.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (23)
 

Hôm đó, đài Tiếng Nói Huê Kỳ (VOA) có một bản tin nói về sinh hoạt trên Quảng Trường. Sanh viên chuyền vào loa phóng ra cho toàn thể nghe:

 

"... Nỗi lo sợ bao trùm thủ đô Bắc Kinh. Trí thức tự do và Đảng viên cấp tiến, mấy tuần trước đây thảo luận hăng say về cải cách dân chủ tại "Đại Học Dân Chủ", được thiết lập trên Quảng Trường cùng với tượng "Nữ Thần Dân Chủ", nay đã biến mất. Dân chúng Bắc Kinh tránh giao dịch với người nước ngoài. Những người có thông hành đã bắt đầu rời khỏi đất nước Trung Quốc. Nhà thiên văn vật lý học Phương Lập Chí đã cùng với bà vợ đi vào bí mật, vì bị nhà nước ghép vào tội ly khai chống Đảng."

 

Cùng lúc với việc dựng tượng "Nữ Thần Dân Chủ", sanh viên cũng có thiết lập trên Quảng Trường một lớp học mang tên "Đại Học Dân Chủ" do Trương Bá Lý (Zhang Boli), một nhơn vật nỗi danh thời tranh đấu đứng ra điều khiển. Ông là nhà báo, có ghi danh đại học Bắc Kinh một thời gian. Ông bị nhà nước Trung Nam Hải liệt kê hạng thứ mười bảy trong sổ bìa đen, gồm có hai mươi mốt nhà tranh đấu ở Thiên An Môn năm 1989.

 

Sau khi trốn thoát khỏi Bắc Kinh, họ Trương phải đi vào bí mật hai năm trên đất Trung Quốc. Sau đó trốn sang Liên Xô, nhưng không được đưa đi một nước tự do để tỵ nạn. Ông phải trở về Trung Quốc, ẩn mình làm nông dân ở quê nhà, tỉnh Hắc Long Giang. Sau đó được một người bạn giúp đào thoát sang Tây phương.

 

Tin ngoại quốc trên đài cho biết hàng triệu người dân Đài Loan nối vòng tay lớn làm thành chuỗi người dài bốn trăm cây số xuyên suốt qua hải đảo, dưới cơn mua tầm tã để gọi là ủng hộ phong trào dân chủ ở Bắc Kinh. Thật là vĩ đại! Thế giới bắt đầu hướng về Quảng Trường Thiên An Môn.

 

Ngày một tháng Sáu, học sanh tiểu học rần rộ kéo ra Quảng Trường để làm lễ chào mừng Ngày Thiếu Nhi. Các em bé tụm năm tụm ba quanh Bia Kỷ Niệm trông giống như những bó hoa. Thật là yên bình, thật là thơ mộng, trong khi Quảng Trường đang chờ một cuộc tấn công của Quân Đội Giải Phóng Nhơn Dân. Trời trong xanh, tượng Nữ Thần Dân Chủ cứ trắng toát như tuyết trời trinh bạch. Sự hiện diện của các em bé ở đây đã làm cho Quảng Trường có một bầu không khí gia đình ấm cúng. Nhưng Thiên Nghi nhận xét:

- Nghĩ tội cho các em! Phải sanh ra và lớn lên dưới chủ nghĩa cộng sản! Đất nước này chỉ cho phép thân xác của trẻ con nẩy nở nhưng lại giam hãm trí óc của các em.

 

Xế chiều, Thiên Nghi và Đại Vệ ngồi trên Quảng Trường nhìn xem các em gái học sinh ca hát những bài nhạc cách mạng. Nhìn các em, Thiên Nghi thầm nghĩ:

- Ước gì những em bé này khỏi phải lớn lên với tâm trạng của những con người mồ côi!

Nhìn những bé gái đứng dưới tượng Nữ Thần Dân Chủ mà hát những bài tán dương Người Cầm Lái Vĩ Đại, làm sao người ta cảm thấy yên tâm cho được. Tiếng hát của các em vang lên qua chiếc loa mà cô giáo các em gắn dưới chưn bức tượng.

 

Cặp trai gái thân tình cùng ngồi ngắm cảnh Quảng Trường và mơ tưởng đến một cuộc sống trong gia đình, có nhà, có cửa êm ấm. Cứ sống lang thang mãi như thế này, nghĩ ra cuộc đời cũng tắc tị. Nhưng, Đại Vệ lại có ý kiến khác:

- Chẳng có nhà nào là an toàn. Anh còn nhớ lúc nhỏ đã chứng kiến cảnh của Dì Lý, một bà hàng xóm. Bà đã bị bọn Hồng Vệ Binh lôi ra khỏi nhà, bắt quỳ gối ngoài sân. Bọn nó trói ké bà lại rồi dội cả chục bình thủy nước sôi trên đầu bà. Bà nắm lấy cành cây trước mặt và gào thét một cách đau đớn.

- Thời đó thật là dễ sợ! Em còn nhớ ngày mẹ em tự sát. Em chợt tỉnh khi nghe tiếng của thân xác bà rơi bịch xuống đất.

- Dẫu có nhà để về ở thì Đảng cũng có chìa khóa để mở cửa. Làm sao mà yên thân được?

 

Một nhóm người tiến vào Quảng Trường. Có vẻ như viên chức nhà nước. Một vài người có băng đỏ trên đầu, vài người khác đẩy xe đạp. Đại Vệ hít một hơi thở dài và nghĩ tới cây cối, núi đồi của Vân Nam. Nó nghĩ rằng thật ra ai cũng cần có một mái nhà vì đó là nơi mình có thể gìn giữ mọi tâm tư tình cảm của mình. Trong những ngày sinh hoạt trên Quảng Trường, hôm nay hai đứa mới có được cơ hội tâm tình, mặc dầu tâm trạng cứ bồn chồn vì một cuộc tấn công của quân đội đang lăm le.

 

Có tin đồn rằng một thiết giáp xa đã cán người dân thường gần Bảo Tàng Viện Quân Sự. Người chiến sĩ lái xe ăn mặc như dân thường vì bên trong xe nóng quá. Thiên Nghi khuyên Đại Vệ đừng loan tin đó ra vì e rằng sanh viên sẽ hoảng sợ.

 

Một người đàn ông bước vào lều và hỏi ai là người chịu trách nhiệm ở đây. Mặc dầu trời nắng nóng, ông ta vẫn mặc áo đi mưa. Ông ta tự xưng là dân biểu Quốc Hội. Được biết ông ta và một nhóm dân biểu muốn thảo luận với sanh viên. Người khách lạ cho biết là bạn bè của ông muốn mời sanh viên ra tiệm ăn để nói chuyện.

 

Đại Vệ đi cùng với Thiên Nghi ra tiệm ăn để gặp nhóm dân biểu. Trời đã nhá nhem tối. Đại Vệ nói khẽ với Thiên Nghi là không nên đi vào những ngõ tối và đường vắng. Thế nhưng không phải là một vụ bắt cóc vì họ cùng nhau đi tới một tiệm ăn thật. Họ mời hai sanh viên cùng dự bữa ăn.

 

Một người trong bọn đưa ra đề nghị:

- Nếu sanh viên tuyên bố sẽ rút ra khỏi Quảng Trường trong ngày mai thì chúng tôi sẽ đề nghị triệu tập phiên họp khẩn cấp của Quốc Hội ngay đêm nay để yêu cầu những người lãnh đạo Đảng cam kết là không bắt bớ hay làm khó sanh viên, sau khi sanh viên trở về trường. Chúng tôi muốn các bạn cho phép chúng tôi quảng bá điều đó trên loa, có được không?

- Chuyện đó không phải thẩm quyền của chúng tôi, mà phải qua Ban Chỉ Huy Bảo Vệ Quảng Trường.

- Chúng tôi có nói chuyện với họ rồi, nhưng không được.

- Thật ra, các ông bàn với chúng tôi với tư cách như thế nào?

- Chúng tôi không thể tiết lộ với các bạn điều đó. Nhưng, chúng tôi bảo đảm với các bạn rằng chúng tôi là những người có thanh thế trong phe cải cách của Đảng và có biết được những tin tức xuất phát từ cấp cao. Các bạn chỉ còn có mười hai tiếng đồng hồ là tối đa. Nếu các bạn không chịu rút ra khỏi Quảng Trường trước thời hạn quy định thì không những các bạn sẽ chuốc lấy tai họa mà giới chánh trị và trí thức đứng trong bóng tối hỗ trợ các bạn cũng cùng chung số phận.

 

Ba nhơn vật đó cho Đại Vệ và Thiên Nghi biết rằng họ đã nói chuyện với những lãnh tụ sanh viên, nhưng các đương sự rất ngoan cố. Họ cho biết sanh viên dự tính chiếm Quảng Trường tới ngày 26 tháng Sáu thì thật là phi lý. Nhà nước sẽ dẹp sanh viên trước thời hạn đó. Nhiều lắm là sáng ngày mai. Một người trong bọn lên tiếng:

- Hôm nay đã thiết quân luật đến ngày thứ mười hai rồi. Chúng tôi thấu hiểu nhiệt tình và lòng quyết tâm của các bạn. Nhưng, các bạn cũng cần dừng lại một chút và nhìn với một con mắt bao quát hơn và nghĩ tới sự an toàn của bản thân.

- Chúng tôi lấy danh dự bảo đảm là các bạn sẽ không bị điều gì hết sau khi rút về trường.

 

Thiên Nghi phát biểu:

- Trên phương diện cá nhơn thì tôi tán thành việc rút về, nhưng không biết những người lãnh đạo sanh viên có thuyết phục được tập thể hay không?

- Vì vậy cho nên, chúng tôi thấy rằng nếu đề nghị của chúng tôi được phát lên loa thì sẽ có tác dụng lớn.

Đại Vệ lên tiếng:

- Tôi chỉ sợ các ông không đi sát với bầu không khí của Quảng Trường. Sanh viên không chịu nghe đề nghị của mấy ông đâu. Dẫu sao, mấy ông cũng là Đảng viên. Sanh viên chúng tôi họp nhau hàng ngày, xem có nên ở hay về. Không có gì các ông nói mà họ chịu nghe đâu.

- Đề nghị của chúng tôi sẽ làm lợi cho chánh phủ lẫn sanh viên. Nhứt định cả hai đều phải tán thành.

Thiên Nghi góp ý:

- Nếu mấy ông nghĩ đề nghị như vậy là hợp lý thì tại sao mấy ông không chịu làm cho nhà nước nhượng bộ sanh viên đi?

- Chúng tôi không điều đình gì với họ được nếu như sanh viên cứ chiếm Quảng Trường. Nếu các bạn không chịu rút đi, không sớm thì muộn, cánh cải cách chúng tôi cũng phải đi tù. Hàng triệu viên chức có khuynh hướng ủng hộ các bạn sẽ bị thanh trừng và bị loại khỏi Đảng.

Người thứ hai cho biết:

- Quân lính bị dân chúng đẩy lui đã được lịnh rút về và được thay thế bằng những trung đoàn thô bạo hơn. Họ đang được huấn luyện ở vùng ngoại ô thành phố. Họ được trang bị bằng đạn thiệt. Họ sẽ nhận được những quân lịnh rất đơn giản là đàn áp phản loạn và bảo vệ tổ quốc.

 

Thiên Nghi và Đại Vệ cùng đứng lên và cho biết là rất tiếc không làm gì để giúp đỡ họ, và cho biết rằng sẽ có bốn nhà trí thức tên tuổi sẽ đến Quảng Trường để bắt đầu tuyệt thực. Đại Vệ nói với ba người đó:

- Nếu thiệt sự ủng hộ chúng tôi thì trước tiên mấy ông nên đòi cho được Chủ Tịch Quốc Hội, ông Vạn Lý, bị quản thúc tại gia, được trở về Bắc Kinh. Nếu ông ấy không có mặt ở đây thì làm sao triệu tập Quốc Hội họp khẩn cấp cho được?

 

Đại Vệ và Thiên Nghi rời quán ăn và từ giả ba người khách lạ. Thiên Nghi thắc mắc tự trách mình là chẳng hiểu được chánh trị, lúc thế này, khi thế khác, không biết ai đúng ai sai. Thiên Nghi cho rằng mọi chuyện đều sai quấy khi chiến dịch tuyệt thực bắt đầu, vì lúc bấy giờ sanh viên bắt đầu chia rẽ nhiều quá. Vì háo danh, vì ham mê quyền lợi,...

 

Thiên Nghi lảng sang chuyện khác, hỏi Đại Vệ phim chụp hình vợ chồng Kenneth và Mabel chừng nào xong. Cô nàng muốn xem những ảnh chụp ở khu Cấm Thành ra sao? Họ đang du ngoạn ở Thượng Hải, ngày mai sẽ đến Vân Nam và ngày Mười sẽ trở lại Bắc Kinh. Đại Vệ nhắc Thiên Nghi nên gom đủ giấy tờ khi vợ chồng Kenneth trở lại Bắc Kinh. Kenneth sẽ giúp Thiên Nghi chọn trường bên Mỹ. Một khi được thơ chấp nhận của nhà trường rồi thì sẽ xin sổ thông hành dễ dàng hơn.

 

Thiên Nghi thắc mắc về quy chế mới đòi hỏi sanh viên phải có làm việc hai năm mới được xin cấp sổ thông hành xuất ngoại. Nhưng Đại Vệ trấn an, bảo Thiên Nghi đừng lo, chỉ cần lo tiền cho một nơi nào đó thì có giấy chứng nhận như không. Thiên Nghi cho biết là sinh sống ở Trung Quốc ngày nay thấy ngột ngạt quá, muốn bay đi phứt cho rồi. Khi nghĩ đến chuyện quân lính đàn áp, Thiên Nghi lại thấy mình không muốn chết.

 

Một chiếc xe tải chạy qua, hàng trăm công nhơn đứng trên thùng xe phía sau. Một số khác ngồi trên mui phất cờ đỏ. Xe chạy chầm chậm hướng về phía Quảng Trường. Tấm biểu ngữ to lớn bằng giấy treo bên hông xe, phất phơ theo gió rách bươm.

 

Có tin báo động! Quân lính bắt đầu phá vỡ rào cảng ngoại ô, tiến vào Quảng Trường. Liên Đoàn Sanh Viên Bắc Kinh hối thúc những ai đã trở về trường nhanh chóng ra những nút chặn để tăng cường. Loa phát thanh lên tiếng:"Báo nguy! Báo nguy! Cần người ra ngã tư Liubuku để tiếp tay ngăn chận bước tiến của quân đội."

 

Ở ngã tư Jianguomen bên phía Đông có một chiếc xe nhà binh bị xô lật nhào và bị đốt cháy. Mọi đường dây điện thoại đều bị cắt đứt. Hầu hết những nhà báo và phóng viên thu hình đều rời khỏi Quảng Trường. Bầu không khí vui tươi và vô tư trên Quảng Trường trong mấy ngày qua đã biến mất.

 

Loa phát thanh của Liên Đoàn Công Nhơn Bắc Kinh ở phía bên kia của Đại Lộ Changan kêu gọi dân chúng hãy gia nhập Toán Cảm Tử. Như vậy, tình hình bê bết đã trở nên tồi tệ. Quân đội đang siết chặt vòng vây bao quanh Bắc Kinh.

 

Bốn nhà trí thức muốn vào Quảng Trường để bắt đầu tuyệt thực để phản đối. Trong số đó, có ca sĩ kích động nhạc người Đài Loan, Hầu Đức Giang. Quần chúng mà trông thấy ông ấy chắc là họ sẽ reo hò inh ỏi. Khi bốn người tình nguyện tuyệt thực chống đối vào bên trong lều, được dựng lên dành cho họ, những nhà báo, từ đâu không biết, xuất hiện ra, đưa thẻ báo chí ra xin phỏng vấn.

 

Sự xuất hiện của bốn người tình nguyện tuyệt thực làm cho cả Quảng Trường thấy phấn khởi lên. Sanh viên nhốn nháo cả lên. Sách, áo thun, mũ nón, bất cứ thứ gì trong tay đều được đưa ra để xin chữ ký trên đó. Thiên hạ cứ đông lần, reo hò, yêu cầu ông ca sĩ hát lên một bài. Đông đến nổi họ xô đẩy làm cho chiếc lều muốn sập. Sanh viên bảo vệ yêu cầu những người tuyệt thực ra bên ngoài để tránh tai nạn.

 

Bốn người tuyệt thực nghĩ rằng đến Quảng Trường làm chi mà cứ ngồi yên trong lều nên cả nhóm bước ra ngoài. Thiên hạ hoan hô nhiệt liệt và yêu cầu người ca sĩ Đài Loan hát tặng. Ban bảo vệ phải phát loa yêu cầu đám đông mở rộng vòng tròn để tiếp xúc với những người tuyệt  thực. Và để người ca sĩ trình bày bài hát mà họ ưa thích "Những đứa con của kim long".

 

Bài hát làm cho đám đông trên Quảng Trường sống lại. Bích chương, biểu ngữ, cờ xí và sanh viên múa may quay cuồng cùng tiếng hát. Nhờ có đám đông trên Quảng Trường làm cho giấy vụn và rác rến bị giẫm nát nên mùi hôi cũng bớt đi. Trong khi đó ảnh chân dung của "Người Cầm Lái Vĩ Đại" như cười nụ với tượng Nữ Thần Dân Chủ, mà đôi mắt nằm cùng chiều cao, cũng nhìn trân trân trở lại Mao Chủ Tịch.

 

Một sanh viên từ ngã tư Fuxingmen ở ngoại ô trở về Quảng Trường, áo dính đầy máu, cho tin là quân đội đã được lịnh dọn sạch Quảng Trường. Tiếng báo động vang vang trên loa:"Các bạn sanh viên thân mến! Quân lính thiết quân luật đả bắt đầu đánh phá các nút chặn và tiến tới Quảng Trường. Máu đã đổ tại nhiều nút chặn. Hỡi các bạn sanh viên và đồng bào, chúng ta hạ quyết tâm ở lại Quảng Trường cho đến giờ phút cuối cùng! Chúng ta nên tìm cái gì để tự vệ, cần phải bảo vệ lấy mình..."

 

Sanh viên lấy gì để tự vệ đây, lấy gì để chống tăng bây giờ? Có một sanh viên đã bị thương, cái băng trên đầu anh ta đã thấm đỏ máu. Quân lính đã tung lựu đạn cay để giải tán đám đông ở các nút chặn, nhưng khi thấy khói cay không ăn thua gì, họ dùng báng súng tấn công dân chúng.

 

Một quân nhơn giải ngũ chỉ cho sanh viên cách hóa giải thiết giáp và chỉ cho họ cách làm bom xăng Molotov. Loa nhà nước loan báo là "xáo trộn phản cách mạnh đã bùng nổ ở Bắc Kinh, yêu cầu đồng bào cấp thời rời khỏi Quảng Trường Thiên An Môn.

 

Hai sanh viên khiêng một phóng viên người ngoại quốc bị thương vào lều, nhưng bên trong không còn chỗ trống. Cũng may là họ đã lôi ông ta đi đúng lúc, nếu không thì chiếc tăng quân đội đã cán nát người rồi. Dân chúng đem đến cho sanh viên những thùng đạn, nón sắt và những chiếc la bàn thâu lượm được từ những thiết giáp bị bỏ lại trên chiến trường.

 

Có tin là những gì do sanh viên xây cất trên Quảng Trường sẽ bị san thành bình địa. Lực lượng võ trang Trung Quốc tiến tới Quảng Trường qua nhiều ngã, từ phía Tây là Quân Đoàn 27, với một đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt là tóm bắt những lãnh tụ sanh viên. Có những đơn vị mật kín đang ngăn chận những ngã tư đường vào khu các trường đại học. Quân đội đã có hình chụp các lãnh tụ sanh viên, nếu các đương sự trở về trường thì sẽ bị tóm cổ và cho xộ khám. Cho nên sanh viên khuyên bảo nhau là nên để cho lực lượng võ trang bắt tại Quảng Trường, trước mắt quần chúng còn hơn.

 

Sanh viên được lịnh là nên ra khỏi lều vải và tập trung tại khu Bia Kỷ Niệm. Đến đêm thì mọi người nên thức giấc và chờ lịnh mới. Có hai mươi ngàn quân lính tiến tới Quảng Trường, trong lúc nhơn số sanh viên trên Quảng Trường chỉ còn lối mười ngàn. Dân chúng hiện đang trì hoãn lực lượng võ trang trên đường tiến quân của họ nhưng đâu có thể cản bước của họ lâu dài được. Đứng trước nguy cơ đang đe dọa, sanh viên thấy nao núng, vì chưa quen đối đầu với hiểm họa.

 

Trời bỗng dưng sụp tối, mưa bắt đầu rơi nặng hột, gió nổi lên từng cơn. Thiên Nghi đang đi tìm điện thoại để mời giáo sư tới diễn giảng tại Đại Học Dân Chủ ở lớp đêm nay. Đại Nho thì đạp xe đi nhắc nhở phóng viên các tòa soạn trong thành phố nên đến dự buổi học đầu tiên của Đại Học Dân Chủ. Thiên Nghi nhứt quyết, dẫu sao đi nữa thì buổi khai giảng Đại Học Dân Chủ cũng phải cứ tiến hành.

 

Sau cơn mưa trời lại quang đảng. Đám đông bên ngoài lều lại xôn xao. Một người của nhóm tuyệt thực bước ra khỏi lều vải, chen qua đám đông để đọc bức thơ ngỏ:

 

"Chúng tôi, bốn nhà trí thức tình nguyện tuyệt thực đến Quảng Trường này để cho thế giới thấy rằng chúng tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống để đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi chống đối thiết quân luật và ủng hộ đòi hỏi của các bạn để đối thoại ngang hàng với chánh phủ. Nhưng hồi gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng dẫu cho các bạn có nhiều thiện chí nhưng phong trào của các bạn đã chia rẽ quá nhiều. Giờ đây phong trào đã được tổ chức quá tồi tệ và phản dân chủ một cách nguy hiểm. Nếu độc tài của sanh viên lại thay thế độc tài quân phiệt thì Phong Trào Dân Chủ là con số không..."

 

Một lãnh tụ sanh viên đứng lên cầm loa phản đối:

- Thưa giáo sư, chúng tôi hoan hô quý vị trong chuyện tuyệt thực. Nhưng tại sao, ở thời điểm quyết liệt này, quý vị lại có thể đến đây gây mối bất hòa trong giới sanh viên chúng tôi?

Người sanh viên kia chưa dứt lời thì đám đông la lối phản đối:

- Bọn trí thức ươn hèn! Lũ phản bội! Nếu các người không có gan để tuyệt thực nữa thì cút khỏi nơi này!

Lão giáo sư nổi giận, xếp bức thơ ngỏ lại ném cho người lãnh tụ sanh viên và nói:

- Các bạn sẽ hối tiếc vì không chịu nghe lời tôi!

 

Người lãnh tụ sanh viên cầm loa lên phát biểu tiếp:

- Các bạn sanh viên, trong giờ phút tối hậu này, chúng ta hãy cùng nhau tụ họp quanh Bia Kỷ Niệm và để cho lịch sử phán xét hành động của chúng mình. Khi lực lượng võ trang đến tấn công, chúng ta tiếp tục giữ thái độ ôn hòa và bất bạo động...

Từ xa, một sanh viên khác hô hào:"Các bạn sanh viên và đồng bào Bắc Kinh! Đây là giai đoạn ảm đạm nhứt của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ cuộc trong lúc này! Kiên trì, chúng ta sẽ chiến thắng!" Quần chúng hoan hô ầm ĩ.

 

Đoàn sanh viên bảo vệ, canh giữ Bia Kỷ Niệm, bắt đầu giải tán. Một vài người đến vây quanh lều của những người tuyệt thực. Ngoại trừ lều chứa loa phát thanh và ca sĩ Đài Loan ra, chẳng còn gì nữa để bảo bọc che chắn. Sanh viên khuyên các nhà báo nên ở lại Quảng Trường để chứng kiến cảnh quân đội giải tán đám đông và đề nghị những nữ sanh viên nên rời Quảng Trường.

 

Tiếng nói trên loa kêu gọi:"Xin mời những ai cam kết bảo vệ Quảng Trường đứng lên." Ai nấy đều yên lặng. Sanh viên bên trong lều vải bước ra ngoài ngóng xem chuyện gì xảy ra. Bầu không khí vô cùng căng thẳng. Tiếng nói trên loa tiếp tục:

 

"...Xin đưa tay mặt lên, mặt hướng về Bia Kỷ Niệm và xin nói theo tôi: 'Người ta có thể chặt đầu chúng ta và làm cho chúng ta đổ máu đến chết, nhưng chúng ta không khi nào chịu từ bỏ cuộc đấu tranh đòi dân chủ!'" Dẫu có dân chúng, du khách và thậm chí công an chìm bao quanh, những người sanh viên đưa tay tuyên thệ chẳng cần biết những chuyện bên ngoài và tập trung tư tưởng, chú tâm vào lời thề long trọng và trang nghiêm.

 

Trong ánh sáng cuối cùng của buổi hoàng hôn, trước khi màn đêm bao phủ, đám đông rộn rịp chạy tới, chạy lui giữa ảnh chân dung của Lãnh Tụ Vĩ Đại và Nữ Thần Dân Chủ màu trắng trinh bạch. Chẳng khác nào đàn kiến bồn chồn vì cảm thấy làn sóng triều dâng sắp ập tới.

 (Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.