.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (20)
 

Chiếc xe gắn loa chạy vòng quanh Quảng Trường, vừa phát nhạc quốc thiều vừa lập đi lập lại toàn văn bản thông báo quyết định chấm dứt phong trào tuyệt thực. Thời gian đã khá khuya, vùng trời tối đen như mực, nhưng Quảng Trường vẫn còn ồn ào như thường lệ. Bên trong lều phát loa, dưới ánh sáng của chiếc đèn bấm, một vài sanh viên ngồi cặm cụi viết bài để phát lên loa. Những người khác bận rộn trong chuyện in truyền đơn.

 

Giọng nói trầm tĩnh của cô sanh viên trên loa liên tục vang dội xuyên suốt Quảng Trường:

 

"Mỗi người nên có sẵn trong tầm tay mặt nạ và khăn thấm nước, đề phòng lựu đạn cay. Hay là dùng miếng vải cũng được, miễn được tẩm ướt... Chúng tôi vừa được tin có bốn trăm năm mươi xe tải nhà binh, đang tìm cách xâm nhập thủ đô, đã bị dân chúng chận lại ở đường vòng đai thứ ba, khoảng cầu Liuli. Những người dân Bắc Kinh đã đưa chính thân xác của mình ra cản đường không cho quân đội tiến lên. Xin những ai có xe đạp hãy đến ngay đó để tiếp tay với đồng bào..."

 

Một giọng nói khác loan báo:

 

"Đây là lời loan báo khẩn cấp. Dân chúng ở ngoại ô phía Tây cần sự giúp đỡ của sanh viên chúng ta. Xin một trăm sanh viên ban bảo vệ hãy đến đó ngay lập tức... Quân đội đã đến ngã tư Hongmiao rồi, nhưng đã bị một đoàn người phản đối chận lại đó. Một bà cụ già nằm ngang trước đầu xe và la lớn: “Nếu muốn chạy tới nữa thì phải qua xác chết của tôi.”

 

Trên Quảng Trường, sanh viên rộn rịp chuẩn bị bày binh bố trận để đối đầu với cuộc tấn công sắp tới của quân đội. Một bộ phận lo bảo vệ trạm phát loa, một mục tiêu thế nào quân đội cũng nhắm tới trước tiên, đồng thời giữ an ninh cho mặt phía Bắc của Bia Kỷ Niệm. Sanh viên thuộc ban bảo vệ của Đại Học Thanh Hoa và của Viện Trung Ương Dân Tộc Thiểu Số lãnh phần bảo vệ mặt phía Nam. Những sanh viên còn lại kéo nhau đi tăng cường rào cản ở ngoại ô phía Tây.

 

Phần đông những sanh viên còn lại trên Quảng Trường, cùng với những người tuyệt thực, đã rời khỏi mấy chiếc xe buýt và những nơi trú ẩn để tập trung quanh Bia Kỷ Niệm. Trước mối đe dọa vừa mới xuất hiện, là cuộc tấn công của quân đội, sanh viên các trường có mặt trên Quảng Trường đã đoàn kết lại, không còn phân biệt của trường này hay trường kia nữa.

 

Phản ứng của đám đông thường là như vậy, trước một nguy cơ thì đoàn kết lại, không phân biệt đoàn thể hoặc phe nhóm gì hết. Dẫu cho không còn phân chia tập thể này nọ, quần chúng trên Quảng Trường tự động sắp xếp rất vén khéo. Sanh viên bảo vệ và nam sanh viên thì bao bọc vòng ngoài, còn sanh viên gái thì tụ tập phía trong để được an toàn.

 

Đại Vệ quá mỏi mệt, bủn rủn tay chưn, mí mắt sụp xuống. Nó đi tìm Thiên Nghi, mong được ngồi cạnh cô bạn gái một đôi phút để lấy lại sức. Thiên Nghi vừa viết xong mấy bản tin cho ban tuyên truyền và đang nằm nghĩ trên từng trên của Bia Kỷ Niệm, đón chờ ngọn gió hiu hiu thổi. Mặt cô nàng xám xịt như tờ giấy báo. Máy ảnh của Thiên Nghi vẫn còn treo toòng teng quanh cổ. Đại Vệ mở hộp đồ ăn của Thiên Nghi xem cô nàng đã ăn chút gì chưa. Mấy trái dâu mà nó mua cho cô nàng vẫn còn nguyên và đã mốc meo. Vậy mà nàng còn dựa người vào Đại Vệ và nói khẽ:"Trời, thơm quá, em không cần ăn, chỉ hít mùi không cũng đủ rồi!"

 

Đại Vệ nằm xuống bên cạnh Thiên Nghi ở trên thềm đá lạnh. Thiên Nghi vuốt ve mái tóc của mình, rồi cằn nhằn:

- Coi nè, tóc em rụng hết. Anh có thấy bình keo xịt tóc của em không?

- Sao em không về ký túc xá mà tắm một phát.

- Bạn bè sẽ nói là em đào ngũ sao? Dù thế nào cũng đã muộn rồi, làm sao tìm được taxi giờ này?

Nhìn đồng hồ đeo tay, Đại Vệ la lên:

- Trời, đã nửa đêm rồi! Nhà nước nói là giờ này quân đội sẽ tới đây.

 

Tiếng reo hò của quần chúng trên Quảng Trường nghe vang dậy:"Dù cho bị chặt đầu hay bị bắn, chúng tôi sẽ không rời khỏi Quảng Trường Thiên An Môn! Nhà nước định tiêu diệt đài phát thanh của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải bảo vệ nó và đừng để cho kế hoạch đó của họ thành công..." Tiếng cô gái nói trên loa nghe vững tin và bình thản như người đọc tin trên đài Tiếng Nói Huê Kỳ VOA.

 

Thiên Nghi cho biết:

- Hồi mười giờ sáng nay, một chiếc phi cơ bay trên Quảng Trường rải xuống một mớ truyền đơn.

Nói xong, cô nàng lấy tay bụm miệng nôn ụa. Từ khi ngưng nhịn ăn đến nay, Thiên Nghi đã ói mửa hai lần. Một bạn sanh viên cho biết hình như tất cả các đoàn thể sanh viên trên Quảng Trường đã giải tán, không ai trực ở Liên Đoàn Sanh Viên Bắc Kinh. Như vậy, khi quân đội tấn công vào chắc sanh viên sẽ gặp khó khăn. Quả vậy, nhìn vào lều điều hành của Liên Đoàn chỉ thấy bàn ghế sứt càng gãy gọng và một số thùng cạc tông trống không.

 

Từ loa gắn trên xe buýt bay ra lời kêu gọi:"Các bạn sanh viên thân mến, chúng ta nên hy sinh mạng sống để bảo vệ quyền hiến định của chúng ta..." Kể từ giờ phút này, sanh viên chỉ phát loa từ chiếc xe buýt nhỏ và tất cả những thiết bị đều được chất lên xe để chuẩn bị di chuyển nếu quân đội tiến vào và có thể tiếp tục phát loa.

 

Có tin nhà nước đã cúp điện và nước của Quảng Trường. Tình hình đã bắt đầu khó khăn. Sanh viên kêu cứu các đồng chí công nhơn thủ đô Bắc Kinh ủng hộ. Đại Vệ cùng một số sanh viên nữa đi quan sát tình hình các nút ngăn chận xe quân đội mà đồng bào đã dựng lên tại các ngõ vào thủ đô. Cảnh tượng đó nhắc Đại Vệ trường hợp nó bị công an bắt giữ năm nào mà nó cảm thấy lạnh xương sống.

 

Quảng Trường lại bắt đầu đông nghẹt người. Từ khắp các nẻo đường xuất hiện những đoàn người biểu tình, theo sau là những chiếc xe tải mui trần, chở đầy người và bích chương, biểu ngữ. Chắc phải hàng triệu người ở trên Quảng Trường, nói năng la lối om sòm. Các loa đồng loạt hô hào:"Hãy chống trả quân đội đàn áp! Hãy bảo vệ Bắc Kinh!" Vô số tiếng reo hò của từng ấy con người đã vang đi dội lại trên Quảng Trường và với cơn phong ba âm thanh như vậy, người ta phải la to mới mong được nghe thấy.

 

Có người cho rằng, với ngần ấy dân chúng và sanh viên trên Quảng Trường, quân đội không dễ gì tiến chiếm được Quảng Trường. Nhưng cũng có luận điệu phản bác lại, cho rằng mấy tháng trước đó, quân đội đâu có gặp khó khăn gì khi đàn áp các cuộc biểu tình ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng. Kỳ đó không biết bao nhiêu người Tây Tạng đã bị giết chết. Người ta không sao quên được hình ảnh của Hồ Cẩm Đào, bấy giờ là Bí Thơ Đảng Ủy khu tự trị Tây Tạng, mặc quân phục tác chiến, đầu đội nón sắt, ra lịnh tấn công. Trông ông chẳng khác nào một Hitler. Nhưng, có ý kiến nghĩ rằng đó là chuyện ở tỉnh nhỏ, còn đây là thủ đô thì đâu phải quân đội muốn làm gì thì làm?

 

Trong khi đi quan sát tình hình tại những nút chặn vòng quanh ngoại ô, Đại Vệ trông thấy lối tám trăm cảnh sát dã chiến trên cầu Liuli. Họ đánh đập bất cứ sanh viên nào họ gặp. Quân đội có mặt khắp nơi, quanh thủ đô, gần như vây hãm hết cả thành phố. Quảng Trường đầy dẫy công an chìm, sanh viên được khuyến cáo là không nên xưng tên họ tuổi tác gì với những người lạ, vì có nhiều tên do thám rình mò. Trên Quảng Trường đông nghẹt, phải đến hàng triệu người, như vậy là tình hình thiết quân luật mà nhà nước ban hành đâu có hiệu lực gì.

 

Thiên Nghi soạn ra trong chồng báo cáo từ các đoàn thể gởi về và thảo ra bản thông cáo để đọc trên loa:"Công an võ trang, đầu đội nón sắt đã tấn công sanh viên ở trụ sở chánh phủ Trung Nam Hải bằng dùi cui điện và đánh đập sanh viên biểu tình ngồi một cách ôn hòa ở bên ngoài. Có những sanh viên bị thương, được đưa đi nhà thương." Có ý kiến là không nên tiết lộ tin những người bị thương, sẽ làm nn lòng, nên tìm tin tức về cuộc họp của Tổng Hành Dinh sanh viên.

 

Các loa nhà nước loan báo:"Trong thời gian thiết quân luật, người nước ngoài không được tham gia vào những hoạt động trái ngược lại những quy định của thiết quân luật. Quân cảnh được phép áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xử lý những trường hợp vi phạm..." Quần chúng trên Quảng Trường vẫn còn la lối hò hét om sòm. Một bên của Quảng Trường thì hô hào "Phục hồi chức vụ cho Triệu Tử Dương!", bên kia thì đòi "Bảo vệ Triệu Tử Dương!" Có ý kiến cho rằng nếu muốn tự vệ chống lại quân đội thì sanh viên phải mua sắm súng đạn và bắt đầu huấn luyện quân sự. Nhưng ngược lại cũng có ý kiến cho rằng nhơn dân làm gì có quyền sử dụng võ khí.

- Thì mình phải làm sao đòi hỏi nhà nước phải cho mình có được quyền đó chớ, giống như những chiến sĩ cách mạng Pháp để đánh phá pháo đài Bastille. Chúng ta sẽ lấy máu đào xây dựng một Công Xã Ba Lê mới tại đây!

 

Đêm qua, đã có người tìm cách mua mười ngàn khăn mặt và mặt nạ. Như vậy là sanh viên đã sẵn sàng chiến đấu chống trả cuộc tiến công của quân đội. Còn chống trả như thế nào và có thành công hay không là chuyện khác. Chưa chạm trán thì làm sao biết đá biết vàng? Trong khi đó, nhơn viên bảo vệ đưa ba người lính, quân phục ướt đẫm mồ hôi, lên loa để cho sanh viên biết là ba người này chống lại lịnh bắt sanh viên phải tuân hành tình trạng thiết quân luật. Lời phát biểu của họ được sanh viên và quần chúng trên Quảng Trường vỗ tay và reo hò hoan hô nhiệt liệt.

 

Từ lúc nhà nước tuyên bố ban hành tình trạng thiết quân luật cho đến bây giờ đã hơn hai mươi tiếng đồng hồ. Sanh viên tụ tập lại khu Bia Kỷ Niệm, giống như bầy nai tập trung ở một cái hồ nước để uống, không để ý rằng Quảng Trường là một vùng đất săn bắn và Bia Kỷ Niệm là một cái bẫy. Nếu như quân lính trang bị súng đạn thiệt thì rất có thể nhà nước sẽ ra lịnh cho họ tiêu diệt sanh viên. Người nào trên Bia Kỷ Niệm cũng có một nỗi sợ lạ kỳ và khủng khiếp. Người này liếc nhìn người kia, nghe ngóng, chờ đợi, bồn chồn, không yên tâm. Có người lạc quan nghĩ rằng nhà nước đưa quân đội tới để bảo vệ thủ đô và tái lập trật tự, họ sẽ không tấn công sanh viên.

 

Đêm đó đã hơn ba giờ sáng. Nhà nước nói rằng sáng sớm, quân đội sẽ dọn sạch Quảng Trường. Đại Vệ có cảm tưởng như bạn bè và nó bị nhốt trong một nhà cây, chỉ còn chờ chó sói tới ăn thịt thôi. Những sanh viên có trách nhiệm đang họp trong chiếc xe buýt gắn loa để bàn luận có nên rời khỏi Quảng Trường, trước khi quân đội kéo tới hay không.

 

Các thành viên trong ban tổ chức bắt đầu thấy lo sợ. Có tin cho rằng mấy trung đoàn lính đang ở bên trong Đại Sảnh Nhơn Dân và quanh quẩn nơi đó. Vậy mà cũng có một vài người lo làm bom tự chế bằng chai bia và xăng. Bây giờ, theo ước lượng thì chỉ còn khoảng mười ngàn sanh viên trên Quảng Trường. Quân lính có thể xông thẳng vào và bắt giữ những người bị cho là gây xáo trộn.

 

Nhưng, ngày hôm qua đã có hàng triệu người biểu tình khắp Bắc Kinh. Ở Hoa Thạnh Đốn, sáu ngàn sanh viên Trung Quốc hải ngoại đã biểu tình để ủng hộ phong trào. Ở Hồng Kông, ủy ban soạn thảo luật hăm dọa sẽ từ chức nếu như nhà nước không đáp ứng yêu cầu của sanh viên. Sanh viên nghĩ rằng với hậu thun như vậy, họ không có gì phải lo sợ. Cũng được biết là nhiều cấp lãnh đạo của nhà nước, chẳng hạn như nhơn vật kỳ cựu của cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Nguyên Soái Từ Hướng Tiền, tỏ ý ủng hộ sanh viên. Thậm chí, Từ Hướng Tiền còn nói với quân đội là người lính nào dám bắn chết một người dân thì ông sẽ giết ngay. Ngoài ra đài VOA có loan tin là Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ tuyên bố dứt khoát ủng hộ phong trào tranh đấu của sanh viên.

 

Bây giờ đã ba giờ ba mươi sáng rồi, ban tổ chức tuyệt thực quyết định rút ra khỏi Quảng Trường, giao quyền quản lý lại cho Liên Đoàn sanh viên Bắc Kinh. Trước khi rút đi, họ cần phải họp với Liên Đoàn để cho Liên Đoàn biết tình hình. Tin quân đội sắp tấn công làm cho một vài sanh viên hoảng sợ, trái lại còn làm một vài sanh viên cương quyết hơn. Những người trong cấp lãnh đạo trước kia mà lo sợ thì dự tính rút vào bí mật, để tránh chuyện bị bắt.

 

Được biết Đặng Tiểu Bình đã điều động một phần ba lực lượng chánh quy của Trung Quốc. Trên ba trăm ngàn quân sĩ đã bao vây Bắc Kinh. Quân số này đông hơn lực lượng đã được tung ra để tấn công Việt Nam hồi 1979. Ban tổ chức phong trào tuyệt thực cũng quyết định rút vào bí mật để khỏi bị quân đội bắt. Họ chia nhau tiền bạc do bá tánh trợ giúp phong trào trước kia, sợ rằng nếu quân đội bắt gặp nhiều tiền trên người sẽ gặp khó khăn. Đại Vệ cũng theo các bạn lẫn tránh, nhưng không quên đưa Thiên Nghi về gởi cho mẹ nó. Họ lẳng lặng ra đi, lần lượt rời chiếc xe buýt gắn loa lưu động, từng người một, mỗi người một ngả.

 

Đại Vệ ra đi, nhưng chợt nhớ lại có điều gì quấy. Nó biết rằng không làm sao đưa hết sanh viên tuyệt thực ra khỏi Quảng Trường được, nhưng nó cảm thấy có một cái gì không ổn là những người cầm đầu bỏ chạy như vậy, nhứt là sau khi họ đã cổ võ cho những người tuyệt thực cứ ở lại Quảng Trường.

 

Nó tìm gặp Thiên Nghi đang ngủ trong một căn lều cùng với ba người con gái khác. Nó đánh thức cô bạn gái dậy, bảo cô ra ngoài để nói riêng là nên cùng với nó về nhà bà mẹ. Đại Vệ không dám cho Thiên Nghi biết là đám lãnh tụ đã bỏ trốn. Thiên Nghi nói với Đại Vệ là nàng cứ ở lại Quảng Trường cho đến chừng nào quân đội đến và lôi nàng đi thôi. Đại Vệ cho Thiên Nghi biết là chánh phủ sẽ dẹp tan và quân đội sẽ nổ súng giết hại, chừng đó nàng đừng có than trời trách đất. Đại Vệ khẩn khoản:

- Thì em cứ về nhà với anh, rồi chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Sau đó, em muốn trở lại đây lúc nào chả được.

- Anh muốn về nhà thì về. Nếu quân đội đem tụi em đi thì anh phải trở lại đây để tiếp tục tranh đấu.

 

Biết rằng Thiên Nghi kiên quyết ở lại Quảng Trường. Nhìn về phía Đại Sảnh Nhơn Dân, Đại Vệ thấy có nhiều ánh đèn chập chà chập chờn nên đoán chừng phải có mười ngàn quân lính đang chờ ở đó, sẵn sàng tấn công. Nó rời lều vải của Thiên Nghi và leo lên bệ phía trên đề quan sát cho rõ hơn. Trên đó đã có một số lãnh tụ sanh viên tranh đấu và hàng trăm nhà báo nước ngoài cũng như Trung Quốc.

 

Đại Vệ tự hỏi làm sao quân đội lại có thể dẹp sạch những sanh viên đang ngủ trên Quảng Trường, trong khi cả thế giới đang theo dõi từng hành động một của họ? Hai sanh viên đi qua ngang, nhét vào tay Đại Vệ một tờ truyền đơn, bản sao một bản kiến nghị mang chữ ký của trên ba trăm người trí thức và nhà khoa bảng, kêu gọi Ủy Ban Thường Trực Quốc Hội truất phế Thủ Tướng Lý Bằng, với lập luận:"Trong tình hình hiện nay, chỉ có loại trừ Lý Bằng đi mới mong xoa dịu được lòng căm tức của quần chúng..."

 

Thật là một lời kêu gọi để mà kêu gọi chơi chơi thôi, phí thì giờ vô ích. Có lẽ người ta cứ tin tưởng rằng những đại biểu nhơn dân "gia nô" của cái gọi là Quốc Hội "Nhơn Dân" đó rất quan tâm đến những điều bức xúc của quần chúng. Người ta quên rằng họ đều là Đảng viên cộng sản hết.

 

Đại Vệ bắt đầu lim dim ngủ thì tiếng nói to lớn trên loa lôi cổ nó dậy:"Các bạn sanh viên trên Quảng Trường, hãy bình tỉnh! Chúng ta đang lâm vào tình huống vô cùng nguy hiểm. Do vậy, chúng tôi yêu cầu toàn thể anh chị em giải tỏa Quảng Trường lập tức, và di chuyển đến khu đại sứ quán!"

 

Lời báo động đó làm cho tập thể sanh viên trên Quảng Trường hoang mang nên nhiều người đổ xô đến lều chỉ huy của phong trào sanh viên. Thì ra, đó chỉ là một sanh viên la hoảng, chớ quân đội đâu đã tới. Có người nói là chừng quân lính tới thì ta cứ im lặng ngồi đây, như ngồi thiền vậy. Làm gì mà rối rít tít mù như vậy? Quân lính tới thì ta cho trổi nhạc quân hành và ca khúc "Ba điều quân kỷ và Tám điểm quan tâm" là quân lính hết thô bạo ngay.

 

Những sanh viên ngủ trong lều đều thức dậy, lo âu nghe ngóng tin tức để phản ứng kịp thời. Một vài người chạy tìm khăn lông và mặt nạ. Có người hỏi tại sao lại phải đi đến khu đại sứ quán chớ? Lại có tiếng nói trên loa, đính chánh lời tuyên bố trước, không cần di tản khỏi Quảng Trường. Ai ở đâu ở đó.

 

Loa cho biết:"Bây giờ là sáu giờ sáng. Quân đội chưa đến, như vậy sanh viên chúng ta đã thắng! Nhơn dân đã thắng! Hãy trổi nhạc quốc thiều lên." Lời loan báo này làm cho mọi người phấn khởi, trên gương mặt nào cũng nở nụ cười. Một bầu không khí thoải mái hân hoan tràn lan trên khắp Quảng Trường. Xa xa ở chân trời hướng Đông, một tia sáng ban mai, dịu dàng và ửng đỏ, từ từ ló rạng, hứa hẹn một ngày mới.

 (Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.