.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

Bắc kinh, một thuở hôn mê - Lời kết

 

Từ Bắc Kinh đến Hà Nội

Ngay từ lúc còn là một bào thai, Đại Vệ đã bị Nhà Nước đóng triện đỏ trên trán là con của một "tên hữu khuynh", nghĩa là không cùng phe cánh với chế độ, thậm chí còn là một đối tượng đáng bị trừng trị. Nên chi mẹ của Đại Vệ, khi đi sanh phải mặt cái áo có kẻ hàng chữ vạch mặt chỉ tên rõ ràng là "vợ của tên hữu khuynh". Do đó, nhà bảo sanh quốc doanh, dẫu có tinh thần "lương y như từ mẫu" cũng phải đối xử với bà theo giai cấp. Nên chi mẹ con Đại Vệ được cho nằm hành lang.

 

Đại Vệ là nhơn vật then chốt trong quyển truyện "Nhục Thổ" (Đất Thịt Người, tựa tiếng Anh là Beijing Coma) của Mã Kiến, một trong những nhà văn bất đồng tư tưởng có tiếng của Trung Quốc hiện nay. Một số sách của Mã Kiến đã bị Trung Quốc cấm cửa và ông phải đi lưu vong. Sở dĩ tựa sách như vậy là vì trong thời gian hôn mê, liệt chiếu liệt giường, Đại Vệ được kể như là nằm trong ngôi mộ bằng thịt của chính mình.

 

Ba của Đại Vệ là một nhạc sĩ vỹ cầm tốt nghiệp ở Huê Kỳ. Khi Mao Trạch Đông cướp được chánh quyền, với bầu nhiệt huyết của một thanh niên yêu nước, thương nòi, ông hăm hở trở về quê hương. Nhưng lòng yêu nước đó không được chế độ tại chức chấp nhận nên ông đành "khăn gói gió đưa", nổi trôi qua chuỗi dài của những trại lao cải. Sau hai mươi mấy năm được Đảng cộng sản Tàu "dạy dỗ" để trở thành người "lương thiện", chấp nhận "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa". Nhờ vậy, nhà nước mới "khoan hồng nhơn đạo" tha về đoàn tụ gia đình, chẳng mấy năm sau, ông cũng được "tự do", từ giả cõi đời, đi theo ông theo bà ông vải.

 

Mẹ Đại Vệ ở vậy nuôi hai con trai, quyết tâm ngoan ngoãn, răm rắp tuân hành lịnh nhà nước để gọi là "đoái công chuộc tội", với hy vọng trở thành đảng viên, một sớm, một hôm nào đó. Bà thường khuyên Đại Vệ và Đại Nho đừng theo gương cha, hãy lo học hành và sinh sống đúng theo phong cách của con người Trung Quốc đương thời. Vậy mà, cha mẹ sanh con, thời thế sanh tánh, cho nên khi được tung vào đời, hai anh em nhà họ Đại cũng sinh sống cho hợp với lẽ phải của thời đại. Cả hai anh em đều theo nhịp đập con tim của tập thể sanh viên, mon men học đòi tranh đấu. Tuổi trẻ bao giờ và nơi nào cũng vậy, cũng muốn phấn đấu, vì cuộc sống mà không có ganh đua thì như vứt đi. Nhưng từ cạnh tranh ở đời thường đến tranh đấu xã hội, chánh trị là cả một trời cách biệt.

 

Đọc qua hồi ký cải tạo của cha mình, những sự kiện ghi lại trong đó, ban đầu thấy khó tin, nhưng lần hồi suy đi nghĩ lại và đối chiếu với thói đời, cùng với cung cách xử sự của nhà cầm quyền cộng sản, Đại Vệ cho rằng ba nó đã viết ra những điều tai nghe mắt thấy. Bằng chứng cụ thể, chỉ nội trong gia đình không thôi, cũng cho nó biết quá nhiều điều thực tế.

 

Ông ngoại nó phải tự vận chết, ông nội nó bị chú nó chôn sống do đấu tố trong thời "Cách Mạng Văn Hóa". Qua học tập cải tạo ba nó đã chứng kiến cảnh tù cải tạo lấy nước đãi sạch phân người để lượm lặt trong đó những chất còn ăn được, cho đỡ đói, biết được chuyện người ăn thịt người vì "không ăn thịt kẻ thù của Đảng là thù địch với Đảng" và chính ba nó sau khi ra trại rồi vẫn còn, theo thói quen thời học tập cải tạo, giấu vỏ trái cây để dành ăn,... Bà mẹ của cô bạn gái nó bị Cách Mạng Văn Hóa cạo đầu kiểu "âm dương", mái tóc đẹp chỉ còn lại một nửa, bà xấu hổ quá, thà chết còn hơn.

 

Nỗi căm tức hun đúc trong lòng trai trẻ, ngày một ngày hai đã bùng lên khi Đại Vệ rời đại học miền Nam lên đại học Bắc Kinh. Từ chuyện tập hợp lại để truy điệu nhà cải cách Hồ Diệu Bang bị chế độ làm khó dễ, sanh viên đã uất ức tiến tới những cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành rồi tuyệt thực tập thể để đòi nhơn quyền, tự do dân chủ và diệt trừ viên chức quan liêu nhũng lạm. Cơn giận dữ của đất nước đã tập trung tại địa điểm tiêu biểu là Quảng Trường Thiên An Môn, một vùng đất thênh thang rộng, trước kia dành cho vua chúa, giờ thì dành cho nhơn dân.

 

Sau mấy tuần lễ kiên trì đấu tranh bất bạo động của sanh viên, nhà nước thấy cần phải dập tắt lửa rơm trước khi đám cháy lan to, và ông Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương, một con người thức thời chánh trị, đích thân đến hiện trường để tâm sự cùng sanh viên. Nhưng bọn chóp bu lãnh đạo tham quyền cố vị, sợ mất ghế lãnh đạo, điển hình là Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng, nhứt định cứng rắn với sanh viên. Do đó Triệu Tử Dương bị cho về vườn, diện bích và ngồi chơi xơi nước lạnh. Sau đó là chuyện gì phải đến đã đến, cuộc thảm sát tàn bạo dã man ở Thiên An Môn đã diễn ra, với những tác hại lịch sử và có tiếng vang hoàn vũ lâu dài.

 

Trong trận đàn áp đó, Đại Vệ là một nạn nhơn tiêu biểu, đã được Mã Kiến lấy làm trung tâm điểm để xoay quanh mà dựng chuyện "Nhục Thổ". Qua nỗi khổ của Đại Vệ, một nỗi khổ bắt nguồn từ thời Cách Mạng Văn Hóa đến mãi sau này, người đọc có thể kinh qua diễn biến xã hội, chánh trị và tư tưởng của nước Trung Quốc vĩ đại. Một đất nước thinh thang rộng có nhiều dấu ấn lịch sử - trong quốc nội cũng như trên trường quốc tế - nhưng có biệt tài "dĩ bất biến, ứng vạn biến", dồn nén chuyện lớn xuống chuyện nhỏ, rồi chuyện nhỏ thành chuyện bé tí ti, và sau đó chuyện bé trở nên chẳng có gì. Một phương pháp dựng trên nguyên tắc "để lâu, cứt trâu sẽ hóa bùn". Những chế độ công an trị thường có một vũ khí thô bạo, dã man hơn khủng bố mấy vạn lần. Đó là làm cho tập thể lú lẫn quên đi.

 

*  *  *

 

Trong khoảng thời gian mười năm hôn mê của Đại Vệ, trong khi mẹ nó cứ xoay quanh có mỗi vấn đề chữa trị cho nó thì bên ngoài xã hội Tàu đã bước đi một bước khá dài. Sau khi được Đặng Tiểu Bình chấp nhận nguyên lý "mèo trắng mèo đen gì cũng tốt, miễn là bắt được chuột" để động viên nhơn dân làm kinh tế, xã hội Tàu đã bước đi bằng những bước "Thánh Giống". Nên chi, từ ngôn ngữ chí đến sinh hoạt thường ngày cũng như tiến bộ khoa học kỷ thuật, mỗi mỗi đều có những sự đổi thay rõ nét.

 

Trong khi Đại Vệ hoàn toàn nằm yên, mê man không cựa quậy, thì trái lại ngoài đời, Xã Hội Tàu đã bao lần thay đổi xiêm y và lịch sử Trung Quốc đã tăng tốc bằng những bước đi với đôi hia bảy dặm. Nào là kinh tế tự do, nào là đầu tư bất động sản điên cuồng, nào là điện toán và vi tính, nào là điện thoại di động và truyền hình tràn ngập, rồi thì dân nghèo bị tống ra khỏi những thành phố để nhà nước lấy đất chỉnh trang, xây dựng nhà lầu, cao ốc.

 

Lần lữa qua tháng rộng năm dài, người dân Tàu thấy có cơ hội ăn nên làm ra, tình hình vật chất bản thân ngày một khắm khá hơn, tình cảnh bản thân, gia đình và bầu bạn ngày nay bằng năm bằng mười thời ông "Bốn Vĩ Đại" Mao Trạch Đông. Thời kỳ "xoá đói giảm nghèo" nay đã tăng lên một cấp là "bỏ xe đạp tậu xe gắn máy" và cứ tiếp tục thừa thắng xông lên. Nhứt định là trong cái đà phồn vinh cất cánh để vút cao như phản lực đó, phải có sự khuyến khích của chế độ. Nếu không thì dễ gì dân chúng làm được. Lối khích động đó đương nhiên là phải có âm mưu ý đồ, theo châm ngôn "nhơn dân cứ giàu có, Đảng ta cứ mạnh lên".

 

*  *  *

 

Cái gương sáng giá của đàn anh Bắc Kinh sờ sờ trước mắt, đàn em Hà Nội, trông thấy thèm nhỏ dãi, dại gì mà không theo? Thế nhưng nhãn hiệu "mèo trắng mèo đen" đã được cầu chứng tại tòa nên Hà Nội bèn chế ra thương hiệu khác, "xã hội chủ nghĩa theo cơ chế thị trường".

 

Quả vậy, ngày nay, dạo chơi trên đường phố Hà Nội, Đà Nẵng và nhứt là Sài Gòn, người quan sát chịu khó suy nghĩ, sẽ thấy ra một chân lý của tập thể lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Cảnh phồn vinh rần rộ, ngập tràn khói máy nổ của một xã hội đầy ứ xe gắn máy, mô tô, xe hơi cho thấy rằng nhà nước độc đảng cộng sản đã đem sung túc kinh tế đánh tráo với quyền lực chánh trị. Quả vậy, thế hệ thanh niên hậu chiến của Việt Nam đang cố gắng phấn đấu để tậu được một chiếc xe gắn máy cáu cạnh, tân thời, rồi lần lần tiến lên xe hơi, chẳng cần quan tâm đến nhơn quyền hay tự do dân chủ gì hết.

 

Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc - hai đảng cộng sản anh em thù nghịch, chẳng yêu thương gì nhau - người ta đang theo đuổi một chế độ kinh tế tương tự, thoát thai từ cái gọi là "Chủ nghĩa Lê Nin theo cơ chế thị trường". Hai mươi năm sau "Mùa Xuân Bắc Kinh", kết thúc bằng cuộc thảm sát đẫm máu tại Quảng Trường Thiên An Môn, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và nhứt là sau khi đã "đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào" hồi 1975, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội không còn sợ cách mạng vùng lên nữa, nhưng đang lo cái mà họ cho là "diễn biến hòa bình".

 

Hai mươi năm sau trận thảm sát Thiên An Môn, hiểm họa vùng dậy nổi lên đâu chẳng thấy và sanh viên từ Bắc Kinh đến Hà Nội đều ngoan ngoãn. Trong tương lai trước mắt giới trẻ mãi mê săn đuổi vinh hoa phú quý thay vì đòi hỏi tự do dân chủ. Rất có thể họ muốn có thêm tự do, nhưng không phải đến độ cần trực diện với chế độ, như thế hệ Thiên An Môn xưa kia. Thế hệ hậu chiến "tiến nhanh, tiến mạnh" đến cá nhơn chủ nghĩa nhiều hơn.

 

Trong khi giới trẻ Trung Quốc cho rằng nghĩa vụ hàng đầu của nước Tàu ngày nay là phát triển thì tâm trạng của Việt Nam bây giờ là leo thang từ xe gắn máy lên ô tô. Thế hệ Việt Nam trong thời kỳ sắp tới đây bị ám ảnh bởi giàu sang phú quý hơn là đẩy đất nước lên nền dân chủ đa nguyên.

 

Cũng như bên Tàu, tâm trạng thực tiễn đó xuất phát từ nỗi niềm ngao ngán chiến tranh mà ra. Cả hai nước anh em đó – tuy là hai quốc gia áp dụng chánh sách kinh tế như nhau nhưng cứ nhìn nhau như hai con chó đá - đều trải qua hậu bán thế kỷ XX với một thời nội chiến, một cuộc huynh đệ tương tàn, đã gây ra không biết bao nhiêu là mất mát. Vì vậy cho nên tình hình ổn định được coi trọng, nhứt là nó nâng cao nhanh chóng mức sống của quần chúng nhơn dân.

 

Y như rằng, những kiến trúc sư của nền kinh tế "xã hội chủ nghĩa theo cơ chế thị trường", đã tìm ra được một chủ nghĩa tư bản có tăng trưởng nhanh và nhiều cho những quốc gia độc đảng Châu Á, cũng đã thấy trước. Cơn ác mộng trước mắt không phải là những cuộc cách mạng vùng lên đẫm máu như thời buổi đã qua mà sẽ là một thứ tự do dân chủ từng bước, từng bước, thận trọng tiến tới để gặm nhấm chế độ đương quyền.

 

Nhưng sự chuyển hướng này đâu phải đơn giản, mà còn có nhiều điều cần quan tâm hơn nữa, nên "diễn biến hòa bình" kia trở thành một bóng ma ám ảnh các bộ chánh trị Châu Á phải năm canh thao thức. Thành thử ra tuy là diễn biến hòa bình nhưng nó lại là bước một bước hai, làm cho tập đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà Nước phải âu lo đến nhức đầu.

 

Khoa học kỹ thuật đã lần hồi cởi trói con người sống dưới chế độ toàn trị. Thời đại đen tối của tâm hồn, dưới chủ nghĩa Staline, Mao Trạch Đông, hoặc Hồ Chí Minh đã hằn sâu trong lịch sử, qua dáng dấp của những xã hội bị kẽm gai rào kín. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam chẳng nước nào được tự do. Đồng thời cũng không nước nào triệt để thiếu vắng tự do đến đổi dân chúng phải ao ước được tự do.

 

Người ta cho quần chúng nhơn dân há mồm chực đớp cái bánh vẽ dân chủ tự do, một cái bánh cứ chạy thụt lùi, trong khi thiên hạ chạy tới muốn hụt hơi. Thì "Bác ta" đã chẳng nói "Không có gì quý hơn độc lập tự do" đó sao? Bằng chứng là sanh viên bây giờ đâu thèm biểu tình đứng, biểu tình ngồi nữa, mà họ chỉ cần ngồi nhà mượn kỹ thuật điện toán để trao dổi Blog hay Twitter. Bọn đầu sỏ Hà Nội, cũng bắt chước Bắc Kinh, đưa ra miếng mồi tự do làm giàu nhấp nhử quần chúng nhơn dân, để cho họ quên đi những quyền lợi chánh trị khác.

 

Đương nhiên là nhà cầm quyền Trung Quốc khóa một vài địa chỉ Web mà họ cho là thù địch. Chế độ Internet tự do bị hạn chế. Ở Việt Nam, thường thường có tinh thần cởi mở hơn người anh cả phương Bắc, Internet được tự do tương đối khá hơn. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, chuyện giao dịch và sinh hoạt trực tuyến trên mạng được coi như là cái xú-báp an toàn của những quốc gia độc đảng, nơi mà chủ nghĩa cộng sản chẳng khác nào như một thương hiệu của quyền hành bị độc chiếm.

 

Ngày một, ngày hai, khi mà giai cấp trung lưu của Trung Quốc và Việt Nam càng khó tánh đối với hàng tiêu dùng hằng ngày thì họ cũng bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn về chánh trị. Như vậy là khoảng chừng một phần tư thế kỷ nữa, hai nước cộng sản anh em này sẽ phải cởi mở về mặt dân chủ tự do qua đà "diễn biến hòa bình".

 

Tuy nhiên, trong tiến trình dân chủ hóa dự kiến đó còn có nhiều yếu tố bất ngờ và bấp bênh, dẫu cho phần lớn dân chúng sinh sống hai hoặc ba lần thoải mái hơn, cách đây nửa thế kỷ. Mười năm sau này đã cho thấy có nhiều hứa hẹn trong chiều hướng lạc quan đó. Sau chánh sách cởi mở kinh tế bắt đầu từ khúc ngoặt của những năm 1980-1990, tỷ lệ tăng trưởng ở Việt Nam đã đạt được 8%. Mức sống đã tăng gấp đôi. Ngày nay ở Việt Nam hầu như mỗi người dân có được một điện thoại cầm tay. Đầu tư ngoại quốc cũng kéo vào khá nhiều, kể cả của Việt kiều hải ngoại – khúc ruột từ ngàn dặm - được chánh phủ khuyến khích đem tiền bạc về đầu tư. Công trường mở ra khắp nơi để đổi mới hạ từng cơ sở, lôi cuốn du khách ngoại quốc cũng như để xây dựng ở các thành phố lớn những trung tâm thương mại.

 

Chạy theo vết xe của Đảng Cộng Sản đàn anh phương Bắc, cộng sản Việt Nam độc quyền, cũng canh chừng không để cho cởi mở kinh tế lôi cuốn theo xáo trộn chánh trị. Trong lãnh vực này, Hà Nội cứ úp úp mở mở, khi vầy, lúc khác, lúc nới lỏng, khi siết lại. Internet là phương tiện thông tin cho phép đón gió mát muôn phương vào. Mà cũng là cái xú páp an toàn vì hơi nóng dễ làm nổ bong bóng hơn.

 

Như vậy thì phải chăng là Việt Nam đang trên đường dân chủ hóa, nhờ tăng trưởng kinh tế và nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật? Đâu mà quá đơn giản như vậy! Với cộng sản không có chuyện thẳng như ruột ngựa mà cái gì cũng quanh co, rắc rối. Từ khi Gorbatchev tung ra chánh sách Perestroika, sau vụ Thiên An Môn và với sự đổ nát của bức tường Bá Linh thì bức màn sắt không còn linh nghiệm nữa, tập đoàn chóp bu ở Hà Nội, cũng như của Trung Nam Hải, đâm ra sợ cảnh rào đổ bìm leo và giậu nát chó ỉa nên âm thầm thỏa hiệp với dân chúng. Họ như khuyến khích nhơn dân cứ làm giàu, như là một cách xóa đói giảm nghèo, miễn là đừng đụng chạm tới chánh trị. Bức màn tre bắt đầu lung lay, rào thưa, giậu đổ.

 

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây và những hậu quả mà những nước có kinh tế tăng trưởng nhờ xuất cảng sang thế giới Tây Phương phải hứng chịu, có nguy cơ phá hỏng thỏa hiệp nói trên. Ở Việt Nam, chánh phủ bị kẹt cứng giữa một bên là đẩy mạnh hoạt động kinh tế vì yêu cầu quốc nội và bên kia là hãm bớt lạm phát. Những người ăn lương tháng càng ngày càng khó mua được chiếc xe gắn máy, một dấu hiệu dễ thấy của sự phồn vinh. Tiền mua một chiếc xe gắn máy bây giờ cũng xấp xỉ từ sáu tháng đến một năm tiền lương. Nói làm gì tới chuyện sắm ô tô, được coi như là bước tiến kế tiếp.

 

Các cuộc đình công xảy ra ở nhiều xí nghiệp thuộc đầu tư nước ngoài. Không phải nhằm vào nhà nước, nhưng chánh quyền cũng thấy lo âu vì biết đâu sẽ lãnh đủ khó khăn, dưới dạng thiệt hại bàng hệ. Dẫu sau hiện tượng đó cũng cho thấy tình hình có khó khăn. Giai cấp trung lưu mới nổi lên không dám yêu sách về chánh trị vì sợ mất đặc quyền đặc lợi vừa mới được hưởng. Trái lại, nếu thời kỳ tăng trưởng mạnh chấm dứt thì chế độ phải tìm ra phương thức khác để động viên nhơn dân.

 

Biết đâu rồi đây, bí nước cùn đường, Đảng ta lại trở về phương pháp cổ điển, siết chặt và mạnh tay theo lối đảng độc tôn. Đề cao cảnh giác tốt hơn là tự tin. Nhưng, coi chừng, một khi quả bóng đã được căng phồng mà bị bóp mạnh quá thì chuyện nổ tung là lẽ đương nhiên.

 

Cho nên cái khôn khéo, đúng hơn là cái láu tôm láu cá, của những chế độ toàn trị là tìm cách khỏa lấp, che đậy, giấu kín như "mèo giấu cứt" những hành động xấu xa. Không phải chỉ ém nhẹm khi vừa mới xảy ra mà còn không muốn ai nhắc nhở đến mãi mãi về sau.

 

Như vết bẩn của triều đại ông "Hoàng Đỏ Staline", một đốm đen nhơ nhớp trong lịch sử Liên Xô, đã được thiên hạ lờ đi. Vụ thảm sát Thiên An Môn, hai mươi năm qua rồi mà Trung Nam Hải vẫn còn tìm mọi cách cho nhơn dân Tàu và quần chúng thế giới coi như không có. Còn ở Việt Nam ta thì thảm cảnh "cải cách ruộng đất" hay tai biến "nhân văn giai phẩm", nay chỉ là huyền thoại để quên đi!

 

Hãy quên đi tất cả, cứ miệt mài chạy theo nhu cầu sinh sống hiện tại để cho bọn đầu sỏ rộng đường thao túng chánh trị, ăn trên ngồi trước và vơ vét mà vỗ béo tập đoàn. Trong một xã hội toàn trị, nếu con người muốn tồn tại thì phải để cho tinh thần và tâm trí như ngây, như dại, như đã chết đi. Quyển chuyện "Nhục Thổ" của Mã Kiến nói đến nỗi xót xa khi người ta cố tình lờ đi chuyện kinh thiên động địa trong quá khứ, để thừa cơ hội tiến hành một âm mưu khác thâm độc hơn. Chẳng khác nào lợi dụng chứng Alzheimer của một người cao tuổi để chiếm đoạt tài sản của đương sự.

 

 

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.