.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân


Cảo thơm lần giở trước đèn:


Bắc kinh, một thuở hôn mê (34)


 

Một hôm, Kiều Nga tới nhà tôi, cho biết rằng mẹ tôi đang đi tập Pháp Luân Đại Pháp ở công viên. Nàng hỏi tôi có muốn nghe nhạc không. Hỏi để mà hỏi thôi, vì nàng đã tự động mở máy thâu thanh, đang phát một bản tình ca thời thượng. Rồi, nhạc khúc đưa đẩy, nàng bắt đầu một vũ điệu vì tôi nghe bước chưn nàng chà xát sàn nhà và mấy chiếc vòng đeo tay của nàng khua nhau trong cử động và giọng nàng âm ư theo bản nhạc.

- Sung sướng chưa, có người biểu diễn vũ khúc cho anh, dẫu rằng anh chẳng thèm xem.

 

Tôi nghe hơi thở của nàng dồn dập, tôi hửi thấy mùi tóc và mùi da của nàng, có lẽ nàng đến rất gần tôi. Nàng cất tiếng hát theo lời ca trên máy thâu thanh, một lời ca nặng chất trữ tình:"Anh đến với đời em bất chợt, trong một chiều lạc lối thơ ngây. Em vẫn chưa biết anh là ai nhưng được anh âu yếm ân cần cũng làm cho em ngây ngất..." Kiều Nga vừa múa vừa hát, có vẻ nàng vui sướng lắm. Cho nên, tôi cũng thấy vui sướng lây và quên mất là mình đang trong cơn hôn mê.

 

Bài hát cứ tiếp tục với những lời lẽ nũng nịu yêu đương, trách cứ người con trai sao lại hững hờ, những lời lẽ vô cùng quyến rủ như thúc dục Kiều Nga tới cao điểm của yêu thương. Nàng tới nằm dài một bên tôi, thở dài như tiếc nuối, với bao nhiêu là giả thiết trong đầu. Qua làn hơi thở mạnh nhưng rối loạn, nàng tỉ tê:

- Nếu mà bọn đàn ông con trai đều như anh hết thì quá tuyệt vời. Anh thật là phi thường! Không khi nào đi hộp đêm, chẳng bao giờ léng phéng với đàn bà con gái!

 

Lặng đi một lúc, thở dài để bình tỉnh trở lại, rồi Kiều Nga nói tiếp:

- Đầu óc anh đang nghĩ gì, người gỗ của em? Em muốn tiết lộ với anh một chuyện bí mật riêng tư. Trong kiếp trước em là Phật sống. Từ đó, em là một đứa trẻ con, ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, trông chờ một lạt ma Tây Tạng đến để đưa em về tu viện cũ của em...

 

Tôi cảm thấy cặp mắt của Kiều Nga nhìn tôi đăm đăm. Hơi thở của nàng phà vào mặt tôi. Mùi thuốc lá và mùi rượu trong hơi thở âm ấm của nàng kích thích tế bào thần kinh trong mũi tôi, khi tôi hít vào. Tôi có cảm giác như hơi thở của hai chúng tôi hòa quyện lấy nhau, khơi động trong óc não của tôi hình ảnh một nụ hôn âu yếm.

- Thật là chán, anh chẳng nhìn thấy được vũ điệu của em dành cho anh.

Trong khi đó điệu hát trong máy thâu thanh cứ bay ra "... đừng nói là anh chẳng hay biết gì, khi em dâng hiến tình yêu tha thiết cho anh..." Bỗng nhiên, tôi nhận thấy tiếng nói của Kiều Nga hôm nay có một âm sắc thiên sứ tuyệt vời.

 

Nàng cởi đồng hồ tay ra, nhét dưới gối nằm của tôi. Bàn tay nàng mát hơn làn da của tôi. Khi nàng vuốt qua da bụng, tôi có cảm giác như một trận mưa rào rơi rớt trên vùng đất khô cằn và nóng bỏng. Nàng dở tấm đắp trên người tôi ra, lưỡng lự hồi lâu, hơi thở dồn dập... Tôi cảm thấy chỗ kín trên người tôi đang bị soi mói và mân mê. Rồi bên trong của tôi trở nên khác thường, một sự khác thường kỳ lạ, một chút sống động trên một thân cây của đời sống thực vật. Thật là quái gở và mâu thuẫn! Cái sống trong cái chết.

 

Ánh sáng bên ngoài mí mắt nhắm nghiền của tôi biến đâu mất, khoảng trống biến thành tối đen, cả một khối thịt xương đè lên người tôi, đưa tôi vào cõi mịt mù trời đất... Tôi như nằm trên chiếc thuyền tam bản bình bồng trên sóng nước, lắc lư. Người tôi nóng lần, nóng lần và toàn thân xác tôi như bị bó dây leo của một cây cổ thụ quấn chặt, vuốt ve, mơn trớn. Rồi hồn tôi như lìa xa thân xác, bay vào cõi vô tận đê mê... Tôi lẳng lặng lắng nghe tâm hồn tôi xa vắng, rồi đến gần, trong cõi chân không huyền diệu, cho đến khi tiếng tích tắc, ở cái đồng hồ của Kiều Nga bỏ quên dưới gối nằm, kéo tôi trở lại với thực tế.

 

Kiều Nga đả ra đi tự lúc nào, trong khi mẹ tôi trở về bật máy thâu thanh và hỏi trổng không:

- Kiều Nga đâu rồi, cô ấy nói đợi tao về mà?

Tôi ước gì mẹ tôi đừng làm ồn lên, để cho tôi tận hưởng cái khoan khoái trong tôi, kẻo nó chạy mất chẳng bao giờ trở lại nữa. Tôi mơ màng thấy bước chưn Kiều Nga dẫm lên tuyết trắng ngoài kia chưn trời, trong khi bão tuyết nổi lên rần rộ, phản ảnh một cõi lòng hào hứng của một cuộc tình hả hê.

 

*  *  *

 

Sáng ra, mẹ tôi đã bắt điện thoại nói chuyện với bà Hạo đằng Ủy Ban Nhơn Dân Phường. Mẹ tôi nói đủ thứ chuyện lung tung, lang tang, từ chuyện bồi hoàn chi tiêu y tế đến công ăn việc làm của con cái bà Hạo, chuyện xóm làng bị đập phá để gọi là cải tiến nhà ở, mở mang khu phố, chuyện phim tập truyền hình, chuyện cán bộ tham nhũng,... Vào thời tranh đấu của bọn tôi trên Quảng Trường Thiên An Môn hồi năm 1989, chỉ có vài ba trường hợp tham ô nhũng lạm bị đưa ra ánh sáng. Nay thì có vẻ tệ nạn đó đã lan tràn.

 

Đầu óc của tôi lại nhớ nhung Kiều Nga. Từ ngày nàng đem lại cho tôi những giây phút đê mê bất ngờ và kỳ diệu trong đời sống thực vật, ngỡ là mình đáng bị vứt đi, đến nay đã hai tuần lễ rồi mà không thấy tăm hơi của nàng đâu hết. Hồi đầu năm, nàng có điện thoại chúc Tết mẹ tôi cũng như tôi và có cho hay rằng nàng không đến được vì bận đứng bán cho một siêu thị.

 

Trong kỳ đến săn sóc cho tôi vừa rồi, Kiều Nga có kể cho tôi là có một đêm, nàng thấy ngồi trên xe lửa. Hành khách xung quanh nằm dài trên băng cây để ngủ. Nàng đi về phía đuôi toa. Khi nhìn qua cửa kiếng, nàng thấy một vừng trăng đang lững lờ bên trên chưn trời đen thui, bỗng dưng nàng thấy buồn vời vợi. Cuối cùng, nàng chấp nhận là sẽ đầu thai làm đàn bà và lạt-ma chẳng bao giờ tới để rước nàng đi... Năm mười lăm tuổi, Kiều Nga đi Tây Tạng, viếng thăm hết các tu viện, nhưng không tìm thấy nơi nào có kiếp trước của nàng.

 

Kiều Nga vào khoảng tuổi tôi, như vậy là ở kiếp trước, nàng chết đi vào khoảng cuối thập niên sáu mươi, và không thể nào chết trong một tu viện được. Vào thời kỳ đó, tất cả những cơ sở tôn giáo ở Tây Tạng đều bị quân đội Trung Quốc phá sập. Bất kỳ hậu kiếp của lạt-ma nào cũng chết lần chết mòn trong nhà tù hoặc phải đi lao động khổ sai ngoài đồng ruộng.

 

Cách nay mấy năm, Kiều Nga đi xem Cấm Thành và nàng thấy rằng đã có lúc nàng cũng đã sinh sống nơi đó. Nàng nhận ra được cái lược nàng đã sử dụng, cái gối nàng đã nằm, thứ gì nàng cũng thấy quen thuộc. Nàng dựa vào cây cột và khóc lóc thảm thiết. Nàng không muốn rời đi. Hết giờ thăm viếng, nhơn viên có trách nhiệm phải mời nàng ra về.

 

Nàng tìm trong sách vở thì thấy rằng trong kiếp trước nàng là Hoàng Hậu Văn Thành, thăng hà ở Tây Tạng, nên chi sau này nàng đầu thai thành lạt-ma Tây Tạng... Linh hồn kiếp trước của nàng thường về thăm nàng và báo rằng nàng sẽ làm được một điều gì trọng đại lắm. Nhưng, Kiều Nga tiếc rẻ than thân trách phận:

- Anh nghĩ coi, phận gái yếu đuối như em thì làm được gì? Thằng công an, bồ nhí của em theo đạo Phật. Lần đầu tiên gặp nó, em thấy ngay là, ở kiếp trước, nó mặc long bào của nhà vua. Nên chi, em thấy kiếp này em phải làm sao cho nó trở thành chủ tịch nước. Em nghĩ rằng với tất cả quyền năng của mấy kiếp trước, em có thể đưa nó tiến lên, nhứt định nó phải thành công. Nhưng tiếc thay, nó chỉ là kẻ ham vui, chỉ biết ăn chơi phè phỡn. Nó đi nhảy nhót hộp đêm và tắm hơi hầu như mỗi ngày. Em cho nó de luôn.

 

*  *  *

 

Tôi mong Kiều Nga trở lại để đem đến cho tôi chút ánh sáng mặt trời và chút không khí trong lành mát dịu. Nhưng tôi không nghĩ là nàng sẽ tái diễn màn tình ái lăng nhăng hôm nọ, mà một vài người đứng đắn có thể cho là hành động tình dục hư thân mất nết. Có lẽ cá nhơn nàng cũng tự thấy đã phạm phải sai lầm thiếu lành mạnh. Có lần Kiều Nga đã nói với tôi:"Mọi người ở đây đều có cái đầu hư hỏng và bịnh hoạn. Biết đâu, trong thành phố nầy chỉ có mình anh là lành mạnh." Có điều nàng chẳng nói ra là liệt chiếu, liệt giường như vầy thì tôi làm cách chi mà linh tinh được.

 

Đã một tháng hơn, Kiều Nga không đến nhà, mẹ tôi thắc mắc tìm mọi cách liên lạc với nàng, nhưng không được. Cả tuần qua, bà thử gọi nàng qua máy nhắn tin, nhưng nàng chẳng chịu trả lời, trả vốn gì hết. Như vậy là mẹ tôi thắc mắc, cằn nhằn, càu nhàu:"Mình có làm gì đâu mà cô ấy giận kìa? Tại sao cô ấy không tới nữa? Hay là tại tao mượn cô ấy đổ chai nước tiểu của mày? Nhưng đã là y tá thì cô ấy phải làm nhiều chuyện còn tệ hơn nữa.

 

Điện thoại reo, mẹ tôi vội vàng chụp máy nghe ngay, như chừng bà đang trông đợi một cái gì. Mấy ngày qua, bà vừa tìm được mối để bán quả thận của tôi. Giá tạm thời đã thỏa thuận là tám ngàn nguyên, người mối lái ăn một ngàn.

- Được rồi... Mai ông có thể tới lấy máu để thử nghiệm. Chừng nào họ mới trao tiền? Họ có thể nào tăng lên chút đỉnh không?

- Ít ra cũng phải hai tháng nữa mới có chuyện cấy ghép bộ phận vì còn phải xét nghiệm xem hai bên có tương hợp hay không. Về tiền bạc thì tôi nghĩ như vậy là được giá lắm rồi. Nếu bà bán trước Tết thì nhiều lắm là hai ngàn nhơn dân tệ vì vào dịp đó thì tử tội quá nhiều nên bộ phận thừa mứa...

- Tôi cần biết ngày để còn báo cho công an kẻo họ nghi là mẹ con tôi trốn đi mất.

- Bà chị khỏi cần lo, bọn cò mối lái bộ phận lắp ghép sẽ làm hết vì họ có ăn chia với công an. Nhờ vậy nên họ biết chừng nào có tội phạm đem đi xử tử.

 

Mẹ tôi có cho tôi biết là bà đã đuối quá rồi, không còn lo gì được cho tôi nữa. Bây giờ thì thân xác của tôi phải lo toan lấy. Tôi mong sao sẽ chết đi trong khi lấy thận, như vậy là đẹp vô cùng, cho mẹ tôi cũng như cho chính tôi. Dẫu cho tôi biết rằng Kiều Nga chẳng bao giờ trở lại nữa, tôi vẫn trầm mình trong hồi ức tràn trề diễm phúc của những lúc nàng đến thăm. Từng lời nói của nàng đều xoa dịu hệ thần kinh của tôi. Mùi thơm của thân thể nàng cứ lảng vảng đâu đây làm cho tôi ngây ngất vì sung sướng.

 

Nàng chắc không bao giờ tới đây nữa. Nàng đang ở đâu đó trong thành phố rộng lớn này, đâu cần quan tâm đến chuyện thể xác tôi mơ ước sự hiện diện của nàng để tắt thở chết đi trong đợt bùng lên cuối cùng với cơn tuyệt khoái.

 

Hôm đó, An Tề đưa người chồng tàn phế, chống nạng, đến chơi. Tuy vậy, anh chồng cũng lên được tới lầu ba. Anh ta gợi ý cho mẹ tôi:

- Sao bác không nhờ thân nhơn ở nước ngoài tìm kiếm xem có cách nào không? Nếu tìm được một chuyên viên nào muốn nghiên cứu những trường hợp giống như Đại Vệ, thì bác khỏi tốn tiền chữa trị.

- Ừ há, tại sao trước nay tôi không nghĩ đến điều đó. Để tôi nói với em của nó đang học bên Anh coi có làm gì được không?

 

Mới hôm qua đây, Đại Nho có nói là phải tốt nghiệp xong nó mới về Trung Quốc được. Nó vừa học vừa làm ngoài giờ cho một nhà hàng Tàu và có cô bồ người Anh. Suốt ba mươi phút nói chuyện với mẹ tôi, nó chẳng hỏi thăm tôi một tiếng nào hết! Tôi như là một kẻ đã chết!

 

*  *  *

 

Theo những mẩu chuyện của mẹ tôi trên điện thoại thì Đặng Tiểu Bình đã chết được năm ngày rồi, nhưng trên đài phát thanh nhạc lễ tang và truy điệu vẫn còn ra rả suốt ngày đêm. Đặng Tiểu Bình chết rồi, thằng cha cướp cuộc sống của tôi đã ngủm củ tỏi rồi! Nhưng lòng căm thù của tôi đối với gã đã chết từ lâu rồi.

 

Loạt phim truyền hình mười hai tập nói về thân thế và sự nghiệp của người chết tràn ngập màn ảnh nhỏ, đến độ chán ngấy. Tôi ước gì mẹ tôi tắt máy thâu hình cho rồi. Mao Đạt, bạn học cùng ký túc xá với tôi, điện thoại cho mẹ tôi hay là Hàm Đan đã được trả tự do và dự tính sẽ đi Huê Kỳ.

 

Tuần rồi, mẹ tôi có đọc lá thơ của Vương Phi, cho biết nhiều tin tức của các bạn học cũ. Sau cuộc thảm sát ở Quảng Trường, có hai đứa đã chạy thoát được qua Hồng Kông, rồi được tỵ nạn chánh trị ở Pháp. Tôi không hiểu tại sao chúng nó xin được tỵ nạn chánh trị ở Pháp vì tụi nó  có thèm quan tâm đến chánh trị bao giờ đâu, chỉ đem của thay người, đóng góp về mặt tài chánh.

 

Một người bạn khác, là một trong hai mươi mốt lãnh tụ sanh viên bị Trung Nam Hải chiếu cố nhiều nhứt. Thoát được mạng lưới lùng bắt, anh ta lẩn trốn cả năm, sinh sống trà trộn cùng nông dân ở miệt Hoa Bắc. Sau đó, anh ta vượt biên qua Liên Xô, băng qua những cánh đồng giá lạnh thênh thang của Xi-Bia và Đông Âu, để cuối cùng xin tỵ nạn ở Đức. Có lẽ nhờ trước kia hắn ta tập luyện chạy việt dã nên có thể vượt qua được hành trình dài đăng đẳng như vậy.

 

Mẹ tôi nói với Mao Đạt:

- Có thể sau lần kỷ niệm hằng năm lần thứ mười của cuộc thảm sát, tình hình chánh trị có phần nào bớt căng thẳng. Nhưng, trong lúc này tốt hơn hết là cháu khoan đến thăm nó. Vì ở bên Mỹ, Thiên Nghi đã nói với báo chí Huê Kỳ về tình trạng của Đại Vệ nên bác không được phép đưa nó ra khỏi nhà. Bác chỉ vừa vận động có được giấy phép đưa nó đi chữa trị ở bịnh viện Hà Bắc.

 

*  *  *

 

Quân y viện này nằm ở vùng ngoại ô tỉnh lỵ Hà Bắc. Những cơn gió nóng, xuất phát từ những cao ốc của thành phố, thổi vào hành lang bịnh viện, hòa lẫn với không khí ẩm ướt từ đồng ruộng, ùa vào trong phòng bịnh. Thời tiết đã vào đầu tháng Năm rồi, vậy mà hơi nóng đã làm ngộp thở. Cứ mỗi khi có cơn mưa là da thịt tôi lại nhơ nhớ Kiều Nga cùng với hương vị của nàng vương vấn trong phòng sau mỗi lần nàng đến thăm.

 

Mỗi lúc Kiều Nga đến với tôi thì tôi có cảm tưởng là có thể trông thấy được vùng trời và cuộc đất, cùng với những gì ở đó, nhà cửa, tiệm buôn, hiệu sách, rạp chiếu bóng,... Tôi như có thể sờ mó, nghe ngóng và thưởng thức mùi vị của mọi vật. Thậm chí tôi có thể chạy dọc theo con đường Trường An lần nữa và lãnh một viên đạn vào đầu.

 

Gian phòng của mẹ tôi và tôi nằm ở từng trệt. Ông chủ mỏ than giàu sụ, người sẽ mua trái thận của tôi, ở trong một phòng cuối hành lang. Ông ta trả cho bịnh viện một trăm năm mươi ngàn nguyên để lắp ghép, và cho mẹ tôi tám ngàn năm trăm tiền trái thận của tôi - chỉ thêm được có năm trăm nữa so với giá đã thỏa thuận ban đầu.

 

Tôi có thể nghe được bước đi của y tá ở từng trên. Đế giày cao su của họ chà xát lên nền nhà nghe dễ sợ. Như là họ giẫm những lá rau cải hư thúi. Mỗi đêm, một cô y tá đến tiêm cho tôi một mũi thuốc. Tôi phải nằm đây và phó thác thân phận mình cho định mạng, cũng giống như tên tử tội bị hành hình mà sanh viên chúng tôi đã mổ xẻ ở Đại Học Miền Nam trước kia.

 

Những cuộc thử nghiệm đã hoàn tất, bây giờ tôi chỉ còn nằm chờ các bác sĩ quân y đưa tôi vô phòng mổ và phanh thây tôi ra. Đêm đến, khi mọi người đã đi ngủ, tôi nghe muỗi mòng bay vo ve quanh các bóng đèn hoặc đâm sầm vào cửa kiếng.

 

Tôi nghe tiếng một chiếc máy bay xé không gian thật ồn ào. Mẹ tôi và nhiều người nữa bước vào, nồng nặc mùi rượu cồn.

- Cậu ấy có thẻ hiến máu không?

- Không có.

- Nếu có thì mỗi bọc máu bà chỉ phải trả có ba trăm nguyên, thay vì năm trăm.

- Nó cần bao nhiêu bọc cho ca giải phẫu này?

- Tối thiểu phải bốn bọc.

 

Mấy cô y tá cởi quần áo tôi ra, rồi rinh tôi qua cái cáng có bánh xe. Tôi cảm thấy lạnh vì da tôi chạm với miếng vải lót. Tôi nghe thấy năm sáu bàn tay sờ mó bụng và thắt lưng tôi. Rồi một tấm đắp được phủ lên người tôi và người ta đẩy tôi ra khỏi tòa nhà. Tấm đắp tuột qua một bên, đưa mặt và ngực tôi ra ngoài nắng. Các lỗ chưn lông của tôi mở ra nhanh chóng để hút lấy bầu không khí mát mẻ.

 

Nhưng, người ta lại đẩy tôi vào một hành lang khác. Lúc này, dường như cảm giác của tôi nhạy bén hơn. Tôi có thể hình dung cánh cửa cây mà cái cáng của tôi choảng vào và nền xi măng láng mướt. Hình ảnh đó rất sinh động trong đầu óc tôi, làm tôi có cảm tưởng như đang đi trong hành lang đó, hai mắt mở trao tráo.

 

Khi tôi được đẩy vào phòng giải phẫu có điều hòa không khí, các lỗ chưn lông của tôi bèn khép lại nhanh chóng. Một cô y tá lôi hồ sơ bịnh lý của tôi ra đọc:

- Nhập viện lần đầu ngày... – ngày tháng không đọc được - bị nghẽn mạch máu ở não. Nhịp tim chậm, nhiệt độ thấp. Sau khi mổ giải toả được động mạch thì vết thương trên đầu bị nhiễm độc...

- Bỏ đoạn đó đi. Xem lại đoạn gần đây nhứt.

 

Đương nhiên là bịnh án toàn bịa đặt. Mẹ tôi đã yêu cầu Kiều Nga viết lại. Người ta lật tôi nằm nghiên qua một bên. Có ba hay bốn người quanh tôi xét nghiệm thể chất của tôi.

- Có dấu lở loét gì ở thắt lưng không?

- Không, lớp da ở chỗ này coi lành lặn.

Bác sĩ và y tá lăng xăng lộn xộn lau rửa bằng cồn, làm sạch sẽ những chỗ cần thiết cho công tác của họ, trên người tôi. Họ kiểm loại máu của tôi, rồi y tá hỏi bác sĩ đã tới lúc gây mê chưa?

- Có lẽ khỏi cần vì anh ta trong tình trạng vô thức.

 

Người ta lấy cồn lau ở thắt lưng tôi lần nữa, rồi một mũi dao nhọn đâm vào da tôi rồi rạch những thớ thịt ra, tôi nghe như dao đâm vào thân cây chuối. Rung động thần kinh từ chỗ giải phẩu lên trung tâm óc não chắc đã tắc tị nên tôi không thấy đau đớn gì, nếu không thì làm sao chịu thấu. Người ta lấy bông gòn bít chỗ da thịt bị cắt. Máu đã ra nhiều và tràn lan ra ngoài.

 

Người ta lấy dụng cụ giải phẩu nhanh chóng kẹp các mạch máu lại. Tôi mất khá nhiều máu nên các mạch đã chùng lại. Dưỡng khí lên đầu tôi không đủ, nên tôi thấy mù mờ như một màn hình màu trắng của máy thâu hình mất làn sóng. Tôi có cảm tưởng như sẽ chết tới nơi rồi. Rồi đây, tôi có thể lìa khỏi thân xác tôi và hồn tôi sẽ ta bà thế giới... Tôi thấy một con thỏ run lẩy bẩy trên con đường băng giá.

 

Đột nhiên sức lực của tôi, vốn chẳng có bao nhiêu, biến lần khỏi thân xác tôi, như hơi khí thoát ra từ một cái bong bóng bị vỡ. Từ lúc những màn mỏng bao bọc quả thận của tôi bị cắt đứt, tôi thoáng thấy nét mặt của ba tôi đã chết từ lâu. Tôi nhanh chóng tìm cách xóa mờ hình ảnh đó ra khỏi tâm trí tôi. Tôi muốn hình ảnh cuối cùng nhìn thấy trước khi tắt thở phải là một cái gì thơ mộng và hứng khởi. Chẳng hạn như một chiếc xe đua phóng thật nhanh trên con đường dài thật dài, không một bóng người, như hồi cuối cùng của một đoạn phim rùng rợn.

 

Một cô y tá cho bác sĩ hay:

- Thưa bác sĩ, người ghép thận ở phòng bên kia đã sẵn sàng để tiếp nhận. Bác sĩ có thể đưa thận này qua trong vòng năm phút.

- Được rồi, một phút nữa, tôi sẽ sang bên đó.

Một cái kéo giải phẫu lạnh ngắt được đưa vào cắt đứt mạch máu dẫn vào thận và ống dẫn nước tiểu xuống bọng đái. Tất cả các đầu mối đều được kẹp chặt. Giờ thì trái thận của tôi đã sẵn sàng để lấy ra và đem sang lắp ghép cho người hưởng thụ ở phòng bên kia.

 

Tất cả bỗng nhiên tối sầm. Tôi muốn la to lên kêu gọi cấp cứu. Dường như tất cả máu đều dồn lên mặt tôi, tôi sẵn sàng để la, nhưng mối giao tiếp với vùng ngôn ngữ trong bộ não của tôi đã bị hư hỏng nặng nề nên tôi không làm sao la lên được.

 

Tôi như hoảng loạn, mơ màng thoáng thấy bộ xương cách trí của tôi bước ra ngoài đường phố. Tôi lẻo đẻo theo sau nó, hai bước chưn nhập làm một. Con đường mà tôi và bộ xương cùng đi thấy rất quen thuộc. Thì ra con đường mà ngày xưa tôi đi học. Tôi nhảy qua đường mương để rẽ vào chung cư thì bỗng dưng tứ bề đen thui. Bộ xương biến đi đâu mất.

 

Quả thận của tôi, như vậy là được bứng ra khỏi cái ổ ấm cúng và nhầy nhụa của nó đem đi nơi khác. Trong một vài giây nữa đây, nó sẽ chìm lần hồi như chiếc tàu ngầm vào thân xác của ông chủ mỏ than giàu sụ. Có lẽ nó sẽ cảm thấy sung sướng hơn vì được "ở đợ" nhà giàu sang phú quý, chớ không còn nằm trong thân xác của một thằng ốm đau liệt chiếu, liệt giường như tôi.

 

Giờ đây, cái hốc, đã từng ôm ấp trái thận của tôi, trống tuềnh trống toàng, không có thứ gì trám vào thay thế. Cần quái gì, bây giờ thì hồn phách của tôi có giả từ cái xác bịnh hoạn cũng chẳng sao. Cũng đúng với ý muốn của mẹ tôi. Nhưng cô y tá đã lanh tay khâu lại, như khâu một cái bao bố tời đựng gạo. Vậy là, Thần Chết mất khách vì tôi chưa chịu tắt thở. Nhịp tim tôi trở lại bình thường. Cái đống thịt bầy nhầy của tôi chưa chịu để cho tôi vĩnh viễn ra đi. Mẹ tôi lại buồn năm phút!

 

Tôi thoáng thấy đang chạy rượt theo ba tôi, rồi bổng nhiên lọt hố. Ánh sáng huỳnh quang trong phòng mổ làm cho gương mặt của người chết, cũng như những người sắp chết trông nhạt nhoè và chán chường. Không làm sao mà cảm thấy được một sự siêu thoát ở đây, hoặc giả nhìn thấy trước con đường đi lên cõi trên. Trong những căn phòng như vậy, cả sự sống và cái chết đều bần tiện và vô vị.

 

Mẹ tôi nôn nóng, vì thấy lâu quá. Bà đẩy đại cửa nhìn vào. Có lẽ muốn biết ý muốn của bà có được toại nguyện hay không.

- Ca mổ tốt đẹp, bà cứ chờ bên ngoài, khi nào cần sẽ mời bà vô.

Mẹ tôi dường như muốn hỏi điều gì. Nhưng, chưa kịp thì cánh cửa đã đóng sầm trước mũi bà. Tâm hồn mẹ tôi đâm ra rỗng không, mất phương hướng!

(Còn nữa)

 

Phan Quân


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.