Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (22)

Có tin cho hay Lý
Bằng đã đến khu Trung Nam Hải hôm qua. Ông ta ở trong biệt thự của
Mao trước kia. Dư luận cho rằng Lý Bằng đến đó vì muốn được gần nơi
có vấn đề xảy ra để dễ quan sát chuyện quét dọn Quảng Trường.
Tình hình sanh viên có vẻ căng thẳng trong lúc chờ quân đội tấn
công. Họ cứ ngồi đấu láo, hút thuốc và tán gẫu. Thiên hạ lần lần
thưa bớt, ký giả ngoại quốc đâm ra nghi ngờ một điều gì sắp xảy ra.
Sanh viên cũng tự hỏi như vậy. Nhưng chẳng ai có được câu trả lời.
Nên cứ lẳng lặng chờ đợi thôi, một thế chờ đợi nôn nóng và khó chịu.
Điều mình không mong muốn lại thắc mắc tại sao chưa tới.
Đã quá nửa đêm, loa đã ngưng nói. Tình hình trên Quảng Trường có vẻ
lắng dịu vì sanh viên mỏi mệt, buồn ngủ. Một số đông sanh viên đã ra
những chốt ngăn cản đà tiến của quân đội ở ngoại ô. "Chiến trường"
đã được đưa ra ngoài vòng đai thủ đô. Nếu như đã có 200.000 quân
lính bao quanh thành phố thì cũng phải có ít lắm 200.000 sanh viên
để ngăn chận đà tiến của họ. Vì vậy cho nên, Quảng Trường giờ đây đã
trở thành hậu phương.
Đại Vệ được tin qua điện thoại là Đại Nho, em của nó cũng là sanh
viên đại học Miền Nam ở Thành Đô (Tứ Xuyên), dự tính sẽ lên Bắc
Kinh. Nó vội vàng có ý kiến:
- Tao nghĩ là chưa cần thiết. Hơn nữa ở đây thiên hạ ngán sanh viên
từ tỉnh lên lắm. Các đương sự cứ đòi tiền, rồi phung phí mua quà,
mua các thứ linh tinh...
- Tụi em không cần tiền. Bọn này đã gom góp được 100.000 nhơn dân tệ
do bá tánh tặng.
- Thiệt hay chơi đó? Khá quá ha, phần đông sanh viên các tỉnh về
chẳng có gì hết, thành ra gây lắm khó khăn.
- Biết rồi! Nhưng trên đó sao mà tùm lum vậy? Cách nay ba ngày, mấy
anh cho biết là phong trào tuyệt thực đã chấm dứt và sanh viên sắp
rời Quảng Trường. Vì vậy bọn em kết thúc chuyện chiếm đóng công viên
Thành Đô, trở về trường. Vừa về tới trường thì lại được điện tín của
mấy anh kêu tiếp tục đấu tranh? Như vậy là hôm sau, tụi em trở lại
công viên. Rồi hôm qua, mấy anh lại định rút lui, tụi em lại trở về
trường. Hôm nay, mấy anh lại bảo huy động công nhơn và tổ chức công
nghiệp đình công tập thể. Làm gì mà mấy anh thay đổi ý kiến luôn
vậy, biết nghe ai đây?
- Tao cũng không biết nữa! Chắc là phải nhận lịnh của Liên Đoàn Sanh
Viên Bắc Kinh. Dẫu sao thì hiện tại cứ đâu ở đó. Chưa cần đến Bắc
Kinh vội...
Điện thoại xong, Đại Vệ trở về khu Bia Kỷ Niệm, thấy ai đó căng một
tấm bích chương mang những dòng chữ:"Hãy triệu tập Quốc Hội - Đẩy
mạnh dân chủ - Cách chức Lý Bằng - Chấm dứt thiết quân luật". Trong
khi đó một ban nhạc kích động biểu diễn các bài hát được đám đông
hàng ngàn người bao quanh vỗ tay tán thưởng. Sinh hoạt của phần còn
lại khu Bia Kỷ Niệm vẫn như hàng đêm trên Quảng Trường.
Bên trong lều phát loa, một nhóm người đang tụ tập bàn tán. Trung
tâm của nhóm là một sanh viên, tóc tay dài thượt, đang hào hứng
trình bày. Anh ta là sanh viên Viện Mỹ Nghệ Trung Ương, đưa ra ý
kiến sẽ thực hiện một tượng khổng lồ, tên gọi là "Nữ Thần Dân Chủ"
để dựng lên ở Quảng Trường. Tượng đó sẽ giống như Tượng Đài Tự Do ở
Nữu Ước, nhưng dĩ nhiên là nhỏ hơn, nhưng không kém phần hùng vĩ,
nguy nga. Tượng "Nữ Thần Dân Chủ" được dự trù đặt giữa Quảng Trường,
đối diện với ảnh của Mao Chủ Tịch. Rồi đây, hàng triệu người sẽ đổ
xô về Quảng Trường để xem tượng và sẽ chế diễu lịnh thiết quân luật
của nhà nước.
Qua một vòng thảo luận thu hẹp, anh chị em sanh viên cho là dự án
hợp lý và tán thành chuyện dựng tượng trên Quảng Trường. Sau đó
quyết định được loan báo qua loa cho toàn thể Quảng Trường biết
những thực hiện được dự trù cho tương lai.
Mặt trời chưa ló dạng trên Quảng Trường mà loa đã vang vang tiếng
Quốc Tế Ca:"Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...", phá giấc ngủ của
Đại Vệ. Nhìn đồng hồ, tính ra nó vừa ngủ được hai tiếng. Đầu óc nó
còn đang lơ mơ vì thiếu ngủ, nhưng còn suy nghĩ được đôi chút. Bản
Quốc Tế Ca vừa chấm dứt, một giọng nữ tiếp theo để đọc bản tin buổi
sáng.
Quảng Trường như còn nằm nướng dưới lớp sương mù buổi sáng. Khắp nơi
còn yên ắng, như chưa ra khỏi giấc ngủ mệt nhoài, sau gần một đêm
thao thức. Để chờ đợi điều mà không ai muốn nó đến. Cũng là cơ hội
tốt cho những cặp trai gái đụng chạm nhau, quen biết nhau, yêu đương
nhau, nâng tình ái đến mức cấm kỵ, nhưng cũng trong vòng hạn chế.
Cho nên khi có người đề nghị rời Quảng Trường về học xá ngủ nghĩ một
thời gian thì được đáp lại bằng cách là ai nấy đều làm thinh, câm
lặng như sỏi đá.
Quảng Trường buổi sáng còn yên lặng như tờ, còn quá sớm để những
người ủng hộ đến thăm. Một số giáo sư của Viện Khoa học Kỷ Thuật kéo
đến, tay cầm chổi, tay mang biểu ngữ kêu gọi "Quét sạch bọn tham
nhũng". Một sanh viên cởi xe đạp qua ngang, mang hình nộm bằng rơm
của Lý Bằng.
Trước cảnh Quảng
Trường hoang vắng như chợ chiều, một sanh viên than vãn, chỉ còn lối
ba ngàn người trên Quảng Trường thì ta nên rút đi thôi. Nhưng Đại Vệ
an ủi, cứ chờ đến chiều chắc là đông hơn. Một anh bạn đưa ra ý kiến
cho rằng quân lính đã bao vây thành phố, nếu cứ dềnh dàng mãi ở đây
thì sẽ tiêu tùng. Thời gian chờ đợi như vậy thử thách lòng kiên nhẫn
của tuổi trẻ quá nhiều. Kẻ đòi rút đi, người cứ ở lại, kèn cựa, đu
đưa nhau mãi, chẳng ai biết phải dứt khoát theo hướng nào.
Ngày lại qua ngày, chẳng có chuyện gì xảy ra, dân chúng Bắc Kinh
quanh Quảng Trường bớt thấy lo sợ, đổ ra hàng quán mua bán. Đại Vệ
cùng với một số bè bạn rủ nhau đi ăn để mừng sanh nhựt Thiên Nghi.
Sanh viên Thượng Hải kéo về Bắc Kinh ủng hộ phong trào, giờ đây cảm
thấy thất vọng. Khi kéo về thì tổng số lên đến sáu trăm, nay chỉ còn
mười người ở lại.
Nhiều sanh viên từ tỉnh lên thủ đô, nay đã lục tục ra về. Những ai
còn nán lại thì nhiệt tình đã xuống thấp, thêm phần âu lo, không
biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thật ra, chính Đại Vệ cũng muốn bỏ cuộc,
nhưng nghĩ lại bỏ cuộc thì chẳng khác nào đầu hàng, không gì nhục
nhã bằng.
Suy tới, luận lui, nhiều người nhứt trí là nên chờ đợi thời cơ, xem
tình hình biến chuyển ra sao, coi bao giờ thì nhà nước ra tay hành
động. Phải để cho quần chúng thấy rõ bộ mặt thật của cái chánh phủ
này. Dư luận sanh viên cho rằng họ đã phát động phong trào tuyệt
thực để yêu sách chánh phủ, nay phong trào đã chấm dứt mà chưa có
kết quả gì cụ thể thì họ cảm thấy có trách nhiệm. Nên chi, giờ đây
trước nguy cơ quân đội tấn công mà chưa chi đã bỏ chạy rồi thì lương
tâm không yên ổn.
Phần đông sanh viên tranh đấu coi Quảng Trường giờ đây là nơi đăng
ký hộ khẩu của họ rồi, chẳng còn nơi nào để sinh sống nữa hết. Giả
dụ họ có trở về với gia đình sinh sống cùng cha mẹ thì chắc là ông
bà gia của họ cũng tống đuổi họ ra ngoài thôi, hoặc là kêu công an
thộp cổ cho rảnh mắt. Bởi lẽ chế độ cộng sản của Mao đã hủy diệt
truyền thống gia đình nên ngày nay con cái là sản phẩm của Đảng.
Y như rằng những thanh thiếu niên thời đó được kể như là thuộc thế
hệ mồ côi mồ cút. Cha mẹ không có một hậu thuẫn hay một băn khoăn
tình cảm nào dành cho những mầm non, xuất phát từ giây phút hứng
tình của họ. Sản phẩm của hành động câu kết dục tình đó đâu phải là
sở hữu vật chất của những đấng sinh thành, mà là thành phẩm lao động
sản xuất của Đảng, vì Đảng và cho Đảng mà thôi. Vừa khóc oa oa chào
đời, đứa bé kia được giao cho Đảng và từ đó trở đi sanh mạng và số
phần của sản phẩm đó hoàn toàn thuộc trách nhiệm và phương thức sử
dụng của Đảng.
Sanh viên tâm sự với nhau bằng một giọng điệu trách móc và than thân
trách phận cho rằng nếu chuyến này họ thất bại thì nhứt định là bố
mẹ họ ngã theo chánh phủ để yêu cầu nhà nước trừng trị, chớ họ dại
gì đưa lưng ra hứng chịu trách nhiệm. Một sanh viên tiết lộ:
- Năm lên mười tám, tớ đã tuyên thệ gia nhập đảng viên. Từ ngày đó
bố tớ nói rằng từ nay mày là người của Đảng, mày phải trung với dân,
hiếu với Đảng, một lòng một dạ vì đoàn thể.
Cho nên, bây giờ làm sao mà trở về nhà được nữa? Những con người côi
cút phải biết cách tạo dựng lấy con đường của chính mình. Do đó
thanh thiếu niên ngày nay rất nản chí và chán chường.
Như vậy là họ nhứt định phải kiên định, và bằng mọi cách bảo vệ
Quảng Trường, nơi sinh sống, gần như là nhà của họ. Trong một bữa ăn
chung với nhau giữa mấy người bạn thân cùng nhau tranh đấu, Đại Vệ
và các bạn cùng mâm ăn trao đổi tâm sự với nhau, sau khi được tin
đồng bào địa phương cung cấp thức ăn và nước uống cho binh lính đang
bao vây thủ đô. Điều đó cho thấy rằng quần chúng nhơn dân cũng ủng
hộ quân đội, chớ không phải chỉ ủng hộ sanh viên. Có người thối chí,
tỏ ý sợ hãi nói rằng chị ta không muốn chết, với khoé mắt ửng đỏ.
- Chưa biết được ai sẽ thắng trong trận đánh này?!
- Trong thâm tâm, tôi muốn rời khỏi Quảng Trường vì đó là giải pháp
an toàn hơn hết. Thế nhưng, tôi biết rằng làm vậy thì suốt đời tôi
sẽ sống trong lo sợ, phập phòng.
Thiên Nghi tiết lộ rằng sở dĩ cô nàng tham gia tuyệt thực là đề kềm
chế Đại Vệ đừng xuẩn động. Nhưng ngay khi lao mình vào cuộc, nàng
thấy rằng dẫu tình hình có như thế nào thì nàng cũng phải đi đến
cùng. Họ cũng tố giác có hai người thông đồng với quân đội để tìm
cách tự cứu mình. Như vậy, nhà nước đâu cần liên hệ với sanh viên
làm gì. Hai tên đó đả phá hỏng phong trào tranh đấu của sanh viên.
Bây giờ chỉ còn chờ cảnh đổ máu, và chừng nào máu chảy thành sông
trên Quảng Trường này, người dân Trung Quốc mới mở mắt ra.
Ông chủ tiệm ăn đến gần bàn ăn của nhóm sanh viên tranh luận lúc
hăng say, khi thì buồn thảm. Ông góp chuyện:
- Có tin đồn rằng những lều vải bạt bỏ trống nằm trong chiến thuật
"vườn không nhà trống" để các bạn làm kế hoãn binh.
- Làm gì mà chạy trốn. Chúng tôi sẽ ở lại tới cùng. Anh "tổng tư
lịnh" của chúng tôi đây.
- À đúng rồi, tôi có thấy hình anh trên báo.
- Như vậy thì ông có thể kêu công an tới bắt được rồi.
- Không đâu, đời nào tôi làm như vậy. Ủng hộ các cậu chưa hết, ai đi
làm chuyện đó.
Đêm đến Quảng Trường rộn rịp trở lại, dân chúng quanh Quảng Trường
ra hứng gió chiều dịu mát và tán gẫu, trẻ con chạy giỡn vui đùa,
những người bán dạo ngược xuôi rao hàng. Từ xa, một đoàn người biểu
tình kéo đến, tung tăng cờ xí và biểu ngữ. Tình hình trông chờ quân
lính đổ bộ làm cho sanh viên thay đổi ý kiến luôn. Lúc thì có người
cho rằng tinh thần Quảng Trường đang chết lần, chết mòn, muốn rút về
học xá, rồi thì chính những người ấy lại muốn sanh viên cứ ở lại
sống chết với Quảng Trường!
Có người nghĩ rằng chương trình hay nhứt là nên rời khỏi Quảng
Trường ngày 30 tháng Năm, như gợi ý của lãnh tụ sanh viên, rồi sau
đó tiếp tục chiến dịch ở trường. Có người chưa chi đã bi quan, nói
với Đại Vệ:"Nếu như một trong hai đứa bị bắt thì nhứt định phải kiên
quyết và không chịu đầu hàng"! Sanh viên bắt đầu thấy ngao ngán việc
đấu tranh vì họ thấy rằng dân chúng trên đường lạnh lùng với sanh
viên, không hoan hô, chẳng vỗ tay tán thưởng mà cũng không tặng biếu
đồ ăn, thức uống như trước kia.
Một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi, dân chúng trên Quảng Trường tan lần,
rút vào nhà ở. Lãnh tụ sanh viên, trong một cuộc họp báo, đọc bản
tuyên bố mười điểm:"Chúng tôi đề nghị sanh viên rời khỏi Quảng
Trường ngày 30 tháng Năm, chấm dứt giai đoạn tranh đấu này..." Nói
xong anh vội vàng bỏ đi, không để cho ai đặt câu hỏi gì hết. Cuộc
thảo luận gọi là "Diễn Đàn Dân Chủ" tiếp theo sau đó, biến thành một
cuộc tranh luận gay gắt. Dân chúng và sanh viên đổ xô vào lều, cướp
lấy micro phản đối chuyện rút lui.
* * *
Trong tình hình dằn
co như vậy của sanh viên trên Quảng Trường thì Đại Vệ phải đón tiếp
vợ chồng Kenneth, người anh bà con từ Mỹ về, hưởng tuần trăng mật.
Nó rủ Thiên Nghi cùng đi vì trình độ Anh ngữ của cô nàng khá hơn.
- Kỳ thiệt, lựa ngay lúc này mà đi tuần trăng mật ở đây! Bộ hai
người không biết là cách mạng đang xảy ra ở đây à?
- Dường như họ đã đăng ký chuyến bay từ mấy tháng trước và không thể
dời được. Vả lại, hai người chưa từng biết Trung Quốc trước kia, nên
họ rất nôn nóng.
Khi nhìn thấy Kenneth lần đầu tiên ở khách sạn Yên Kinh, Đại Vệ
không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ nó có liên hệ họ hàng với anh ta
hết. Dẫu cho cũng tóc đen huyền như Đại Vệ, nhưng nước da lại trắng
hơn, mắt to hơn và mũi cũng lớn hơn. Ba của Kenneth vai chú bác gì
của ba Đại Vệ còn mẹ của Kenneth là người Mỹ da trắng. Kenneth chẳng
nói được tiếng Tàu nào hết, trong khi khả năng Anh ngữ của Đại Vệ
lại quá nghèo nàn, nên chỉ nói chuyện với nhau một cách gọi là thôi.
Kenneth vào khoảng bốn mươi, và chơi đàn cello trong Ban Nhạc Giao
Hưởng Boston.
Đại Vệ đưa thuốc mời Kenneth, với tư cách xã giao, nhưng Kenneth nói
rằng trong khách sạn cấm hút thuốc. Nếu muốn thì Đại Vệ phải ra
ngoài sân. Thật ra Đại Vệ đâu có muốn hút, nhưng mời để lấp khoảng
thời gian trống rỗng, chẳng biết nói gì.
Vợ của Kenneth, Mabel, là người Mỹ gốc Hoa thuộc thế hệ thứ hai. Cô
ta nhỏ hơn Kenneth những mười hai tuổi, khoảng ba mươi, gương mặt
tròn trịa, tiêu biểu của người phụ nữ Hoa Nam. Cha mẹ cô ấy người
Phước Kiến nên nói được chút ít tiếng Phước Kiến, nhưng rất ít tiếng
Quan Thoại.
Sau khi trao đổi những lời chào hỏi xã giao, Đại Vệ xuống phòng chờ
đợi của khách sạn cùng với mẹ, em nó và Thiên Nghi. Trong lúc chờ
đợi, Đại Vệ điểm qua những tài liệu phóng ảnh mà Kenneth mang qua để
làm hồ sơ xuất cảnh đi Mỹ cho nó.
Từ khách sạn ra, tất cả đoàn gồm sáu người dồn hết lên một chiếc
taxi đi tới Tử Cấm Thành. Thiên hạ nối đuôi dài thường thượt, trong
đó có đông đảo sanh viên từ tỉnh về. Thấy họ, Đại Vệ và Thiên Nghi
vô cùng bất mãn, vì hai đứa nghĩ rằng họ về thủ đô là để tham gia
phong trào, lại bỏ thì giờ đi viếng cảnh, lấy tiền đâu ra!
Rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy bức tường thành vĩ đại bao quanh Cố
Cung, Mabel lập đi lập lại bằng Anh ngữ "Thật vĩ đại, thật tuyệt
vời..." Trong khi đó, từ xa xa, tiếng nói quen thuộc trên loa của
bạn bè Đại Vệ và Thiên Nghi, vọng lên từ phía Nam của Quảng Trường
cách đó cũng bốn trăm thước.
Khi gần tới quày vé, Đại Vệ và Thiên Nghi bao che Mabel để cho người
bán vé tưởng Mabel là người địa phương để lấy vé rẻ. Còn Kenneth thì
đường nét Mỹ quá rõ ràng, không làm sao đánh lận được nên phải mua
vé giá gấp đôi, loại vé dành cho người nước ngoài. Gia đình Đại Vệ
và Thiên Nghi đưa vợ chồng Kenneth đi thăm viếng Tử Cấm Thành, dưới
sự hướng dẫn và giải thích của Thiên Nghi vì trình độ Anh ngữ của cô
nàng tương đối khá hơn.
Rời Cấm Thành, họ di chuyển đến Vạn Lý Trường Thành, nhưng chỉ có vợ
chồng Kenneth đi xem thôi vì Thiên Nghi và gia đình Đại Vệ đều biết
cả, đi theo chỉ tốn tiền mua vé, vô ích. Kenneth và Mabel chỉ có ba
ngày ở thăm Bắc Kinh nên chuyến đi cũng bị hạn chế, không quan sát
được gì nhiều, dẫu cho chỉ đi dạo quanh thủ đô không thôi.
* * *
Vào khoảng hạ tuần tháng Năm 1989, phong trào đấu tranh cho dân chủ
tại Quảng Trường lắng xuống, sanh viên lần lượt rời bỏ Quảng Trường,
lãnh đạo thiếu vắng lại thay đổi luôn, kết nối khó khăn, Quảng
Trường gần như bãi tha ma, rác rưởi khắp nơi, mùi hôi thối xông
lên... Phong trào đấu tranh đòi dân chủ coi như thất bại thì một bức
tượng điêu khắc thô sơ, cao khoảng mười mét được sanh viên Học Viện
Mỹ Thuật sáng tạo từ ngày 27 tháng Năm.
Tượng hoàn thành
xong, dự định chuyển đến Quảng Trường thì nhà nước hay được nên Cục
An Ninh hăm dọa những ai nhận chuyển đi sẽ bị cắt bằng lái. Túng thì
phải tính, sanh viên mướn sáu chiếc xe ba gác chở những đoạn của
tượng đài và dụng cụ xây dựng đến Quảng Trường. Sanh viên phải mưu
kế đánh lạc hướng nhà cầm quyền mới hoàn tất được việc chuyên chở
tượng đài. Từ chập tối ngày 29 tháng Năm, với sự tiếp tay của sanh
viên trên Quảng Trường, sanh viên Viện Mỹ Thuật Trung Ương hoàn
thành việc dựng tượng vào sáng sớm ngày 30 tháng Năm.
Lễ khánh thành đơn sơ mà uy nghiêm. Sanh viên mỹ thuật cùng với dân
chúng Bắc Kinh kéo tấm vải đỏ che mặt tượng ra và bong bóng được thả
ra bay lên không trung. Mọi cặp mắt nhìn về phía tượng và trầm trồ.
Trông hao hao giống tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu
Ước. Nét mặt hiền hậu, nhưng cương quyết. Dẫu cho những người nặn
tượng cố tránh không để cho tượng giống tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ,
vì sợ người ta cho là chạy theo đế quốc. Họ theo mẫu của tượng "Công
nhơn và Phụ nữ nông trường tập thể" của nữ điêu khắc gia người Nga,
bà Vera Ignatyevna Mukhina.
Trong hai ngày 30 và 31 tháng Năm 1989, số người đến chiêm ngưỡng
công trình từ một trăm ngàn đã lên đến ba trăm ngàn người. Từ đó,
tinh thần tranh đấu của sanh viên đã lên cao trở lại và kiên quyết
chiếm giữ Quảng Trường. Bức tượng "Nữ Thần Dân Chủ" được dựng lên,
kèm theo tuyên ngôn của những người sáng tạo:
"Trong giây phút nghiệt ngã này, chúng ta cần nhứt là phải bình tĩnh
và đoàn kết, nhắm tới mục tiêu duy nhứt. Chúng ta cần có một sức
mạnh đoàn kết keo sơn để củng cố quyết tâm của chúng ta. Đó là Nữ
Thần Dân Chủ. "Dân Chủ"... là biểu tượng của mỗi một sanh viên trên
Quảng Trường, của hàng triệu con tim quần chúng nhơn dân... Hôm nay
đây, trên Quảng Trường của Nhơn Dân, Nữ Thần của Nhơn Dân đứng cao
ngạo nghễ để loan báo cho toàn thế giới biết rằng: Ý thức về dân chủ
đã đánh thức lương tâm nhơn dân Trung Quốc! Một thời đại mới đã bắt
đầu!... Tượng Nữ Thần Dân Chủ làm bằng thạch cao nên đương nhiên
không thể đứng đây vĩnh viễn. Nhưng với tư cách biểu tượng của lòng
dân, tượng này rất linh thiêng và bất khả xâm phạm. Những ai định
làm hoen ố tượng hãy coi chừng, vì nhơn dân sẽ đánh trả!... Ngày nào
Trung Quốc được tự do dân chủ, chúng ta sẽ dựng tại Quảng Trường này
một tượng khác đồ sộ hơn, cao lớn hơn và tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta
tin tưởng rằng ngày đó rồi sẽ đến. Chúng tôi còn một ước vọng nữa là
nhơn dân Trung Quốc hãy vùng lên! Hãy dựng tượng Nữ Thần Dân Chủ
trong hàng triệu con tim của mỗi người! Dân tộc muôn năm! Tự do muôn
năm! Dân chủ muôn năm!"
Theo báo chí thì nhà nước cho rằng chuyện dựng tượng Nữ Thần Dân Chủ
là trái phép, một hành động sĩ nhục lòng tự hào dân tộc và xúc phạm
hình ảnh dân chủ của Trung Quốc. Từ phía quận Đại Hành, một đoàn
biểu tình đông đảo kéo tới hô to khẩu hiệu:"Hoan hô Lý Bằng!" và "Đả
đảo Giáo Sư Phương Lập Chí, nhà vật lý học thiên thể nổi tiếng của
Trung Quốc, ly khai đấu tranh cho tự do dân chủ. Một đoàn biểu tình
do quận Đại Hành mua chuộc, muốn đánh bại uy thế của tượng Nữ Thần
Dân Chủ. Nhưng được hay không là chuyện khác.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|