĩ đại của chúng ta, được dựng nên
bằng máu của những liệt sĩ cách mạng, sẽ rơi vào cảnh hiểm họa lâm
nguy..."
Kế tiếp là giọng nói
nóng giận của Chủ Tịch nước Dương Thượng Côn tuyên bố: "Bắc Kinh
được đặt trong tình trạng thiết quân luật. Quân đội đã bao vây thủ
đô. Chánh phủ hạn chế sinh hoạt truyền thông, cấm báo chí ngoại quốc
phỏng vấn trong nội vi thành phố..."
Thông tin đột xuất đó làm cho Đại Vệ ngỡ ngàng, hồi hộp, xao xuyến,
lo âu và cảm thấy bị bao vây. Nó hơi hoang mang, tìm ý kiến ở cô bạn
gái:
- Em nghĩ mình nên về ký túc xá hay là ở lại dự họp báo?
- Mình đi họp báo đi!
Thiên Nghi đứng lên, hai đứa nắm tay nhau hướng về Bia Kỷ Niệm, nơi
dự trù có cuộc họp báo của sanh viên. Trên đường đi, nó nghe tiếng
loa loan báo: "Các bạn thân mến, cánh bảo thủ cứng rắn trong chánh
quyền, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và Dương Thượng Côn đã
làm một cuộc chánh biến, và Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương đã bị hạ bệ.
Các bạn tuyệt thực nên chấm dứt nhịn ăn, và mọi người hãy tập trung
lại quanh Bia Kỷ Niệm để chuẩn bị cho tình hình thiết quân luật..."
Tay Thiên Nghi bắt đầu run nên Đại Vệ phải tìm cách trấn an:
- Có gì mà sợ em. Nếu thật sự họ ban hành tình hình thiết quân luật
thì chúng mình sẽ trở về trường, có gì mà lo? Không ngán gì hết.
- Triệu Tử Dương là một nhà chánh trị tuyệt vời và khả kính. Tại sao
họ lại có thể loại bỏ ông ấy như vậy được?
Đông đảo sanh viên và dân chúng trên Quảng Trường náo loạn lên, kẻ
vội vàng chạy ngược chạy xuôi, người thì la lối và hò hét.
- Người đứng đầu nhơn dân mà khát máu như vậy là quá lắm rồi! Đúng
là tên bạo chúa!
- Những tên chuyên quyền cứng rắn không biết cách điều hành đất
nước!
- Hãy kêu gọi mọi người dân Bắc Kinh đến Quảng Trường! Chúng mình sẽ
lấy thân người dựng lên một Vạn Lý Trường Thành, đánh đuổi bè lũ thù
địch!
- Đả đảo chánh phủ bù nhìn của Lý Bằng! Đả đảo bè lũ quân nhơn tham
nhũng! Đã đảo Dương Thượng Côn!
Mọi người đều lo âu và tức giận. Những người dẫu chưa từng biết nhau
cũng họp lại tranh luận om sòm. Các cô gái tụm năm, tụm ba lại, khóc
than thút thít. Có người la to: "Cứ bình tĩnh, việc gì mà khóc.
Chánh phủ gì mà làm cho dân chúng lo sợ như vậy?" Thiên Nghi càu
nhàu: "Thật đáng buồn khi nghĩ rằng chúng mình phải tuyệt thực gần
mất mạng vì một chế độ thối nát như vậy!"
Đại Vệ lo đi tìm thêm người để bảo vệ hệ thống loa vì nó biết rằng
hệ thống này sẽ là mục tiêu ưu tiên, nếu có thiết quân luật. Khu vực
họp báo đã được bảo vệ cẩn mật và đã đông người. Đại Vệ tìm một vài
nhà báo tóc vàng để mời phát biểu trước ống kiếng thu hình. Phóng sự
của họ sẽ được chuyền trực tiếp qua vệ tinh đến các đài truyền hình
trên khắp thế giới. Tay run run, giọng đầy xúc động, người sanh viên
đọc bản tuyên bố chấm dứt tuyệt thực. Đọc đến đoạn cuối cùng, nước
mắt chị rưng rưng và chảy dài xuống má.
Chị sanh viên vừa nói xong, một anh bạn khác chốp lấy loa cầm tay
loan báo: "Bây giờ, tôi đề nghị mỗi người trong số hàng trăm ngàn
sanh viên trên Quảng Trường này hãy bắt đầu cuộc biểu tình tuyệt
thực hàng loạt." Thật hết sức bất ngờ, mọi người đều sửng sốt, sao
lại tuyệt thực? Như vậy là sao? Anh này chạm điện rồi à? Một vùng
ánh sáng chói chan vì hàng ngàn bóng đèn máy ảnh và máy thu hình
cùng bật lên một lúc.
Đám đông vỗ tay và lập lại lời kêu gọi tuyệt thực của anh bạn kia.
Nhưng, có người khều nhẹ và nói khẽ vào lỗ tai anh ấy điều gì đó.
Gương mặt anh để lộ nét hoảng hồn. Anh nhanh chóng chộp lấy cái loa
cầm tay và nói lại: "Tôi xin lỗi quý vị và các bạn, thật là tầm
phào, tôi đã lỡ lời rất là bậy bạ! Tôi muốn nói biểu tình ngồi hàng
loạt, chớ không phải tuyệt thực hàng loạt!" Đám đông cười ồ. Bối rối
và ngượng ngùng, anh chàng moi túi quần tìm một điếu thuốc châm lửa
đốt, ngậm đó quên cả hít hơi, mồ hôi mồ kê cứ tuôn ra.
Một người sanh viên trai từ ngoài bước vào, một cái khăn lông ướt
quấn ở cánh tay, sẵn sàng để chống lựu đạn cay, và đã lột bỏ băng
quấn đầu của phong trào tuyệt thực phản đối. Loa gọi nhắc nhở nam
sinh có nhiệm vụ bảo vệ nữ sinh và kêu gọi học sinh trung học nào có
mặt ở Quảng Trường nên về nhà ngay. Ngoài ra, để chuẩn bị cho trận
càn quét sắp tới của quân đội, loa cũng hướng dẫn là nếu bị quân đội
lùa ra khỏi Quảng Trường thì sanh viên nên lẩn trốn vào nhà dân
quanh Quảng Trường, chờ khi nào thấy có an toàn thì ra đường để trở
về trường.
Sợ rằng quân lính sẽ đổ bộ lên Quảng Trường bất cứ lúc nào, sanh
viên quýnh quáng chạy tìm khăn lông và mặt nạ để bảo vệ trong trường
hợp có tấn công bằng lựu đạn cay. Nhóm giảng viên Luật Khoa của Đại
Học Bắc Kinh, đã tham gia phong trào mấy hôm trước đó, buồn nãn lê
bước ra về. Những người trong ban hậu cần lấy tiền đi mua thêm khăn
lông và mặt nạ về dự trử, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|