.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (24)
 

Thời điểm đã tới mà học viên của "Đại Học Dân Chủ" vẫn chưa có mặt đông đủ. Ban tổ chức quyết định cứ khai mạc vì các phương tiện truyền thông và quan khách đã đông đủ. Trời đã chạng vạng, ngả về đêm và có gió mát, vậy mà nhơn viên ban tổ chức cứ mồ hôi mồ kê, vì bận rộn lăng xăng. Thợ mộc đặt đóng bục giảng cũng không thấy giao hàng, có lẽ vì sợ quân lính tấn công. Vậy là, người ta kéo bàn lại làm bục giảng tạm thời.

 

Lực lượng võ trang đã đến rìa phía Tây của đại lộ Trường An cạnh Quảng Trường. Trong lúc đó, ban tổ chức Đại Học Dân Chủ hối hả sắp xếp để khai giảng. Người thì viết băng giới thiệu "Lễ Khai Giảng Đại Học Dân Chủ", kẻ thì khiêng bàn sắp xếp, dự tính sẽ đặt dưới chưn tượng Nữ Thần Dân Chủ.

 

Nhưng buồn thay, một số sanh viên các tỉnh đã dựng lều ngay chỗ dự tính. Đại Vệ xông vào định yêu cầu họ dời đi, nhưng lại gặp lúc họ đang nhậu nhẹt và phì phà khói thuốc. Như vậy là hai bên cãi nhau rất hăng, gần đến chỗ thượng cẳng tay, hạ cẳng chưn. Nhưng toán sanh viên trong lều cứ ngoan cố nên Đại Vệ đành chịu thua chọn chỗ khác cho lễ khai giảng.

 

Hệ thống loa nhà nước loan báo lần nữa:"Đêm nay, một cuộc dấy loạn phản cách mạng đã bùng nổ tại Bắc Kinh. Mọi người có mặt trên Quảng Trường phải rời ngay. Nếu không chịu đi thì, khi thi hành thiết quân luật, quân đội sẽ dùng võ lực để trục xuất." Sanh viên ngạc nhiên vì có gì đâu mà loa nhà nước lại nói là "dấy loạn phản cách mạng"? Có thể nhà nước đã dàn dựng, phát súng cho sanh viên và đồng bào như thế nào đó, rồi chụp hình tuyên bố là có "nổi loạn võ trang".

 

Đã chín giờ đêm rồi mà giáo sư diễn giảng chưa đến. Trong khi chờ đợi, khách khứa và truyền thông được mời đứng bao quanh tám cái bàn mà ban tổ chức làm thành bục giảng. Chắc là với nguy cơ quân lính sẽ tấn công, giáo sư không dám đến giảng dạy rồi! Ban tổ chức sẽ tùy cơ ứng biến.

 

Một nhà báo cho biết là quân lính ở các quận huyện phía Tây đã nổ súng vào đám đông. Ông ấy có chụp hình những xác chết của sanh viên và đồng bào. Như vậy là lực lượng võ trang nhứt định bắn chết người! Thiên Nghi bắt đầu xao xuyến:

- Có đông người đang tập họp lại đây, nếu có hỗn loạn, thiên hạ chạy tán loạn sẽ giẫm nhau chết hết! Phải khai giảng mau lên rồi đưa tất cả đến Bia Kỷ Niệm.

 

Không phải như Đại Vệ, đã một lần bị công an bắt, Thiên Nghi thấy hơi nao núng làm cho Đại Vệ thấy vậy tìm cách trấn an cô bạn gái. Tay Thiên Nghi lạnh ngắt vì sợ hãi. Tin giờ chót từ mấy nút chặn cho biết là quân đội sẽ kéo đến để giải tỏa Quảng Trường. Họ nã súng vào đám đông và dùng thiết vận xa băng qua các rào cản. Một sanh viên, áo quần lấm tấm máu, từ nút chặn chạy về cho hay lực lượng võ trang bắn bừa vào đám đông, thiên hạ ngả chết trên đường. Chiếc xe đạp của anh ta bị xe tăng đè bẹp.

 

Cuối cùng, ban tổ chức cũng khai giảng Đại Học Dân Chủ, một cách gọi là qua hình thức, vì học viên chẳng có mấy mà giảng viên thì cũng chẳng thấy đâu. Vậy mà cũng có tiếng vỗ tay hoan hô, trong khi đó loa phát âm của nhà nước lại ra rả:"Xin nhắc lại là việc khai giảng Đại Học Dân Chủ không được Ủy Ban Giáo Dục nhà nước chấp thuận. Những người chủ trương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật..." Dư âm của loa vang dội khắp Quảng Trường, như đe dọa, muốn chứng minh rằng khoảng không gian của Quảng Trường cũng thuộc về Đảng cộng sản Trung Quốc. Tiếng súng xa xa nghe như tiếng nổ của tràng pháo.

 

Người sanh viên đứng giảng lớp khai mạc Đại Học Dân Chủ bình thản lập luận:"...Chủ Tịch Mao có nói Quân Đội Giải Phóng Nhơn Dân là một trường học, thử  hỏi Ủy Ban Giáo Dục nhà nước có cho phép khai giảng không? Đảng dạy quân đội đàn áp nhơn dân, chúng ta dạy những người dân chủ phục vụ dân tộc. Quảng Trường Thiên An Môn là phòng học của chúng ta. Cả đất nước bao la là khuôn viên nhà trường của chúng ta. Chúng ta chẳng cần một ủy ban giáo dục sắt máu nào chấp thuận để mở lớp hết!" Tiếng vỗ tay vang lên trong lớp học dã chiến.

 

Lớp học đang tiến triển thì giáo sư Ngiêm Gia, Chủ Tịch danh dự của Đại Học Dân Chủ, xuất hiện cùng với bà vợ. Cử tọa đứng yên lắng nghe lời giảng của giáo sư, thỉnh thoảng chen vào những tràn pháo tay tán thưởng. Giáo sư dứt lời, lớp học đã chấm dứt, thiên hạ vẫn còn tụ tập lại để thảo luận về những gì đã nghe thấy.

 

Họ đứng đó thảo luận về dân chủ, trong khi chiến xa của quân đội ì ầm kéo đến phía họ. Họ nghĩ rằng họ có thể lật đổ chế độ cộng sản để thay đổi đất nước này. Một vài thành viên của đội cảm tử quân Liên Đoàn Công Nhơn chạy về la lối:"Quân lính giết hại dân chúng ở đại lộ Trường An. Dân chúng cần được chúng ta hỗ trợ. Tiến lên anh em, mọi người hãy tiến lên, đánh cho bọn ác ôn côn đồ một trận nên thân..."

 

Quân lính chia làm hai cánh từ phía Đông và phía Tây của Quảng Trường tiến vào. Đại Học Dân Chủ vừa khai trương đó thì đà giải tán. Sanh viên trên Quảng Trường lo chuẩn bị di tản dụng cụ và thủ tiêu danh sách học viên của Đại Học Dân Chủ. Người ta khuyên các nữ sanh viên nên trở về ký túc xá, nhưng Thiên Nghi, sợ thì có sợ nhưng vẫn làm gan ở lại vì không nỡ bỏ Đại Vệ ở lại một mình. Tất cả số sanh viên còn lại tập trung ở Bia Kỷ Niệm, phần Quảng Trường còn lại trống rỗng.

 

Bọn con trai thì hùng hùng hổ hổ, võ trang gậy gộc, dao mác, lấy trứng chọi đá, một lối tự kỷ ám thị, tự cho mình một khí thế nào đó để đương đầu lại nỗi sợ trong lòng. Người thì nhứt định ở lại, kẻ lại muốn ra về, cãi nhau cứ loạn cả lên. Một vài nhà báo nước ngoài len lỏi qua đám đông để chụp hình. Sanh viên tập họp lại với nhau, giống như những đàn cá túm tụm thành đàn để tránh cá mập.

 

Sực nhớ tới những người trí thức tình nguyện tuyệt thực để ủng hộ phong trào tranh đấu, Đại Vệ bước sang lều vải, thấy người thì nằm gối đầu lên đùi bạn gái, người khác thì nằm sấp cho bạn gái đấm lưng,... Đại Vệ hiểu tại sao họ cứ êm ru trong khi tiếng súng văng vẳng xa xa trên Quảng Trường.

 

Bây giờ thì sanh viên ở vào thế kẹt, tiến thối lưỡng nan. Vòng ngoài là lực lượng võ trang định trục xuất họ ra khỏi Quảng Trường. Vòng trong thì sanh viên và dân chúng lại không muốn cho họ ra về. Như vậy là họ bị bao vây, chỉ còn chờ quân đội đến lôi đi thôi.

 

Một toán sanh viên chừng sáu bảy người, trang bị thanh sắt, dao và gậy gộc, hùng hổ làm dữ. Trông họ giống như biệt đội hành động đặc biệt. Một người trong bọn nói rằng quân lính, được đưa tới để giải tỏa Quảng Trường đã từng chiến đấu ở Việt Nam hồi năm 1979, cho nên toàn là dân thiện xạ. Người khác thì ước gì có được lưỡi lê. Họ không ý thức được rằng khi quân lính thấy họ trang bị như vậy thì sẽ nổ súng ngay.

 

Đại Vệ khuyên họ, nếu muốn đánh nhau với quân lính thì nên ra tuyến đầu và giúp bà con bảo vệ các nút chặn. Quảng Trường là hậu phương nên không cần được võ trang. Họ hỏi ngược lại Đại Vệ:

- Chúng tôi không rời khỏi Quảng Trường này! Bạn có biết đêm nay đã có bao nhiêu người chết để bảo vệ cho các bạn không?

Một người khác trong bọn nâng một khẩu súng máy để lên bệ lan can. Thấy chuẩn bị có vẻ hung hăng, thiên hạ xúm lại xem họ định làm gì. Họ phe phẩy một chai xăng và hô to:

- Những sanh viên không võ trang nên rời khỏi Bia Kỷ Niệm ngay.

Trên băng bịt đầu của họ có ghi:"Tự do hay là chết". Nhiều người chạy tới can gián, với lập luận là không nên mưu tìm dân chủ bằng dao và súng đạn.

 

Bỗng dưng, Đại Nho, em của Đại Vệ, từ đâu xuất hiện cùng với một toán bạn bè. Họ la lối:"Ai sợ không dám choảng nhau với quân đội thì rời khỏi Quảng Trường ngay! Những ai còn lại phải cam kết bảo vệ Quảng Trường đến hơi thở cuối cùng!" Họ chỉ trang bị bằng chưn bàn bẻ gãy. Đại Vệ khuyên em nó nên quăng ném các thứ đó đi thì Đại Nho cứ lờ đi. Đại Vệ nhớ lại những ngày còn bé, em nó cũng thường bướng với nó. Nó hỏi em nó:

- Bộ mày tưởng có thể đánh nhau với quân lính có súng bằng gậy gộc như vậy sao? Quân Giải Phóng đã bao vây chúng mình rồi. Họ có súng và đạn thật và có thể bắn chết mình từ xa.

- Dễ gì anh, mình có võ trang thì quân đội đâu dám xông vào.

- Đừng tưởng như vậy là mày đã vô địch. Nên nhớ rằng viên đạn vô tình không có mắt. Hai đứa mình không thể cùng có mặt ở đây. Mày nên về nhà đi. Nếu như bọn mình không chống cự thì còn có thể trở về học xá, hoặc tệ lắm là đi tù thôi. Nhưng nếu mình phản công cự lại thì quân đội sẽ nả súng vào đám đông, rồi máu sẽ chảy thành sông, tràn lan khắp thành phố. Một trong hai đứa phải sống để lo cho mẹ chớ.

- Anh tưởng anh có thể thuyết phục em đào ngũ sao? Đừng có hòng.

- Thì cứ ở lại, nếu mày muốn, nhưng nên bỏ cái cây này xuống. Mày không có quyền lôi tụi tao vào một cuộc ẩu đả ác liệt.

 

Tin quân đội càng lúc càng siết chặt vòng vây làm cho sanh viên trên Quảng Trường càng thêm bối rối, không biết cứ ở lại hay trở về trường. Tin tức ở tiền phương về không mấy tốt đẹp, có bạn thân thiết đã bị bắn lòi ruột, tiếng súng nổ khắp nơi.

 

Tình hình bắt đầu trầm trọng, bạn bè quen biết chết khá nhiều, lực lượng võ trang bắn phá bừa bải, lính tráng trông như bị cần sa ma túy hành hạ, cứ bắn không cần biết, bắn vào nhà cửa có người đứng ở cửa sổ nhìn ra,... Một nhà giáo nhảy lên xe chở quân nói chuyện phải quấy với quân sĩ, nhưng bị đẩy xuống rồi bị đâm lưỡi lê vào ngực!

 

Khắp nơi trên Quảng Trường yên lặng như tờ, ai nấy đều được yêu cầu bỏ gậy gộc, gạch đá, chai xăng xuống. Nữ sanh viên được yêu cầu rời Quảng Trường, trở về trường. Quân lính bắn cả đạn lửa nên cảnh tượng trông càng rùng rợn. Người sanh viên lãnh đạo phong trào có vẽ mất hết khí thế đấu tranh của lúc ban đầu, sau hai mươi ngày đưa tập thể đến vực thẳm và giờ đây người ta định xô đương sự xuống hố.

 

Nhưng không, lãnh tụ sanh viên đó vẫn còn lên tiếng lần chót:

 

"Các bạn sanh viên thân mến! Tôi thiết tha yêu cầu các bạn hãy buông gậy gộc dao mác xuống và các bạn gái nên trở về trường ngay... Các bạn sanh viên thân mến! Ngày đen tối, sau cùng rồi cũng đã đến. Ở thời điểm cuối cùng này, tôi xin gởi đến các bạn bài thơ sau đây của một nữ sĩ đời nhà Tống, bà Lý Thanh Chiếu:

 

"Trên trần gian, oanh liệt giữa nhơn sinh

"Dưới cõi âm, anh hùng cùng ma quỷ.

"Hôm nay đây ta tiếc thương Hạng Võ

"Thà tuẫn tiết bên giòng nước Ô Giang."

 

"Các bạn sanh viên thân mến! Chúng mình hãy còn trẻ, có thể chúng mình thiếu quả cảm khi đối mặt với lực lượng võ trang tàn nhẫn vô nhơn đạo, cứ nổ súng bừa bãi xuyên suốt qua thành phố. Nhưng chúng mình là những con người cao quý và có danh dự. Dẫu sao đi nữa, chúng ta phải kiên định và đừng phế bỏ gia đình... Hãy đem lý tưởng của mình mà đánh thức lương tâm dân chúng Trung Quốc!"

 

Người lãnh tụ sanh viên kia dứt lời qua cơn thổn thức. Với bài thơ trên đây, lãnh tụ sanh viên nhắc lại gương Sở Bá Vương Hạng Võ, khi mạc vận bị quân của Hán Bái Công Lưu Bang đuổi theo rất ngặt. Khi đến bờ Ô Giang, Hạng Võ nghĩ tủi thẹn cho phận mình đường đường là một vị Bá Vương, oai danh trong thiên hạ, vậy mà ngày cùng chỉ còn một thân, một ngựa, liền cắt đầu giao cho đình trưởng sở tại để lãnh thưởng.

 

Mọi người quanh Bia Kỷ Niệm lặng yên. Thiên Nghi cùng mấy người con gái khác đưa tay quẹt nước mắt. Đại Vệ khuyên:

- Thôi đừng khóc. Nếu các bạn khóc, rồi mọi người đều khóc, tình hình sẽ trở nên vô cùng bi đát!

 

Qua máy vô tuyến cầm tay, có tiếng la thất thanh:"Thiết giáp tới rồi!..." Sau đó im hơi lặng tiếng. Người giữ máy bấm nút lia lịa, nhưng buồn thay không liên lạc trở lại được. Mọi người lo âu. Đại Vệ muốn tìm chỗ an toàn cho Thiên Nghi và không biết có đủ can đảm như Sở Bá Vương Hạng Võ hay không?

 

Biết rằng lực lượng võ trang đang từng bước một siết chặt vòng vây, nhưng chưa thấy xuất hiện, những người có trách nhiệm của sanh viên thấy nôn nóng. Mỉa mai thay, người ta lại hồi hộp ngóng trông điều mà người ta không muốn thấy! Trong giây phút chờ đợi họ cùng nhau an ủi và cùng nhau động viên tinh thần:

- Không có gì phải sợ hết. Cứ bám vào lý tưởng của mình.

- Em không sợ, nhưng em tuyệt vọng.

- Nếu họ bắt giữ chúng ta thì không được đầu hàng, một ngày nào đó, chiến thắng sẽ về phía chúng ta.

 

Một vài nhà báo yêu cầu một bạn sanh viên cho biết ý kiến về tình hình hiện tại. Anh ta không nói chẳng rằng gì hết mà cầm lấy cây đàn ghi ta rồi nghêu ngao hát:"Tất cả những người yêu chuộng tự do, hãy ưởng ngực lên và ngẩn cao đầu..." Một người sanh viên, đâu đó trong bóng tối la to:

- Ta sẽ sống chết với Quảng Trường này, không khi nào đào thoát...

Tất cả sanh viên trên Quảng Trường đều tập trung quanh Bia Kỷ Niệm, những người có nhiệm vụ chia nhau canh chừng bốn mặt tượng đài.

 

Tiếng ỳ ầm của chiến xa đã nghe rõ lần cùng với tiếng súng đì đẹt. Chẳng bao lâu nữa quân lính sẽ xuất hiện từ bốn phía của Quảng Trường. Để cho lên tinh thần, một vài sanh viên hát theo bài "Quốc Tế Ca" trên loa phóng thanh:

 

"Sục sôi nhiệt quyết trong tim đầy chứa rồi!

"Quyết phen này sống chết mà thôi..."

 

Như người đi đêm sợ bóng tối cần huýt sáo hay hát hỏng, có những tiếng hô to đâu đây:

- Chúng ta sẽ bảo vệ Quảng Trường tới cùng! Chúng ta sẻ bảo vệ nhơn dân Trung Quốc!

- Họ có thể chặt đầu chúng ta, nhưng không thể chiếm lấy Quảng Trường của nhơn dân.

 

Tiếng loa lại oang oang:"Quân lính tới, chúng ta cứ kiên trì, quyết tâm và bình tỉnh. Chúng ta cứ cố thủ, vai kề vai và tay trong tay. Cứ để cho quân đội tiến tới đàn áp chúng ta, chúng ta cứ bình tâm." Lần hồi, tất cả sanh viên đều tập trung quanh Bia Kỷ Niệm để động viên nhau mà chờ điều bi đát sắp đến! Quân đội cứ từ từ, kín kín hở hở làm cho giây phút phập phòng trở nên dễ sợ hơn.

 

Đã gần một giờ sáng rồi, phần lớn nữ sanh viên đả đi đến Đại Học Thanh Hoa lánh nạn, nhưng còn khoảng trăm người vẫn cứ ở lại Quảng Trường. Đại Vệ muốn đi tìm Thiên Nghi để đưa cô nàng đến chỗ an toàn, nhưng Thiên Nghi không đồng ý, cứ muốn ở lại Quảng Trường. Một vài sanh viên đem bút mực ra kẻ lên vách đá những chữ:"Ngày 4 tháng Sáu là ngày đen tối nhứt của lịch sử Trung Quốc..."

 

Thình lình, Đại Vệ nhìn thấy ở hướng Tây-Bắc Quảng Trường một chiếc xe bọc thép xuất hiện. Chiếc xe tông vào một ụ chắn mà nhơn dân đã dựng lên phía đại lộ Trường An. Một tốp sanh viên chạy tới, ném đá và bom xăng làm cho chiếc thiết giáp bốc cháy. Đại Vệ thúc hối Thiên Nghi:

- Mau lên! Có chiếc thiết giáp đang tìm đường tiến vào Quảng Trường kìa.

Hai đứa cấm đầu chạy một đỗi ngừng lại thì Đại Vệ trông thấy quân lính đứng đầy trên thềm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Trung Quốc.

 

Một nhóm dân cư, tay cầm gậy gộc, chai bia định ném vào quân lính trước Viện Bảo Tàng. Đại Vệ lên tiếng yêu cầu đồng bào nên bỏ gậy gộc xuống và áp dụng phương pháp kháng cự ôn hòa. Thiên Nghi đề nghị anh chị em sanh viên đồng ca bài hát quân đội giải phóng nhơn dân, "Ba quy định kỷ luật và Tám điểm chú ý".

 

Ngay lúc đó, một quả đạn soi sáng được bắn lên không trung đen như mực. Ánh sáng chập chờn tỏa ra như lửa ma trơi rọi đường cho những hồn ma thấy đường đi xuống cõi âm. Một tiếng súng nổ ở hướng Đông-Bắc Quảng Trường, vang dội vào những bức tường của Viện Bảo Tàng. Hàng ngàn quân lính bên ngoài Viện Bảo Tàng cứ đứng yên, không phản ứng gì với tiếng nổ, đứng chùm nhum lại trên thềm nhà, như những con vơi màu xanh bộ đội.

 

Đại Vệ lẩm bẩm, cả người rung lên vì sợ hãi:

- Như vậy là xong rồi! Tiêu tùng thôi!

Nó định đưa Thiên Nghi chạy tìm chỗ trốn, nhưng chưa kịp thì một đám đông cuống cuồng từ hướng súng nổ chạy tới xe cứu thương, đậu bên ngoài lều cấp cứu. Một người bị thương, máu me từ đầu đến chưn, được đưa đi bằng xe đạp. Một người trẻ hơn, máu me đầy bắp đùi, đi bên cạnh chiếc xe đạp. Anh ta được đưa tới xe cứu thương, vừa lắc đầu quầy quậy vừa la ó:"Mấy người thấy chưa? mấy người thấy chưa?", rồi nhắm mắt, sau đó im hơi lặng tiếng.

 

Ai đó la lên ầm ỷ:"Bọn đồ tể, giết người! Tại sao lại trở súng giết hại đồng bào? Trời Phật sẽ trừng phạt bọn bây!" Một nhóm người khác kéo nhau chạy tới Viện Bảo Tàng, ném đá và chai bia vào đám lính ngồi ở bực thềm. Quân lính xôn xao định trả đũa thì ông đại tá khoát tay ngăn cản nên lính tráng đứng im.

 

Bỗng nhiên có ba người lính bị quần chúng thịnh nộ ruợt đuổi, từ phía đại lộ Trường An chạy về hướng Viện Bảo Tàng. Một người bị té xuống đất, hai người kia tiếp tục chạy tới Viện Bảo Tàng. Quân lính phẫn nộ sẵn sàng đánh trả dân chúng đuổi theo. Bốn người sanh viên đứng gần đó đỡ hai người ngã té lên, một vài người dân nổi giận, cuối xuống đấm cho anh ta một cái làm văng cả nón sắt.

 

Một chú nhỏ chừng mười tuổi chạy ngang qua chổ Đại Vệ và Thiên Nghi đứng. Thiên Nghi định dừng nó lại, nhưng thằng bé vuột được, tiếp tục chạy đến Viện Bảo Tàng. Vừa chạy vừa la:"Anh tôi bị bắn chết rồi!" Một đám đông cầm cây và thanh sắt chạy theo sau nó. Cuối cùng, Thiên Nghi giữ được thằng nhỏ lại. Một vài chị sanh viên bao quanh ông đại tá, chuyện vãn và yêu cầu ông cho lịnh lính tráng đừng nổ súng.

 

Một vài sanh viên phải trái với quân lính:"Quân đội nhơn dân phải thương dân! Nhơn dân Trung Quốc lẽ nào lại bắn đồng bào!" Thiên Nghi tới gặp ông đại tá phân trần:

- Chúng tôi là sanh viên đại học Bắc Kinh. Chúng tôi áp dụng chánh sách không đối kháng. Ông cũng thấy chúng tôi vừa mới giúp đỡ người lính của ông ra sao rồi.

Đại Vệ góp thêm:

- Nếu các ông bắn chúng tôi thì lịch sử chẳng bao giờ tha thứ.

Quan đại tá cuối mặt làm thinh. Ngay lúc đó, thăng bé trông thấy chiếc xe ba bánh qua ngang, có anh nó nằm trên đó nên nó chạy theo.

 

Một bạn sanh viên lượm được một cây súng tiểu liên của lực lượng võ trang, đem giấu trong lều. Với cây súng đó, anh định thành lập tiểu đội cảm tử quân bí mật. Nếu đội cảm tử quân đó hoạt động thì quân đội sẽ mở cuộc thảm sát dữ dội. Dư luận chung là chớ nên khêu khích bạo động vì tay không làm sao chọi lại với súng ống của lực lượng võ trang.

 

Một tràng súng tiểu liên khá dài nổ lên ở hướng đại lộ Trường An, một loạt nổ đinh tai nhức óc. Hoảng hồn, Đại Vệ và Thiên Nghi đứng yên. Tiếng súng im đi. Đám đông la ó tức giận và phản đối. Một người nào đó bồng xác mềm nhũng của cậu bé vừa gặp lúc nãy, máu ra dầm dề, dường như sắp chết. Quân lính và chiến xa đã khóa chặt con đường Trường An ở góc Đông-Bắc Quảng Trường. Một nhóm người nằm mọp, núp sau bức tường nhỏ. Vì họ ở trong tầm súng nên họ phải nằm bẹp xuống núp. Có lẽ phen này là màn chót của cuộc tấn công. Ngóng trông hay chẳng thèm mong đợi, chung cuộc cái gì phải đến rồi cũng đến!

  (Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.