.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (21)
 

Trời đã nhá nhem tối trên Quảng Trường. Sanh viên dự tính triệu tập một phiên họp đại diện các trường đại học, có mặt tại Quảng Trường, để bàn luận xem nên ở hay phải rời khỏi Thiên An Môn. Nhơn cơ hội này, một số bạn bè, có liên hệ đến phong trào tuyệt thực, gặp lại nên đã trao đổi nhau những lời phê phán.

 

Giờ đây nhóm lãnh đạo tuyệt thực đã giải thể, sanh viên rút kinh nghiệm từ sự kiện đã qua. Nào là những người lãng tránh trách nhiệm, trốn nhiệm vụ đi tìm chỗ ngủ, nào là một số sanh viên đã họp mật với nhau trên xe buýt con và quyết định bỏ trốn khi nghe quân lính sắp đổ bộ, nào là một số người lãnh đạo phong trào chia chác tiền tặng dữ,... toàn là những chuyện làm ô danh những người gọi là tranh đấu!

 

Đại Vệ nghĩ rằng nếu những sanh viên khác trên Quảng Trường biết được phiên họp mật đêm đó thì tệ hại vô cùng. Chia nhau tiền bà con yểm trợ phong trào rồi đào tẩu thì còn ai tha thứ được! Gọi là đứng ra tranh đấu cho tự do dân chủ, trong khi tuổi đời còn trẻ mà làm những chuyện như vậy là nghĩa lý gì? Thái độ đó làm cho những cặp bạn bè trai gái phiền hà nhau không ít.

 

Vậy mà cũng còn có những luận điệu để biện bạch. Người ta lập luận rằng thụt lùi nhứt định đâu phải là dấu hiệu của thất bại. Như người đánh cờ, khi tiến, lúc lùi thôi. Nhưng, một khi đã vào Quảng Trường rồi thì không thế nào thối lui được. Không còn lối thoát nào hết. Chẳng khác nào như một cái bẫy, trước mắt mọi người. Không còn có một sự lựa chọn nào hết, phải ở lại và chiến đấu đến cùng.

 

Trên Quảng Trường, thiên hạ đông nghẹt, quân lính chưa thấy xuất hiện làm cho sanh viên phải bối rối, không ai biết phải xử sự ra làm sao. Có tiếng hô hào trên loa:"Lý Bằng là tên đồi bại, thối nát, một tên ngu dốt, bất tài. Chẳng bao lâu nữa hắn sẽ mất chức." Đám đông phụ họa theo:"Trước tiên hãy bắt Lý Bằng, rồi sau đó là Đặng Tiểu Bình. Hai tên này bị đào thảy thì thế giới sẽ hòa bình." Có người muốn ngưng những khẩu hiệu vừa phát qua loa nói trên vì có vẻ nặng mùi khuynh đảo. Sanh viên đến đây không phải để lật đổ chánh phủ.

 

Cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Những sanh viên rời bỏ Quảng Trường lúc sáng sớm, vì sợ quân đội tấn công, bây giờ đã trở lại, áo quần xốc xếch, thái độ ngượng ngùng bẽn lẽn. Ai nấy cũng nghĩ rằng nhà nước không định dẹp sanh viên, nhưng không ai nói ra. Các đoàn thể sanh viên trên Quảng Trường tăng cường nhơn số bảo vệ để lo an ninh trên Quảng Trường.

 

Trong khi Đại Vệ lo bố trí số người bảo vệ của trường thì một số người, có lẽ của nhà nước, lôi nó xuống chưn Bia Kỷ Niệm và một người định cho nó một quả đấm vì Đại Vệ định đẩy anh ta đi.

- Bia Kỷ Niệm này là của nhơn dân Trung Quốc, bọn mày quyền hành gì mà định chiếm lấy?

Đuối lý nên Đại Vệ không biết phải ăn nói làm sao, đành bỏ qua.

 

Sanh viên dự tính hình thành một mạng lưới an ninh trên toàn thành phố. Mỗi trường đại học có toán an ninh riêng. Các con đường lớn của thủ đô đều có nhơn viên an ninh của sanh viên. Sanh viên in truyền đơn chỉ trích lịnh thiết quân luật, đem rải ở nhà ga và ở phi trường, hy vọng truyền đơn đó sẽ được mang đi cùng khắp đất nước Trung Quốc và cả ở nước ngoài.

 

Đại Vệ nghĩ rằng Quảng Trường này chẳng khác nào môi trường của những người điên, nếu như Thiên Nghi không quyết tâm ở lại đây thì nó đã bỏ đi mấy ngày nay rồi. Nó đã đưa Thiên Nghi về nhà nghỉ và ngủ được một chút rồi thức dậy, Thiên Nghi lại đòi ra Quảng Trường nên nó thấy có bổn phận phải ở lại với cô nàng. Nghe Đại Vệ tâm sự như vậy, một người bạn của nó nói đùa:

- Chớ không phải mày sợ nó bỏ mày, chạy theo thằng khác hả?

 

Đại Vệ nằm hiu hiu ngủ thì có người trao cho nó một bức điện của người em đánh đi từ Thành Đô (Tứ Xuyên) cho hay:"...Hôm nay, sanh viên của mười lăm trường đại học Thành Đô đã biểu tình dưới mưa để phản đối hành động đàn áp của quân đội ở Bắc Kinh. Tụi em khiêng mười một cái hòm để vinh danh cho mười một sanh viên tự thiêu trên Quảng Trường Thiên An Môn..." Đại Vệ nghĩ thật buồn cười, từ thủ đô đến Thành Đô mà tin tức méo mó đến dễ sợ! Làm gì có tự thiêu và quân đội đâu đã đàn áp?

 

Đoàn sanh viên Hồng Kông đưa cho xem một tờ báo của nơi này cho biết hàng triệu người biểu tình tuần hành trên các đường phố để ủng hộ sanh viên Bắc Kinh. Trong khi đó sanh viên trên Quảng Trường lại tính chuyện rút ra khỏi Quảng Trường!

 

Giờ đây, trên Quảng Trường chẳng còn bao nhiêu người có khả năng thúc đẩy sanh viên hành động! Trong khi sanh viên cần phải kiên quyết, cần phải can đảm, cần phải vững tinh thần, cần phải bền chí, cứ ở tại Quảng Trường cho đến khi nào quân đội đổ bộ. Đại Vệ lập luận hồi năm 1987, nhà nước đưa công an ra để đàn áp biểu tình, nhưng giờ đây họ lại phái quân đội tới, như vậy là có chiến tranh rồi!

 

Đại Vệ nhìn quanh Quảng Trường, phiền muộn nghĩ rằng giờ đây không còn bao nhiêu lời phát biểu hăng say hoặc những cuộc tranh luận hùng hồn như buổi ban đầu của phong trào! Một vài sanh viên ngồi quanh quẩn, cùng hát theo những băng ghi âm nhạc kích động của Đài Loan, nhưng phần đông những người còn lại nằm dài ra đó đấu láo với nhau.

 

Một sanh viên đầu đàn tuyên bố rất hào hùng:"Nếu như quân đội kéo đến đây, chúng ta cứ ngồi yên. Họ có thể sẽ tung lựu đạn cay, nhưng đâu phải như vậy mà chúng ta phải bỏ chạy. Họ có dám vận dụng đến lưỡi lê không, tôi nghĩ là không. Họ có thể sẽ sử dụng dùi cui điện, chớ làm gì tới lưỡi lê." Nhưng, hình như anh ta quên rằng hai mươi bốn giờ trước đây, anh ta đả phân chia tiền người ta ủng hộ sanh viên cho các cấp lãnh đạo sanh viên, rồi bỏ chạy trong hốt hoảng. Một sanh viên khác đứng lên phát biểu:

- Thưa anh, anh đã thay đổi lập trường như thay áo. Anh cứ đưa ra kế hoạch này, chương trình kia, nhưng chưa có khi nào anh can đảm thực thi! Chỉ vì anh nhiều tuổi hơn chúng tôi nên chúng tôi nghe lời anh, nếu không thì còn lâu.

 

Giờ đây, trên Quảng Trường quần chúng đã lơ thơ, chẳng còn lại bao nhiêu, người ta có thể nhìn thấu qua Quảng Trường, từ đông sang tây và từ nam lên bắc. Một vài toán sanh viên tiếp tay với những phu quét đường, dọn dẹp rác rưỡi, cho vào bao nhựa. Dẫu cho xe điện ngầm đã chạy lại, nhưng chẳng có bao nhiêu cư dân đến để hậu thun như trước kia. Sanh viên các tỉnh cũng bớt về thủ đô để ủng hộ phong trào, còn những sanh viên đã về thủ đô trước kia thì đã khởi sự rút đi.

 

Có tin là người của công ty chuyển vận đến yêu cầu sanh viên giải tỏa các xe búyt để họ lấy về. Cần để cho công ty đem xe đi, nếu quân đội có kéo tới thì kẹt cho họ. Loa lên tiếng yêu cầu sanh viên rời những xe buýt ngay để trả xe lại cho công ty. Qua một nhà báo đã hỏi Đặng Phát Phương, người con trai bại sụi của Đặng Tiểu Bình, nghĩ thế nào về cuộc biểu tình của sanh viên, thì Đặng Phát Phương nói rằng:"Trên có trời, dưới có đất, ai tìm cách đảo lộn thứ tự thiên nhiên đó sẽ phải chết."

 

Như vậy là chánh phủ nghĩ rằng sanh viên đang tìm cách lật đổ họ nên quyết tâm đàn áp sanh viên. Vì vậy cho nên một số sanh viên nghĩ rằng nên cuốn gói trở về trường. Nhưng cũng có luận điệu trái ngược lại, cho rằng chưa chi đã đầu hàng là nghĩa lý gì, và đây là thời điểm sau cùng, sanh viên nên làm áp lực để Đảng cộng sản phải trao quyền hành lại cho nhơn dân. Chỉ có những người dũng cảm mới chiến thắng. Dĩ nhiên là sanh viên không làm sao chống cự lại hai trăm ngàn quân lính, nhưng nếu bây giờ trở về trường thì sanh viên sẽ phân tán, như vậy nhà nước sẽ dễ bắt giữ hơn.

 

Thình lình có năm chiếc trực thăng bay qua Quảng Trường, thấp đến đổi như sắp đụng đỉnh cao của Bia Kỷ Niệm. Ai nấy đều hoảng hồn. Nền đất rung rinh, chẳng khác nào lớp không khí bên trên đè nặng xuống. Thiên Nghi ló đầu ra ngoài cửa sổ, với tay lấy máy ảnh nhưng run quá nên không làm sao mở được khoá kéo để lôi máy chụp hình ra. Sáng sớm hôm đó, loa đã đề nghị sanh viên nên thả diều giấy hoặc thả bong bóng bên trên Quảng Trường để chống lại trực thăng thả quân lính xuống. Nhưng máy bay chỉ làm một vòng, xong thả truyền đơn rồi bay đi mất dạng. Sanh viên đổ xô ra Quảng Trường, cố gắng thâu lượm được bao nhiêu truyền đơn hay bấy nhiêu.

 

Xế chiều, lại có tin đông đảo quần chúng tụ tập bên dưới cổng Thiên An Môn vì có ba người vừa liệng vỏ trứng đựng mực vào bức chân dung của Chủ Tịch Mao. Đám đông rất ồn ào, không khéo lại xảy ra gây gỗ om xòm. Tin đó làm cho mọi người sửng sốt và nghi ngờ thủ phạm là kẻ kích động, cố tình bôi xóa hình ảnh Mao lãnh tụ, làm cho nhà nước có lý do đàn áp sanh viên.

 

Người ta đổ xô đến xem bức ảnh bị phá hoại ở cổng Thiên An Môn. Dung nhan của Chủ Tịch Mao lốm đốm mực đỏ, mực đen. Một đốm to nằm giữa cặp chưn mày, chảy dài xuống tới miệng. Nhưng bức tranh quá to nên vết mực không làm giảm dáng điệu oai hùng của ông Chủ Tịch. Nhiều nhóm sanh viên và dân chúng Bắc Kinh đứng bao quanh bức tranh để xem. Một số người ca ngợi hành động ném mực đó, những người khác lại cho rằng hành động như vậy là đần độn liều lĩnh, nhưng hầu như người nào cũng bận chụp hình bức ảnh lọ lem kia nên chẳng ai nói gì.

 

Ban bảo vệ của sanh viên đã bắt giữ hai trong số ba thủ phạm trong chiếc xe buýt đậu bên ngoài viện Bảo Tàng Lịch Sử Trung Quốc. Hai người đó không phải là sanh viên, căn cứ theo chứng minh nhơn dân của họ. Sanh viên thấy cần phải họp báo để nói rõ rằng sanh viên không có liên hệ gì đến những thủ phạm hết, rồi giao giải họ cho công an.

 

Sanh viên cho hai thủ phạm biết rằng hành động của họ làm hại đến phong trào của sanh viên, tạo điều kiện cho nhà nước đàn áp sanh viên. Hai người đó nói là không ai thúc đẩy họ làm như vậy, tự ý họ thôi. Họ là người quê quán tỉnh Hồ Nam, sanh quán của Chủ Tịch Mao. Họ muốn biểu lộ nỗi tức giận của họ về những tội ác mà Mao đã bắt nhon dân Trung Quốc phải gánh chịu. Một sanh viên nói:

- Động cơ thúc đẩy các anh là đúng đắn, nhưng hành động của các anh làm cho dân chúng chống đối lại chúng tôi. Nhiều người dân đến đây ủng hộ sanh viên chúng tôi còn nêu cao hình ảnh Mao Trạch Đông, vì ông ấy vẫn còn là thần tượng của họ.

- Chúng tôi có trao cho các anh một bản tuyên ngôn, nhưng các anh không chịu đưa lên loa, nên chúng tôi phải hành động trực tiếp.

- Chúng tôi không thể nào phát ra những luận điệu chỉ trích Mao trong lúc này được. Chúng tôi muốn tìm cách ngăn chận quân đội, không để họ tiến vào đây. Mà những người lính chờ để tiến vào thành phố rất tôn sùng Chủ Tịch Mao. Họ sẽ điên tiết lên nếu họ nghe chúng tôi chỉ trích Mao.

 

Một phóng viên Truyền Hình Trung Ương tỏ ý muốn phỏng vấn hai người bôi bẩn ảnh Mao Chủ Tịch. Sanh viên cho là đúng lúc để cho thiên hạ biết rằng không phải sanh viên đã có hành động xấu xa đó. Qua phỏng vấn, người ta được biết rằng những người bôi bẩn hình ảnh của Mao Trạch Đông, từ Hồ Nam đã đến Bắc Kinh một ngày trước khi tình trạng thiết quân luật được ban hành. Họ hăng hái gia nhập phong trào tranh đấu của sanh viên, nhưng bị hụt hng ngay vì thấy phong trào đã đi lệch hướng. Công cuộc tuyệt thực không đạt được kết quả nào cả. Họ thấy cần phải có những hành động tích cực hơn nữa nếu muốn tiếp tục đòi hỏi cải cách chánh trị. Kế hoạch ban đầu của họ là định gỡ bức ảnh xuống, nhưng vì ảnh đã gắn chặt vào tường...

 

Một lúc sau, ban bảo vệ sanh viên gặp người thứ ba, trong số những người bôi bẩn chân dung của Mao Trạch Đông, bị một toán bảo vệ khác bắt giữ. Sau một hồi bàn tính, các sanh viên đưa ba người đó đến đồn công an trên Quảng Trường.

 

Sau khi giao ba người ném mực vào ảnh chân dung Mao Trạch Đông cho công an Quảng Trường, Đại Vệ cùng với một số bạn bè quay trở lại chiếc xe buýt có gắn loa, được coi như "tổng hành dinh" của sanh viên trên Quảng Trường. Nửa đường, một cơn dông nổi lên mãnh liệt, cát bụi, giấy nát và rác rến tung bay khắp Quảng Trường. Vùng trời bên trên âm u với đám mây đen nghịt, nặng trĩu vì cơn bão mà nó đang cưu mang. Rồi thì sấm sét xé nát không gian, mưa tuôn xối xả. Khi bọn họ tới nơi thì xe buýt đầy cứng, không tài nào xen vào được để tránh mưa.

 

Có ai đó la lên cho rằng cơn mưa hung bạo này là một cơn giận dữ của Mao. Chỗ buồn cười là thanh niên cộng sản mà cũng tin tưởng dị đoan! Đại Vệ quay người nhìn lại bức chân dung của Mao, giờ thì đã được phủ kín bằng một tấm vải lớn. Đại Vệ thấy rợn người với ý tưởng về hành động trả thù của Chủ Tịch Mao, khi nó nghĩ rằng xác chết của Mao còn nằm chình ình trong lăng giữa Quảng Trường.

 

Một bầu không khí đầy đe dọa lan tràn khắp Quảng Trường, trời lạnh và tối đen. Trước nay chưa bao giờ thấy như vậy, dẫu cho trong những ngày bão tố to lớn. Nhưng chỉ vài ba phút sau đó, mây đã bay đi hết, trời lại quang đảng. Lòng bàng hoàng kinh ngạc, sanh viên bắt đầu lang thang đi đến chỗ tranh chân dung Chủ Tịch Mao, mà nhà cầm quyền vừa thay cái mới.

 

Độ một giờ sau, một cuộc biểu tình tuần hành khổng lồ của quần chúng Bắc Kinh kéo tới Quảng Trường, vừa đi vừa la to những khẩu hiệu ủng hộ sanh viên. Bầu không khí trên Quảng Trường bắt đầu trở lại như cũ. Bà con quanh Quảng Trường trao cho mười thùng dù và áo đi mưa. Sanh viên chia nhau những món quà đồng bào vừa gởi tặng trong một buổi chiều đẹp nắng.

 

Người ta cảm thấy tổ chức sanh viên hơi lỏng lẻo, chẳng có hệ thống điều hành gì hết, mạnh ai nấy làm, đánh võ tự do! Nếu đâu ra đấy thì làm gì có chuyện đem ba người phá ảnh Mao Trạch Đông giao cho công an Quảng Trường. Người ta cứ quanh quẩn chuyện rời Quảng Trường hay ở lại cố thủ, chẳng ai quyết định ra làm sao hết.

 

Nhận thức được tình hình thiếu sót và sơ hở đó trong tổ chức, một người sanh viên tự ý đưa ra một tờ giấy ghi rõ danh tánh những thành viên của cái gọi là Ban Chỉ Huy Thường Trực Bảo Vệ Quảng Trường. Tuổi trẻ là như vậy, đấu tranh đòi tự do dân chủ, mà làm việc thì cứ quan liêu, cửa quyền! Người ta chuẩn bị sắp xếp đội ngũ như sẵn sàng một trận đánh lớn chống lại đà tiến chiếm của quân đội, trong tình hình thiết quân luật.

 

Trong số thành viên của ban thường trực đó, một số người có cha bị cộng sản giết chết hay bị đày đọa trong Cách Mạng Văn Hóa hay trong những trại lao cải. Giờ thì họ nghĩ rằng đây là cơ hội để đứng lên và phản đối, để tìm được cái tuyệt vời vì dịp may không còn trở lại nữa. Phải làm sao cho con người cảm thấy an toàn ở bất cứ nơi nào, không còn phải ngày đêm thấp thỏm lo sợ công an mật vụ. Đất nước gì mà nhà ở của mình chẳng có chút riêng tư, cứ mở toang ra như một công viên, ngày đêm cứ bị công an dòm ngó. Phải làm sao có một đất nước trong đó mỗi người đều cảm thấy an toàn, mỗi người có được chút riêng tư.

 

Xa xa, tiếng loa lại ầm ĩ vang lên:"... Tôi là Tổng Chỉ Huy Lực Lượng Bảo Vệ Quảng Trường... Tôi muốn động viên từng người Trung Quốc trên thế giới để chống lại thiết quân luật. Nếu sau bốn ngày mà nhà nước không áp đặt được thiết quân luật thì mười ngày sau cũng không được, một năm sau hoặc một trăm năm sau cũng không!" Cứ đao to búa lớn như vậy thôi. Hãy chờ xem, khi cờ đã tới tay!

 

Thế rồi có một vụ tranh giành quyền lực trên Quảng Trường, giữa đoàn thể sanh viên này với đoàn thể sanh viên khác, thậm chí với đoàn thể nhơn dân Bắc Kinh. Tập thể nào cũng muốn chiếm trạm phát loa để đưa tiếng nói của mình lên, như là tiếng nói chánh thức, tượng trưng cho uy quyền của đoàn thể mình! Rốt cuộc lại, tập thể nào đông người là tập thể đó thắng.

 

Hoàng hôn bắt đầu sập xuống. Toán công an chìm đứng lên và lần lượt kéo ra khỏi Quảng Trường. Quần chúng trên Quảng Trường ồn ào và hối hả như đám đông tụ tập bên ngoài đền chùa trong lễ hội mùa xuân. Nhìn quanh quẩn, vô tình Đại Vệ nhận ra Lỗ Lộc, cô bạn gái đầu đời của nó, thời trung học. Đại Vệ len lỏi qua đám đông để tiến tới gần và gọi Lỗ Lộc:

- Trời, thiệt là bất ngờ gặp được em ở đây! Hôm nọ, trong một cuộc biểu tình tuần hành, em có đưa cho anh một chai Coca, anh tự hỏi không biết em có nhận ra anh hay không? Sao không thấy em nói gì hết.

- Vì đông người quá.

- Nghe nói em có mở quán ăn đâu đây?

 

Đại Vệ mơ màng tưởng nhớ một quãng đời dĩ vãng. Gương mặt ngày nay của Lỗ Lộc có đôi chút thay đổi so với năm nàng lên mười lăm. Mái tóc mới lạ, mượt mà của nàng bay bay theo làn gió nhẹ. Hôm nay Lỗ Lộc mặc áo màu đỏ tía, đeo sợi dây chuyền vàng. Nàng nói như than thân trách phận:

- Em không lanh lợi thông minh như anh, không được lên đại học.

- Thôi nói tới chuyện đó làm gì. Bạn học cũ gặp nhau là quý rồi. Mà chúng mình đâu phải chỉ là bạn học...

 

Đến đây, bỗng dưng Đại Vệ trở về với hiện tại. Nó không còn thấy vụng về lúng túng như những lần đứng trước mặt Lỗ Lộc xưa kia. Đại Vệ bình tỉnh hỏi Lỗ Lộc:

- Em có còn ghét anh như xưa không?

- Em đâu có bao giờ ghét anh. Em chỉ buồn về chuyện anh để cho em hứng chịu hình phạt về nhũng tội do anh gây ra.

Miệng Lỗ Lộc hơi mím lại trong giây lát, làm cho Đại Vệ nhớ lại những lúc Lỗ Lộc bồn chồn lo lắng mỗi khi hai đứa rủ nhau trốn đi chơi.

 

Đại Vệ tìm cách đánh trống lảng:

- Chúng mình tham gia phong trào đấu tranh này là đúng đắn. Cuộc chống đối này giúp chúng mình loại bỏ được mọi căm hờn ẩn ức trong lòng mình.

- Phong trào này là của nhơn dân, không nên coi đó là của riêng tư, vì những quyền lợi ích kỷ. Chúng ta đến đây là để diệt trừ tham ô nhũng lạm, không phải để trả thù lại những ai đã xúc phạm chúng ta.

 

Đại Vệ bị hụt hng nên không biết phải nói gì thêm. Nó cảm thấy bối rối như người đang đói, hăm hở bước vào tiệm mì để rồi được trả lời là đã hết mì. May thay, Lỗ Lộc nhanh chóng trám đầy sự im lặng khó chịu:

- Em phải đi đây, xin chào đồng chí sanh viên. Chúng ta sẽ có dịp nói chuyện nhiều hơn. Mỗi ngày, em đều đến Quảng Trường để phân phát bánh bao. Em thật lòng hy vọng sanh viên các anh làm thay đổi được đất nước này. Bọn em rất bất bình với cảnh nhà nước lúc nào cũng bắt nạt dân chúng.

 

Khi Lỗ Lộc đưa tay vén mái tóc về phía sau, Đại Vệ thoáng nhìn mớ tóc đen trong lòng bàn tay mà nhung nhớ chuyện ngày xưa. Mái tóc đó nhắc nhở nó cả một chuỗi dài thân thương của những ngày kỷ niệm đã qua từ lâu.

- Tiệm ăn của em ở đâu? Một ngày nào đó, có thể anh sẽ ghé qua ăn một bữa.

- Quán cà phê Lỗ Lộc, đối diện bịnh viện Phục Hưng, mời anh cứ tới, em sẽ giảm giá hai mươi phần trăm cho anh.

 

Nói xong, Lỗ Lộc bỏ đi cùng với mấy cô bạn. Đại Vệ nhìn theo đôi chưn thon nhỏ và đôi dài đen thấp cổ biến mất trong đám đông rồi thở dài. Nó nhớ lại lần đầu tiên Lỗ Lộc mua cây kem, và gương mặt rạng rỡ của cô bé khi người bán kem đưa cây kem cho cô. Khi nàng đứng trước ánh nắng đưa cây kem vào miệng, trông chẳng khác nào một thiên thần! Ôi kỷ niệm xưa, sao cứ quấy rầy tinh thần đấu tranh của tuổi thanh niên?!

 (Còn tiếp)

Phan Quân

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.