Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (7)

Vào giờ Ngọ, Đại Vệ nhập vào đám đông sinh viên tụ tập dưới chưn tam
cấp của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Trung Quốc, nhìn ra phía Quảng Trường
Thiên An Môn rộng lớn trải dài trước mặt. Khoảng trống công cộng vĩ
đại này, cỡ bằng chín mươi sân bóng đá, hoàn toàn trống rỗng. Chánh
quyền đã có lịnh vây kín vùng đất trống đó để ngăn ngừa biểu tình.
Một vài xe tải của công an đậu trên đường, ngăn chia đám đông với
quảng trường, sẵn sàng hốt những người gây rối đem đi. Sĩ quan công
an và bọn công an chìm rảo bước gần đó, giậm mạnh gót giày trên
đường để sưởi ấm đôi chưn.
Bên kia đoàn xe là
tháp đá hoa cương của Tượng Đài Kỷ Niệm Anh Hùng Dân Tộc, nằm ở
trung tâm quảng trường. Hồi nhỏ, hàng năm nhơn ngày Thiếu Nhi, lớp
học của Đại Vệ thường được đưa đến nơi đây, đặt vòng hoa tưởng nhớ
những người hy sanh cho cách mạng. Bên kia đài kỷ niệm là Đại Lễ
Đường Nhơn Dân, trụ sở Quốc Hội. Tòa nhà bê tông cốt sắt màu xám
xịt, nằm về phía Đông quảng trường, trông giống như thùng chứa hàng
khổng lồ của tàu thủy.
Đại Vệ nhìn lên phía Bắc, phía những bức tường màu đỏ của cổng Thiên
An Môn, lối vào Tử Cấm Thành, cung điện của các hoàng đế Trung Hoa.
Nhìn từ xa, những chiếc xe tải của công an đậu dưới chưn tường thành
trông giống như những con bọ hung tí tẹo.
Năm 1949, Mao đứng trên Cổng Thiên An Môn, tuyên bố thành lập nước
Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Quốc. Ngày nay, từ đó bức chân dung to tướng
của ông nhìn đăm đăm xuống bàn dân thiên hạ và xác ướp của ông nằm
trong sảnh kỷ niệm ở phía Nam. Quảng trường là địa điểm của lăng tẩm
dành cho Mao. Đại Vệ khó hình dung được đám biểu tình sẽ bạo gan leo
lên địa điểm tôn nghiêm đó để phê phán cái Đảng mà Mao đã lập ra.
Thành phần sinh viên đi biểu tình chưa được đông đảo mấy. Có nhiều
đứa chết nhát, nói một đường, làm một nẻo. Phần Đại Vệ thì cái biểu
ngữ cũng chưa làm xong mà cũng vác mặt đi biểu tình chống đối. Một
đứa trong bọn lấy ống dòm ra quan sát thì thấy có người từ Đại Lễ
Đường Nhơn Dân quay phim đám đông đang tụ họp. Đương sự hoảng hồn bỏ
chạy về khu học xá. Đám đông còn lại rủ nhau đứng khuất đàng sau
những thân cây để cho công an từ xa không nhìn thấy.
Đám đông không tới ngàn người. Tuần rồi gần hai ngàn người của
trường đại học Thanh Hoa đã đi biểu tình. Nhưng người tổ chức biểu
tình nói là con số không quan trọng, điều cần là được báo chí ngoại
quốc tường thuật. Được biết là đã có người liên lạc với các ký giả
nước ngoài để yêu cầu họ tới chứng kiến.
Đại Vệ ngồi xuống gốc cây để may nhanh những chữ bằng giấy vào mảnh
vải đỏ, làm biểu ngữ. Xong rồi, nó đứng lên nhìn qua cảnh quang. Nó
thấy hai công an thường phục lảng vảng bên cạnh người ngoại quốc ở
đằng kia. Công an, sắc phục và thường phục làm vòng rào bao quanh
quảng trường, ngăn cản không cho bất cứ người đi bộ hoặc đi xe đạp
nào tiến vào quảng trường. Thậm chí những người Tàu, ăn mặc quần áo
đẹp, muốn vào quảng trường để chụp hình kỷ niệm ngày Tết, trước bức
ảnh to lớn của Mao, cũng bị đuổi đi.
Ba nhà báo ngoại quốc đã thấy xuất hiện, nếu không chụp hình được
thì ít ra họ cũng viết bài gởi về. Sáng nay, bản tin của đài BBC có
cho biết là quảng trường Thiên An Môn đã bị bao vây. Nhiều sinh viên
của các đại học khác nghe tin cũng kéo đến nhập bọn. Nhóm biểu tình
thắc mắc giờ này sao không thấy anh lãnh tụ sanh viên đâu hết. Anh
ta là một nhà chiến lược đại tài, thường có những kế hoạch xảo
quyệt. Có người cho biết là anh đã nhận được điện tín báo là ba của
anh đau nặng nên anh đã đi Trùng Khánh.
Một sinh viên khác la lên:
- Chết rồi, trúng kế bọn chúng rồi! Tớ cũng nhận được điện tín như
vậy. Nhưng tớ đã điện thoại về nhà thì được biết là ông cụ tớ vẫn
bình thường, chẳng có ốm đau gì ráo trọi. Công an chơi cái trò đó để
đánh lừa những tay đầu sỏ của phong trào, làm cho họ rời khỏi Bắc
Kinh. Ê, coi chừng, công an đang chụp hình mình đó nghen. Mình nên
vào chỗ khuất đi.
Tuyết trắng, chưa bị giẩm trên quảng trường hoang vắng, sáng chiếu
lung linh. Một vài tên công an đang đứng giữa quảng trường, cạnh
chiếc xe tải có mang hàng chữ:"TUẦN LỄ AN NINH LƯU THÔNG". Người và
xe trông tí tẹo. Bốn cái loa trên mui xe nhả ra lịnh lạc:"Thành phố
đang nghiên cứu đại quy mô việc lưu thông. Không đơn vị lao động hay
cá nhơn nào được phép cản trở quá trình công tác. Sinh hoạt tập thể
trên quảng trường tuyệt đối bị cấm đoán."
Toán biểu tình của Đại Vệ kéo đến nhập bọn cùng những người dân
thường đang tụ tập bên ngoài vòng rào của công an. Có người mặc áo
ấm cẩn thận, có kẻ chỉ là người qua đường, thấy lạ ghé xem, những
người khác thì nghe đồn có xuống đường nên đến xem qua cho biết. Một
bác nông dân, tay đang cầm một bao đậu phọng, cũng chen chúc vào
xem, nói rằng:"Nghe có biểu tình chống tham nhũng và chống viên chúc
đầu cơ trục lợi nên xem qua cho biết. Tôi cũng muốn tham gia. Ở nhà
quê, đời sống chúng tôi suy tàn vì viên chức nhà nước tham ô. Tôi
muốn nói cho dân chúng Bắc Kinh biết là nông dân chúng tôi phải chịu
bất công đến như thế nào."
Được biết bác nông dân đó là người tỉnh Sơn Đông, thì ra ông với Đại
Vệ cùng quê quán vì ba nó cũng người Sơn Đông. Nó khuyên bác nông
dân không nên tham gia biểu tình. Hai người thợ đứng gần đó lại nghĩ
khác:
- Bác đã đến đây thì cứ tham gia sợ gì. Nếu bác binh vực quần chúng
thì chúng tôi ủng hộ, chớ làm gì đứng đó mà nhìn.
Hai người công nhơn hỏi Đại Vệ là sinh viên của trường đại học nào
và ai là người phối họp cuộc biểu tình. Họ cho biết là cũng muốn
tham dự biểu tình nữa. Họ muốn có truyền đơn để rải, nhưng Đại Vệ
không có nên chỉ nói với họ là cứ chứng kiến để ghi nhận cho lịch sử
cũng đủ rồi.
Một sinh viên, bạn của Đại Vệ qua ngang và cho biết là người phụ
trách an ninh của trường đã có được tên tuổi của những sinh viên chủ
xướng biểu tình vì cảm thấy bị công an thường phục theo dõi suốt
ngày hôm qua. Nhìn đi nhìn lại quanh quẩn, thân hữu của Đại Vệ không
thấy có bao nhiêu bạn bè cùng trường nên đâm ra lo ngại. Biểu tình
càng đông thì càng đỡ hơn vì kinh nghiệm cho thấy là luật lệ không
có tác dụng đối với đám đông.
Có nhận xét cho rằng đông đảo quần chúng, đang du xuân trên quảng
trường, cũng muốn tham dự là tốt rồi. Dẫu sao đi nữa thì cuộc biểu
tình này cũng nhơn danh quần chúng và tranh đấu cho quần chúng thôi.
Đằng kia, có một nhóm người đi chơi Tết đang chờ để chụp hình kỷ
niệm trên quảng trường, chắc chắn thế nào khi biểu tình bắt đầu thì
sẵn máy ảnh, họ cũng đổ xô ra chụp.
Có người chạy đến cho
hay công an đã bao vây con đường nối liền Quảng Trường với Cổng
Thiên An Môn. Trong khi nhóm sinh viên của Đại Vệ đang bàn tính xem
phải làm gì thì một toán sinh viên Mỹ Nghệ thình lình trương biểu
ngữ, phá vỡ vòng vây công an, tràn vào Quảng Trường hô to "Đả đảo
độc tài! Phải cho tự do ngôn luận!"
Toán của Đại Vệ chạy ùa theo. Nó vừa đi, vừa rút biểu ngữ đỏ trong
ba lô ra, nhưng vì quá đông người nó không trương lên đúng đắn được,
mà chỉ cầm một tay phe phẩy. Người bạn đi kế bên Đại Vệ rút trong áo
chắn gió ra một biểu ngữ dài ba thước, mang dòng chữ: ĐẢ ĐẢO ĐỘC
TÀI! TỰ DO MUÔN NĂM!
Chưa đi được bao xa thì hàng trăm công an tấn công vào và bao vây
đoàn biểu tình. Không chịu thua, nhóm biểu tình chọc thủng vòng vây
và chạy nhanh về hướng Tượng Đài Anh Hùng Nhơn Dân, vừa chạy vừa la
"Đả đảo tham nhũng! Tự do muôn năm!" Từ một chiếc buýt, một toán
công an võ trang ào ra, đánh đuổi sinh viên trở lại bằng gậy gộc.
Người bạn kế bên Đại Vệ liệng bích chương xuống và bỏ chạy. Hai
người công nhơn đi gần đó la lên:"Sao lại bỏ bích chương đi!" Đại Vệ
lượm nhanh bích chương lên và tiếp tục đi. Ngay lúc đó, một cây gậy
đập vào đầu nó. Khối xương sọ của nó như muốn nổ tung và mắt nó tá
hỏa tam tinh. Có nhiều người chen chúc bao quanh nó làm cho nó không
té xuống được.
Một bác nông dân, tay đang mang bao đậu phọng ném cái bao vào mặt
tên công an và nguyền rủa:"Đồ mất dạy! Sao lại đánh sanh viên?" Sau
đó bác nông dân nhảy bổ vào tên công an làm cho cả hắn và Đại Vệ té
nhào. Đại Vệ lồm cồm đứng lên thì một tên công an khác cho nó một đá
té nhào luôn. Chẳng mấy lúc mà mọi người trong nhóm biểu tình đều té
nhào hoặc bị lôi lên "xe cây", tay bị khóa trái sau lưng. Đầu Đại Vệ
còn đau nhói thì hai tên công an đã kè nó lôi đi đến nhà Văn Hóa
Công Nhơn, đàng sau cổng Thiên An Môn. Không đầy năm phút, cuộc biểu
tình đã bị dẹp tan.
Vào nhà Văn Hóa Công Nhơn, công an ấn đầu Đại Vệ xuống và bắt nó
ngồi xổm ở chưn tường. Có khoảng bảy tám mươi sinh viên bị công an
hốt về đó. Công an đá và chửi thề những ai không chịu ngồi ngay
ngắn. Một cậu bé, độ mười lăm hai mươi tuổi, kêu gào là chẳng có hô
hào gì hết liền bị một quả đấm nằm lăn ra đất. Sau đó, thằng bé
ngoan ngoãn ngồi dựa vào tường, sợ điếng người, chẳng dám hó hé.
Một tên công an có tuổi to tiếng:"Ai phản đối chánh phủ là kẻ thù
của nhơn dân, là phản cách mạng. Nên ăn năn tự thú. Ai mà nhận tội
sẽ được khoan hồng, bằng không thì sẽ bị tống vào nhà giam." Đại Vệ
bị một vết cắt ở mặt, bị u đầu và hai vai đau nhức, nhưng không
thương tích trầm trọng. Nó nhìn quanh quẩn chẳng thấy ai quen, ngoại
trừ người nông dân già ở Sơn Đông đang ngồi cạnh cửa. Chiếc áo đại
cán kiểu Mao của ông rách bươm. Ông hơi to con nên dẫu ngồi xổm, đầu
và vai vẫn cao hơn mọi người.
Cái lò sưởi chạy bằng than nằm giữa phòng đang cháy rực. Người Đại
Vệ lấm tấm mồ hôi bên trong chiếc áo ấm. Một công an sắc phục bước
vô phòng, đòi bọn nó cho coi giấy tờ. Tất cả những ai không phải
sanh viên đứng qua một bên. Người nông dân Sơn Đông nhìn lên và nói:
- Tôi đến Bắc Kinh có chút việc. Tôi đâu có muốn gây xáo trộn. Tôi
phải về chuyến xe lửa tối nay.
- Thôi đừng có làm bộ ngây thơ! Chớ ông không nói là muốn khiếu nại
về những bất công của nông dân đau khổ đó sao? Tại vậy mà chúng tôi
bắt ông đó. Cuối mặt xuống đi!
Chừng đó Đại Vệ mới nhớ ra rằng người nông dân kia là một trong hai
người mặc áo quần công nhơn đã bảo rằng nó đánh rơi biểu ngữ lúc
nãy.
Những người không phải sanh viên bị lôi ra ngoài và đưa lên xe buýt.
Đại Vệ còn nghe người nào đó la lên:"Mấy ông bắt lầm rồi! Tôi chỉ đi
ngang qua thôi." Và một người đàn bà la to:"Để cho tôi về nhà!" Nghe
như chừng bà ta cố gắng tuột xuống xe buýt, tay chưn đấm đá vào
thùng xe. Số sanh viên còn lại cứ ở đợi trong phòng, chẳng có lịnh
lạc gì hết. Chiều tối, người ta mang bánh mì tới. Đại Vệ đứng ra
tình nguyện phân phát. Một tên công an trẻ tuổi ra hiệu kêu nó bước
tới. Hắn ta trạc tuổi Đại Vệ. Có lẽ lính mới. Nghe Đại Vệ nói giọng
Bắc Kinh, tên công an tỏ vẻ có cảm tình, nói với luận điệu thân
thiện:"Tết nhứt mà vô tù thì chán chết!"
- Đúng vậy. Đâu dè hôm nay lạnh dữ vậy. Trời lạnh như vầy, đi cao
lâu đớp một bữa cho sướng.
- Nếu mấy người đừng quậy hôm nay thì giờ này, tôi đang ngồi nhà ăn
nhậu với gia đình cho sướng thân.
Muốn tâm sự với người bạn cùng trường nên sau khi phát bánh xong,
Đại Vệ đến ngồi gần để gợi chuyện:"Tại sao sanh viên Bắc Kinh chỉ có
hai đứa mình ở đây? Tụi nó bị bắt đưa đi chỗ khác à?
- Tao nghĩ hai đứa con gái đằng kia cũng là sanh viên đại học Bắc
Kinh.
- Thằng trưởng toán đã bỏ chạy ngay khi mới bắt đầu lộn xộn. Nó muốn
làm cách mạng to lớn, nhưng mọi chuyện đều hư hỏng hết rồi.
- Phản ứng ban đầu, tao cũng muốn bỏ chạy, nhưng cặp giò của tao
không tuân lịnh. Làm sao mà chúng có thể buộc mình vào tội "hoạt
động phản cách mạng"? Tao nghĩ là cuộc sửa đổi hiến pháp hồi năm
1978 đã xóa bỏ tội ấy đi rồi mà.
- Họ không xử tử mình đâu. Bết nhứt thì chúng mình lãnh vài ba tháng
tù là cùng. Đây là lần xộ khám thứ nhì của tớ, cũng quen rồi.
Những tên công an điều tra xuất hiện. Đại Vệ và người bạn cùng
trường với nó xin phép đi vệ sanh. Gã công an trẻ tuổi lúc nãy đưa
hai đứa đi ra ngoài và cả ba người cùng đứng tiểu vào bức tường phía
dưới khán đài phía đông cổng Thiên An Môn. Vừa kéo dây khóa quần ra,
gã công an vừa nói:"Trước kia, khi còn ở đại học Chánh Trị và Luật,
tớ cũng muốn đòi thay đổi. Nhưng nay, đã là công an thì mọi chuyện
đó phải dẹp qua một bên."
Đôi môi run run vì lạnh, Đại Vệ hỏi tên công an vậy chớ có hy vọng
gì được tha hay không.
- Sanh viên bị bắt nhiều quá, khó mà trừng phạt đám đông. Cấp trên
nghĩ là đêm nay có thể còn nhiều sanh viên kéo tới quảng trường nữa
để phản đối chuyện bắt bớ. Bọn tớ được lịnh làm việc suốt đêm. Chờ
xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Bạn của Đại Vệ lo lắng hỏi tên công an:
- Liệu họ có bỏ tù bọn chúng tôi không? Tôi khó sống được trong tù
vì bịnh viêm gan của tôi.
- Tớ không biết nữa. Họ sẽ không buông tha những người dân thường
đâu. Họ coi dân thường như những con gà, còn sanh viên như lũ khỉ.
Người ta sẽ giết mấy con gà để cho mấy con khỉ phải run sợ.
Đại Vệ an ủi người bạn nó:
- Mình không còn sống dưới thời đại của Mao Trạch Đông nữa thì lo
gì. Cùng lắm, sau khi tốt nghiệp mình sẽ bị đưa đi về một nhiệm sở
nào đó ở biên giới thôi.
Đúng như tên công an trẻ tiên đoán, khá khuya trong đêm, sanh viên
lại kéo đến quảng trường để phản đối chuyện bắt bớ.
Họ la to những khẩu hiệu: "Tự do muôn năm! Hãy thả bạn bè sanh viên
của chúng tôi ra!" Những tiếng la lối đó làm Đại Vệ và bạn bè lên
tinh thần. Họ nhắm mắt lại, thở phào sung sướng, nhứt là trong những
tiếng reo hò đó có đông đảo tiếng nữ sanh viên. Chắc là công an
không giữ đám sanh viên biểu tình lâu nữa đâu.
Trời bắt đầu sáng lần. Tiếng la ó phản đối bên ngoài đã yếu và thưa
bớt. Than hồng trong lò sưởi đã tắt từ từ và gian phòng lại bắt đầu
lạnh hơn. Phần lớn những sanh viên trong phòng tạm giam bắt đầu ngủ
gà ngủ gật, những người còn lại thì thầm nói chuyện với nhau. Hai
tên công an, có nhiệm vụ canh chừng những người tạm giam, leo lên
cái bàn để giữa phòng và thiếp ngủ với bộ đồng phục còn nguyên trên
người. Thế rồi tới phiên Đại Vệ bị kêu hỏi. Nó là người thứ ba mươi
tư bị kêu lên làm việc.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|